Live action chuyển thể từ anime thất bại - Vấn đề nằm đâu?

Tin điện ảnh · Maii ·

Live action chuyển thể từ anime luôn mang tính rủi ro cao. Nhiều phim thất bại đều có chung một số đặc điểm dưới đây.

Phim chuyển thể từ anime (hoặc manga) luôn là thử thách và là vấn đề đau đầu đối với các studio và nhà làm phim. Nỗ lực thực hiện các live action này trước giờ không thiếu, chia làm 2 thể loại chính là tình cảm và hành động, kỳ ảo. Các live action tình cảm lãng mạn, học đường xuất hiện nhiều và nhiều bộ đã trở thành hit. Nhưng các phim hành động, kỳ ảo, giả tưởng... lại không may mắn như thế. Nhiều phim được kỳ vọng quá lớn trở nên thất bại, đã tạo nên thành kiến của khán giả đối với live action chuyển thể từ anime, đặc biệt là các live action của Hollywood bởi kinh đô điện ảnh thế giới đã không ít lần một tay phá tan hoang chất liệu gốc.

Dragonball Evolution - Live action thảm họa "khét tiếng" nhất.
Dragonball Evolution - Live action thảm họa "khét tiếng" nhất.

Khét tiếng nhất trong số các live action bị khán giả và fan cực kỳ ghét bỏ là Dragonball Evolution - một bộ phim được đánh giá là thiếu tôn trọng đối với anime khi lối xây dựng bối cảnh, nhân vật và tuyến truyện Tây - Ta lẫn lộn, chẳng ra thể thống gì.

Dragonball Evolution, Ghost in the Shell, Death Note (Netflix), Fullmetal Alchemist… đều thất bại vì các vấn đề quen thuộc đã được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm. Thế giới của anime hay manga về cơ bản không giống với hiện thực, nhất là các anime mang tính hành động, khoa học viễn tưởng. Thế giới của anime mang tính siêu thực, huyền ảo và đầy chất sáng tạo cả về ý tưởng lẫn thẩm mỹ, khiến việc rút ngắn khoảng cách giữa bối cảnh của anime và bối cảnh phim trở nên khó khăn, chưa tính đến việc kinh phí có đáp ứng nổi hay không.

Có những bộ phim không phải cứ đầu tư được triệu đô là có thể tạo được bối cảnh như mong muốn, các hiệu ứng tuyệt đẹp trong anime cũng khó có thể thực hiện trong live action. Những thứ hay ho tạo nên một bộ anime hay lại chính là những thứ không có hiệu quả trong live action. Phong cách, bối cảnh, phép thuật, hiệu ứng… về cơ bản là không giống đời thực hoặc không có cách nào chuyển thể nó thành live action sao cho vừa đẹp lại vừa đáng tin. Ví dụ trong trường hợp này là Dragonball Evolution, theo chân nhân vật Son Goku có nhiệm vụ bảo vệ Trái Đất. Trong những tập sau này, các nhân vật chiến đấu bằng cách bắn tia năng lượng siêu sức mạnh vào nhau, làm rung chuyển bầu trời... Nhưng hình ảnh này khi lên màn ảnh rộng trong bản live action lại trở nên tồi tàn và rẻ tiền.

Alita: Battle Angel, chuyển thể từ manga Gunnm có chất lượng khá ổn.
Alita: Battle Angel, chuyển thể từ manga Gunnm có chất lượng khá ổn.

Nếu là một fan anime, thì khi sự khác biệt giữa live action với manga/anime quá lớn, họ trở nên khó chấp nhận được sự khác biệt đó, chẳng hạn như một người Nhật đóng vai một thiếu niên phương Tây tóc vàng tên Edward và nói tiếng Nhật trong Fullmetal Alchemist, hay một phụ nữ da trắng đóng vai một nhân vật nửa người nửa máy của Nhật trong The Ghost in the Shell. Đặc biệt, sự khó chấp nhận đó càng lớn hơn khi đi kèm với kỹ xảo yếu kém và hiệu ứng make-up thật khiến người ta không muốn nhìn. Tư duy hình ảnh Đông - Tây vì sự ảnh hưởng của văn hoá mà khác biệt khá nhiều.

Fullmetal Alchemist - Thêm một live action khác với tạo hình quá "fail" khi lên màn ảnh.
Fullmetal Alchemist - Thêm một live action khác với tạo hình quá "fail" khi lên màn ảnh.

Nhiều live action chuyển thể từ anime thất bại vì họ hoặc không hiểu văn hoá anime, hoặc không hiểu điều gì tạo nên khác biệt giữa anime và manga gốc. Kịch bản từ anime lên live action cũng cần giản lược nhiều. Những câu thoại nghe khá sâu sắc trên giấy hoặc thế giới hoạt hình, khi lên phim sẽ ngay lập tức nghe thật sến sẩm. Vì thế mà các biên kịch đối mặt với việc chỉnh sửa thoại, dẫn đến chỉnh sửa nhân vật về động cơ, hành động. Họ tiếp tục phải lược bỏ bớt các sự kiện phụ, chỉ tập trung vào mạch truyện chính, đẩy nhanh phần hành động, nén tình tiết… tất cả đều ảnh hưởng rất lớn đến chính bộ phim.

Tạo hình L trong Death Note (Netflix) nhìn "sai quá sai".
Tạo hình L trong Death Note (Netflix) nhìn "sai quá sai".

Phiên bản Death Note của Netflix là một ví dụ. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn và định hình “luật chơi" giữa các nhân vật chính là quyển sách Thần Chết. Trong phim, rất nhiều quy luật của quyển sách đã bị lược bỏ, khiến câu chuyện vốn phức tạp và lôi cuốn bị đơn giản hoá quá mức. Nhân vật Light trong anime có động cơ rõ ràng, suy nghĩ cũng có nhiều khuất tất, nhưng cách thể hiện nhân vật trên phim lại cho thấy các nhà làm phim hoàn toàn chẳng hiểu gì về nhân vật này.

Ghost in the Shell - "bom xịt" tập trung nhiều vào tạo dựng bối cảnh mà bỏ qua nội dung.
Ghost in the Shell - "bom xịt" tập trung nhiều vào tạo dựng bối cảnh mà bỏ qua nội dung.

Tương tự với trường hợp của Ghost in the Shell - anime khoa học viễn tưởng với chủ đề về nhân tính, con người, chủ nghĩa hiện sinh… Trong một đoạn khi cảnh sát rượt đuổi một kẻ đánh cắp và huỷ hoại trí nhớ của người khác, chúng ta nhận ra anh ta vốn nửa người nửa máy và được lập trình để phạm tội, một con tốt tồn tại không có mục đích sống, lạc lõng. Đây là một phân cảnh đủ sức nặng về mặt cảm xúc, đủ làm người xem bất ngờ, nhưng với bản live action với Scarlett Johansson đóng chính thì phân cảnh này trở thành một cảnh đẹp về mặt hình ảnh, nhưng yếu kém về sức nặng và đánh mất cảm xúc của nó khi chỉ là một cảnh hành động giải trí thông thường. Bản live action remake cũng được đơn giản hoá thành câu chuyện về nhân vật nữ chính đi tìm lại ký ức, không có chút sâu sắc nào. Thời lượng của phim không phải là vấn đề, vấn đề ở đây nằm ở quá trình sáng tạo và hiểu chất liệu gốc, vì sao fan thích anime đó và nó có khả năng chuyển thể được thành live action hay không.

Nhân vật L trong live action Death Note năm 2006 được nhận xét là giống nguyên tác.
Nhân vật L trong live action Death Note năm 2006 được nhận xét là giống nguyên tác.

Trái lại, live action chuyển thể trừ truyện tranh (comic) lại thành công, mở ra nhiều Vũ trụ Điện ảnh, thậm chí còn trở thành xu hướng mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây, đương nhiên là vì chất liệu gốc phù hợp với văn hoá phương Tây. Giữa phim ảnh và comic đã có lịch sử ảnh hưởng qua lại trong nhiều thập kỷ nên việc chuyển thể cũng dễ dàng hơn nhờ vào sự tương đồng văn hoá. Hiện tại, nếu một studio Nhật thông báo sẽ chuyển thể một bộ truyện Superman thì có khả năng là sẽ ngập trong “nước miếng” chửi rủa của fan không thua gì các studio Hollywood mỗi khi họ thông báo sắp sửa chuyển thể một anime huyền thoại nào đó của xứ sở Mặt Trời mọc. Nhưng tham vọng kiếm tiền và mong muốn sáng tạo, tiếp nhận văn hoá anime, “thu phục" một lượng fan không nhỏ đã khiến nỗ lực làm live action của các nhà làm phim chưa bao giờ nguội.

Attack on Titan có tạo hình đẹp, nhưng nội dung thì "sáng tạo" quá đà.
Attack on Titan có tạo hình đẹp, nhưng nội dung thì "sáng tạo" quá đà.

Thay vì đặt niềm tin vào hướng đi làm một bộ phim để moi tiền fan như Ghost in the Shell, Attack on Titan... các nhà làm phim nếu quyết định một dự án chuyển thể anime, có thể đầu tư kỹ lưỡng vào đạo diễn và đội ngũ sáng tạo để làm sao bộ phim có thể giữ được những tinh hoa được yêu thích của chất liệu gốc, vừa có nét riêng mà không làm khán giả ác cảm với bộ phim. Trường hợp này không phải chưa từng xảy ra, Death Note bản Nhật hay Alita: Battle Angel, Rurouni Kenshin hay Ajin đều là các phim được đánh giá khá tốt.

Gần đây, có tin One Punch Man, anime nổi tiếng khác của Nhật về anh hùng có cú đấm vô địch Saitama đang được Sony mang tham vọng chuyển thể. Cùng chờ xem Hollywood sẽ tạo nên phiên bản One Punch Man trên màn ảnh rộng này như thế nào. Liệu đây sẽ là một thành công mới của studio, hay sẽ là một thảm họa khác?

Nguồn: Theo Geekculture, CBR, Animenewsnetwork. Ảnh: IMDb