Manga và anime, nguồn cảm hứng vô tận và lâu dài của kinh đô điện ảnh Hollywood

Candice183 ·

Mặc dù cách nhau đến cả một đại dương, manga và anime vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn cảm hứng sáng tạo của Hollywood.

Manga và anime đã ảnh hưởng đến Hollywood trong nhiều thập kỷ. Ngay cả khi bạn chưa bao giờ xem phim của Hayao Miyazaki hoặc đọc qua truyện tranh của Tezuka Osamu, bạn vẫn cảm nhận được tầm ảnh hưởng của chúng. Khi The Matrix ra mắt vào năm 1999, rất nhiều người cho rằng bộ phim vay mượn ý tưởng từ nghệ thuật điện ảnh võ nghệ của Trung Quốc nhưng nội dung thật ra lại đậm chất Ghost In The Shell. Thiết kế của Autobots và Decepticons trong các bộ Transformers của Michael Bay đã được nhận định rõ là mang phong cách của các mecha kinh điển manga/anime, chẳng hạn như Neon Genesis Evangelion. Và các phiên bản chuyển thể từ anime kinh điển của phương Tây ngày càng xuất hiện phổ biến như Alita: Battle Angel.

Không khó để nhận ra lý do. Manga và anime cung cấp nhiều ý tưởng mới, nguồn cảm hứng và thậm chí là IP (chú thích người dịch: Intellectual property - sở hữu trí tuệ) có tiềm năng sinh lợi. Năm ngoái, chỉ riêng ngành công nghiệp anime ở Nhật Bản đã trị giá khoảng $20 tỷ, và đó là chưa kể giá trị tài chính khổng lồ của manga và các spinoff liên quan. Không có gì ngạc nhiên khi Hollywood hành động như muốn có một chỗ để chen chân vào.

1. Tóm tắt ngắn gọn một chút cho dễ hình dung

Vào khoảng thế kỷ 12 và 13, Choju-giga (Scrolls of Frolicking Animals) thường được coi là bộ manga đầu tiên xuất hiện, nhưng manga đầu tiên được công nhận có mặt vào năm 1798 như tranh ảnh của Santou Kyouden và bộ Shiji no Yukikai (Four Seasons). Đặc biệt, một số kỹ thuật chuyên môn được trình bày trong tác phẩm lâu đời này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Cho đến giữa những năm 40, mặc dù manga hiện đại không được tính là bắt nguồn từ Tezuka Osamu, nhưng khó mà không nói về tầm quan trọng của ông ấy đối với sự phát triển của nó. Suy cho cùng, ông được biết đến như hoạ sĩ và nhà văn bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực này vào năm 1946. Ở thời điểm Mỹ vẫn còn can thiệp khá nhiều vào chính trị Nhật (Nhật bị đã từng chiếm đóng bởi Mỹ - quân Đồng Minh trong Thế chiến 2), không có gì ngạc nhiên khi tác phẩm của ông mang ảnh hưởng rõ ràng của Hoa Kỳ, một phần do ông yêu thích Walt Disney - ông từng thừa nhận đã xem Bambi hơn 80 lần. Bộ Tetsuwan Atomu (Mighty Atom - hay biết đến nhiều hơn là Astro Boy) của ông đã chứng tỏ sự thành công vang dội cả trong và ngoài Nhật Bản của manga, rồi sau đó phiên bản hoạt hình năm 1963 trở thành anime đầu tiên thành công trên toàn thế giới. Tezuka đã vẽ hơn 150.000 trang manga suốt sự nghiệp, và ngày nay ông thường được gọi với cái tên: Cha đẻ manga (CTND: hay Bố già manga, Thần Manga).

Ngành này tiếp tục phát triển trong suốt những năm 60 và 70. Ở phương Tây, phần lớn truyện tranh chính thống có xu hướng là truyện siêu anh hùng, những tựa truyện dành cho người lớn hoặc các bộ phim và TV spinoff ăn theo có bản quyền. Nhưng manga luôn rất đa dạng với các câu chuyện mang tính lịch sử, thể thao và chủ đề lãng mạn cũng rất phổ biến. Một trong những tác phẩm nổi bật của thời này là loạt truyện tranh về samurai của Kazuo Koike and Goseki Kojima - Lone Wolf And Cub. 28 tập truyện đã bán được khoảng tám triệu bản chỉ riêng ở Nhật Bản và được chuyển thể thành không dưới sáu bộ phim và 1 TV series.

Vào cuối những năm 80, otaku (CTND: 1 từ về văn hóa của Nhật để chỉ những người đam mê cực độ với manga và anime) xuất hiện được sử dụng rậm rộ. Nền giải trí manga được thành lập chính thức vào khoảng năm 1987 và trong hai thập kỷ tiếp theo, vô số tựa phim hoạt hình đã ra mắt với cả thế giới, bao gồm những kiệt tác như Akira của Katsuhiro Otomo (dựa trên manga của chính ông), Ghost in the Shell của Mamoru Oshii và bộ kinh dị khoa học viễn tưởng đình đám của Toyoo Ashida - Vampire Hunter D.

