[Phân tích] Mùa ỔI - Bí quyết thành công ẩn trong kỹ thuật quay và dựng phim

Góc Nghệ Thuật · PhanNguyenSangSang ·

Mùa Ổi, ."...sẽ có những hồi ức mà bạn không thể nào quên như Anh Hòa vẫn mãi chỉ là đứa trẻ trong hình hài của người lớn trong câu chuyện này."

Kéo xuống để xem tiếp

Sẽ ra sao nếu chúng ta cứ mãi sống trong một miền ký ức? Mùa Ổi chính là đáp án hoàn chỉnh nhất cho câu hỏi này.

(Photo credit: Soha.vn)
(Photo credit: Soha.vn)

Mùa Ổi được chuyển thể từ truyện ngắn Ngôi Nhà Xưa và dựa trên câu chuyện có thật xảy ra trong chính gia đình của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Nội dung của phim xoay quanh câu chuyện về nhân vật Hòa - một người đàn ông trung niên, tuy đã 50 nhưng kể từ sau tại nạn bị ngã từ cây ổi năm 13 tuổi, ông chỉ sống trong miền ký ức của thời thơ ấu. Bản tính lương thiện, hiền lành và tấm lòng hiếu thảo luôn ẩn chứa bên trong người đàn ông mang thần trí không bình thường này. Nhịp phim diễn ra một cách vô cùng chậm rãi như lật mở từng mảng ký ức của cuộc đời Hòa. Phải chăng chính những ký ức tươi đẹp, êm đềm của năm tháng trẻ thơ ấy đã khiến ông vẫn luôn giữ trong mình những phẩm chất cao đẹp của một người Hà Nội xưa cũ.

Có thể nói rằng ông tốt bụng đến nỗi người ta không nghĩ trên đời có tồn tại một con người như thế. Những tưởng cuộc sống bình thường sẽ đến với người đàn ông này khi ông luôn mang trong mình một trái tim ấm áp, nhưng cuộc đời lại không bao giờ dịu dàng như thế. Sau tất cả, miền ký ức tươi đẹp ấy cũng biến mất chẳng còn gì.

Diễn viên Bùi Bài Bình (vai Hòa) trong phim Mùa Ổi - Đạo diễn Đặng Nhật Minh
Diễn viên Bùi Bài Bình (vai Hòa) trong phim Mùa Ổi - Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Trong Mùa Ổi, khán giả sẽ được các nhà làm phim kể chuyện bằng những thuật ngữ hình ảnh, dùng hình ảnh để diễn tả như cách mà các nhà văn dùng từ ngữ để biểu đạt tâm ý của mình. Đạo diễn Đặng Nhật Minh sử dụng rất nhiều những góc máy quay, cỡ cảnh khác nhau với những sự chuyển động vô cùng linh hoạt của máy quay. 

Những cảnh quay xen kẽ giữa một Hà Nội trong ký ức và một Hà Nội ngày nay với đầy rẫy những ồn ào, khác biệt. Rất nhiều lần, góc máy quay được đặt từ phía bên dưới hướng ngược về phía cây ổi, dồn toàn bộ sự tập trung vào từng quả ổi, từng tán lá trên “nhân vật gần như là chủ chốt này”. Dường như, máy quay không muốn bỏ qua bất kì một góc nhìn nào về người bạn thiên nhiên kia, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và sự gắn bó lâu dài của cây ổi với cuộc đời nhân vật Hòa.

Rất nhiều lần, góc máy quay dồn toàn bộ sự tập trung vào những quả ổi
Rất nhiều lần, góc máy quay dồn toàn bộ sự tập trung vào những quả ổi

