[Phân tích] Những sự tương đồng của các sát nhân hàng loạt trên màn ảnh

PhanNguyenSangSang ·

Hannibal Lecter, Norman Bates, John Doe... liệu có những điểm chung?

Kéo xuống để xem tiếp

Ảnh: Ohay TV
Ảnh: Ohay TV

Chủ đề sát nhân hàng loạt luôn là đề tài thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ công chúng khi được thực thi trên màn ảnh. Những bộ phim về đề tài tâm lý – tội phạm luôn “rất biết cách” chiều lòng khán giả bằng những “dị nhân” điên rồ nhất và những kịch bản “khủng bố” nhất. Những nhân vật kinh dị gớm ghiếc, bệnh hoạn hay ghê tởm đánh thẳng vào nỗi sợ của công chúng, Hannibal Lecter trong Sự Im Lặng Của Bầy Cừu, Norman Bates trong Psycho, John Doe trong Se7en… Những sát nhân “hàng đầu” trên màn ảnh, những nỗi ám ảnh kinh hoàng trong tâm trí các tín đồ dòng phim kinh dị, tâm lí – tội phạm liệu có một sợi dây liên kết hay những sự tương đồng nào có thể so sánh được với nhau? Cùng Moveek tìm hiểu ở bài viết này nhé!

1. Những “quái vật” mang vẻ ngoài “hoàng tử”.

Patrick Bateman trong American Psycho | Ảnh: Canada Today
Patrick Bateman trong American Psycho | Ảnh: Canada Today

Patrick Bateman trong American Psycho — một doanh nhân trẻ thành đạt và giàu có. Không ai có thể ngờ một người có xuất thân từ gia đình danh giá ở phố Wall, cuộc sống tràn ngập sự hào nhoáng và phù phiếm: những bộ suit may đo hàng hiệu, một căn hộ thượng lưu ở Manhattan và những nếp sống lành mạnh như tập thể dục, chăm sóc da… lại chính là gã cầm thú đội lốt người, một kẻ điên bệnh hoạn, một tên sát nhân có thể xuống tay với bất cứ ai.

Norman Bates trong Psycho | Ảnh: WordPress.com
Norman Bates trong Psycho | Ảnh: WordPress.com

Tất nhiên, không phải tất cả những sát nhân đều mang vẻ bề ngoài của “hoàng tử”, cũng có rất nhiều những sát nhân mang hình hài kinh dị, ghê rợn nổi tiếng như: Leatherface trong The Texas Chainsaw Massacre, Jason Voorhees trong Friday The 13th, Freddy Krueger trong A Nightmare on Elm Street... Tuy nhiên, nét riêng và là điều làm các "hoàng tử giả" như bác sĩ Hannibal hay Norman Bates trở nên đặc biệt hơn các sát nhân có vẻ ngoài kinh dị, đáng sợ là những con người "đứng đắn, mẫu mực" này sẽ để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng đến nơi sâu thẳm nhất trong lòng khán giả, bởi người xem sẽ phải bàng hoàng vì những khuôn mẫu để "định ước" cho cái ác, cái xấu đã không chỉ sẽ thể hiện hết ra bên ngoài mà đôi khi, những cái đẹp đẽ nhất, những thứ trong có vẻ tinh sạch nhất lại chính là "đầu xỏ" cho những cơn đau, những tội ác kinh hoàng và khiếp hãi nhất.

2. Những khối óc thiên tài cùng tâm thần bất ổn

Hannibal Lecter trong Sự Im Lặng Của Bầy Cừu
Hannibal Lecter trong Sự Im Lặng Của Bầy Cừu

Sự giống nhau này có vẻ đã quá rõ ràng và thậm chí không còn cần thiết phải khẳng định, bởi nếu đã là sát nhân hàng loạt thì chắc chắn tâm lý của hắn không thể nào như người bình thường được. Điểm chung của khá nhiều những tên sát nhân nổi tiếng đến từ việc đã từng trải qua những chấn động tâm lý khi còn nhỏ hoặc sau khi trải qua một biến cố nào đó. Những điều đó đã để lại nổi ám ảnh hằn mãi trong lòng của những kẻ sát nhân “đáng thương”, khiến tâm lý của những con người bị quá khứ “ám sát” cứ mãi phải chạy theo kẻ khác ở hiện tại và tương lai để “ám sát”.

Tuy nhiên, cũng có những “cái điên” chẳng xuất từ những bạo hành quá khứ hay chấn thương tinh thần gì cả, nó đến bất thường, đến từ chính sự bệnh hoạn, biến thái trong tâm lý “bình thường” nhất của một con người như “tấm gương” điển hình Patrick Bateman, điều này khiến cho sự tàn nhẫn của hắn càng đáng sợ và kinh hoàng hơn bao giờ hết.

John Doe trong Se7en | Ảnh: Pinterest
John Doe trong Se7en | Ảnh: Pinterest

Giống nhau khi ai cũng mang một “tâm thần” bất ổn, dù là cố ý hay vô tình song, những kẻ sát nhân thường được ban tặng cho những bộ não siêu phàm, đến nỗi có thể khiến cho sự tàn ác của kẻ đó “được” tạm quên đi. Hannibal Lecter là một điển hình kinh điển. Với khối óc siêu phàm của mình, ngay cả FBI cũng cần phải nhờ đến hắn để phá án, cũng phải vì bộ não ấy mà kính nể, kiêng dè.

Còn với John Doe trong Se7en, sở hữu một bộ não lấp đầy kiến thức nhờ tiếp thu từ số lượng sách mà hắn đã đọc, thuộc nằm lòng “Kinh Thánh” và tự cho mình cái quyền căn theo lời dạy trong Kinh Thánh để chọn con mồi. Những khối óc vốn dĩ rất vĩ đại ấy trong hoàn cảnh này lại chính là sự bất hạnh khủng khiếp nhất của nhân loại vì không thể đoán biết được, không thể nghĩ tới được cũng như không dễ dàng để tiếp cận được.

3. Những sự trừng phạt rợn người cùng “chiến lợi phẩm” kinh dị

Ảnh: Creppy Catalog
Ảnh: Creppy Catalog

Hầu hết các nạn nhân mà những sát nhân “chọn mặt” đều phạm phải những tội lỗi nằm trong “khuôn mẫu” của từng kẻ điên khác nhau. Nếu John Doe tự huyễn hoặc, cho mình cái quyền căn cứ theo “thất đại tội” nằm trong Kinh Thánh để “thay trời hành đạo”, tự cho rằng sự tàn ác của mình là việc làm nhân nghĩa, trả nợ nghiệp báo của nhân loại cho Chúa Trời thì Hannibal Lecter hay Patrick Bateman giết người chẳng vì một mục đích “cao đẹp” gì cả. Bác sĩ Hannibal cảm thấy việc giết người rồi ăn thịt là một thú vui, thích là giết, giết rồi ăn, ai mà hắn đã nhắm đến thì chắc chắn sẽ phải bỏ mạng. