[REVIEW] Nhiệm Vụ Bất Khả Thi: Sụp Đổ - Đỉnh cao của dòng phim hành động

Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

Nhiệm Vụ Bất Khả Thi: Sụp Đổ đã mang đến cho khán giả một tác phẩm đỉnh cao của dòng phim hành động.

Nếu muốn bộ phim hay cần có một kịch bản lôi cuốn, ý tưởng đột phá, sự nhập vai tuyệt vời. Nếu muốn một loạt phim thương hiệu hay ngoài các yếu tố trên phải xác định chất riêng không lẫn vào bất kỳ loạt phim nào, mỗi khi nhắc đến mọi người sẽ mường tượng ngay những đặc điểm nổi bật hay vai diễn kinh điển.

Với Nhiệm Vụ Bất Khả Thi (Mission Impossible), ta có thể nói ngay điều lôi cuốn người hâm mộ là những màn lừa tinh quái bằng các công nghệ hiện đại, những pha hành động mãn nhãn, tiết tấu nhanh dồn dập của các cảnh mạo hiểm và các màn đối đầu đẩy các nhân vật vào các tình thế chơi vơi giữa sống-chết trong gang tấc. Phần mới nhất, Nhiệm Vụ Bất Khả Thi: Sụp Đổ (Mission: Impossible – Fallout) hội tụ đầy đủ các đặc điểm nhận dạng của thương hiệu này, chẳng những thế nó còn được nâng lên tầm cao mới.

Điệp viên Ethan Hunt (Tom Cruise) cùng các cộng sự trong tổ chức IMF phải tìm cách lấy lại vũ khí hủy diệt hàng loạt đang bị thất lạc sau một phi vụ thất bại. Cuộc chạy đua giữ cho thế giới bình yên lại thêm căng thẳng khi anh phải đối mặt với kẻ thù trong quá khứ, tính mạng của người phụ nữ anh yêu bị đe dọa và sự truy đuổi của các tổ chức gián điệp khác. “Em rất hạnh phúc và an tâm mỗi đêm khi nằm ngủ vì em biết có anh ngoài kia.”, lựa chọn công việc này Hunt và các đồng sự đều biết họ sẽ không bao giờ có cuộc sống riêng yên ổn, nhưng sự sống chết của họ không chỉ là cho tổ chức hay hoàn thành chức trách, đó còn vì những người thân mà họ phải bảo vệ.

Điều làm Nhiệm Vụ Bất Khả Thi: Sụp Đổ  “ăn điểm” trong mắt các nhà phê bình chính là bộ phim đã xây dựng được chiều sâu cho các nhân vật, sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau tuyệt đối giữa những người đồng đội. Không phải dạng hành động đơn tuyến như James Bond hay quá phô diễn các thiết bị hiện đại hoang đường, sự phối hợp ăn ý giữa Hunt – hoạt động tại hiện trường, Luther Stickell (Ving Rhames) – Hỗ trợ hậu trường và Benji Dunn (Simon Pegg) – chuyên gia kỹ thuật cao khiến loạt phim không bao giờ nhàm chán.

Bộ ba không chỉ là đồng đội mà còn là gia đình, tuy ngoài mặt hay xỉa nhau nhưng họ sẵn sàng hy sinh tính mạng vì nhau. Sự ăn ý của dàn diễn viên này vẫn là điều hiếm có khó tìm trong các phim điệp viên - hành động khác. Ngoài ra, khả năng ứng biến nhiều kế hoạch dự phòng và sẵn sàng phá luật, mạo hiểm, thậm chí dám chống lại lệnh của cấp trên khi cần thiết khiến người xem khó đoán được diễn biến hành động và phối hợp giữa các thành viên. Đây là điểm đáng khen của loạt phim này vì nếu quá dễ đoán thì khán giả sẽ vơi bớt nhiều phần hào hứng.

Tom Cruise đã chứng tỏ cho thế giới điện ảnh thấy vì sao đã qua hơn ba thập niên mà tên tuổi của anh vẫn là bảo chứng vàng cho các bộ phim hành động. Thay vì phụ thuộc vào diễn viên đóng thế hay kỹ xảo CGI thì anh tự mình đóng, điều này làm các trường đoạn hành động rất chân thật, liền lạc không ngắt quãng. Nhiều nhà phê bình cho rằng Tom Cruise cùng loạt phim Mission: Impossible là cứu tính của dòng phim hành động. Nhận xét này cũng không quá lời. Nếu các bạn để ý kỹ các phim hành động khác hiện nay thì sẽ nhận ra đa số các cảnh chiến đấu liên tục trong một lần quay rất ngắn, chỉ chưa đầy 3 giây thậm chí 1 giây, nó chỉ bao gồm 3 pha: tấn công – tác động (trúng đối thủ hoặc vào các chướng ngại vật hay hụt) – phản đòn, sau đó cắt cảnh và chuyển góc máy sang hành động tiếp theo.

