Tôi sẽ không bao giờ phí tiền ra rạp xem Phim Việt

Tin điện ảnh · kkpham ·

“bi kịch” của phim Việt rốt cuộc nằm ở chỗ nào?

Một người bạn của tôi từng tuyên bố thẳng thừng: “Tao sẽ không bao giờ bỏ tiền ra rạp coi phim Việt.” Câu nói trên làm tôi chưng hửng cả một buổi chiều. Phim Việt từ bao giờ đã thất sủng từ chính thị trường trong nước? Không chỉ một, mà có đến hơn một phần ba những người tôi quen biết có chung niềm đam mê điện ảnh cũng đều lắc đầu e dè trước phim Việt.

Điện ảnh Việt Nam không hề thiếu những tác phẩm tạo tiếng vang ở các giải thưởng quốc tế. Những Mùa Đu Đủ Xanh, Xích Lô… (đạo diễn Trần Anh Hùng); Bi Đừng Sợ, Cha, Con và… (đạo diễn Phan Đăng Di) là những ví dụ tiêu biểu. Nhưng, những tác phẩm như thế chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vậy “bi kịch” của phim Việt rốt cuộc nằm ở chỗ nào?

Tư duy làm phim cũ kĩ

Một điều dễ nhận ra trong những năm gần đây đó là hầu như phim Việt Nam nào ra rạp cũng đều là phim hài. Hài ở khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách, mọi hình ảnh. Hình như đã đến thời kì, nếu không hài thì không ăn khách. Hài đã trở thành yếu tố bảo chứng doanh thu phòng vé. Từ đây, các “thể loại phim mới” cũng đua nhau ra đời: kinh dị-hài, hành động-hài, khoa học viễn tưởng-hài…, mà trong đó hài hình như còn chính hơn cả những yếu tố còn lại. Tại sao chúng ta không chỉ tập trung khai thác chỉ một thể loại phim duy nhất cho đến nơi đến chốn mà phải gắn thêm yếu tố hài vào?

Thử nhìn dòng phim kinh dị đang gặt hái được nhiều thành công trong vài năm trở lại đây. Từ Lights Out, The Conjuring, Insidious, Don’t Breathe hay gần đây nhất là Train to Busan…các nhà làm phim hầu như chỉ tập trung trong việc khai thác nỗi sợ từ nhiều khía cạnh mà không hề có lấy một giây phút hài hước (hoặc có cũng chỉ thoáng qua vài ba cảnh nhằm giảm độ kinh dị và tạo điểm nhấn cho phim). Còn phim kinh dị Việt trong những năm qua chúng ta có gì? Từ 49 Ngày, Bệnh Viện Ma, Mặt Nạ Máu, Phim Trường Ma…những phim mang tiếng là kinh dị mà từ đầu đến cuối chỉ thấy những màn chọc cười và nhan nhản hài nhảm.

Ca sĩ, nghệ sĩ hài thi nhau đóng phim

Có một nghịch lí trong phim Việt là diễn viên được đào tạo bài bản thì chẳng bao giờ thấy xuất hiện trên màn ảnh rộng. Thay vào đó, những diễn viên ta thấy trên phim thường chỉ toàn là hot boy, hot girl hay các ca sĩ, người mẫu nổi tiếng. Toàn là những người tay ngang chuyển sang đóng phim thử hỏi làm sao có thể truyền đạt và diễn tả được hết tất cả biến đổi tâm lí nhân vật. Đơn cử danh hài Hoài Linh. Dù không thể phủ nhận tài năng của chú ở mảng hài kịch, nhưng rõ ràng tần suất chú xuất hiện trên màn ảnh rộng nhiều đến nỗi khiến chúng ta nghi ngại về khả năng diễn xuất và chọn kịch bản. Rồi sau đó, chúng ta thấy hàng loạt phim với sự tham gia của hàng tá cây hài Trấn Thành, Trường Giang, Thu Trang…nhiều đến nỗi hình như chúng ta đang dần mặc định phim nào có danh hài, không chóng thì chày chắc cũng đều là hài nhảm.

