Cẩm nang sống sót trong phim kinh dị (Phần 1) - 6 Điều ngây thơ của trẻ em "được" kinh dị hóa trong Hollywood

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Có một số nhà làm phim với trí liên tưởng phong phú thì lại tìm thấy những khía cạnh đáng sợ đằng sau những đứa trẻ ngây thơ.

Thường thì các nhà làm phim kinh dị thích lấy cảm hứng từ những truyền thuyết dân gian hay các câu chuyện tôn giáo nói về những thực thể siêu nhiên. Hoặc các phong tục mê tín dị đoan khiến ai cũng phải nổi da gà khi nghe đến như chơi bùa ngải hay cầu cơ. Nhưng có một số nhà làm phim với trí liên tưởng phong phú thì lại tìm thấy những khía cạnh đáng sợ đằng sau những đứa trẻ ngây thơ.

Dưới đây là những điều trẻ con mà kể từ khi dòng phim kinh dị Hollywood xuất hiện thì không còn ngây thơ và vô tội nữa.

1. Có bạn tưởng tượng

Z (2020) (Robert Ebert)
Z (2020) (Robert Ebert)

Làm sao để nhận biết một đứa trẻ khác thường? Đó là khi bạn nhìn thấy cậu bé hoặc cô bé đó bắt đầu chơi trò trà chiều một mình. Bạn biết những dấu hiệu tiêu biểu rồi đấy. Một đứa trẻ khép kín bỗng trở nên hoạt bát và liên tục nhắc đến một người bạn lạ hoắc mà cha mẹ nó chưa biết đến bao giờ. Mọi chuyện có vẻ vô tội và thậm chí tích cực cho đứa trẻ, cho đến khi nó đứng nhìn bạn với ánh mắt ngơ ngác trước một “tai nạn” bí ẩn và nói “không phải con. Là bạn ấy làm đó”.

Theo tâm lý học, trẻ em có bạn tưởng tượng là dấu hiệu của việc phát triển tính xã hội và thấu cảm. Theo phim kinh dị, nếu đứa trẻ có bạn tưởng tượng, đó là lúc bạn tìm hiểu về ngôi nhà hay bất cứ truyền thuyết ma ám nào. Tốt hơn hết là xem xét lại mối quan hệ gia đình của mình như người mẹ trong Z (2020) đã làm.

2. Trí tưởng tượng phong phú

Before I Wake (Rotten Zombie)
Before I Wake (Rotten Zombie)

Trẻ em có trí tưởng tượng rất phong phú. Đó là một đặc quyền của lứa tuổi vô lo vô nghĩ, còn quá ngây thơ để nhận biết hết những hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống. Và khả năng đó đã vô tình trở thành vũ khí tự vệ của lũ trẻ khi đối mặt với những bi kịch mà chúng quá nhỏ để biết cách đối đầu, như Cody trong Before I Wake (2016) vô tình tạo nên một con quỷ tên Canker Man từ trí tưởng tượng, ký ức và sự bối rối trước cái chết của mẹ. Trước đó, Mê cung của thần Pan cũng được tạo nên tâm trí của cô bé nhằm chấp nhận việc mẹ của cô tái hôn và cảm giác ngày càng bị gạt ra bên lề của bản thân trong gia đình mới trong Pan’s Labyrinth (2006).

3. Đọc sách

The Babadook (Chicago Tribune)
The Babadook (Chicago Tribune)

Đọc sách là một hoạt động có ích cho đời sống. Nhưng trong phim kinh dị, hành động này sẽ đưa bạn thẳng vào tay mấy linh hồn vất vưởng hay thù đời. Điều đáng nói là các cuốn sách ám ảnh giờ không còn trông như sách thần chú rách rưới với lời cảnh báo nữa, mà chuyển sang hẳn cuốn truyện trẻ em bìa cứng xịn xò. Số phận đứa trẻ nhờ cha hoặc mẹ đọc cho nó thì bạn cũng biết rồi đấy. Tốt nhất là mấy cuốn sách có bìa kinh dị, không biết chui từ đâu ra, và nếu bạn không mua mà xuất hiện như trong The Babadook (2014) thì đem đốt đi là vừa.

