Tổng hợp 20 phim hoạt hình ngắn của Pixar - Từ Wally B. của 1984 đến Bao của 2018 (P.1)

Tin điện ảnh · KNTT ·

Dù cho thời lượng ít ỏi và không được biết tới nhiều như những gã khổng lồ Toy Story, Finding Nemo, Wall E, … nhưng chính bộ phim ngắn đầu tiên được thực hiện mới là tiền đề để Pixar phát triển nhiều phim ngắn hay hơn sau này, trở thành một phần không thể thiếu của giới điện ảnh nói chung và fan Pixar nói riêng.

Dẫu thế giới biết tới Pixar với tư cách là một hãng làm phim hoạt hình dài với những kiệt tác đã trở thành một phần không thể thiếu của những người hâm mộ nói riêng, cũng như những khán giả xem phim điện ảnh nói chung, thật không công bằng khi không nhắc đến các bộ phim ngắn của Pixar.

Dù cho thời lượng ít ỏi và không được biết tới nhiều như những gã khổng lồ Toy Story, Finding Nemo, Wall E, … nhưng chính bộ phim ngắn đầu tiên được thực hiện mới là tiền đề để Pixar có thể tin tưởng rằng những phim hoạt hình được thực hiện bằng công nghệ vẽ vi tính có thể mang lại một phép màu giúp thay đổi thế giới, không kém gì những phim hoạt hình vẽ bằng tay cũng như người đóng lúc bấy giờ.

Nhân dịp phim ngắn Bao - một phim ngắn cực kỳ ý nghĩa - được chiếu cùng với The Incredibles 2, hãy cùng điểm qua những bộ phim ngắn đã được Pixar chiếu ngoài rạp kể từ bộ phim đầu tiên vào năm 1984 các bạn nhé!

1. The Adventures of André & Wally B. (1984)

Không có gì tuyệt vời hơn một giấc ngủ ngon lành sâu bên trong một thung lũng yên ắng. Nhưng khi André thức tỉnh và được diện kiến bởi một loài côn trùng phiền toái có sọc vàng và đen cùng với một cái kim châm ghê tởm, cậu ta rốt cuộc phải thực hiện một cuộc leo núi nhanh chóng (và vô cùng đau đớn).

André nghĩ rằng cậu là một người thông minh, có khả năng suy nghĩ và chạy nhanh hơn một con ong. Nhưng như mọi loài côn trùng biết chích khác, Wally B. biết điều hơn và có thể đuổi theo mọi con mồi trong khoảnh khắc vài giây.

Dù bộ phim này được tạo ra ở Lucasfilm, Pixar vẫn liệt kê nó vào danh sách những phim ngắn của hãng bởi vì đây là lần đầu tiên John Lasseter làm việc với một bộ phim hoạt hình 3D. André và Wally B. có rất nhiều hạn chế, nhưng Lasseter đã thực hiện điều không thể bằng cách nhờ bộ phận kỹ thuật tạo một khối hình giọt nước mắt có thể bị bẻ cong theo nhiều cách, từ đó dẫn đến sự ra đời của Wally B.

2. Luxo Jr. (1986)

Một chiếc đèn bàn trẻ con tìm thấy một trái banh để chơi và cuộc vui chỉ kết thúc khi trái banh bị xì hơi. Và lúc Luxo cha nghĩ rằng cậu con sẽ nghỉ ngơi một chút, Luxo con tìm thấy một trái banh khác – bự hơn gấp mười lần.

Luxo Jr. là câu chuyện ẩn ý về cách làm cha, làm mẹ. Mặc dù trẻ con rất khó bảo, nhưng Luxo cha vẫn để cho cậu ấy có không gian riêng để phát triển.

Khi John Lasseter đang học cách dựng các mẫu hình, ông chọn thứ đồ vật gần gũi và dễ dàng nhất: một chiếc đèn bàn dành cho kiến trúc sư trên bàn ông, thổi hồn vào nó và cuối cùng thì cái đèn trở thành một phim ngắn của Pixar được đề cử giải Oscar.

