[PHÂN TÍCH] Hướng đi nào cho dòng phim nghệ thuật Việt Nam?

Góc Nghệ Thuật · PhanNguyenSangSang ·

Làm thế nào để dòng phim nghệ thuật có vị thế trong cuộc đua phòng vé với dòng phim thị trường?

Có thể nói trong thị trường phim Việt hiện nay, thị hiếu của khán giả hướng hơn 90% về dòng phim thị trường, số ít lại "có cảm quan tốt" với khái niệm về phim nghệ thuật. Song, vẫn không có nhiều sự thiết tha hay sự hưng phấn đặt biệt dành cho dòng phim nghệ thuật Việt Nam. Bất kể một dòng phim nào, một đạo diễn hay nhà sản xuất nào cũng đều hướng đến và tìm về khán giả, thị hiếu và phản ứng của khán giả chính là yếu tố ưu tiên hàng đầu để các nhà làm phim có "cái cớ" vịn vào và theo đuổi dòng phim tương ứng.

(nguồn ảnh: Zing)
(nguồn ảnh: Zing)

Phim nghệ thuật nói trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có một thị trường khán giả khá ít nếu không muốn gọi là hiếm hoi, bởi tính chuyên môn và hàn lâm cao, thủ pháp nghệ thuật nặng tính cá nhân và thể nghiệm làm đa số khán giả khi xem sẽ cảm thấy có đôi phần áp lực, khó hiểu, khó cảm thụ và không thể tiếp thu hoàn toàn những giá trị nghệ thuật ấy. Trong suốt 10 năm qua, số phim nghệ thuật hàng năm của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng so với tỷ lệ thường thấy trên thế giới thì vẫn ở mức tạm ổn.

Có một thực tế là, khán giả khi đến rạp đa phần đều thích xem phim thị trường, còn những bộ phim nghệ thuật, từng nhận được nhiều giải thưởng quốc tế lại không mấy thành công khi công chiếu trên “sân nhà”. Vậy, tương lai của dòng phim nghệ thuật Việt Nam sẽ đi về đâu trong tương lai? Đâu là hướng rẽ tích cực cho dòng phim có phần hơi "khó coi" này? Cùng Moveek tìm hiểu nhé!

Phim nghệ thuật luôn được gắn mác là khó coi (nguồn ảnh: Vietnammoi.vn)
Phim nghệ thuật luôn được gắn mác là khó coi (nguồn ảnh: Vietnammoi.vn)

Một câu hỏi luôn được đặt ra với không chỉ những nhà làm phim, phê bình phim mà ngay cả chính các khán giả cũng tự đặt ra cho chính bản thân mình: Vì sao phim nghệ thuật không có chỗ đứng cao, trong khi giá trị nghệ thuật mà nó mang lại trong từng phân cảnh là vô cùng sắc sảo? Điều này một phần đã được đề cập ở đầu bài phân tích này, là do đây là một dòng phim khá khó coi và khó hiểu hết tất cả những hàm ý xung quanh nó trong quá trình xem khiến cho một bộ phận khán giả cảm thấy khá áp lực và không chuộng. Mặt khác, ngoài nguyên nhân do thị hiếu của khán giả, có một phần nguyên nhân nữa đến từ khâu phát hành dòng phim này ở nước ta chưa thực sự tốt.

Việc phát hành dòng phim nghệ thuật ở nước ta thời gian qua hoàn toàn bị phụ thuộc vào tình hình điện ảnh của các nền điện ảnh lớn trên thế giới, đặc biệt là các nền điện ảnh lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Những phim dù là dòng phim nghệ thuật nhưng có cách tiếp cận câu chuyện cũng như mức độ dễ hiểu để khán giả có thể “loading” trong quá trình xem vẫn sẽ được đón nhận rộng rãi ở thị trường Việt Nam. Và các bạn biết rồi đấy, cái để những đơn vị phát hành phim chú trọng và cho “lên sóng” nằm ở khả năng sản sinh doanh thu của phim, do vậy những phim thuộc dòng phim nghệ thuật muốn bám trụ được trong cuộc đua phòng vé phải hội tụ đủ rất nhiều những yếu tố, mà phim nghệ thuật Việt Nam lại thường hay thiếu một trong số những yếu tố trên.

Bom tấn Parasite - Kí sinh trùng gặt hái được rất nhiều thành công lớn (nguồn ảnh: Forbes)
Bom tấn Parasite - Kí sinh trùng gặt hái được rất nhiều thành công lớn (nguồn ảnh: Forbes)

Lấy ví dụ nhưng tác phẩm kinh điển Parasite (Kí Sinh Trùng), một hiện tượng dành cho phòng vé tại Việt Nam. Tại sao cùng là dòng phim nghệ thuật nhưng Parasite lại tạo được tiếng vang và sức hút mãnh liệt cho khán giả Việt đến vậy?

Lí giải về vấn đề này, chị Hồng Ngân - đại diện Hãng CJ HK Entertainment, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Thanh Niên: “Phần đông khán giả đại chúng tại VN tò mò muốn xem Cành cọ vàng đầu tiên của Hàn Quốc thế nào. Ký sinh trùng là phim nghệ thuật, nhưng nghệ thuật kể chuyện của phim lại thỏa mãn mọi đối tượng khán giả, ai cũng dễ dàng cảm nhận được câu chuyện, thông điệp của phim. Khi đi xem, họ thực sự choáng ngợp về các tình tiết bất ngờ, cùng những ẩn ý của phim về những vấn đề toàn cầu như khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội. Yếu tố truyền miệng cũng khiến bộ phim càng tăng sức nóng. Tôi nghĩ nếu không nhập những phim nghệ thuật hay như thế này về VN thì sẽ là một thiệt thòi cho người xem trong nước”.

