Những ngôi nhà ma ám (haunted house) trong phim kinh dị và di sản không hồi kết

Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · Calvinnn ·

Những ngôi nhà ma ám là bối cảnh yêu thích của phim kinh dị, với những đặc điểm riêng biệt mà fan của thể loại này hẳn cũng chẳng xa lạ gì.

Sợ hãi kích thích bản năng chạy trốn hay chiến đấu của con người, chính những cảm xúc lúc đó đã khiến phim kinh dị trở nên thu hút hơn bao giờ hết và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu cho khán giả đại chúng.

Nhờ vào điều này, các biên kịch hay nhà làm phim thỏa trí đưa vào đó những dạng hình sợ hãi độc đáo nhất, đem tới cho chúng ta những ý tưởng kinh hãi nhất gieo vào tâm trí người xem.

Nguồn: Phim IT
Nguồn: Phim IT

Chủ đề haunted house (ngôi nhà ma ám) là một trong những thứ mang đậm dấu ấn nhất trong lịch sử phim ảnh kinh dị.

Tất cả đều bắt nguồn từ một ý tưởng kinh hoàng nhất: Sẽ thế nào nếu một thế lực đe dọa ngoại ban nằm trong chính nơi tưởng chừng thân thuộc nhất của bạn? Sẽ ra sao nếu những kiến trúc từ bàn tay của con người bị xâm phạm bởi những thực thể ngoại lai nằm ngoài biên giới của sự sống.

Hãy cùng Moveek khám phá những lý do vì sao đề tài những ngôi nhà bị ma ám lại khiến người người nhà nhà kinh hãi tới như vậy, cũng như tìm hiểu rằng liệu sự kinh dị chỉ xuất phát đơn thuần từ các hồn ma?

1. Từ nỗi ám ảnh của quá khứ

Chắc người hâm mộ dòng phim kinh dị không lạ gì câu chuyện những ghê rợn xoay quanh những ngôi nhà bị ma ám.

Với những giai thoại kinh dị về những vị “khách không mời” ám ảnh những gia chủ tội nghiệp, từ lâu đã thành một công thức truyền miệng cho mọi hình thức giải trí kinh dị như công viên vui chơi, tiểu thuyết và đặc biệt là phim ảnh.  

Phim The Cat And The Canary (Nguồn: IMDb)
Phim The Cat And The Canary (Nguồn: IMDb)

Ngôi nhà ma ám đầu tiên xuất hiện trong lịch sử điện ảnh thế giới đến từ bộ phim câm The Cat And The Canary (1927) của đạo diễn Paul Leni, tạo một tiền đề cho một bộ phim mang đề tài tương tự sau này mang tên The Old Dark House (1932). 

Tuy không được đánh giá cao bởi giới phê bình, nhưng phim đã đặt những nền móng quan trọng như: Một căn nhà u ám cũ kĩ, một nhóm người bị kẹt lại vì một lí do nào đó, những hiện tượng kì dị xảy ra tại nơi đây và đặc biệt là những hồn ma đến từ quá khứ đầy đau thương. 

Những đặc trưng cơ bản như trên sớm trở thành một yếu tố không thể thiếu, một “bản vẽ” mà những bộ phim mang chủ đề haunted house sau này đều sử dụng. Ở thời kì đầu của điện ảnh kinh dị, đặc biệt ở chủ đề haunted house, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến cố trong phim đều từ những việc như, một nhóm người buộc phải trú chân trong một địa điểm bị ma ám để phải gặp gỡ những kẻ mà họ không muốn gặp, hay một gia đình bị quấy phá bởi những bóng ma ngay trong chính căn nhà mới mua của mình. 

The Amityville Horror (Nguồn: IMDb)
The Amityville Horror (Nguồn: IMDb)

Những yếu tố trên đều xuất phát từ 2 chữ: xâm phạm. Ở góc nhìn của những con người, những hồn ma quấy phá là “kẻ không được mời”, nhưng ở phía ngược lại, chính con người lại là những kẻ xâm phạm hồn nhiên đến mảnh đất, ngôi nhà mà đáng ra họ không nơi đụng phải. 