3. Red's Dream (1987)

Cuộc sống của một món đồ giảm giá duy nhất ở góc hàng thanh lý của Ebben’s Bikes có thể rất cô đơn. Vì thế Red, một chiếc xe đạp một bánh, mơ về một người chủ là chú hề và màn biểu diễn tung hứng được hoan nghênh nhiệt liệt của riêng cậu. Chưa vui mừng được bao lâu thì những tiếng vỗ tay biến thành âm thanh của mưa rơi khi hiện thực dần quay trở lại. Red phải thu mình về góc cửa hàng và chờ đợi số phận của cậu.

Đừng để phiếu giảm giá của Red đánh lừa bạn. Cậu ta thực sự là một chiếc xe đạp một bánh vô giá với một trái tim to lớn, có thể giúp đỡ những người biểu diễn tung hứng như Chú hề Lumpy – giá như có ai đó nhìn thấy cậu dựa mình vào bức tường kia và cho cậu một cơ hội.

Những cảnh về đêm thường không phổ biến ở các bộ phim hoạt hình kỹ thuật số cho đến khi Pixar sử dụng bối cảnh này khi Red’s Dream ra mắt năm 1987. Tuy vậy, thử thách này vẫn chưa là gì - đội ngũ sáng tạo phải thêm vào các giọt mưa, các màn tung hứng, và nhân vật con người đầu tiên của họ, Chú hề Lumpy.

4. Tin Toy (1988)

Những đứa trẻ hầu như chẳng giống quái vật một chút nào, trừ khi bạn là một món đồ chơi. Sau khi trốn thoát khỏi một đứa bé hay chảy nước dãi, Tinny nhận ra rằng cậu rất muốn được chơi cùng với nó. Nhưng sau khi cậu khám phá ra điều này, sự chú ý của đứa bé đã chuyển sang những thứ khác mà chỉ một đứa trẻ mới thấy thú vị.

Bí mật đây: Những đứa trẻ tò-mò-thích-bò là lý do vì sao những món đồ chơi trở nên “thất lạc” bên dưới những đồ nội thất và phía sau những tủ quần áo. Nhưng Tinny không giống với những món đồ chơi sợ hãi khác bên dưới chiếc sofa. Cậu biết công việc của mình là khiến cho lũ trẻ cười, không phải khóc.

Tin Toy đánh dấu lần đầu một nhân vật với cánh tay và đầu gối có thể bẻ cong như thật, bề mặt và những yếu tố cấu thành nên khuôn mặt được hoạt họa theo công nghệ kỹ thuật số. Thử thách ở đây là việc cân bằng giữa cái vẻ “cartoon” (các hình thức hoạt hình/biếm họa/hí họa/minh họa có sự cách điệu, bóp hình, khiến cho nhân vật trở nên đơn giản/đáng yêu/lố bịch/hài hước) với hình dáng ngoài đời của một đứa bé. Phần thưởng của nó ư? Một giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất.

5. Knick Knack (1989)

Cuộc sống trên cái kệ của một người tuyết bị mắc kẹt ở bên trong cơn bão của quả cầu tuyết có thể trở nên mệt mỏi, nhất là khi bạn bị bao quanh bởi những vị khách đến từ những vùng khí hậu nắng nóng hơn. Nhưng khi chàng người tuyết chán nản cuối cùng cũng thoát ra khỏi ngôi nhà kính, những kế hoạch cho chuyến du lịch của cậu lại bị cắt ngang.

Những món quà lưu niệm ở trên chiếc kệ này đều rất thực: Một cô nàng tóc vàng từ Miami đang ra hiệu bạn đến với cô ấy từ một cái hồ bơi, một bộ xương ở Thung lũng Chết mời mọi người lướt ván trên sa mạc, và một Kim tự tháp Ai Cập đeo một cái kính râm bự vô cùng.

Kỹ thuật làm nên Knick Knack đã dễ dàng hơn sau khi Tin Toy vượt qua thử thách để tạo nên nền tảng cho các phim sau này. Nhà sáng tạo John Lasseter nói rằng ông chỉ muốn làm một cái gì đó thuần cartoon, giống như một phim hoạt hình của Chuck Jones vậy.

(Còn tiếp)

Nguồn: Pixar