Xếp hạng 9 bộ phim từ dở đến cực hay của đạo diễn Dunkirk - Christopher Nolan (P2)

Tin điện ảnh · huylock ·

Dưới đây là 5 trên 9 bộ phim của Christopher Nolan, được xếp hạng từ tệ nhất đến siêu phẩm.

Mời các bạn đọc phần 1 tại đây.

5. The Dark Knight (2008)

Tất cả khán giả đều dành cho bộ phim này những lời khen có cánh nhất. The Dark Night thật sự là một bộ phim rất đáng xem. Không có vấn đề gì khi kịch bản chính là một mớ hỗn độn về những kẻ bị cô lập, hoặc đây chính là phong cách của Nolan – với sở thích là kể chuyện, khắc họa tâm lý hơn là hành động – mang đến một tác phẩm siêu anh hùng đáng nhớ. Cũng không có vấn đề gì khi những phân cảnh hành động IMAX của phim thường không được kết hợp mượt mà với nhau, hoặc đây cũng là sự ưa thích của Nolan khi tạo ra những không gian trống để khắc họa chân thực cuộc sống ở thành phố Gotham. Cũng chẳng có vấn đề gì khi việc tranh cãi công lý trước tòa về Batman mất hơn 20 phút chỉ là dư thừa, hoặc Harvey Dent đã rất chậm chạp, hay mục đích vai diễn của anh quá trong sáng khiến người xem cảm thấy có vấn đề.

Nhưng không sao – The Dark Knight thật sự là một siêu phẩm. Bộ phim thổi hồn vào câu chuyện của Batman thông qua việc chống lại thế giới ngầm. Kịch bản được Christopher và Jonathan Nolan chắp bút dựa trên ảnh hưởng từ bộ truyện Batman: The Long Halloween và mở ra một câu chuyện mang tính biểu tượng có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ 21.

Khi bộ phim The Dark Knight được phát hành đã đem lại danh tiếng rất lớn cho đạo diễn Christopher Nolan, nhưng phần lớn lời khen vẫn thuộc về Heath Ledger. Màn trình diễn hoành tráng trong vai Joker đã làm nên một vai phản diện được yêu thích nhất. Ledger đã tận dụng hết bản năng hoang dã, sự nổi loạn và điên loạn nhất vào vai diễn với chất giọng như một chuyên gia về Shakespeare.

Đánh giá của người dịch: Trước tiên, cần phải tưởng niệm diễn viên bạc mệnh Heath Ledger, một vai diễn quá xuất sắc mà đến nay chưa một vai phản diện nào có thể sánh tầm với vai Joker của ông.

Nhưng điều này lại là một trong những yếu điểm của phim. Vai diễn Joker quá thành công, lất át cả vai Batman của anh Bale, và có khi lất át cả nội dung phim khi mà cứ nhắc đến The Dark Knight thì người xem sẽ chỉ có Joker, nội dung sẽ đọng lại rất ít (chỉ có mọt phim mới nhớ hết được nội dung phim đang nói gì, còn lại chắc tập trung vào cuộc đối đầu giữa Batman vs Joker mà thôi).

Nhưng cuối cùng, nội dung phim chính là thành công lớn của cả bộ ba phim, trở thành một trong những tác phẩm chuyển thể hay nhất mọi thời đại. Điểm yếu lớn thứ 2 cũng chính là nằm ở hai nhân vật Rachael và Dent, đặc biệt là Rachael với màn diễn khá cứng. Cảnh quay áp dụng IMAX thì khỏi bàn cãi, hành động phần này cũng không nhiều hơn phần trước là bao, nhưng với màn đối đầu tâm lý đặc sắc kia thì cần gì phải xem cháy nổ, đánh đấm chứ.

4. Interstellar (2014)

Giống như tác phẩm khoa học viễn tưởng huyền thoại 2001: A Space Odyssey, bộ phim tiếp theo sau bộ ba phim Batman của Nolan là về việc khám phá sâu hơn những bí ẩn vũ trụ. Đây là chủ đề rộng nhất mà Nolan từng làm. Bắt đầu từ sự đối lập giữa logic và cảm xúc, thực tế và cảm giác, Intertellar cố gắng định vị tình yêu theo học thuyết Darwin, theo cơ chế tồn tại, là hy vọng tốt nhất của loài người trong tương lai. Tình yêu là tất cả những gì bạn cần, bộ phim dường như là cách để nhấn mạnh những thiệt hại do nóng lên toàn cầu và nhắc nhở rằng bất kỳ loài nào cũng cần phải bảo vệ hành tinh sống.

