Điện ảnh Việt rất giàu tiềm năng nhưng thiếu hấp dẫn với nhà đầu tư

Tin điện ảnh · MarsLe ·

Làm phim dở phim ẩu để giật tiền là giết chết chính cái nồi cơm của chúng ta một ngày không xa.

Việt Nam đã trở lại với cuộc sống bình thường hậu COVID-19, người ta đã nói nhiều đến các cơ hội mới cho một số ngành kinh tế, cũng như dự báo viễn cảnh ngắn và trung hạn không sáng sủa lắm cho một số ngành khác. Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, các nhà rạp gặp rất nhều khó khăn nhưng các nhà sản xuất phim Việt Nam có lẽ là ít bị ảnh hưởng hơn.

Không giống với ngành du lịch phụ thuộc phần lớn vào khách quốc tế, đối tượng của rạp chiếu là khán giả địa phương, vậy nên tương lai hồi phục là khả quan. Có điều là phải chờ những bộ phim bom tấn Hollywood quay lại, vì giờ khán giả dù muốn lên rạp nhưng nhìn danh sách phim đang chiếu thì lại chẳng biết xem gì. Chính thế mà mới thật đáng tiếc rằng chúng ta không đủ sức sản xuất để phim để lấp đầy khoảng chân không còn kéo dài này. Chưa từng có, và sau này cũng khó gặp lại, một mùa hè vắng bom tấn Hollywood như mùa hè 2020, một thị trường lẽ ra phải là “đại dương xanh” cho phim nội địa.

Hãy nhìn V-league, thế giới ghen tị với Việt Nam vì những khán đài kín chỗ như thế nào thì cũng thèm thuồng như vậy với những rạp chiếu phim rộng mở của chúng ta. Vậy mà, dù ngành điện ảnh Việt Nam ít chịu thiệt hại lớn, chúng ta cũng không có khả năng tận dụng thành công chung của đất nước trong việc đẩy lùi sớm dịch bệnh, và “biến nguy thành cơ” như Thủ tướng vẫn nói trên truyền hình. Hay đứng trên góc độ đầu tư mà nói, thì không lỗ quá nhiều tuy rằng không đến nỗi nào, nhưng chắc chắn vẫn là một thất bại.

Nội lực mỏng đến từ việc vẫn còn chưa nhiều phim điện ảnh Việt Nam được sản xuất đã đành, mà thực tế là nguồn vốn đầu tư còn bị phung phí phần lớn. Để cảm nhận được sự phung phí của ngành điện ảnh, hãy cứ đếm những bộ phim vừa thua lỗ về doanh thu vừa thê thảm về chất lượng. Mỗi bộ phim chiếu rạp hiện nay kinh phí trung bình trong khoảng 10 tỷ. Có thể thấy là rất nhiều nhà đầu tư đã đốt số vốn có tổng lên đến hàng trăm tỷ mà chẳng thu được bất cứ giá trị nào, dù là giá trị tinh thần.

Thật ra, nhiều cái chết hoàn toàn có thể dự báo được từ trước, đây là dựa trên kinh nghiêm của chính tôi. Vài năm trở lại đây, tôi có tư vấn cho một số nhà đầu tư và cuối cùng cũng tham gia đầu tư, vì vậy mà tôi có may mắn được tiếp cận với nhiều dự án từ sớm. Vì có chuyên môn, tôi chịu trách nhiệm thẩm định dự án và phải nói là không bao giờ dễ dàng để có thể xác quyết một dự án nào sẽ là dự án sinh lời. Còn dự án nào trở thành box office hit thì chắc chỉ có ông Trời mới dám chắc mà thôi. Thế nhưng việc chỉ ra những dư án nào khó có khả năng thành công, hoặc chắc chắn thua lỗ lại dễ dàng hơn rất nhiều. Thực tế là phần lớn thời gian, việc của tôi chỉ là giúp các nhà đầu tư tránh sụp phải những hố bẫy như thế. Để đơn giản hóa, xin đề ra một mô hình thang điểm đánh giá dự án phim thế này cho mọi người dễ hiểu:

