Xếp hạng tất cả phim Disney từ dở đến hay nhất (P2)

Tin điện ảnh · Trissica_Jonkers ·

Hôm nay, chúng ta tiếp tục xếp hạng 56 phim hoạt hình Disney từ tệ nhất đến tốt nhất. Hãy lướt qua danh sách và ném đá chúng tôi ở bình luận nào.

Một năm đại thắng với Nhà Chuột. Những năm gần đây, ta đã thấy một thời kỳ Phục Hưng thứ hai của Disney với hàng loạt những bom tấn live-action làm lại từ những bộ phim hoạt hình đặc trưng, thu về hàng tỉ đô. Từ bộ phim cực đẹp cực “cà chua thối” Alice in Wonderland (2011), tới thành công mĩ mãn của Beauty and The Beast (2017) và cả tá dự án khác đang trong quá trình thai nghén gồm cả Aladdin với đạo diễn Guy Richie, và The Lion King của Jon Favreau với chàng nam chính điển trai Donald Glover, Disney đang vực dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Phần 1

40. The Black Cauldron (1985)

Thành công rực rỡ của Star Wars đã mở đường cho hàng loạt các phim viễn tưởng trong những năm 80, với Labyrinth, Legend,… nhưng nỗ lực thu tiền ăn theo của Disney, và tìm “định nghĩa” mới cho xưởng sau sự ra đi của Nine Old Men, đã flop sấp mặt đến nỗi xém tí nữa thì ta sẽ không có Frozen hay Zootopia mà xem. Dựa trên quyển sách của Lloyd Alexander và thần thoại xứ Welsh, phim kể về một gã chăn heo, nàng công chúa, thi sĩ và một sinh vật giống cún cố gắng chống lại một tên vua hắc ám. Thật sự mà nói thì rất thú vị khi thấy hãng cố gắng thử một phong cách mới, nhưng tiếc thay, nó lại thiếu vắng sự quyến rũ vốn có trước đây và viễn tưởng của phim thì quá chung chung, không có dấu ấn cụ thể.

39. Saludos Amigos (1942)

Phim đầu tiên và nhanh nhất trong 4 gói phim của Disney (đọc phần 1) với chỉ 40 phút. Saludos Amigos không thể chối cãi quá ngắn, nhưng lại rất hấp dẫn – phần lớn nhờ vào câu chuyện đằng sau nó. Phim được đặt làm bởi Bộ Ngoại Giao và Nelson Rockefeller như một phần của chiến dịch thiện chí, dự tính để giúp giảng hòa với người Mĩ Latinh và cuốn bay một vài đồng minh nhất định của Phát xít Đức. Và còn có thêm những phân đoạn tài liệu live action theo chân những nhà làm phim trong chuyến du ngoạn đến Brazil, Uruguay và Argentina. Aludos được cho là bức phá với những phân đoạn đấy, nhưng 4 phân đoạn phim còn lại cũng rất đẹp và đáng xem.

38. The Sword In The Stone (1963)

Một nước cờ kì lạ trong cuộc chạy đua của Disney Classics vào thập niên 1960s, The Sword In The Stone (được truyền cảm hứng một chút từ loạt tiểu thuyết của T.H White về vua Arthur: The Once and Future King) đang bị đánh giá quá thấp. Có lẽ vì đây là phim cuối cùng trong những năm cuối đời của vị cha đẻ – Walt Disney; hoặc là vì phim có một kết cấu kì quái và lỏng lẻo, quá hài hước, quá nhẹ nhàng so với hầu hết câu chuyện của Arthur và Merlin. Nó không hoàn toàn đã, nhưng chính vì sự hấp dẫn với những màu sắc táo bạo, mạnh mẽ và tân thời đã khiến cho Sword In The Stone trông như một phim của năm 90 – đi trước thời của nó 30 năm!

37. Tarzan (1999)

Được cho là phim cuối cùng trong thời kìa Phục Hưng của Disney, được làm theo khuôn mẫu của The Little MermaidTarzan là một phim khá tốt. Phim xem rất đã con mắt, có khá nhiều cảnh hành động thót tim, có một bài học ý nghĩa về tình yêu, và chứng minh một phim “dựa trên truyện cổ tích” hoàn hảo với nhiều khía cạnh của nhân vật từ truyện gốc, kể cả sự hoàn hảo của anh vai chính ngon cơm. Tuy nhiên, nó không thành công như toàn thể mà đen tối hơn hầu hết những “người bạn phục hưng”, và yếu tốc hài hước không phát huy tác dụng (có nhiều cái còn hơi thô). Hoặc có thể chỉ là bài hát chủ đề da diết của Phill Collins đã tác động tới người xem.