Một ngôi nhà nơi đã từng xảy ra những tội ác kinh hoàng khiến những hồn ma nơi đó không thể siêu thoát, mà nổi bật nhất là bộ phim The Amityville Horror (1979), dựa trên những sự kiện có thật xoay quanh ngôi nhà ma ám nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Phim khá thành công và thu hút được nhiều sự chú ý, đến mức liên tục có những bản remake, những sequel dư thừa xuất hiện. 

Poltergeist (Nguồn: IMDb)
Poltergeist (Nguồn: IMDb)

Nếu như việc bước vào một căn nhà ma ám mà không hề biết trước đã đủ tồi tệ rồi, thì ở Poltergeist (1982), cả gia đình nọ còn “vô tình” xây cả một gia trang trên nền của một nghĩa địa lâu đời khiến cho những hồn ma tại đó buộc phải thức giấc.

Phim đưa các yếu tố giả tưởng cho việc vì sao các hồn ma lại xuất hiện, cho đến công cuộc xua đuổi những hồn ma từ một nhóm người khác khiến bộ phim thiên phần lớn về mặt sinh tồn và ít kinh dị hơn. Tuy vậy, phim vẫn đạt được doanh thu khá cao tại phòng vé và được đánh giá khá tốt bởi các nhà phê bình.

Phân cảnh vỗ tay gây náo loạn trong The Conjuring (Nguồn: IMDb)

Đại diện nổi bật gần đây cho chủ đề haunted house không thể không kể đến The Conjuring của vị đạo diễn James Wan, phim đưa chân chúng ta vào hành trình của vợ chồng Ed và Lorraine Warren để giải trừ những hồn ma nguy hiểm trong căn nhà của gia đình Perron. Không khí ám ảnh, cùng những pha hù dọa sáng tạo khiến bộ phim trở thành một thương hiệu bom tấn không thể thiếu trong dịp hè.

Sự tò mò và niềm “đam mê” cái phấn khích của sợ hãi càng ngày nhiều của khán giả khiến cho dòng phim kinh dị đề tài “nhà ma” càng ngày càng được tận dụng.

Các yếu tố ở chủ đề này đều nằm ở việc cách mà những hồn ma xuất hiện, chẳng hạn như một cái lướt nhẹ qua cửa sổ, một cái bóng ẩn nấp sau tấm màn, không biết rằng liệu “chúng” có nhảy xổ ra làm bạn điếng hồn ở một góc nào đó hay không.

Hoặc những hồn ma này có xuất hiện trực diện ngay nơi tưởng chừng an toàn nhất - giường ngủ của nhân vật… Tất cả đều xoay quanh việc khán giả sẽ bị jump scare lúc nào.

Liệu lẩn khuất sau hành lang là cái gì đang chờ chúng ta (Nguồn: Deviant Art)
Liệu lẩn khuất sau hành lang là cái gì đang chờ chúng ta (Nguồn: Deviant Art)

Đúng như vậy, jump scare là một thứ không thể thiếu trong phim kinh dị, và chủ đề haunted house khá nổi tiếng với đặc trưng này. Sự kinh hoàng không chỉ đến đơn thuần từ những cú giật mình mà ở cách mà khán giả trông chờ vào việc mình được “hù”.

Cảm giác lo lắng, căng thẳng tột độ khi không biết phải đối diện với thứ đó ở đâu và lúc nào chính là thứ “ăn điểm” ở đây. Thế nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt, khán giả sớm hình thành nhận thực về việc được “hù” thế nào qua quá nhiều bộ phim kinh dị, dần dẫn đến việc nhàm chán là không thể tránh khỏi.

2. Đến những tội lỗi không thể nguôi ngoai

Khi người hâm mộ dòng phim kinh dị càng ngày càng tiếp xúc nhiều với nhiều thể loại hù dọa, tiếp xúc nhiều với các nội dung đa dạng sáng tạo hơn, các kịch bản lỏng lẻo chỉ xoay quanh những pha jump scare bất đắc kì tử dần bị hạn chế.

Do đó, phim kinh dị chủ đề haunted house dần biến chuyển, các hồn ma giờ không chỉ là phương tiện để truyền tải nỗi sợ, mà còn là hiện thân của những quá khứ không thể nguôi ngoai, những tội lỗi không thể xóa bỏ.

The Haunting Of Hill House (Nguồn: IMDb)
The Haunting Of Hill House (Nguồn: IMDb)

Hồn ma lẩn khuất trong ngôi nhà giờ đây mang hình ảnh tượng trưng cho một khuất mắc của nhân vật chính, hơn là nghiêng hẳn về một thế lực siêu nhiên cổ đại nào đó.

Một trong số những ví dụ nổi bật nhất là series The Haunting Of Hill House và gần đây nhất là The Haunting Of Bly Manor do Netflix sản xuất, vẫn có sự xuất hiện của những hồn ma, ngoài yếu tố gây sợ hãi vốn có, mà chúng còn dùng để truyền đạt những ý nghĩa, là đại diện của những nỗi đau trong quá khứ mà chính những nhân vật phải vượt qua.

Bất cứ ai bén mảng vào gia trang nhà Saeki đều có kết cục thảm khốc (Nguồn: IMDb)
Bất cứ ai bén mảng vào gia trang nhà Saeki đều có kết cục thảm khốc (Nguồn: IMDb)

Nhiều người nói, hồn ma là các tàn dư của quá khứ, lập đi lập lại khoảnh khắc đó như một thước phim, dày vò những kẻ còn sống. Đại diện nổi bật nhất của châu Á cho chủ đề haunted house - Ju-on (2000) lừng danh của Takashi Shimizu đem khái niệm cơ bản đó và đẩy nó lên cực hạn của sự kinh hoàng.

Việc bước vào một căn nhà bị ma ám không còn đơn thuần chỉ chạy thoát là xong, giờ đây việc xua đuổi chúng không phải là vấn đề, mà việc toàn mạng sau khi vừa đặt chân vào đó mới quan trọng. 

linh hồn của cậu bé Toshio trong Ju-on (Nguồn: IMDb)
linh hồn của cậu bé Toshio trong Ju-on (Nguồn: IMDb)
 

Mọi việc cũng xoay quanh một vụ án mạng ghê rợn khiến các hồn ma ám ảnh một ngôi nhà. Những hồn ma trong phim còn đi xa hơn dạng thức thông thường, thay vì hù dọa và gây hỗn loạn, chúng tận tay giết chết tất cả những kẻ nào dám bén mảng bước vào ngôi nhà thấm đẫm thù hận đó, kể cả khi họ đã thoát khỏi nơi bị ám.

Căn nhà còn đóng vai trò như một nơi để nhắc nhở rằng tại đây đã có một nỗi oan không bao giờ được giải, để nhắc nhở những kẻ còn sống rằng chừng nào mối oan này vẫn còn, mạng người sẽ tiếp tục bị tước đoạt bởi căn nhà. Chính điều này đã khiến không khí đe dọa và hoang mang của phim tăng gấp bội khi mọi nhân vật có thể chết bất cứ lúc nào. 

Cảnh tượng Kayako bò xuống cầu thang gây ám ảnh nhiều thế hệ

Câu chuyện trong phim cũng độc đáo, không tuân theo lối kể thông thường khi liên tục nhảy từ tuyến truyện của nhân vật này sang nhân vật khác như một bài toàn, từ từ bóc tách ra những sự thật, để ta hiểu từng nhân vật và đi đến cái kết của từng người trong sự ngỡ ngàng. 

Phim kết hợp giữa truyền thuyết về những oan hồn của Nhật Bản (Onryu) kết hợp với lối kể chuyện phi tuyến tính độc đáo khiến Ju-on một tương đại kinh dị ám ảnh nhất, đồng thời tạo tiền đề cho hàng loạt các phần sau đó với nội dung tương tự (Và không phải phần nào cũng ghi được dấu ấn, điển hình là bản reboot không cần thiết vào đầu năm 2020 này).  

Hồn ma đuổi theo nhân vật chính trong Crimson Peak

Đôi khi, mối đe dọa thật sự không nằm ở những linh hồn ma quái, mà ở chính lòng dạ của con người. Crimson Peak của đạo diễn thiên tài Guillermo Del Toro là một ví dụ cho việc con người còn thâm hiểm hơn tất cả mọi thứ. Hồn ma trong phim như một sự báo hiệu, một hình ảnh ẩn dụ cho sự tội lỗi của chính chủ nhân ngôi nhà ấy dù mang một hình hài kinh tởm.   

3. Tương lai của chủ đề haunted house

Có quá nhiều câu chuyện về việc những hồn ma ám lấy những căn nhà, kiểm soát chúng. Ngôi nhà chỉ đơn giản là ngôi nhà trong trường hợp này, có thể là do cảm xúc tiêu cực của con người vương vấn lại nơi đó sau một sự kiện đau thương, hay sự phẫn nộ vì xâm phạm vùng đất tổ tiên. Dù cho có phải là thế lực siêu nhiên hay chỉ đơn thuần là nỗi ám ảnh, thì sau tất cả, những điều kể trên đều rất… con người. 

Phim The Conjuring
Phim The Conjuring

Kiểu haunted house này có thể dễ dàng được thấy ở bất kì phương tiện truyền thông đại chúng nào, phim ảnh, sách báo… Sẽ ra sao nếu thế lực đe dọa không phải là những hồn ma nữa?

Sẽ như thế nào nếu ngôi nhà không chỉ đơn thuần là “trung gian” để các hồn ma hoành hành, mà thực sự chính là thế lực không thể kiểm soát? Sự ám ảnh không còn là đơn thuần chờ là những oan hồn lẩn khuất, mà còn ở cách ngôi nhà làm người khác phát điên, như một thực thể tà ác, từ chối sự có mặt của con người. 

Các đồ vật trong nhà dần biến thành yokai nếu bị lãng quên quá lâu
Các đồ vật trong nhà dần biến thành yokai nếu bị lãng quên quá lâu

Nếu không phải là do ma ám, thì sao lại gọi là haunted house được? Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng nếu các vật thể vô tri vô giác tồn tại đủ lâu trên cuộc đời, bị bỏ rơi hoặc lãng quên, chúng sẽ bắt đầu "sống" lại và mọc ra những... đôi mắt.

Nhìn vào những ngôi nhà cũ kĩ, cổ kính lâu đời, ta cảm thấy một cảm giác tù tùng, khác lạ đến rợn người, chưa cần phải kể đến yếu tố siêu linh trong ngôi nhà đó. Chúng bị bỏ hoang, sừng sững tồn tại mà chả ai biết đã ở đó được bao lâu, ngôi nhà giờ đây không phải bỏ hoang do bị ám, mà chúng bị ám vì... con người bỏ hoang.

Những hành lang vặn xoắn, thách thức định luật vật lý thông thường (Nguồn: game Control)
Những hành lang vặn xoắn, thách thức định luật vật lý thông thường (Nguồn: game Control)

Vậy những ngôi nhà như thế thì có gì đáng sợ khi không có ma quỷ, không có những oan hồn phá phách giết người không gớm tay? Sự rùng rợn đôi khi không đến từ những bóng hình nửa thực nửa hư, mà trong chính cách mà ngôi nhà đùa giỡn với tâm trí của con người.

Tiểu thuyết gốc của The Haunting Of Hill House của Shirley Jackson biến ý tưởng nơi tưởng chừng đáng tin cậy nhất như một ngôi nhà lại là nơi thiếu an toàn nhất, chúng thay đổi những chi tiết trong ngôi nhà, khiến các nhân vật bị lạc lối ngay cả khi chỉ bước vài bước, kết hợp với các kiến trúc tưởng chừng như không thể tồn tại theo định luật vật lý thông thường.

Các kiến trúc phi vật lý đề cập ở trên còn tiếp tục được phát huy tối đa trong cuốn tiểu thuyết House Of Leaves (vốn nổi tiếng với hình thức kể chuyện, định dạng sách thách thức bộ não người đọc).