4. Đồ chơi búp bê

Annabelle (VN Review)
Annabelle (VN Review)

Búp bê là thứ đồ chơi từ lâu đã gắn bó các thế hệ trẻ em và có độ “bất tử” khá dai nếu đem so với các món khác. Đứa trẻ nào cũng cần một con búp bê khi nhỏ mà, bất kể nam nữ. Mà búp bê cũng có nhiều loại vô cùng. Chúng ta có những bé búp bê bằng sứ tinh xảo hầu như chỉ để chưng. Tiếp đến là những búp bê bằng vải như dòng Ragdoll. Dĩ nhiên phải kể đến những chú nhồi bông dễ thương. Cho đến khi chúng trở thành công cụ của thế lực quỷ ám hoặc bị một gã sát nhân nhập hồn. Annabelle trong bộ phim cùng tên và Chucky trong Child’s Play (1988) là một ví dụ chứng tỏ búp bê không hề vô hại. Đừng nói là lên phim, hiện có một con búp bê được tin rằng bị ám thật đang ngồi trong ngăn tủ của một nhà ngoại cảm ngoài đời kia kìa. Đó là chưa kể đến huyền thoại về các Kumathong của nước hàng xóm.

Lần sau đám nhóc nhà bạn đòi đồ chơi, vứt những định kiến phân biệt giới tính qua các món đồ chơi đi đi và mua cho chúng những chiếc ô tô mô hình. Vì nếu một ngày bạn phát hiện chúng bị ám thật thì gõ gậy gỗ vào ô tô bớt đáng sợ hơn nhìn vào khuôn mặt vô hồn của lũ “cúp bế”.

5. Những chú hề

It (Overrated Cinema)
It (Overrated Cinema)

Trước khi trở thành một câu nói mỉa, làm trò hề là một nghề nghiệp chân chính. Nghề nghiệp này đã có tuổi đời lên đến vài nghìn năm, bắt đầu từ năm 2400 Trước Công Nguyên ở Ai Cập (Ghê chưa!). Các chú hề từng là những người được trẻ em yêu thích, nhờ vào tính cách vui vẻ và các ngón nghề khéo léo làm lũ trẻ tươi cười. Những chú hề hiện đại ngày nay có hẳn một tổ chức công đoàn đại diện. Và họ sẽ cần tổ chức này hơn bao giờ hết khi Hollywood đang khiến việc hành nghề ngày càng khó khăn. Nhờ “công” của các bộ phim kinh dị, gần đây nhất là It (2018), biến những chú hề hài hước vô hại thành những con quỷ đáng sợ.

Không bênh vực Hollywood hay Stephen King đâu nhưng một phần cũng là nhờ “ơn” mấy gã giết người hàng loạt như John Wayne Gacy – ban ngày làm hề thăm trẻ em ở bệnh viện vì mục đích từ thiện, đêm về săn lùng người để giết (Cũng là Wayne nhưng không phải mặc áo choàng đi hành hiệp).

6. Kết bạn

Let the Right One in (Consequence of Sound)
Let the Right One in (Consequence of Sound)

Kết bạn là một hoạt động được khuyến khích ở trẻ em. Trẻ em cần vài người bạn để có một tuổi thơ vui vẻ và giữ khả năng “kết” bạn tưởng tượng ở mức tối thiểu. Nhưng nếu chúng đang ở trong một bộ phim kinh dị thì việc này sẽ đem đến một cơn ác mộng mới. Vì chúng chắc chắn sẽ bắt sóng với một ma cà rồng như Oskar trong Let the Right One In (2008), hoặc một hồn ma trẻ em nào đó như cậu bé Carlos trong The Devil’s Backbone (2001). Không thì chúng sẽ đi theo hội như The Children of the Corn (1984).

Nếu thấy những biểu hiện này, bạn tốt nhất nên chạy ngay đi! Hoặc cố mà trở thành nhân vật chính để sống sót qua đại nạn.