Trong khi đó, studio Ghibli vừa mới ra mắt đã tạo nên nhiều điều khác biệt, mang tính gia đình hơn và tình bạn hơn. Được thành lập vào năm 1985 bởi đạo diễn Hayao Miyazaki, Isao Takahata và nhà sản xuất Toshio Suzuki, sự pha trộn giữa hài hước, giả tưởng, cảm xúc thể hiện qua các nhân vật của Ghibli đã dần quyến rũ thế giới. Vào thời điểm tác phẩm ăn khách Spirited Away tạo tiếng vang vào năm 2001, hãng phim đã nhận về cho mình một hạng mục danh giá (Spirited Away nhận giải Oscar). Ngày nay, Ghibli đã được khẳng định chắc chắn là hãng phim hoạt hình được yêu thích nhất trên thế giới.

2. Hollywood bắt đầu chú ý

Hollywood đã bắt đầu dành sự chú ý đến ngành công nghiệp này. James Cameron dành nhiều năm lên kế hoạch để remake Battle Angel Alita, bộ Avatar của ông bị cho rằng vay mượn ý tưởng từ Princess Mononoke của Miyazaki. Black Swan của Darren Aronofsky - kể về một nữ diễn viên ba lê có cuộc sống và nhân dạng bí mật - mang những nét tương đồng mạnh mẽ với Perfect Blue của Satoshi Kon, trong khi một tác phẩm kinh điển khác của Kon - như Paprika, có thể được cảm nhận rõ nét trong Inception của Christopher Nolan.

Tương tự như vậy, số lượng các bản làm lại và chuyển thể từ manga và anime của phương Tây đã tăng lên trong những năm gần đây. Trong khi một số chúng có chất lượng khá ổn, thì chúng ta chẳng ngại tiếc lời chê bai Speed Racer của Wachowski, dù hầu hết vấn đề này còn gây tranh cãi. Phiên bản Oldboy của Spike Lee thiếu mất cái hồn của bản gốc - Oldboy là manga trước khi được chuyển thể thành phim. Trong khi đó, Death Note của năm 2017 là một mớ hỗn độn gấp gáp. Ghost In The Shell hên là vẫn đạt được sự tạm ổn, nhưng lại gây ra tranh cãi do việc chọn Scarlett Johansson vào vai Thiếu tá Motoko Kusanagi - một nhân vật châu Á. Bộ phim bị cáo buộc là cố Mỹ hoá, sử dụng kĩ xảo để biến các nhân vật nhìn giống người Châu Á hơn.

Bất chấp những vấn đề này, có vẻ như đây chỉ là sự bắt đầu của Hollywood. Chúng ta đã có Alita: Battle Angel (do Robert Rodriguez đạo diễn, mặc dù Cameron vẫn tham gia với tư cách nhà sản xuất). Và Detective Pikachu - dựa trên thương hiệu video games ăn khách Pokémon và có loạt phim hoạt hình cùng tên rất nổi tiếng, dường như lại đi ngược xu hướng thất bại luôn ám ảnh phim chuyển thể từ manga/anime với những đánh giá tích cực. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ được xem một bộ phim TV series của Netflix chuyển thể từ phim hoạt hình viễn tưởng Cowboy Bebop, với sự tham gia của John Cho, Mustafa Shakir và Daniella Pineda. Hơn thế nữa, gã khổng lồ trong ngành streaming đang lên kế hoạch quay trở lại với phần tiếp theo của Death Note.

Điều gây tò mò nhất là tin một bộ live-action chuyển thể của Akira cuối cùng cũng có khả năng lên màn ảnh sau nhiều thập kỷ khởi đầu khó khăn và số lượng lớn đạo diễn tiềm năng từng từ bỏ dự án. Người chỉ đạo Thor: Ragnarok - Taika Waititi là cái tên hiện đang gắn liền với bộ phim, đã lên tiếng hứa hẹn nhiều về việc cố gắng bám theo manga (trong khi anime chỉ thể hiện phần nhỏ của truyện gốc).

Nhiều hơn thế nữa, chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ của TV series nhờ số lượng lớn ngày càng tăng của các dịch vụ streaming và các công ty luôn có vẻ khao khát tiêu thụ càng nhiều IP ngon nghẻ càng tốt. Nghe có vẻ không được tốt cho lắm nhưng đối với một số người hâm mộ thì lại rất hứng thú. Có rất nhiều tác phẩm kinh điển manga và anime đã đến lúc có thể vực dậy và tái tạo trở lại. Như One Piece cực kỳ nổi tiếng (ở Nhật Bản có không dưới 13 bộ phim hoạt hình dựa trên nó) thì sao? Hoặc bộ phim khoa học viễn tưởng Toward the Terra cuối thập niên 70 của Takemiya Keiko - ít nhiều vẫn chưa ai động đến từ những năm 80? Hay bộ đầy chất steampunk Galaxy Express 999 của Matsumoto Leiji? Càng nghe lại càng thấy tiềm năng là vô tận.

Nguồn: Den of Geek