[REVIEW] Ready Player One - Siêu phẩm Easter Eggs

Đánh giá phim · Storyboard ·

Nếu bạn đã từng chơi game và bị cuốn hút trong thế giới mở của những trò chơi đầy thú vị và thách thức ấy, chúc mừng, Ready Player One chính là bộ phim dành cho bạn.

Trước khi đến với phần review phim, tôi muốn hỏi bạn một câu hỏi: "Bạn đã bao giờ chơi game chưa?"

Nếu bạn đã từng chơi game và bị cuốn hút trong thế giới mở của những trò chơi đầy thú vị và thách thức ấy, chúc mừng, Ready Player One chính là bộ phim dành cho bạn.

Lấy bối cảnh năm 2045, khi thế giới trở thành một bãi rác khổng lồ, con người đã tìm đến trò chơi thực tế ảo OASIS để chìm đắm trong đó. Đó là nơi mà người ta muốn vào vì những gì họ có thể làm và muốn ở lại vì những gì họ có thể trở thành. Đặc biệt, James Halliday - người sáng lập trò chơi khi qua đời đã để lại một gia tài khổng lồ kèm theo quyền lợi dành tặng cả OASIS cho người có thể tìm ra được Trứng phục sinh (Easter Egg) thông qua hàng loạt thử thách của trò chơi. Điều này khiến tất cả mọi người trên thế giới tham gia trò chơi, và dĩ nhiên thu hút cả những tổ chức tài phiệt độc tài như IOI.

Với giao diện VR - thế giới OASIS trong Ready Player One hiện ra đầy hoành tráng và thú vị. Chúng ta có thể tìm thấy chính mình trong đó khi người chơi "lên đồ", "đánh quái", "cày tiền"... với nhiều liên tưởng như trong những tựa game mà chúng ta hay chơi. Nhưng hơn cả, điều thú vị nhất của Ready Player One chính là Easter Eggs - những thông điệp ẩn tri ân những nhân vật, bộ phim, tựa game, truyện tranh và âm nhạc kinh điển. Chỉ thông qua trailer, chúng ta đã có thể thấy những Easter Eggs như phim Back to the Future, Iron Giant, Chucky, Joker, Harley Quinn, King Kong, Jurassic, Akira, Double Dragon, Street Fighter, Gundam... và lên phim sẽ còn nhiều Easter Eggs hơn nữa. Quả thực khi xem Ready Player One, nguyên việc đi tìm Easter Eggs cũng có thể khiến các fan của Pop culture phải mê mẩn từ đầu đến cuối phim.

Điểm mạnh nhất của phim chắc chắn là kỹ xảo. Không chỉ xây dựng một thế giới ảo mê hoặc, quyến rũ và tái hiện các nhân vật quen thuộc bên trên, Ready Player One còn dành hẳn một trường đoạn dài để tái hiện lại những cảnh phim trong một bộ phim kinh điển sản xuất từ năm 1980, cho phép các nhân vật của mình tương tác trong cảnh phim ấy. Còn cụ thể đó là bộ phim nào và cảnh phim gì thì tốt nhất các bạn nên ra rạp thưởng thức, mình sẽ không spoil nội dung.

Âm nhạc cũng là điểm mạnh khác của Ready Player One, khi bộ phim tràn ngập các bản nhạc kinh điển thập niên 80 và các bản nhạc nền của các phim kinh điển. Rõ ràng đây là ý đồ của đạo diễn nổi tiếng Stephen Spielberg khi Ready Player One thực sự là một bộ phim tribute lớn tới những tác phẩm kinh điển đi trước.

Easter Eggs, kỹ xảo và âm nhạc không phải điểm mạnh duy nhất của phim, mà Ready Player One còn có một cốt truyện lôi cuốn cùng tầng ý nghĩa đủ rung cảm khán giả. Bộ phim không hề dễ đoán hay chỉ đơn thuần hành động như nhiều bộ phim Sci-fi hiện đại mà diễn biến sẽ đưa người xem từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, phải tò mò và hồi hộp để xem tới tận cuối cùng của bộ phim. Ready Player One cũng đưa ra một thông điệp nhân văn ý nghĩa rằng dù thế giới ảo mà công nghệ đem lại có tươi đẹp bao nhiêu thì nó cũng không thể thay thế được đời thực, và vì thế, chúng ta nên dành thêm thời gian cho thế giới thực, để sống thực với bản thân mình thay vì bị cuốn đi trong cơn bão của công nghệ.

Nhìn chung, Ready Player One là bộ phim thực sự hay và sẽ hấp dẫn hơn nhiều nếu xem 3D, bởi OASIS là VR mà. Mình cũng tin rằng tất cả các bạn sẽ yêu thích Ready Player One, dù cho bạn có phải là game thủ, có phải là người yêu thích Pop culture hay không. Nếu bạn không phải game thủ hay người yêu thích Pop culture, hãy đơn giản xem một bộ phim Sci-fi hành động lôi cuốn, còn nếu bạn là game thủ và người yêu thích Pop culture, còn gì thú vị hơn thưởng thức siêu phẩm Easter Eggs này nữa, đúng không nào?