Vị gây tranh cãi và bị cấm chiếu (VOV)
Vị gây tranh cãi và bị cấm chiếu (VOV)

Vẫn là câu chuyện xoay quanh những cụm từ: dễ hiểu, dễ thở và thỏa mãn được những mong cầu của khán giả. Vậy phim nghệ thuật ở Việt Nam muốn phát triển và được phổ biến rộng rãi như Kí sinh trùng thì cần làm những gì? Đạo diễn Lương Đình Dũng, từng thành công với bộ phim nghệ thuật Cha Cõng Con, cho biết: “Những yếu tố giải trí một cách rất nghệ thuật của Ký sinh trùng quả thật đã hấp dẫn khán giả VN. Thế thì đương nhiên phim Việt nào làm được như thế sẽ có khán giả và thành công ở phòng vé”.

Một nhận định vô cùng đơn giản, dễ hiểu nhưng khó làm! Việc phim nghệ thuật Parasite vẫn đại thắng tại thị trường Việt Nam cho thấy khán giả Việt vốn không hề hờ hững hay vô cảm với dòng phim này, song điều mà các nhà làm phim cần phải làm được nếu muốn “có khách” là làm sao tạo ra được những tác phẩm thực sự nghệ thuật nhưng vẫn dễ hiểu, phản ánh được hiện thực khách quan, trao chuốt từ nội dung đến hình ảnh để có thể chinh phục được trái tim khán giả. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc quản bá thị trường, thúc đẩy việc sản xuất và phát hành dòng phim kén người coi này một cách rộng rãi hơn. Thế mới có thể mong dòng phim nghệ thuật Việt Nam sống được trong cuộc chiến đua rạp và dành được tình yêu cũng như sự quan tâm từ khán giả.

Song Lang - bộ phim nghệ thuật nhận được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn (nguồn ảnh: ELLE  Man)
Song Lang - bộ phim nghệ thuật nhận được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn (nguồn ảnh: ELLE  Man)

Thực tế cho thấy, có rất nhiều những phim nghệ thuật Việt đoạt không ít giải thưởng ở nước ngoài như: Bi Ơi Đừng Sợ, Đảo Của Dân Ngụ Cư, Song Lang, Đập Cánh Giữa Không Trung, Chơi Vơi…nhưng đến khi ra rạp lại không ăn khách và không mang lại doanh thu lớn. Vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng do các nhà làm phim nghệ thuật Việt đã quá gò bó không gian và đề tài khai thác cho dòng phim này, chỉ bó hẹp trong các chủ đề như: hủ tục phong kiến, nạn tảo hôn, trọng nam khinh nữ., định kiến giới…

Những đề tài ấy không phải không hay nhưng nó đã quá quen thuộc, tràn lan và bị “cũ” tại thời điểm này. Lời khuyên dành cho những nhà làm phim là hãy mở rộng hơn, thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn đề tài đó, khai thác những vấn đề mới mẻ hơn, mang tính phản ánh xã hội cao và hợp thời đại hơn, hãy thử thách ở những khía cạnh khó và táo bạo hơn trong xã hội. Thoát ra khỏi tầm nhìn trong chiếc giếng nhỏ mới có thể nhìn thấy được khoảng trời rộng lớn trên cao, từ đó mới tính đến được việc giành lại trái tim của khán giả Việt với dòng phim này.

Đập Cánh Giữa Không Trung (VnExpress)
Đập Cánh Giữa Không Trung (VnExpress)

Tóm lại, dòng phim nghệ thuật đúng thật là khó coi, khó cảm hơn dòng phim thị trường nhưng nếu biết cách xây dựng kịch bản từ đề tài hay, hợp thị hiếu, khai thác và quản bá hiệu quả chắc chắn sẽ vẫn gặt hái được rất nhiều thành công đáng ngưỡng mộ. Từ những phim nghệ thuật nước ngoài đã thắng lớn tại thị trường Việt Nam, các nhà làm phim nghệ thuật Việt có thể vui mừng vì đây là tính hiệu tốt, chứng minh khán giả không hề quay lưng với dòng phim này, chỉ có điều phim nghệ thuật trong nước chưa đủ để khán giả để tâm như phim nước ngoài.

Đã đến lúc các nhà lầm phim cần thay đổi tư duy và nhận thức trong cách làm phim của mình để dù thuộc dòng phim nghệ thuật, song sản phẩm làm ra thỏa mãn được đại chúng, vì công chúng và cần công chúng để lan truyền thông điệp cũng như gửi gắm trong đó những thông điệp ný nghĩa chứ không phải làm ra chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân rồi tự đắm chìm, say mê trong chính tác phẩm huyễn hoặc của bản thân. Nhà báo, nhà phê bình Cát Vũ từng nói thẳng: "Một tác phẩm điện ảnh thành công cần hai tiêu chí là có giá trị nghệ thuật và chinh phục khán giả. Đôi lúc, các nhà làm phim Việt cho rằng phim mình thất bại doanh thu vì thuộc dòng nghệ thuật, kén người xem. Đó chỉ là biện hộ!"