36. The Many Adventures of Winnie The Pooh (1997)

Gói phim đầu tiên từ năm 1940 và phim màn ảnh rộng đầu tiên của hai phim về chú gấu khù khờ được rất nhiều người yêu mến của A.A. Milne. Phim gợi lại ba phim ngắn trước đây: Winnie The Pooh And The Honey Tree (1966); Winnie The Pooh and the Blustery Day (1968) và Winnie The Pooh and Tiger Too (1974), rồi liên kết chúng lại với những tình tiết thêm thắt. Như thế, cộng thêm những tình tiết tình cờ, trẻ con đúng bản chất của phim khiến cho Những Cuộc Phiêu Lưu Của Chú Gấu này không giống một phần phim sau 35 năm; tuy nhiên, phim vẫn rất hấp dẫn và vẫn rất sát với tinh thần của Milne cùng nhân vật đậm chất Mỹ ngốc nghếch.

35. The Adventures of Ichabod & Mr Toad (1949)

Gói phim cuối trong các gói của những năm 40 cũng là phim hay nhất, phần lớn là vì phim chỉ tập trung vào hai tuyến truyện chính, cả hai đều được đầu tư kĩ lưỡng. Cả hai câu chuyện dựa trên The Wind In The Willows với phiên bản dựa trên lời kể của Bing Crosby, và The Legend Of Sleepy Hollow của tác giả Washington Irving thì được kết nối với nhau khá ngẫu nhiên, nhưng đều có sức hút và đầy cá tính; đặc biệt là phần chuyển thể của Irving, bởi việc tạo ra những nhân vật tuyệt vời là điều táo bạo nhất mà studio đã làm dược ở thời điểm đó.

34. Big Hero 6 (2014)

Phim Marvel - Disney Animation đầu tiên (mặc dù họ đã bỏ hết những chi tiết liên kết, nhưng rõ ràng Big Hero 6 là tên của một đầu truyện tranh Marvel) và tiếp tục lót vàng vào con đường thành công liên tiếp trải dài từ 2012 đến nay. Nhưng tôi không nghĩ đây là phim thiếu chất nhất của Lasseter như nhiều người nói. Câu chuyện về các siêu anh hùng trong tương lai gần có rất nhiều phân cảnh hành động mãn nhãn, đầy nhân văn và một nhân vật robot Baymax (Scott Adsit) chỉ cần nhìn thôi cũng đã yêu rồi. Nhưng câu chuyện chính quá là chung chung, và bên cạnh Baymax, các nhân vật khác cũng nhạt nhòa, dễ chìm vào quên lãng.

33. The Rescuers (1977)

Tuy không phải là một phim lấy cảm hứng từ một câu chuyện nổi tiếng như những bộ phim khác cùng thời, The Rescuers đã trỗi dậy và trở thành bộ phim Disney thành công nhất từ từ trước đến 1977 (vì thế phần tiếp theo đã ra sau hơn một thập kỉ). Và dù phim có dùng công thức cũ (như phản diện của Geraldine Page có hơi giống những người tiền nhiệm), bạn vẫn có thể thấy được vì sao phim lại thành công như thế. Câu chuyện kể về hai đặc vụ chuột bí mật cố gắng giải cứu một cậu bé bị bắt cóc với một đống nhân vật dễ cưng (như các anh hùng là Nick-và-Nora của Bob Newhart và Eva Gabor), căng thẳng đủ đô và một bối cảnh đậm chất Louisiana.

32. Frozen (2013)

Tôi đã biết rằng khi đưa một phim Disney có doanh thu cao nhất lịch sử (phim hoạt hình đầu tiên của hãng vượt qua mức $1 tỷ và vẫn ở trên cùng của top doanh thu phim hoạt hình), đồng thời được yêu thích nhất trong những năm gần đây nhưng lại ở giữa danh sách sẽ khiến cho nhiều người thốt lên “Phê cần à?”. Nhưng hãy nhìn lại! Frozen khá ổn trong nhiều mặt – có vài bái hát hay, một nhân vật phụ tá hài hước, dễ thương, cùng thông điệp ngọt ngào đằng sau những kỹ xảo tráng lệ; nhưng xét về tổng thể thì lại khác: cốt truyện lủng củng, đơn giản, tạo hình nhân vật quá thị trường, kiểu mẫu và mờ nhạt, người tuyết quá đúng kiểu Josh Gad. Không thể chối cãi rằng con nít yêu thích Frozen, nhưng chúng sẽ lớn lên và phát cuồng nữa không?

31. The Aristocats (1970)

Disney chắc chắn không sợ thử những công thức mới và họ đã tìm được một công thức hoàn hảo trong thập niên 50 đến 70 với những con-vật-dễ-thương-cùng-với-cả-phản-diện-đầy-màu-sắc, tiên phong với Lady and The Tramp và tiếp theo đó là 101 Dalmatians và The Rescuers, cùng với những phim khác. The Aristocats phải chật vật đôi chút ở đoạn đầu lúc mới công chiếu, vì phim có hơi hướng giống Lady and The Tramp101 Dalmatians quá, nhưng phim lại là điểm chốt hoàn hảo của 2 phần tiền nhiệm, dù rằng phản diện thì có hơi rởm. Nhưng phim vẫn rất có tính giải trí cao và bài hát chủ đề Everybody Wants to be a Cat của Phil Harris đã vào danh sách các bài hát hay nhất của Disney.

30. Wreck-It Ralph (2012)

Thang đánh giá cho những phim theo chủ đề video game đã bị kéo xuống thấp đến nỗi Wreck-It Ralph dễ dàng là phim hay nhất trong thể loại này, nhưng vẫn còn vài hạt sạn to. Ở điểm nào đó giữa TronWho Framed Roger Rabbit, sản phẩm của Rich Moore theo chân nhân vật cùng tên – một phản diện theo kiểu Doney Kong – trên hành trình đi khám phá bản thân và chứng minh rằng mình còn hơn cả một cái mác bad guy. Đây là bộ phim mãn nhãn về mặt hình thức, dàn cast không thể nào hoàn hảo hơn, nhưng với hàng tá easter egg và liên kết nhằng nhèo, có thể Ralph đã bị nhồi nhét nhiều quá. Và quan trọng hơn, cốt truyện có hơi rối rắm khi soi kĩ. Tuy vậy, như đã nói ở trước, vẫn là phim video game tuyệt nhất!

29. The Rescuers Down Under (1990)

Phim phần sau của Disney đầu tiên xứng đáng được thực hiện và còn hay hơn cả phần một (hiển nhiên phá bỏ lời nguyền phần 2). Dù nó có đi theo khuôn của phần đầu, dẫn đến việc thiếu sáng tạo, phim vẫn giữ được tinh thần vốn có, cùng lúc, nâng tầm cuộc chơi: đồ họa tuyệt vời, hiệu ứng sướng rơn và phản diện xịn hơn nhiều. Percival C. McLeach quỷ quyệt của George C. Scott, tôi còn cần nói gì thêm không? Thật đáng tiếc, phim không hốt bạc được bao nhiêu trong thời Hoàng Kim I của Disney, nếu không thì chúng ta sẽ rất vui mừng đón nhận thêm nhiều Rescuers.

28. Tangled (2010)

Tuy thành công không tưởng (phải thành công thôi, ở thời điểm đó, Tangled có kinh phí cao ngất ngưỡng), Tangled giờ đây có lẽ đã bị đè bẹp bởi cái bóng quá lớn Frozen. Tiếc thay, Tangled hay hơn Frozen nhiều. Ừ, nhạc phim không hay bằng cô em họ lạnh lẽo kia, nhưng Tangled – dựa theo truyện cổ gốc về Ranpuzel – hiệu ứng bắt mắt hơn, hài hước hơn, sử dụng cái bài ca cổ Love At First Sight (Tạm dịch là Nhìn phát yêu ngay) hiệu quả hơn nhiều phim khác, và cảnh phim nổi bật nhất ăn đứt Frozen: đèn lồng (cảnh đấy có lẽ là cảnh phim tuyệt vời và mộng mơ nhất trong thời kì Disney hiện đại).

Tự kiểm chứng nhé

27. Alice In Wonderland (1951)

Không như bản live action 3D của Tim Burton, 59 năm sau phần gốc, phim làm theo cuộc phiêu lưu ngớ ngẩn của tác giả Lewis Carroll đã cân bằng đươc hai yếu tố giữa nguyên liệu gốc và gia vị riêng. Với một hiệu ứng thị giác tuyệt vời như đang phê thuốc, đây vẫn là một trong những phim kỹ xảo tuyệt vời nhất của Disney; và những nhân vật, như Chesire Cat chẳng hạn, rất theo sát truyện. Nhưng bỏ qua độ đẹp, tôi không còn thấy gì hay nữa: câu chuyện không có gì ngoại sự điên rồ đặc trưng, Alice thì nhạt toẹt, cộng thêm các bản nhạc trong phim thì chẳng có gì nổi bật (bây giờ còn ai nhớ bài nào trong phim không?).

26. Atlantis: The Lost Empire (2001)

Hầu như lần nào Disney thử làm phim không na ná với các phim trước, thêm nhiều yếu tố hành động và phiêu lưu – như The Black Cauldron hay Treasure Planet – đều không mấy thành công. Và Atlantis cũng không phải ngoại lệ trong những chuỗi dài ngày lỗ sạch của Nhà Chuột. Nhưng rất rất rất đáng tiếc, vì trong danh sách những bom tấn hành động/phiêu lưu, đây là một phim khá hay. Cầm trịch bởi bộ đôi Gary Rousdale và Kirk Wise đã làm nên tên tuổi của Beauty & The Beast, và bị ảnh hưởng theo Laputa: Castle In The Sky; Empire Strik… à không, The Lost Empire có một cốt truyện hấp dẫn, nét vẽ thời thượng (cha đẻ Hellboy Mike Mignola đã giúp trong khâu tạo hình nhân vật) và cứ luôn cuốn ta vào sâu khiến ta không thể bỏ phim giữa chừng. Một trong những phim Disney bị đánh giá thấp nhất!

25. Cinderella (1950)

Sau một thập niên của những cú thua lỗ và phim hậu-thế-chiến-2-kinh-phí-cực-thấp, Walt Disney Productions đã quay lại đường đua với bộ phim thứ 12, đưa mọi người quay lại với bản gốc của Lọ Lem. Phim thành công vang dội và đã đem về đủ kinh phí để hãng tiếp tục đem về thêm kinh phí nữa. Bởi vì đây là một phim chặt chẽ và rất đẹp, rẽ đường cho các phim đi theo đến tận vài thập kỉ sau. Có thể phim không logic như những phim cổ tích Disney khác, không đập vỡ giới hạn như Snow White, nhưng Lem vẫn khá đáng yêu và bản làm lại sau hơn nửa thế kỉ vẫn được đón nhận nồng nhiệt.

24. The Princess And The Frog (2009)

Disney đã nâng cấp dự án Hoàng Tử Ếch này qua tận cung trăng, bởi đây sự quay trở lại (sau 5 năm và chính thống) cuối cùng của xưởng trong đường đua phim hoạt hình 2D, cùng với mác cổ tích sau hơn chục năm. Và còn giới thiệu một công chúa Disney Mĩ gốc Ấn đầu tiên nữa: Tiana với giọng hát của Anika Noni. Mặc dù là 2D nhưng về hiệu ứng, tôi chắc chắn phim đẹp đến lòi con ngươi và có rất nhiều yếu tố không bị tẩy trắng – nhạc phim đậm chất New Orleans (với những nhịp kèn dồn dập), phản diện thầy phép (Keith David) chất ngất. Nhưng nếu ai nghĩ đây là một câu chuyện “nàng” hôn “chàng” biến thành người và cả hai lấy nhau thì bạn đã lầm. Đó chỉ là nền, và cuộc phiêu lưu trong phim hay hơn nhiều, với những cảnh chắc chắn sẽ lấy nước mắt của bạn qua những bài học về đồng tiền và tình yêu. Tuy vậy, phim vẫn không có những tình tiết twist. Nhưng nhìn chung, đây vẫn là một phim hay và rất đáng xem. (Fun Fact: Beyonce từng được nhắm vào vai Tiana nhưng Queen B không đi casting [#Queen] nên ta đã có một Tiana như bây giờ).