  1. Nhà phát hành: 1/10 (nhà nào ảnh hưởng lớn thì điểm cao)
  2. Kinh phí đầu tư:1,5/10 (kinh phí càng cao thì điểm càng thấp)
  3. Above the line: 2,5/10 (diễn viên, đạo diễn có ảnh hưởng lớn thì điểm cao)
  4. Nội dung phim: 5/10. Trong đó:
  • chất lượng kịch bản: 3 (càng hay càng cao)
  • phù hợp thị hiếu: 1 (càng trendy càng cao)
  • thể loại: 0,5 (Hài là max điểm)
  • điểm gây tò mò: 0,5 (có điểm mới lạ, đặc biệt)

Đương nhiên là đánh giá thực tế phải tinh tế hơn, đặc biệt là phần kịch bản phải đọc kỹ và phân tích rất nhiều, nhưng đại khái có thể định lượng như vậy. Thử áp dụng vào một số phim thì có thể coi như tôi chấm điểm thế này (đây là điểm chấm thí dụ trên quan điểm để đầu tư, để dự báo khả năng thành công, chứ không nhằm đánh giá chất lượng của bộ phim, và cũng không có nghĩa là chúng tôi được tiếp cận với tất cả các dự án này nha):

  • Cha Ma: 1 + 0,5 + 0,7 + 0,5 + 0 + 0 + 0 = 2,7
  • Tấm Cám: 0,6 + 0,5 + 1,5 + 1,5 + 0,7 + 0,3 + 0,5 = 5,6
  • Lôi Báo: 1 + 0,5 + 1,5 + 0,5 + 0,5 + 0,2 + 0,3 = 4,5
  • Em chưa 18: 1 + 1 + 1 + 2 + 1 + 0,5 + 0,5 = 7
  • Cua lại vợ bầu: 0,8 + 1 + 2 + 1,5 + 1 + 0,5 + 0 = 6,8
  • Trạng Quỳnh: 1 + 0,5 + 2 + 1 + 0,5 + 0,5 + 0,5 = 6
  • Song Lang: 0.8 + 0,7 + 1 + 2,2 + 0 + 0 + 0,2 = 4,9
  • Hai Phượng: 0,8 + 0,5 + 1,7 + 2 + 1 + 0,2 + 0,3 = 6,5
  • Anh trai yêu quái: 1 + 1 + 1.7 + 1.5 + 0,7 + 0,3 + 0 = 6,2
  • Truyền thuyết Quán Tiên: 1 + 1 + 0,5 + 1 + 0 + 0 + 0.2 = 3,7
  • Tiệc Trăng Máu: 0,8 + 1 + 2,5 + 2,2 + 0,5 + 0,2 + 0,3 = 7,5
  • Cuộc săn tàn nhẫn: 0,8 + 0,8 + 1 + 2,2 + 0,5 + 0,2 + 0,5 = 6 (đây là dự án phim của chính tôi nên có thể có thiên vị nha)

Ngoài ra còn phải tính thêm cả điểm cộng thêm, liên quan đến thời điểm công chiếu nữa. Thời điểm đẹp như Tết, 30/4 hay 2/9 thì có thể cho dự án thêm 1 điểm nữa. Nhưng có nhiều dự án không chắc được thời điểm ra rạp ngay từ ban đầu nên tôi mới xin gọi là điểm cộng để tính sau. Theo cách tính trên thì dự án dưới 5 điểm tuyệt đội không nên đầu tư, dự án có điểm từ 5 đến 7 là những dự án có thể đầu tư nhưng có biên độ rủi ro nhất định, những dự án trên 7 điểm thì có thể nói là an toàn để đầu tư đến 8, 9 phần.

Nhờ phương pháp này, tôi đã giúp các nhà đầu tư né được khá nhiều dự án tồi. Tuy nhiên, tôi coi đây là điều đáng buồn chứ không tự hào gì. Vì các nhà đầu tư thực sự muốn đầu tư vào nhiều phim Việt Nam, nhưng qua vài năm, chúng tôi mới chỉ bỏ vốn vào hai dự án mà thôi. Một đã thành công trong dịp Tết 2019, một thì còn chưa chiếu, thực sự là một tỷ lệ quá thấp. Lý do là gì?