Nó cho thấy 2 vấn đề chính: (1) dùng diễn viên đóng thế, nếu cảnh quay quá dài thì sẽ khó làm hậu kỳ hay để lộ nhân dạng của diễn viên đóng thế; (2) nghèo nàn trong xây dựng các pha đánh thật sự nên các quay phim sử dụng kỹ xảo quay để đẩy nhanh diễn biến bằng cách ghép nhiều cảnh đánh nhau nhỏ mà thành một trường đoạn chiến đấu. Trong bộ phim này, các cảnh chiến đấu rất dài với máy quay theo sát diễn biến liên tục, đánh thực chiến chứ không màu mè bằng các động tác thừa thải, tất cả lại được hỗ trợ bởi phần xử lý âm thanh đỉnh cao khiến khán gia không thể nào rời mắt khỏi màn ảnh.

Các trường đoạn hành động quá đỉnh, hành động nối tiếp hành động và ngày càng cao trào hơn. Từ màn rượt đuổi trên đường phố Paris hay truy lùng trên nóc các tòa nhà tại London và khép lại bằng cảnh đua máy bay trực thăng chiến đầu ở vùng núi Kashmir hùng vĩ. Đến đây, giá trị của những cảnh hành động thật, quay ngoại cảnh thật phát huy tác dụng trên cả tuyệt vời. Các nhà quay phim bám sát theo motor của Hunt chạy tốc độ cao lạng lách qua đường phố Paris hiện đại và cổ kính, rất ít chuyển máy khiến trải nghiệm hành động chân thật vô cùng, người xem có cảm giác mình được ngồi sau lưng cùng Hunt làm nhiệm vụ.

Nếu có điều kiện hãy chọn định dạng phim 4DX để được trải nghiệm cảm giác lướt gió sau mô tô hay thót tim vì luồn lách giữa những chiếc ô tô ngược chiều hoặc vun vút dưới những hành lang cổ xưa hoa lệ. Tới trường đoạn ở London, các cảnh nhảy qua các toàn nhà hay chạy vun vút trên nóc được Tom tự mình thực hiện, các nhà làm phim không lạm dụng kỹ xảo slow-motion tạo hiệu ứng gây cấn giả tạo mà tận dụng sử dụng các góc quay rất chất. Lúc thì phía dưới khi Hunt nhảy qua tòa nhà, lúc thì trên cao dần xuống thấp rồi lại lùi về sau để chuyển tải không khí khẩn trương quyết liệt. Màn đua trực thăng và chiến đấu bên vách núi xứng đáng được đưa vào “sách giáo khoa” cho mọi phim hành động sau này học tập.

Tuyến nhân vật phản diện khá tốt, kế hoạch tội ác được phủ nhiều lớp đánh lừa tinh vi. Điều này vừa tốt mà cũng dở. Nó khiến không ít khán giả khó theo dõi những diễn biến thay đổi chóng mặt nhưng bù lại những người kỹ tính sẽ thấy thỏa mãn với một kế hoạch được cài đặt công phu. Không phải lần đầu góp mặt trong một phim có yếu tố tình báo, hành động nên Henry Cavill (vai August Walker) là sự bổ sung thú vị cho phần 6 này.

Nét nam tính cùng các pha chiến đấu mạnh mẽ của Henry phối hợp cùng Tom Cruise làm chết mê chết mệt những fan dòng phim hành động khó tính nhất. Nếu hơi khó tính thì có thể tìm ra 2 điểm có thể chê trong phần kịch bản. Đầu tiên là chi tiết “lộ hàng” hơi vụng về khiến người xem đoán dễ dàng kẻ nằm vùng. Điểm thứ hai là lý tưởng hướng đến của kẻ khủng bố quá cũ rích và hơi lố bịch, nó được sử dụng làm lý do phạm tội cho quá nhiều phản diện rồi.

Hơi “điên” khi làm nhiệm vụ nhưng Hunt luôn chân thành trong tình yêu và trung thành với các thành viên trong đội. Chính đó làm nhân vật này trở thành tên tuổi không lẫn vào đâu được giữa trùng điệp các nhân vật đình đám khác trong dòng phim tình báo - điệp viên lẫn dòng phim hành động.

[REVIEW] Christopher Robin -

[REVIEW] Christopher Robin - "Cậu sẽ luôn ở trong tim tớ"

Christopher Robin có lẽ là bộ phim mà khán giả cần ngay lúc này để nhắc nhở chúng ta về những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống.

Học hỏi những tinh hoa từ các màn đấu trí, đấu lực cân não của loạt phim 007 và những pha hành động miên man bất tận của Mad Max: Fury Road, Sụp Đổ (Fallout) xứng đáng là phần hay nhất trong loạt Nhiệm Vụ Bất Khả Thi tính đến hiện tại.

Ethan Hunt so găng cùng James Bond - Kẻ tám lạng người nửa cân

Ethan Hunt so găng cùng James Bond - Kẻ tám lạng người nửa cân

Ethan Hunt (Nhiệm Vụ Bất Khả Thi) vs. James Bond (007) - Ai là kẻ "nằm trên"?