Phân đoạn tuyệt đẹp

23. Fantasia (1940)

Có câu “Thất bại là mẹ thành công”, lần đầu ra rạp: lỗ, nhưng qua rất nhiều lần tái-khởi chiếu, Fantasia trở thành một trong những phim thành công nhất lịch sử. Phim thứ ba của loạt phim này là tuyển tập những phim ngắn, mỗi phân đoạn ứng với một bài nhạc cổ điển. Với một vài người, 1940 là thành tựu tuyệt vời nhất của Walt Disney, có thể còn hơn cả những phim trước của ông, thể hiện được nghệ thuật điện ảnh thật sự là như thế nào. Chắc hẳn, phần này nhất quán hơn những phần sau, đỉnh điểm với The Sorcerer’s Apprentice và phim kết tuyệt vời Night On Bald Mountain – là hai mốc khó phim nào lên được. Nhưng không phải phân đoạn nào cũng hay như vậy, như The Pastoral Symphony với Beethoven nhiều người đánh giá rằng có thể bỏ qua, vì thế Fantasia bị rơi khỏi top 20.

22. Hercules (1997)

Chiến binh của John Musker và Ron Clements theo sau thành công của Aladdin đã không sống dai như phần tiền nhiệm, dù nó vẫn thành công trong việc sử dụng câu truyện cũ mà vẫn tươi mới, không nhàm chán. Phiên bản lỏng lẻo của thần thoại Hy Lạp này mở đầu với bé Hercules bị trở thành người bởi mưu đồ của Hades ác độc (James Woods), kẻ đang toan tính giải thoát những Titan và chinh phục Olympus. Nhiều năm sau, Herc (Tate Donovan) phát hiện ra xuất thân của anh và đi theo con đường trở thành người hùng thần thánh xứng đáng. Xem phim thì sẽ thấy khá giống với Aladdin, với phong cách vẽ bị ảnh hưởng bởi những họa tiết trên các bình của Hy Lạp; nhưng phản diện thì rất hài hước và đáng nhớ. Nam chính thì có hơi mờ nhạt, nhưng bối cảnh thì lại nổi bật. Nhân vật Meg qua giọng nói của Susan Egan đã trở thành nhân vật nữ phức tạp nhất Disney từng có. À, và sao ta quên được những người dẫn truyện The Muses rất nhộn và nhoi chứ.

Cách kể chuyện độc nhất. Hay như vậy mà giờ không còn dùng nữa

21. The Little Mermaid (1989)

Đây là tuổi thơ của khá nhiều người. Nhưng bỏ quá yếu tố hoài cổ, chuyến phiêu lưu của Ariel trở thành người khá là thú vị, nhạc phim mang đầy biểu tượng và lột tả được nhân vật sâu sắc. Quan trọng hơn hết là phim mở ra thời kì Hoàng Kim 1990 của Disney sau vài thập kỉ điên rồ là không hề phóng đại. Nàng Tiên Cá đã là một thành công sau một loạt cú ngã, nhưng phim không thể được gọi là huyền thoại. Mặt khác, dễ đoán được công cuộc Disney chuyển thể các nàng công chúa thành phim màn ảnh rộng thế nào cũng sẽ trở nên nhàm chán và thất bại, câu chuyện tình yêu quá nhanh của Ariel (Jodi Benson) và vị hoàng tử thủy thủ Eric (Christopher Daniel Barnes) chỉ bị trắc trở bởi sự chỉa mũi của Ursula (công bằng mà nói, một phản diện tuyệt vời qua giọng của Pat Carroll) và âm mưu xâm chiếm cõi bờ ruộng miền quê sông nước của ả. Ở đâu đó, một câu chuyện tinh vi hơn trong thời kì Đỉnh Cao thứ hai của Disney có lẽ sẽ khắc họa tâm lý các nữ anh hùng của Disney sâu sắc và phức tạp hơn. Cô bé Ariel 16 tuổi chán nản ngôi nhà và quyết định trốn khỏi đó, bỏ lại bạn bè và gia đình mãi mãi vì tình yêu, vô hình trung tạo nên một tấm gương xấu cho giới trẻ và lý do cô dứt áo ra đi không hề thuyết phục. Ariel, hãy yên phận ở Top 21 nhé!

Đón chờ những bộ phim tiếp theo được liệt vào bảng xếp hạng này vào phần cuối cùng trên Moveek nhé.

Nguồn: The Playlist

Bài viết liên quan