Có hai vấn đề thực tiễn mà các nhà đầu tư gặp phải khi đầu tư vào các dự án điện ảnh.

Thứ nhất là với các dự án chúng tôi tiếp cận được, có quá ít dự án mà chúng tôi cho là đáng để bỏ tiền vào (điểm trên 5). Thứ hai, các dự án mà có khả năng thành công cao (điểm 7 trở lên) thì phần lớn là chúng tôi không có cơ hội để tiếp cận. Các dự án này vốn đã hiếm, lại còn được rất nhiều người quan tâm, rất khó để có thể lấy được một suất đầu tư kể cả khi có đủ tiền. Thậm chí đã xảy ra trường hợp là đã nộp tiền góp vốn mà còn bị trả lại một phần để nhường cho người khác. Nghe cũng gay cấn như phim, phải không ạ?

Nhưng điều buồn lớn hơn đó chính là những dự án mà chúng tôi xác định ngay là thất bại vẫn có người khác đầu tư vào, vẫn được đem ra sản xuất. Cũng là một người làm phim, dù không bao giờ muốn thấy ai làm phim thất bại doanh thu, tôi vẫn không khỏi cảm thấy xót xa cho những đồng vốn khi điều đó xảy ra.

Theo tôi, đây chính là vấn đề lớn nhất đang kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, chứ không phải công tác kiểm duyệt như nhiều người nghĩ. Muốn trị bệnh phải chẩn đúng bệnh, phải chăng đã đến lúc dũng cảm nhìn vào sự thật và ngưng đổ mọi tỗi lỗi cho cơ quan quản lý nhà nước. Sự phung phí này diễn ra trong những năm qua không đem đến cho chúng ta những bộ phim tốt, những bộ phim thành công, và tệ hơn nó giết chết niềm tin của các nhà đầu tư. Cho dù lỗi là do khâu thẩm định dự án không tốt, hay nói thẳng là có người giở trò lừa đảo, thì các nhà đầu tư bị mất vốn sẽ không bao giờ quay lại.

Chưa kể, lợi dụng tính chất đặc thù của sản xuất phim, có một số đơn vị còn đẩy dự trù kinh phí lên quá cao so với giá trị thực tế. Chỉ cần nhà đầu tư bỏ tiền vào là các đơn vị này chiếm dụng được khoản chênh lệch lớn, mà không hề làm dự án có thêm giá trị gì hay nhân sự làm việc được trả lương cao hơn. Kẽ hở này tồn tại được chỉ là vì hiện nay quy mô của các dự án chưa đủ lớn để có thể trích một phần kinh phí cho hoạt động kiểm toán.

Các nhà đầu tư đã quen với thông lệ cũng chỉ có thể đành tặc lưỡi bỏ qua, miễn sao có lợi nhuận. Cứ như thế, định kiến về một ngành kinh doanh nhiều rủi ro, môi trường đầu tư đáng ngờ, kém minh bạch, sẽ tồn tại lâu dài. Trong khi bản chất của đầu tư sản xuất điện ảnh không như vậy, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể thành công lớn với các bộ phim top hit, hoặc chí ít cũng như chúng tôi, không bị mất quá nhiều. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, các nhà đầu tư cứ vắng bóng dần, thì còn bao lâu nữa là đến ngày điện ảnh Việt Nam hết nhiên liệu?

Giải pháp chỉ có một mà thôi, phải loại bỏ đi những dự án phim phế phẩm phông bạt, bật đèn xanh nhiều hơn cho những dự án thực sự có chất lượng, minh bạch về tài chính. Hãy giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn với họ. Hãy tạo ra nhiều hơn những nhà sản xuất có tín nhiệm cao, nói hay làm cũng hay, không đem uy tín ra mài ăn dần. Hay nói theo một cách đơn giản, tiếp tục làm phim dở phim ẩu để giật tiền là giết chết chính cái nồi cơm của chúng ta một ngày không xa.

Nguồn: Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn