[REVIEW] Three Billboards Outside Ebbing, Missouri - Thù hận và tha thứ

Đánh giá phim · Storyboard ·

Đề cập tới một chủ đề nóng và nhạy cảm đang làm chia rẽ nước Mỹ, bộ phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri đã gặt hái thành công tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng và là một ứng cử viên nặng ký trong kỳ Oscar sắp tới.

Đề cập tới một chủ đề nóng và nhạy cảm đang làm chia rẽ nước Mỹ, bộ phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri (Ba biển quảng cáo ngoài trời ở Ebbing, Missouri) đã gặt hái thành công tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng và là một ứng cử viên nặng ký trong kỳ Oscar sắp tới. Bộ phim được đề cử 7 Oscar, bao gồm: Phim hay nhất năm (Best Motion Picture), Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (2 đề cử), Kịch bản gốc xuất sắc nhất, Nhạc nền xuất sắc nhất, Chỉnh sửa phim xuất sắc nhất.

Three Billboards Outside Ebbing, Missouri không phải là một bộ phim dễ xem, có cốt truyện bạo lực, liên quan đến các vấn đề cưỡng hiếp, giết người, tự sát, cảnh sát lơ là điều tra, cảnh sát đàn áp dân thường và phân biệt chủng tộc. Đây là những vấn đề xã hội nhạy cảm khiến người ta ngại nhắc tới, tuy nhiên Three Billboards Outside Ebbing, Misouri đã không ngần ngại làm nổi bật những vấn đề này theo cách gây sốc nhất. Bộ phim bắt đầu khi bà Mildred thuê ba biển quảng cáo cỡ lớn với dòng chữ đen trên nền màu đỏ:

"Cưỡng hiếp trong khi chết"

"Mà vẫn chưa có cuộc bắt giữ nào"

"Vậy là sao, cảnh sát trưởng Willloughby?"

Ba tấm biển được bà Mildred dựng lên để đả kích sở cảnh sát Ebbing, đặc biệt là cảnh sát trưởng Willoughby, đã lơ là trong việc điều tra vụ án của con gái bà. Vụ việc này đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa bà Mildred và sở cảnh sát Ebbing.

Ba nhân vật chủ đạo trong phim gồm bà Mildred (Frances McDormand thủ vai), cảnh sát trưởng Willoughby (Woody Harrelson thủ vai) và cảnh sát Dixon (Sam Rockwell thủ vai) đều là ba nhân vật có đời sống riêng, bị vướng vào vòng thù hận và trở thành nạn nhân của vòng xoáy ấy. Cả ba diễn viên Frances McDormand, Woody Harrelson và Sam Rockwell đều có một màn diễn xuất đầy ấn tượng. Họ đều được đề cử Oscar cho các hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất; trong khi Frances McDormand và Sam Rockwell cũng đã chiến thắng hạng mục này ở Quả Cầu Vàng.

Không chỉ mạnh về mặt diễn xuất, bộ phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri còn có phần nhạc nền ấn tượng, tạo bầu không khí đặc trưng cho thể loại phim tội phạm tại những tiểu bang miền Trung nước Mỹ. Sự xuất hiện của Woody Harrelson có thể khiến chúng ta nhớ tới bộ phim truyền hình True Detective bởi bầu không khí tương tự. Và đặc biệt là, điểm mạnh nhất của bộ phim chính là phần kịch bản được chấp bút bởi Martin McDonagh.

Diễn biến phim là một chuỗi bất hạnh cho các nhân vật bị cuốn vào vòng hận thù, tầng tầng lớp lớp, hết sự kiện này đến sự kiện khác là những vòng lặp như vậy. Đã có máu phải đổ, đã có lửa phải cháy, đã có nước mắt phải rơi, đã có những lá thư tuyệt mệnh. Một cốt truyện không theo motif cũ kỹ, mọi thứ cứ thế diễn ra như một cuộc đời tăm tối sau vụ sát hại đau lòng của con gái Mildred tại thị trấn nhỏ Ebbing. Có thể nói, Martin McDonagh là một biên kịch và đạo diễn rất cừ, khi đang đứng trước cơ hội nhận được hai giải Oscar cho hạng mục Phim hay nhất năm và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.

Sau hàng loạt những chuỗi sự kiện gây sốc, bộ phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri lại kết thúc với một kết mở, yên bình, khi hai kẻ tử thù ngồi chung với nhau trên một chiếc xe, không còn chắc chắn mình có còn muốn trả thù hay không nữa. Ta nhận ra rằng sau những sự thù hằn và hành vi trả đũa, các nhân vật bất hạnh học được sự tha thứ, và bắt đầu buông tay khỏi lưỡi kiếm mà sự thù hằn gây ra. Nỗi đau của bà mẹ Mildred khi mất con gái là vô cùng vô tận, nhưng liệu rằng những hành động quá khích mang tính thù hận để tìm và trả thù kẻ sát nhân mà liên lụy tới những người cảnh sát có phải là đúng đắn? Chúng ta không thể kết tội Mildred bởi cảm thương cho bà, nhưng chúng ta cũng không thể kết tội cho những người cảnh sát - dù đã từng có những hành vi xấu xa, bạo lực, phân biệt chủng tộc nhưng lại phải chịu cái giá mất đi cả sự nghiệp, cả cơ thể và tính mạng. Nhưng rồi cho tới cuối phim, người chết cũng đã chết, và sự giải thoát cho thù hận chỉ có thể là tha thứ.

Tất cả đã được đúc kết chỉ đúng trong đoạn hội thoại cuối phim:

"Anh chắc về việc này chứ?"

"Về việc giết hắn ư? Không hẳn. Còn cô?"

"Không hẳn. Tôi đoán chúng ta có thể quyết định trên đường đi."

Vậy còn bạn? Bạn quyết định điều gì? Thù hận hay tha thứ?