Khi ngôi nhà tự thân thay đổi cấu trúc như đang thực sự sống, khiến bạn phát điên với các chi tiết của ngôi nhà dần bị chỉnh sửa một cách vô thức mà không có ai tác động. Hay những sự phi thực tế khi những căn phòng hay những hành lang liên tục rộng ra, trong khi kiến trúc bên ngoài nhà chứng minh điều ngược lại.

Một sự không chắc chắn, có gì đó sai sai mà không biết tại sao, đó chính là cảm giác đe dọa mơ hồ khiến bản thân người xem lẫn nhân vật đều rơi vào. Loài người tin rằng họ kiểm soát được mọi thứ, những thứ không thể kiểm soát, họ sợ hãi, dè chừng. Càng cố giải thích vì sao nó lại như vậy, chúng ta càng rơi vào một hố sâu không thể thoát, nó khó chịu, bực bối và ngột ngạt đến mức phát điên.

Đoạn clip chỉ ra kiến trúc phi lý của khách sạn Overlook trong The Shining

Rất khó để kiếm một bộ phim chỉ đơn giản xoay quanh căn nhà mà không có một chút nào về những hồn ma, nhưng các yếu tố được vay mượn từ ý tưởng này thì được sử dụng khá rộng rãi.

Trong The Shining của đạo diễn Stanley Kubrick, bỏ qua những hồn ma, kiến trúc trong chính căn khách sạn nếu để ý kĩ, sẽ không hề hợp lý, các hành lang, ngã rẽ rộng lớn và phức tạp đến mức bất thường. Trong Grave Encounter, các hành lang thậm chí còn liên tục tạo ảo giác để các nhân vật trong phim quay trở về chính điểm bắt đầu.

Nhân vật chính tìm đường thoát khỏi căn phòng, để rồi nhận ra đây là điều không thể

Có lẽ bộ phim gần nhất với ý tưởng trên là 1408, dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Stephen King. 1408 thu nhỏ quy mô lại, không còn ở một khách sạn rộng lớn hay một bệnh viện bỏ hoang mà chỉ vỏn vẹn một căn phòng.

Phim phát huy khá rõ ràng ở mặt ám muội mà căn phòng này thể hiện cho người xem, chả ai biết vì sao nó bị ám và ám lúc nào, nó lặng lẽ giết từng vị khách xấu số mà đặt phải nó ngày này qua tháng nọ. 

Nhân vật chính tìm đường thoát khỏi đây, từ lỗ thông gió cho đến cửa sổ nhưng không tài nào thoát được, đùa giỡn với nhận thức của từng vị khách cho đến khi họ buộc phải từ kết liễu đời mình, một sự tà ác căn nguyên mà không ai có thể lý giải. 

Ở những bộ phim hoạt hình cũng có đại diện tiêu biểu, bộ phim Monster House tuy mang hơi hướm vui tươi nhưng vô cùng rùng rợn khi chứng kiến cả một ngôi nhà biến thành một thực thể sống sau khi bị ám bởi chính người vợ của chủ ngôi nhà đó.

Phim Monster House (Nguồn: IMDb)
Phim Monster House (Nguồn: IMDb)

Có vẻ ý tưởng căn nhà "sống" này sẽ còn khá gian nan để chuyển thể lên màn ảnh, quyển tiểu thuyết House Of Leaves được dự định được chuyển thể thành phim.

Nhưng với sự rối rắm và độc đáo ngay trong cuốn sách đó, phim sẽ khó lòng truyền tải được sự bí ẩn đó lên màn ảnh mà không bị thiếu xót. Ngay cả tác giả của quyển sách, ông Mark Z. Danielewski cũng cự tuyệt việc đưa đứa con của anh đến rộng rãi cho công chúng.

Nói tương lai của chủ đề này có vẻ hơi quá, nhưng sẽ rất là thú vị nếu ý tưởng này một ngày nào đó được hiện thực hóa. Chủ đề haunted house có vẻ sẽ không bao giờ bão hòa, chừng nào những câu chuyện ma ám được thêu dệt ngoài đời thực còn tồn tại.