Những bộ phim hay nhất của Nolan như một khối Rubik, chỉ có thể hiểu hết khi đặt mọi thứ vào đúng vị trí của nó. Do đó, cho đến nay, đây cũng là bộ phim tham vọng nhất của Nolan bị đánh giá là không phù hợp với năng lực của ông. Interstellar chính xác là một canh bạc, và không phải tự nhiên nó nhận được phản hồi trái chiều khá gay gắt, một mặt, phim là một tuyệt phẩm, một câu chuyện “cổ tích” về cuộc phiêu lưu xuyên không thời gian; mặt khác, phim mang nhiều khiếm khuyết.

Nét độc đáo của Nolan chính việc chơi đùa với lý thuyết thời gian tương đối, đây là vũ khí lợi hại để khắc họa tâm lý nhân vật hơn là dùng thủ pháp điện ảnh (có lẽ ông sẽ không bao giờ quay được một cảnh quay khác như lần đầu mở lòng của Cooper với con gái). Thành công lớn nhất của Nolan chính là việc truyền tải được những thông điệp đến người xem, tình cảm gia đình gài gắm rất thuyết phục và tự nhiên. Phần nổi bật nhất trong phim cũng đến từ nhạc phim do Hans Zimmer soạn, mà điều này đã được đảm bảo qua rất nhiều phim hai ông cùng hợp tác.

Đánh giá từ người dịch: Đây là bộ phim có thể nói là gây tranh cãi nhiều nhất của Nolan. Với một chủ đề quá rộng, quá mơ hồ sẽ rất kén người xem. Nhưng với những khán giả tận hưởng trọn vẹn bộ phim trong suốt hơn 3 tiếng đồng hồ thì đa số đánh giá đây là một tuyệt phẩm. Một cảm giác rất thích thú, đầy phấn khích về niềm tin vào con người, những thứ mà có lúc khi xem phim bạn đã thấy nó bị dao động, lung lay, hoen ố.

Điểm mạnh nhất của bộ phim chính là sự truyền tải thông điệp về tình yêu gia đình, về niềm tin, về sự sống và sự đoàn kết của con người. Điểm mạnh thứ 2 là đưa lý thuyết vũ trụ bao la đến người xem, để khi kết thúc, người xem có hứng thú tìm hiểu về lỗ đen, không gian 5 chiều… vì theo như Nolan, ông đã cố gắng đưa những lý thuyết khoa học vũ trụ chính xác nhất vào phim (bật mí: qua mỗi hành tinh mà Cooper dừng chân đều là thời kỳ tiến hóa của Trái Đất). Điểm nổi bật thứ 3 là hình ảnh quá đặc sắc, chân thực, khiến ai cũng phải choáng ngợp với sự vĩ đại của vũ trụ. Phần âm nhạc chính là tuyệt tác tạo nên tuyệt phẩm này.

Điểm trừ chính là việc mạo hiểm của Nolan khi chọn đề tài vũ trụ này. Với cả đống lý thuyết mơ hồ vả vào mặt khán giả, khiến ra rạp ai cũng lắc đầu ngao ngán vì độ hack não của phim (mà thực ra là loạn não vì lý thuyết chứ phim rất phức tạp là vậy nhưng có ý nghĩa rất đơn giản) và cả những lý thuyết thậm chí chưa được xác thực về không gian 5 chiều, khiến cái kết của phim được đánh giá khá mơ hồ. Điểm trừ nhỏ thứ 2 là các nhân vật phụ, có hai nhân vật phụ trở nên mờ nhạt chính là chị Amelia Brand (người đi cùng với Cooper), nếu không được đưa trở lại ở đoạn kết thì chắc chả ai nhớ đến chị; người thứ 2 không ai khác chính là con trai lớn của Cooper, một nhân vật có cũng như không.

3. Inception (2010)

Thỉnh thoảng, dường như Christopher Nolan đã hiểu được vẻ đẹp của đánh lừa thị giác hơn bất kỳ nhà làm phim nào từ thời Orson Welles. Ông là bậc thầy đánh lạc hướng, một thiên tài có thể đưa bất kỳ cảnh phim nào vào một mô hình phức tạp của nghệ thuật origami, một chuyên gia về kỹ xảo. Những bộ phim hay của ông sẽ đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến những bất ngờ khác, và thậm chí trở nên tuyệt vời khi biến sự tò mò thành ngỡ ngàng. Những bộ phim đó sẽ khiến bạn ám ảnh không hiểu bộ phim đang nói gì, nó sẽ diễn biến ra sao, tại sao lại như vậy, cho đến khi ngả ngửa nhận ra, điều đó đâu thật sự quan trọng.

Mặt khác, cũng có lúc Christopher Nolan dường như không cần thủ thuật để đánh lừa khán giả. Một nhà ảo thuật sẽ không bao giờ tiết lộ thủ thuật của anh ta, nhưng với Inception, Nolan không thể ngừng nói với khán giả ông đang làm gì. Bộ phim dành phần lớn thời gian để giải thích cho khán giả hiểu. Thậm chí, càng về cuối phim, Nolan vẫn cố gắng mở ra những điểm mấu chốt mà ông muốn truyền tải, như việc nhân vật Ariadne (Ellen Page) tạo ra mê cung và hướng dẫn những người khác đi qua nó, và giúp Cobb điều chỉnh tiềm thức của chính anh. Với vai trò là người duy nhất đang tìm hiểu về việc chia sẻ giấc mơ, cô đồng thời giúp khán giả có được khái niệm về cốt truyện.

Nolan đã làm rất tốt cả hai vai trò là người kể chuyện và tác giả, những có lúc ông cũng gặp khó khăn để cân bằng hai vai trò này. Inception là một bộ phim kịch tích về tội lỗi, chuộc tội và sức mạnh của ý chí, nhưng hơn bất cứ điều gì, đó là sự mơ hồ mà bộ phim đem lại cho khán giả.

Phần lớn nội dung phim diễn ra trong thế giới giấc mơ liên kết với nhau. Kiểu kiến trúc này tạo ra một nơi mà mọi hoạt động trong mơ và đời thực đan xen vào nhau. Giấc mơ luôn luôn được xây dựng, và nó thay đổi khi những nhân vật di chuyển trong đó. Nolan đưa vào phim nhiều yếu tố của các thể loại phim khác nhau, chủ yếu là khoa học viễn tưởng, trộm cướp sử dụng công nghệ (heist film) và phim trắng đen. Bộ phim kết thúc với cảnh con quay bắt đầu loạng choạng (nhưng không ngã), gợi lên suy nghĩ về việc cảnh cuối cùng diễn ra trong thực tại hay là trong một giấc mơ khác. Một hình ảnh gây nhiều tranh cãi cả về phía người xem lẫn nhà phê bình. Inception, không chỉ là bộ phim bom tấn hay nhất thế kỷ 21 mà còn là minh chứng cho sức mạnh đáng kinh ngạc để mở ra ý thức tiềm ẩn trong mỗi giấc mơ.

2. Memento (2000)

Một câu chuyện phi tuyến tính về người đàn ông trung niên tìm mọi cách để thoát khỏi ám ảnh về cái chết của người vợ. Memento không giống như bao bộ phim khác của Nolan, bước đột phá năm 2000 đã trở thành khuôn mẫu cho sự nghiệp sau này của ông. Đặc biệt, khán giả sẽ nhớ mãi những lời mà Leonard Shelby nhận thức về căn bệnh của mình:

"Tôi phải tin vào một thế giới bên ngoài tâm trí của tôi. Tôi phải tin rằng hành động của tôi vẫn có ý nghĩa, ngay cả khi tôi không thể nhớ chúng. Tôi phải tin rằng khi mắt tôi nhắm lại, thế giới vẫn còn đó. Nhưng liệu tôi có tin rằng thế giới vẫn còn đó không? Hay nó đã biến mất?... Đúng thế. Tất cả chúng ta đều cần một cái gương để nhắc nhở bản thân chúng ta là ai."

Câu chuyện của Leonard Shelby được kể theo hai hướng: một câu chuyện trắng đen chiếu bình thường và một câu chuyện màu chiếu theo lối "giật ngược" từng đoạn theo ngược chiều thời gian. Hai câu chuyện "đụng nhau" tại cuối phim tạo ra một câu chuyện thống nhất. Giới phê bình đặc biệt khen ngợi cách kể chuyện "giật lùi từng đoạn" độc đáo của phim cũng như cách bố trí những đoạn hồi ức, nhận thức, đau buồn, tự lừa dối, và sự trả thù. Memento luôn bắt người xem phải suy nghĩ, gắn kết từng sự kiện, tự hỏi tự trả lời từng chi tiết xuyên suốt khắp bộ phim. Và đó là thành công của Nolan khi đưa khán giả vào chính câu chuyện của phim, khiến khi kết thúc bộ phim, mỗi khán giả sẽ có một Memento của riêng mình.

Đánh giá người dịch: Điều ấn tượng đầu tiên khi nhắc đến Memento chính là sự hack não của nó. Một lối kể chuyện đan xen giữa hai mạch thời gian ngược chiều nhau, nối vào nhau gần cuối phim (tưởng chừng rời rạc, nhưng thống nhất lạ thường), cùng với một số chi tiết đánh lạc hướng khiến người xem bị rối mà không rõ mình bị lạc từ lúc nào. Người xem phải ngồi ngẩn ngơ nhớ lại tất cả các dữ kiện, tình tiết để hoàn thiện bộ phim, còn gì hạnh phúc hơn khi chính chúng ta là người tạo dựng lên bộ phim của riêng mình. Dám cá, những ai thưởng thức trọn vẹn Memento, sẽ chẳng ai có thể chê được siêu phẩm này cả.

1. Prestige (2006)

Christopher luôn mong muốn tất cả bộ phim của ông đều khiến khán giả phải tự đặt ra câu hỏi. Ông muốn khán giả nhập tâm vào câu chuyện, muốn bạn tự trả lời mà bạn đặt ra. Không có gì thú vị hơn khi đánh lừa được sự không chú ý của khán giả. Và tất nhiên, thủ thuật này chỉ thành công khi bạn biết mình bị lừa. Và đó là sự kì diệu mà The Prestige mang đến cho khán giả, một bộ phim yêu cầu phải thật sự chú ý đến những điểm mấu chốt của câu chuyện. Đây là bộ phim kiệt tác về nghệ thuật đánh lạc hướng.

Bộ phim kể về thù hận giữa hai nhà ảo thuật (Christian Bale và Hugh Jackman) trong thời kỳ hoàng kim của mình (cả hai đều mong muốn mang đến những màn trình diễn ảo thuật mãn nhãn nhất). Bộ phim đi từ những bí ẩn sâu nhất, và sau đó giải đáp về sự thật hiển nhiên của nó, Prestige là minh chứng đầy thú vị về hiểm họa của việc chạy theo tham vọng và đánh lừa bản thân để quên đi những gì mà chúng ta biết là sự thật.

Nói cách khác, đây giống như thủ thuật mà Nolan đã làm trong Memento và Inception. Prestige không chỉ là bộ phim hay nhất của Nolan, mà còn là siêu phẩm tuyệt vời nhất mà Nolan đã tạo ra. Điều gì khiến Prestige nổi bật hơn những bộ phim còn lại, đó chính là việc khai thác triệt để ảo ảnh hơn hơn các phim khác, thông điệp được truyền tải một cách khéo léo trong từng câu chuyện.

Prestige là câu chuyện về hai ảo thuật gia, Borden và Angier, khao khát đến phát điên vì những trò ảo thuật. Họ là đồng sự, là bạn bè rồi trở thành kẻ địch, sẵn sàng dồn nhau tới chỗ chết. Thông qua Prestige, Nolan mang đến cho khán giả cái nhìn trần trụi về thế giới của những nhà ảo thuật. Cuộc đầu óc tính toán tỉ mỉ và đạt được vinh quang tột bậc là những ảo thuật gia sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời vì vài phút được thừa nhận trên sân khấu, hào quang nào cũng phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Cuối cùng, The Prestige khiến thứ bất thường trở lại thành bình thường, hoàn tất cho một chu trình khép kín của cái được gọi là ảo thuật.

"Những bí mật sẽ không gây ấn tượng với ai. Bí quyết bạn sử dụng mới chính là tất cả”.

Phải chăng, câu nói của Michael Caine chính là những gì mà Nolan xây dựng cho các con của mình. Tất cả bộ phim của Nolan như một màn trình diễn của ảo thuật gia, duy chỉ có Prestige xứng đáng là tuyệt phẩm của phù thủy.

Đánh giá người dịch: Màu sắc u tối, nhịp phim đôi lúc chững lại khiến cho phim có thiên hướng dài dòng. Đỉnh cao của phim này chính là việc đi thẳng vào vấn đề, không còn là cái kỳ ảo, mộng mơ của ảo thuật, mỗi màn ảo thuật đều toát lên được cái khắc nghiệt, đánh đổi, và ma mị của nhân vật. Bộ phim duy nhất dám đi thẳng vào sự trái ngược mà ảo thuật mang lại. Nhưng cuối cùng, cái kết phim lại khiến người xem phải giật mình. Việc đưa yếu tố sinh đôi để giải thích toàn bộ phim, cùng với khả năng siêu nhiên phân thân khiến bộ phim trở nên mơ hồ. Thất vọng nhất, chính là hóa thân của Scarlett Johansson cứng, chưa đạt đến tâm lý nhân vật, may mà đất diễn của cô khá ít nên không mấy ảnh hưởng đến toàn bộ phim.

Nguồn: Indiewire