[REVIEW] Em Gái Đến Từ Tương Lai - Lung linh, lung linh hai tiếng gia đình...

Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

Có người sẽ bảo những câu chuyện Kun trải qua là thật, có người sẽ bảo là không nhưng đâu có hề chi vì tình yêu với gia đình là điều chân thật còn đọng lại mãi.

Kéo xuống để xem tiếp

Đạo diễn tài hoa Mamoru Hosoda đã hòa trộn sự kỳ ảo xuyên không của Cô Gái Đi Xuyên Thời Gian (The Girl Who Leapt Through Time, 2006) và tình cảm gia đình cảm động từ Những Đứa Con Của Sói (Wolf Children, 2012) để cho ra Em Gái Đến Từ Tương Lai (Mirai of the Future).

Chắc chắn nhiều người sẽ bảo rằng so với những bộ phim trước đây thì dường như Mirai of the Future quá bình thường, ít đột phá, không trùng điệp những ẩn dụ phức tạp để làm nên một câu chuyện phim sâu sắc. Nhưng, chính điểm này mới là điều tuyệt diệu nhất, nó chứng tỏ Mamoru không những là nghệ sĩ tài hoa mà còn là nhà tâm lý học thấu hiểu con người. Khi soi rọi lại những điều chúng ta nhớ về gia đình thân yêu của mình thì không cần những gì quá to lớn, phức tạp mà chính những thứ tưởng vụn vặt tầm thường lại là ký ức quý giá nhất, những thứ sẽ theo ta trên chặng đường đời gian nan khó nhọc.

Cậu bé Kun đang là tâm điểm quan tâm chú ý của cả gia đình thì một ngày nọ bỗng mất vị trí vào đứa em gái Mirai mới sinh. Biết bao hờn ghen, ganh tị ngây ngô của đứa trẻ mới lên 3 lên 4 là điều dễ hiểu. Nhưng nếu tinh ý sẽ không khó nhận ra tình yêu và sự quan tâm thẳm sâu mà cậu dành cho em gái của mình. Bộ phim là hành trình cảm xúc xuyên qua dòng không gian quá khứ lẫn tương lai và cuối cùng dừng lại ở hiện tại. Trân quý từng phút giây bên gia đình thân yêu, đó chính là nơi chứa đựng những gì tươi đẹp nhất mà con người có thể tìm thấy trong cuộc đời này.

Câu chuyện được kể lại thông qua góc nhìn và những trải nghiệm thường nhật của cậu bé Kun nên đừng ngạc nhiên khi ta chỉ thấy những cảnh vui chơi, buổi ăn bên gia đình và phút giây quấn quýt bên cha mẹ. Mọi câu chuyện qua trí tưởng tượng không giới hạn của trẻ thơ đều mầu nhiệm, tươi đẹp và hồn nhiên đến lạ thường. Từng khung hình tuyệt đẹp được các nghệ sĩ tài hoa thổi hồn khiến người xem bị hút vào từng cảnh một. Những gì ấm áp nhất, tươi vui nhất, trong sáng nhất của tuổi ấu thơ được truyền tải một cách cô đọng và hàm súc. Nhưng câu chuyện không chỉ về Kun, nó còn là những giai thoại cậu được nghe kể về ông bà cố, ông bà và bố mẹ.

 “Sinh con rồi mới sinh cha,

Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.”
(Ca dao Việt Nam)

Không tự nhiên mà bỗng chóc thành ông thành bà, thành cha thành mẹ. Khi có con có cháu, trải qua biết bao khó khăn, vui buồn ta sẽ học được cách và biết phải làm gì để tốt hơn lên từng ngày. Phim làm ta thêm yêu thương cha mẹ, ông bà vì một ngày nào đó sẽ đến lượt chúng ta cũng trở thành cha mẹ, ông bà. Nếu các bậc phụ huynh đi xem hẳn sẽ có chút lắng đọng hồi tưởng lại bản thân từng trẻ con với cha mẹ ngày xưa thế nào và soi lại mình xem có phải đang hơi khắt khe với con cái hay không. Ai đó từng nói có trải qua mới hiểu nhưng đôi lúc ta sẽ quên và cần được gợi nhớ lại.

Nhạc phim rất hay và là sự bổ sung hữu hiệu cho hình ảnh. Lúc thì nhí nhảnh đáng yêu, khi lại réo rắc vui tươi, chỗ thì đọng lại nốt trầm xao xuyến. Từng cung bậc tình cảm được chuyển tải mượt mà như từng phút giây bên gia đình thân yêu lần lượt được kể lại.

Với một đứa trẻ, trí nhớ không liên tục và rõ ràng như người trưởng thành mà thường đi với những đồ vật, người thân hay khung cảnh quen thuộc gắn liền với những cảm xúc mãnh liệt. Những đoàn tàu siêu tốc, những con búp bê ở lễ hội bé gái, chú chó cưng, buổi tập xe đạp, bố và mẹ, cô em gái còn nằm nôi… đó là tất cả những gì bé Kun gửi cảm xúc vào trí nhớ. Những câu chuyện kể về ông bà, cha mẹ thời trẻ mà cậu vô tình nghe trong những buổi chuyện trò kết hợp với trí tưởng tưởng phong phú của trẻ thơ làm nên những dòng suy tưởng đẹp đẽ và bí ẩn.

Có người sẽ bảo những câu chuyện Kun trải qua là thật, có người sẽ bảo là không nhưng đâu có hề chi vì tình yêu với gia đình là điều chân thật còn đọng lại mãi. Hài hước, đáng yêu và cảm động. Bộ phim sẽ khiến trẻ con khúc khích cười, người trưởng thành đong đầy thêm cảm xúc còn người lớn tuổi thì bồi hồi nhớ lại những ký ức về gia đình.