Cảnh chị Thủy vội vã chạy xuống nhà mua ổi để xem thử anh trai mình có còn nhớ gì về kí ức ngày xưa hay không . Trong phân cảnh này, góc máy được đặt từ trên cao hướng xuống phía chị Thủy đang ở dưới lầu như để chúng ta hòa trong ánh nhìn của một người đang đứng quan sát chị từ trên cao, tất cả dáng vẻ hối hả, vội vàng của chị hiện lên một cách rõ ràng và chân thực nhất. Với Mùa Ổi, đạo diễn Đặng Nhật Minh còn vô cùng linh hoạt trong việc chuyển giao giữa đại cảnh và cận cảnh, như các cảnh quay ở chợ, cảnh ở phòng tranh của trường đại học, không gian đông đúc, xô bồ của một Hà Nội xưa. Ngoài ra, máy quay cũng thường xuyên zoom cận vào gương mặt của anh Hòa. Sâu thẳm trong đáy mắt là những kí ức tuy buồn nhưng luôn là đẹp nhất trong trí nhớ của anh. Lúc nào trong ánh mắt ấy cũng chất chứa một nỗi nhớ dai dẳng khôn nguôi ngự trị trong lòng, và rồi cũng chính đôi mắt đó, đến cuối cùng lại chợt trở nên trống rỗng, vô hồn trước những hồi ức cuối cùng bị mất đi về một phần kí ức tuyệt vời đã bị lãng quên.

Những quả ổi là nhân chứng cho một phần kí ức của anh Hòa đã trở thành dĩ vãng (Photo credit: wordpress.com)
Những quả ổi là nhân chứng cho một phần kí ức của anh Hòa đã trở thành dĩ vãng (Photo credit: wordpress.com)

Bên cạnh những cảnh quay, góc máy vô cùng chân thực, Mùa Ổi còn để lại trong lòng khán giả những ấn tượng đặc biệt với nghệ thuật dựng phim. Kiểu cắt dựng xen kẻ, đan xen các khung cảnh lại với nhau thật sự đã tạo được một sự liên kết vô cùng chặt chẽ giữa nhân vật Hòa với cây ổi gắn liền với tuổi thơ của anh. Một sự kết nối bền chặt, khắc khoải từ sâu trong tâm thức của một người mang mãi kí ức tuổi 13. 

Ngay từ những bước chân đầu tiên có phần thập thò, lén lút từng chút một của nhân vật Hòa chuyển tiếp đến ánh mắt chăm chú, cố nhìn của anh hướng về hình ảnh cây ổi với những tán lá xum xuê, rồi lại thu tất cả về lại nơi ánh mắt của anh với ánh nhìn đăm chiêu xa xăm, nghĩ ngợi rồi cuối cùng kết thúc phân đoạn mở đầu này nơi hình ảnh cây ổi năm nào. Kiểu cắt dựng này được sử dụng rất thường xuyên trong phim, đan xen giữa khung cảnh ở thực tại và quá khứ, lúc anh Hòa là một người đã trưởng thành và khi anh còn là một đứa trẻ. Mạch cảm xúc trong phim lúc này cũng từ đó được đan xen, lồng ghép vào nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết và như để trả lời cho câu hỏi “vì sao cây ổi năm ấy lại hằn sâu trong lòng anh Hòa đến vậy?”

(Photo credit : wordpress.com)
(Photo credit : wordpress.com)

Đa phần bộ phim sử dụng kiểu cắt dựng nhảy vọt hay kiểu cắt tại hành động nhằm thu ngắn thời gian chuyển giao các cảnh, các mốc thời gian, nhằm rút ngắn thời gian tổng của phim. Nghệ thuật chuyển cảnh hòa tan (Dissolve) được tác giả lồng ghép ở phân đoạn anh Hòa nhớ lại lúc mình bị ngã từ trên cây ổi xuống và nằm trong viện lúc nhỏ tạo cảm giác vừa thực, vừa ảo, đánh dấu một đoạn kí ức tuổi thơ luôn tồn đọng trong anh.

Mùa Ổi đưa chúng ta về với hồi ức bằng hương ổi dịu dàng, đó còn là mùi hương của những câu chuyện. Chắc hẳn cảm xúc sâu lắng vẫn đọng lại trong tâm trí của người xem hiện tại và cả những năm tháng về sau. Dù mai này chúng ta có già đi, đầu óc cũng không còn minh mẫn nữa nhưng có một điều chúng mình tin chắc rằng sẽ có những hồi ức mà bạn không thể nào quên như Anh Hòa vẫn mãi chỉ là đứa trẻ trong hình hài của người lớn trong câu chuyện này.