15 điều có thể bạn chưa biết về Grindelwald

Tin điện ảnh · tranbaoduy ·

Thế giới phù thủy của Harry Potter lại một lần nữa trổi dậy với Sinh Vật Huyền Bí.

Thế giới phù thủy của Harry Potter lại một lần nữa trổi dậy với Fantastic Beasts and Where to Find Them. Dĩ nhiên, các sự kiện trong phim diễn ra hàng thập niên trước màn hạ đo ván Voldermort và quyết định bẻ đôi Chiếc Đũa Cơm nguội (Elder Wand) của cậu thanh niên Harry Potter; và chiếc đũa huyền thoại ấy dường như sẽ đóng vai trò trọng yếu trong những phần phim Fantastic Beasts tiếp theo, nhờ vào sự góp mặt của nhân vật Gellert Grindelwald.

Được biết qua những lời kể và hồi tưởng trong Harry Potter, tên phù thủy nguy hiểm này – được xem là bậc tiền bối của Voldermort, trổi dậy vào nửa đầu của thế kỷ 20 – hắn vẫn còn là một bí ẩn đối với khán giả. Như ta đã được biết, Johnny Depp đảm nhận nhân vật này nhưng chúng ta có thể trông chờ gì từ nhân vật này của chú Depp?

Sau đây là 15 thông tin cần thiết về nhân vật này, từ những ngày “cắp sách đến trường” tới thời gian hắn trổi dậy.

15. Lần đầu xuất hiện của hắn là ở mặt sau của một lá Chocolate Frog Card

Phải đến gần cuối series Harry Potter thì mức ảnh hưởng của Grindelwald mới bắt đầu tăng lên, nhưng tên phù thủy nổi danh này thật sự đã từng được nhắc đến trong tập Hòn đá Phù thủy, như một công cụ để xác định độ tuổi và sức mạnh của Dumbledore. Sau khi lên được chuyến tàu đến Hogwarts, Harry được Ron giới thiệu những tấm thẻ Chocolate Frogs.

Mỗi một Chocolate Frogs đều đi cùng với một tấm thẻ phù thủy nổi tiếng, với một bức chân dung động và đoạn tiểu sử ngắn. Những tắm thẻ sưu tập này bao gồm cả những thầy phép từ buổi ban sơ, như mụ phù thủy Nga thời trung cổ Babayaga chuyên ăn thịt trẻ em cho bữa sáng, cho đến những phù thủy nổi tiếng thời hiện đại. Và Harry có được tấm thẻ của thầy Dumbledore.

Từ mặt sau của tấm thẻ ấy, ta biết được rằng Dumbledore nổi tiếng với việc khám phá ra 12 cách dùng của Máu Rồng, công trình giả kim thuật của ông cùng người tạo ra Hòn đá Phú thủy Nicholas Flamel, và trận đấu huyền thoại của ông với Gellert Grindelwald. Chiếc thẻ chỉ đơn giản đề cập rằng Grindelwald là một Hắc Phù thủy, bị đánh bại vào năm 1945. Và phải đến phần Bảo bối Tử thần thì những thông tin sâu hơn về Grindelwald mới cho ta biết rằng đây là một nhân vật quan trọng.

14. Hắn bị đuổi học vì thực hiện Nghệ thuật Hắc ám

Tình yêu cho Phép thuật Hắc ám của Grindelwald được chứng minh qua việc nó khiến hắn bị đuổi khỏi học viện Durmstrang, trường phù thủy xứ Scandinavia nổi tiếng với loại phép thuật này. Ngồi bút cay độc Rita Skeeter miêu tả Grindelwald là một nhân tài hệt như Dumbledore, dù cô cũng viết rằng hắn từ chối dâng hiến tài năng ngành hàn lâm và thay vào đó thực hiện hàng loạt những thí nghiệm đen tối khiến Durmstrang cũng không thể cho qua.

Đương nhiên, Rowling đã nói rõ rằng lời của Skeeter không đáng tin, nhưng trong trường hợp này thì những câu chữ ấy lại chính xác vì chính Dumbledore cũng đã nhắc đến những thí nghiệm trên khi nói về Grindelwald với Harry.

13. Hắn khiến Dumbledore chống lại muggle

Sau khi bị trục xuất, Grindelwald ngao du đến Godric’s Hollow, Anh Quốc, để sống cùng người dì của hắn, sử gia phù thủy nổi tiếng và là tác giả của quyển sách ưa thích của Hermione Granger, A History of Magic. Đây là nơi mà Grindelwald lần đầu gặp gỡ Dumbledore. Cả hai dần gắn kết nhau hơn vì sự đồng tuổi và đồng trí, cả hai đều là cao thủ phép thuật và đều có những tham vọng lớn với tài năng của bản thân.

Cả hai kết bạn với nhau vì những lý do riêng, với Dumbledore thì ông xem Grindelwald như một cánh cửa dẫn đến những nơi xa xôi ngoài kia mà ông không bao giờ được đến vì bị kẹt lại Anh Quốc chăm sóc cho đứa em gái của mình. Trái lại, Grindelwald lại thấy kích thích trong tâm trí khi tìm được một người vừa thông minh như hắn lại vừa biết lắng nghe. Khi tình bạn tiến triển hơn, họ bắt đầu một kế hoạch đạp đổ Đạo luật Bí mật và mang giống loài phù thủy ra ánh sáng, thống trị loài muggle. Với biểu ngữ “Vì mục tiêu cao cả.” họ dự tính rời khỏi Godric’s Hollow và lan truyền kế hoạch ấy ra khắp thế giới phù thủy.

12. Dumbledore đã phải lòng hắn

Khi quan hệ của họ phát triển từ một sở thích chung thành một mục tiêu chung thì cảm giác mà Dumbledore dành cho Grindelwald cũng thay đổi. Chàng trai trẻ Dumbledore đã phải lòng tên phù thủy ngoại tộc, không chỉ thông minh, mà còn đẹp trai cùng mái tóc vàng óng ả và một gương mặt “vui vẻ, phóng túng” (theo miêu tả trong sách). Rowling đã so sánh tình cảm mà Dumbledore dành cho Grindelwald cũng không kém gì tình cảm ấy của Bellatrix Lestrange cho Voldemort khi cô lần đầu tiên tiết lộ xu hướng tính dục của vị hiệu trưởng này vào năm 2007.

11. Aberforth chống lại hắn

Khi Aberforth Dumbledore biết được ý định rời khỏi Godric’s Hollow và ngao du khắp thế giới cùng với Grindelwald, ông đã nổi giận. Albus là người giám hộ hợp pháp của cô em gái Ariana sau cái chết của ba mẹ họ.

Aberforth nghĩ rằng Albus nên ở lại bên cạnh đứa em gái bé bỏng của họ, tuy nhiên, Grindelwald lại không nghĩ thế. Aberforth từng giải thích với Harry, Ron và Hermione trong Bảo bối Tử thần: “Grindelwald không thích điều đó. Hắn nổi giận. Hắn bảo ta là một thằng ngốc, cố cản đường hắn và cậu anh trai thiên tài của ta. Rằng liệu ta có hiểu được em gái của ta sẽ không phải che giấu khi họ thay đổi thế giới, và mang phù thủy ra khỏi bóng tối, và dạy cho Muggle vị trí của họ. Và rồi cứ thế cãi vã… và ta rút chiếc đũa của mình… và hắn cũng vậy.”

10. Hắn khơi màu trận đấu dẫn đến cái chết của em gái Dumbledore

Với cái tôi cao bằng trí tuệ, Grindelwald không bao giờ chịu thua và hắn đã không ngần ngại tấn công trước. Cựu học sinh trường Durmstrang này đã dùng Lời nguyền Tra tấn (Cruciatus Curse) lên Aberforth, một trong ba Lời nguyền Không thể tha thứ. Dumbledore, bỏ đi lòng ngưỡng mộ dành cho Grindelwald, không thể đứng nhìn những lời nguyền này được thực hiện, ít nhất là đối với máu mủ của ông. Ông đành tham chiến để bảo vệ em mình.

Một trận tam chiến diễn ra và những câu chú bắt đầu bay lên. Khi trận đấu đến tột đỉnh, cô gái tò mò không thể trốn được nữa và đã bước vào căn phòng, bước thẳng đến cuộc ẩu đả và bị trúng một câu nguyền khiến cô chết ngay tức khắc. Dù Aberforth đổ lỗi cho Albus về việc này, nhưng ông đã bộc bạch cùng bộ ba vai chính trong Bảo bối Tử thần rằng ông không chắc ai là chủ nhân của câu chú kết thúc sinh mạng của Ariana.

9. Hắn rời khỏi nước Anh để tìm các Bảo bối Tử thần

Lo sợ sự trả thù cho cái chết của Ariana, Grindelwald trốn khỏi Anh Quốc và bắt đầu công cuộc tìm kiếm những báu vật phép thuật mà hắn hằng mong ước và sẵn sàng dâng hiếng mọi thứ hắn có. Các Bảo bối Tử thần đã luôn nằm trong danh sách việc cần làm của Grindelwald, thậm chí trước khi gặp gỡ Dumbledore tại Godric’s Hollow. Thật ra, tên Phù thủy Hắc ám này chỉ đến thăm người dì Bathilda vì hắn biết rằng Ignotus Peverell, chủ nhân đầu tiên của Chiếc áo choàng Tàng hình, được chôn ở đấy.

Trong khi Dumbledore chỉ hứng thú với việc tìm kiếm Viên đá Hoàn sinh để ông có thể gặp lại những người thân của mình một lần nữa, thì Grindelwald lại muốn tìm tất cả các bảo bối và trở thành bá chủ thế giới, làm chủ cả cái chết. Nhưng khi không thể lưu lại Godric’s Hollow nữa, hắn lại chuyển mục tiêu đến bảo bối hùng mạnh nhất, chiếc Đũa Cơm nguội trứ danh.

8. Hắn là Phù thủy Hắc ám đáng sợ nhất trong thời đại của mình

Nghiên cứu về lịch sử của chiếc Đũa Cơm nguội đã dẫn Grindelwald đến một người tên Gregorovitch, nhà làm đũa nổi tiếng thế giới đã nghiên cứu chiếc đũa nổi danh ấy nhằm mục tiêu sao chép lại những đặc tính của nó kể từ khi ông có được quyền sở hữu. Tuy nhiên, những thí nghiệm ấy không có cơ hội thành công, vì Grindelwald đã đột nhập vào cửa tiệm và làm ông bất tỉnh, từ đó giành được lòng trung thành của chiếc đũa cổ đại.

Chiếm được 1 trong 3 món bảo bối, Grindelwald đã tạo nên một thời kỳ kinh hoàng khắp châu Âu, giết hại bất kỳ ai ngáng đường hắn và xây nên nhà tù Nurmengard đồ sộ để giam giữ kẻ thù của mình. Quy mô của cuộc trổi dậy ấy đã trở nên rõ hơn với Fantastic Beasts and Where to Find Them. Phim cho thấy chiến dịch của Grindelwald không hẳn không bị chú ý bởi những người Mỹ, những người sợ rằng ý định đạp đổ Bộ luật BÍ mật Quốc tể của hắn “có thể dẫn đến chiến tranh.”

7. Dumbledore ban đầu từ chối đối mặt hắn

Tình cảm dành cho Grindelwald khiến việc đứng nhìn hắn trổi dậy trên con đường tà ác trở nên khó chấp nhận đối với Dumbledore, và có lẻ đây cũng là lý do cho sự chần chừ ban đầu của ông khi xã hội phù thủy khẩn cầu ông đứng ra chiến đấu với hắn. Vào thời điểm ấy, Dumledore là trưởng bộ môn Biến hình tại Hogwarts và là người đủ tài năng để ngăn cản cuộc khủng bố của Grindelwald.

Sau này, khi đã là hiệu trưởng, Dumbledore kể với Harry sự thật về lý do vì sao ông lại không muốn gặp Grindelwald, và lý do đấy liên quan đến trận chiến của họ tại Godric’s Hollow. Ông sợ hắn biết sự thật về việc ai là chủ nhân của câu chú tước đi sinh mạng của em gái ông.

6. Trận tay đôi giữa hắn và Dumbledore đã trở thành một huyền thoại

Grindelwald và Dumbledore đã không gặp mặt nhau trong 45 năm trước khi tiến đến trận đấu quyết định vận mệnh của cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ mang tên Thế chiến Phù thủy. Grindelwald đã dựng nên một quân đoàn với mục đích lật đổ nhiều Chính phủ Phép thuật trên khắp Châu Âu và thiết lập Đế chế Phù thuỷ mới dựa trên sự nô dịch muggle trên toàn cầu. Dù vẫn sợ những điều Grindelwald có thể nói ra, nhưng Dumbledore không còn cách nào ngoài việc truy lùng hắn.

Trận đối đầu nổi tiếng ấy sau này được Elphias Doge – bạn cũ của Dumbledore và là nhân chứng sống – miêu tả là cuộc đương đầu vĩ đại nhất của giới phù thủy, kéo dài đến ba giờ và hạ màn với sự thất bại của tên Hắc Phù thủy.

5. Hắn bị nhốt tại nhà tù của chính hắn

Nhằm tăng phần sỉ nhục, mỉa mai, sau khi bị đánh bại, Grindelwald bị nhốt tại Nurmengard, tòa kiến trúc mà hắn tự mình xây lên để giam giữ kẻ thù. Phòng giam của hắn là một căn phòng nhớp nháp ở đỉnh của tòa tháp cao nhất, không có vật dụng gì trong phòng ngoài một chiếc giường đá lạnh lẽo và một cái mền rách rưới, dơ bẩn. Grindelwald là tù nhân duy nhất tại đây. Những người khác đã được tự do sau khi hắn bại dưới tay Dumbledore. Hắn sống một mình ở đây trong 53 năm cho đến khi một tên Phù thủy Hắc ám khác tìm đến hắn để truy tung tích của chiếc Đũa Cơm nguội.

4. Hắn bị Voldemort hạ sát

Trước khi Voldemort đến Nurmengard thì Grindelwald đã trong tình trạng xấu. Tuy trong bộ phim Bảo bối Tử thần – Phần 1 hắn không có vẻ gì là tồi tàn, nhưng trong sách thì tác giả Rowling đã miêu tả Grindelwald trong tình trạng suy nhược với cặp mắt hõm sâu, một gương mặt hốc hác, và chỉ còn lại được một vài chiếc răng. Grindelwald đã nở một “nụ cười răng sún” với Voldemort khi hắn xuất hiện và yêu cầu được biết vị trí của chiếc Đũa Cơm nguội.

Trong khi trên phim, Grindelwald phục tùng và tiết lộ những thông tin mà Voldemort muốn biết, thì trong tiểu thuyết của Rowling, tên phù thủy già cỗi ấy đã thách thức kẻ tước ngôi của mình, và cười khi Voldemort hạ Lời nguyền Chết chóc (Killing Curse).

3. Hắn được lấy cảm hứng từ Đức Quốc Xã

Cả Grindelwald và Voldemort đều có những điểm tương đồng với Adolf Hitler, vì cả hai cùng khởi động cuộc chiến của riêng họ với mục tiêu thanh tẩy sắc tộc. Trong một buổi phỏng vấn, Rowling đã thừa nhận rằng không phải trùng hợp mà Grindelwald bị đánh bại vào tháng 5 1945, chỉ vài tháng trước khi Thế Chiến thứ II kết thúc.

Một minh chứng khác cho mối liên kết giữa Grindelwald và Đức Quốc Xã là cái tên nhà tù của hắn: Nurmengard, có cách phát âm gần giống Nuremberg, một thành phố thuộc bang Bavaria của Đức nơi mà một số lượng các quan chức cấp cao của Đức Quốc Xã bị giam cầm vì tội ác chiến tranh.

2. Hắn có mọi đặc tính của một tên cuồng loạn (psychopath)

Tuy Grindelwald và Voldemort có nhiều điểm chung, nhưng một cuộc khảo sát chi tiết hơn về hành vi của họ trong series Harry Potter đã cho thấy rằng hai tên phù thủy đen tối nhất này thật sự khác biệt nhau, ít ra là trên lập trường tâm lý học. Bài nghiên cứu Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders năm 2013 có tranh luận rằng sociopath (người mắc chứng Rối loạn nhân cách chống đối xã hội) và psychopath (người loạn thần kinh nhân cách) có chung một vài đặc điểm, như xem thường luật lệ và quyền của người khác, cũng như thiếu lòng thương cảm và có xu hướng dùng bạo lực để đạt được điều họ muốn, nhưng hai loại người này lại khác nhau.

Trong khi những đặc tính trên đều có ở hai tên phù thủy, thì nơi họ khác nhau lại là phương thức tiếp cận. Sociopath được đinh nghĩa bởi cách họ che đậy mưu gian với một sự đáng tin giả tạo, sử dụng lời nói dối và tâng bốc để phục vụ cho mục đích của họ, giống như Tom Riddle đã làm để vận động giáo sư Slughorn nói ra những điều mà ông biết về các Bảo bối Tử thần. Trái lại, psychopath lại đi theo phương thức hung hăng hơn; tấn công phủ đầu, như Grindelwald đã làm khi khơi màu trận đấu giết chết Ariana Dumbledore.

Phép loại suy con dao được dùng để phân tích sự khác biệt cơ bản giữa hai chứng bệnh này – đối mặt với một con dao, sociopath sẽ chạy trốn và quay lại với một khẩu súng, còn psychopath lại nhận một nhát đâm để cho thấy rằng hắn là người cầm trịch. Voldemort dành cả đời để lập mưu trong khi Grindelwald thì cười vào mặt cái chết, theo đúng nghĩa đen.

1. Rowling xác nhận cái chết của hắn, chỉ để hối hận

Buổi phỏng vấn mà Rowling trả lời về việc liên quan đến Đức Quốc Xã của Grindelwald còn chứa những câu hỏi về sinh mạng của tên bạo chúa hắc ám, và cô tác giả có lẻ đã hối hận về câu trả lời của mình. Buổi phỏng vấn ấy diễn ra vào năm 2005, chỉ ngay sau khi phát hành tập truyện thứ sáu Hoàng tử Lai và đúng hai năm trước khi tập thứ bảy, Bảo bối Tử thần, của series được lên kệ.

Những câu chuyện trong Harry Potter đã được Rowling lên kế hoạch bao nhiêu kể từ ngày bắt đầu vẫn còn là bí ẩn, nhưng những ghi chú viết tay của cô từ Hòn đá Phù thủy và Hội Phượng hoàng gợi ý rằng cô không ngại viết xoàng một hoặc hai ý tưởng khi sáng tác. Trông có vẻ rằng sự góp mặt của Grindelwald trong tập Bảo bối Tử thần là một quyết định phút chót, và chính cô biết rõ bản thân mình đã xác nhận với fan rằng người mà Dumbledore đánh bại trong quá khứ đã chết. Tuy nhiên, độ quan trọng đối với Dumbledore của Grindelwald đã biến hắn thành một cột mốc quý báu trong cốt truyện về chiếc Đũa Cơm nguội mà Rowling hối tiếc vì lời tuyên bố loại bỏ quá sớm.