Kịch bản bản phim - Chuyện đã kể muôn đời

Nhìn sang điện ảnh nước bạn, với bộ phim cực kì ăn khách ở Việt Nam gần đây là Train to Busan (và sắp tới là The Tunnel), chúng ta không thể không khâm phục nước bạn bởi kịch bản phim quá chắc tay và xuất sắc: vừa lồng ghép được nhiều yếu tố, vừa mang tính giáo dục, cách đặt ra vấn đề và giải quyết vấn đề vô cùng triệt để, lại có thể khiến khán giả bồi hồi sau khi xem.

Còn điện ảnh Việt? Chúng ta cho ra đời những bộ phim với tình tiết ngô nghê, tâm lí nhân vật thay đổi không biết đường đâu mà lần hoặc kết thúc với một cái kết trời ơi đất hỡi. Gần đây nhất chúng ta có Cô Hầu Gái - một tác phẩm thuần kinh dị được thực hiện hết sức chỉn chu và công phu nhưng vẫn để lộ ra điểm yếu trong khâu kịch bản, mà cụ thể là cách giải quyết vấn đề cho cú twist cuối phim. Hay sắp tới, chúng ta có Thần Tiên Cũng Nổi Điên - tác phẩm được chuyển thể từ vở kịch cùng tên đã từng rất ăn khách (hơn 1000 suất diễn trong 2 năm) với cốt truyện đan xen được nhiều yếu tố thời đại (chuyện tình già-trẻ gây tranh cãi, tình yêu đồng tính), nhưng rồi lại bị lọt thỏm trong yếu tố hài nhảm.

Thị hiếu khán giả Việt đang giết chết phim Việt

Nói đi thì cũng nói lại. Chính khán giả Việt Nam cũng góp phần đẩy phim Việt vào lối mòn cũ kĩ. Có cầu thì mới có cung. Dẫu đáng buồn, nhưng thực tế vẫn luôn là thực tế. Khi khán giả vẫn còn quá cuồng trước thể loại hài nhảm, thì các nhà làm phim sẽ còn tiếp tục sản xuất thêm những bộ phim theo một công thức chung duy nhất:

diễn viên + gương mặt nổi tiếng + ca sĩ nổi tiếng + hài (+kinh dị) = ăn khách

Chúng ta ra sức chê hàng tá bộ phim ra rạp trong năm nay, nhưng thử nhìn xem, chúng vẫn an nhàn và chễm chệ thu lời cả chục tỉ đồng. Những bộ phim gây được tiếng vang tại thị trường quốc tế thì mãi chìm nghỉm (hoặc đáng buồn là không được phép ra rạp) tại chính thị trường nội địa. Chúng ta có kịp xem Vĩnh Cửu (Eternity) - đạo diễn Trần Anh Hùng được chiếu hạn chế trước khi phim bị văng khỏi rạp bởi các bom tấn khác. Hay Cha, Con, và…của đạo diễn Phan Đăng Di từ năm ngoái cho đến năm nay vẫn chờ mãi chưa thấy được chiếu tại rạp.

Những tín hiệu đáng mừng

Trong tương lai gần, chúng ta sắp có Cô Gái Đến Từ Hôm Qua (chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh); Maika, Cô Bé Từ Trên Trời Rơi Xuống (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng); hay một dự án vừa được công bố Có Ngôi Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa (kịch bản được viết bởi biên kịch nổi tiếng Nguyễn Thị Minh Ngọc) cùng hàng tá bộ phim khác sắp sửa ra mắt cuối năm 2016. Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng điện ảnh Việt hoàn toàn có thể thoát ra được lối mòn cũ.

Kết lại, điện ảnh Việt không thiếu những đạo diễn tài ba có tầm nhìn sắc bén cùng tư duy làm phim mới lạ. Không thiếu diễn viên thực lực với lối diễn xuất lay động lòng người. Không thiếu những câu chuyện hoàn toàn có thể chuyển thể thành kịch bản phim hoàn chỉnh. Chúng ta có tất cả, nhưng tiếc là chúng ta cứ mãi loay hoay trong bài toán doanh thu và bài toán “làm sao để phim được ra rạp”. Cứ mãi đà này thì liệu có còn tồn tại hash tag #nguoiVietxemphimViet

*Bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả