Oscar - 5 Khoảnh khắc bất hủ hơn cả cái tát của Will Smith

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Cú gãi má của Will Smith đúng là gây sốc, nhưng chưa sốc bằng những khoảnh khắc đã rung chuyển Oscar dưới đây!

Oscar 2022 đáng lẽ là sự kiện của kỳ tích. Lần đầu tiên trong lịch sử, một phim streaming đã giành chiến thắng hạng mục Phim hay nhất của viện Hàn Lâm. Không những thế, bộ phim ấy – CODA – là phim đại diện cho một cộng đồng thiểu số không mấy tiếng nói theo đúng nghĩa đen: dàn diễn viên cốt cán của CODA đều là người khiếm thính. Đây cũng là sự kiện đánh dấu chuỗi thất bại tiếp theo của Netflix trên đường đua Oscar. Dù ban đầu vào cuộc với số đề cử nhiều nhất, Netflix đã không thu về kết quả như kỳ vọng. Nhưng tất cả những buồn vui đó đều bị che mờ với một cái bạt tay Will Smith “tặng” cho đồng nghiệp Chris Rock vì lấy vợ anh ra làm trò đùa.

Đó là khoảnh khắc gây sốc nhất đêm trao giải ấy, nhưng nếu có dịp nhìn về lịch sử lâu đời của Oscar, hành động của Will Smith còn khá “hiền” so với các đàn anh, đàn chị sau đây của nam diễn viên.

1. Công bố nhầm quán quân Phim hay nhất trong Oscar 2017 (Oscar thứ 89)

Một trong những khoảnh khắc Oscar gây sốc nhất mà mọi người có lẽ đều nhớ là việc công bố nhầm phim nào chiến thắng hạng mục Phim hay nhất của Oscar thứ 89. Một sự kiện lớn và công phu thế này, việc nhầm lẫn hay có thiếu sót là điều chấp nhận được. Tuy nhiên, cảm giác “quê như con dê” không phải thứ dễ quên hay dễ chịu gì đâu, như dàn cast của La La Land đã nếm trải.

Năm đó, cuộc đối đầu giành quán quân Phim hay nhất diễn ra giữa La La Land Moonlight. Cả hai đều được giới phê bình ca ngợi hết lời về chất lượng và ý nghĩa (của câu chuyện lẫn xã hội với Moonlight là phim điện ảnh về cộng đồng LGBTQ+). Thời khắc đến, cặp đôi làm nhiệm vụ công bố Warren Beatty và Faye Dunaway xướng tên La La Land là phim chiến thắng. Phải đến khi các nhà sản xuất và diễn viên chuẩn bị phát biểu cảm ơn thì ban tổ chức Oscar mới cuống cuồng đến nói xin lỗi và sửa lại kết quả đúng là Moonlight mới là phim chiến thắng năm đó. Dàn cast La La Land và ban tổ chức Oscar khi đó không thể quê hơn được nữa.

2. Cáo buộc phân biệt chủng tộc khiến Oscar 2015, 2016 (Oscar 87, 88) bị tẩy chay

Cáo buộc Oscar có truyền thống phân biệt chủng tộc đã được nói đến rải rác qua các thời kỳ, nhưng phải đến 2 năm 2015 và 2016, Viện Hàn Lâm mới cảm nhận được hậu quả tồi tệ của cáo buộc này. 2 sự kiện Oscar 87, 88 đều bị chỉ trích do hội đồng không chọn lựa bất kỳ phim hay diễn viên da màu nào cho các hạng mục. Sau khi Oscar 87 công bố các đề cử toàn da trắng của họ, các đầu hashtag như “#OscarSoWhite” và “#WhiteOscar” được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, dẫn đến sự tẩy chay Oscar giữa các nghệ sĩ, diễn viên lẫn cánh báo chí. Phải đến khi hội đồng Oscar thông báo họ sẽ thực hiện các điều chỉnh nội bộ để tôn vinh tính đa dạng chủng tộc của Hollywood, sự giận dữ mới thuyên giảm.

Tuy nhiên, kỳ Oscar tiếp theo đó, hội đồng lại lặp lại các sai lầm khi với danh sách đề cử “trắng bóc” khiến Jada Pinkett Smith và đạo diễn từng nhận tượng vàng Oscar Spike Lee phải dẫn đầu một làn sóng tẩy chay mới. Cho đến nay, so sánh lịch sử đề cử của hội đồng, Oscar vẫn chưa thoát được cái mác “phân biệt chủng tộc”.

3. Sacha Baron Cohen đem “tro của Kim Jong-il” đến sự kiện Oscar 2012

Nam diễn viên hài Sacha Baron Cohen đã làm nên tên tuổi của mình với các trò đùa châm biếm, nhưng cảnh anh tham gia lễ trao giải Oscar năm 2012 là một trong những cảnh đáng nhớ nhất của anh. Xuất hiện hoàn toàn trong lớp hóa trang nhân vật Đô đốc, Đại tướng Haffaz Aladeen trong bộ phim hài châm biếm mà anh đóng chính trước đó, nam diễn viên đến với buổi lễ với một vị "khách" thú vị: "tro cốt" của cố lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-il.

Đó là một hũ cốt màu đồng trên có in hình Kim Jong-il, nam diễn viên tuyên bố anh đang hoàn thành tâm nguyện của cựu chính trị gia là được tham dự lễ trao giải Oscar (Trước khi trở thành lãnh đạo của Bắc Triều, Kim Jong-il từng đảm đương bộ phận tuyên truyền bằng phim ảnh và có ước mơ tạo dựng những bộ phim tầm cỡ Oscar).

Tuy nhiên, màn “nhập vai” của Sacha Baron Cohen chưa dừng lại ở đó. Trong khi đang được phỏng vấn bởi Ryan Seacrest, anh ta đã làm đổ "tro" (sau đó được tiết lộ là hỗn hợp bánh kếp) lên Seacrest. Đó là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về sự hài hước đen tối của Baron Cohen. Mặc dù hành động này vô hại, nhưng dù sao thì đó cũng là một khoảnh khắc Oscar đáng nhớ trong lịch sử sự kiện.

4. Trao giải cho kẻ ấu dâm tại Oscar 2003

Đây được xem là một trong những khoảnh khắc tăm tối nhất trong lịch sử Oscar, một vết nhơ trên tượng vàng danh giá nhất Hollywood và khiến nhiều người nghi ngờ nhân cách của hội đồng Oscar.

Polanski hầu tòa năm 1977 | Indie Wire
Polanski hầu tòa năm 1977 | Indie Wire

Đó là năm 2003, giải Oscar lần thứ 75 được tổ chức. Mọi việc đều diễn ra như thường lệ cho đến khi cái tên Roman Polanski được xướng lên ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Cả khán đài reo hò, nhưng khán giả thì không. Vì Roman Polanski đã bị bắt và điều tra về hành vi đánh thuốc và cưỡng hiếp một cô gái vị thành niên mới 13 tuổi vào năm 1977, cùng năm đó, Polanski nhận tội và phải chạy trốn sang Paris để tránh lãnh án tù. Nhưng điều đó không ngăn được đồng nghiệp, cộng đồng làm phim ở Mỹ tiếp tục ủng hộ ông ta. Chiến thắng năm đó của Polanski khiến dư luận nổi đóa về việc Oscar và Hollywood nhắm mắt cho qua hành vi phi đạo đức của một người trong nghề.

Phải đến khi vài cáo buộc hành vi tương tự của Polanski nổi lên sau này, và làn sóng #Metoo đạt đỉnh năm 2018, Oscar mới chính thức hủy bỏ tư cách thành viên của Polanski tại hội đồng Hàn Lâm và đặt ra những quy định đạo đức với các thành viên. Nhưng đây vẫn mãi là một trong những khoảnh khắc khiến người ta nghi ngờ chuẩn mực đạo đức của Oscar, nơi thường được gọi là câu lạc bộ của những gã đàn ông da trắng lớn tuổi bị lên án có thái độ coi thường phụ nữ, phân biệt chủng tộc, bảo thủ với các hành vi tình dục phi đạo đức (Harvey Weinstein là đại diện tiêu biểu). Đến nay, Polanski vẫn đang bị truy nã.

5. Marlon Brando từ chối giải Oscar của mình tại Oscar 1973

So với khoảnh khắc huyền thoại này, cái tát của Will Smith chỉ là chuyện ruồi muỗi. Vào năm 1973, tại sự kiện Oscar, toàn bộ Hollywood đang lâng lâng phấn khích. Vì họ mới có một cột mốc điện ảnh mới – The Godfather đã trở thành một huyền thoại. Nhưng họ không biết rằng, bản thân Oscar cũng sẽ có một huyền thoại của riêng mình.

Đúng như dự đoán, cái tên Marlon Brando được xướng lên ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn Bố Già. Nhưng Brando không xuất hiện. Thay mặt cho ông là một nữ diễn viên nhỏ bé mang tên Sacheen Littlefeather, một diễn viên người da đỏ và là nhà hoạt động vì quyền của người Mỹ Bản Địa. Cô bước lên bục và tuyên bố Marlon Brando không nhận tượng vàng Oscar này vì ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood liên tục tô vẽ không thật hình ảnh của người Mỹ Bản Địa.

Thay vì là dân tộc chuộng hòa bình và là nạn nhân của quá trình thuộc địa hóa của những người Mỹ trắng, họ lên màn ảnh lại trở thành những tên mọi rợ và thường là phản diện mà các anh hùng cao bồi phải diệt trừ. Theo Brando, đó là hành động phi đạo đức và ông không cho phép mình chấp nhận giải thưởng đại diện cho nền công nghiệp đã góp phần làm sai lệch hình ảnh lẫn lịch sử của người Mỹ Bản Địa.

Hành động của Brando và Littlefeather sau đó đã nhận lại nhiều lời chỉ trích cũng như những tràng vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Về phía phản đối, John Wayne và Clint Eastwood, hai hình mẫu của thể loại phim Viễn Tây, đã cực lực chỉ trích Marlon Brando. John Wayne còn được cho là cố tấn công Littlefeather khi cô lên phát biểu.

Trong dịp Oscar 2022 này, buổi lễ đã dành ra một khoảnh khắc chúc mừng The Godfather tròn 50 năm tuổi, nhưng đạo diễn Francis Ford Coppola lại không nhắc đến cái tên đã làm nên một Bố Già không còn lời nào để khen. Nhiều suy đoán cho rằng, xét về mối quan hệ giữa Brando và Oscar, nhắc tên Brando tại nơi này là không nên. Nhưng, không có Oscar, Marlon Brando vẫn là một huyền thoại. Và dù ông không phải là người duy nhất từ chối tượng vàng này, Brando vẫn là người nổi tiếng nhất.

Nguồn: Screen Rant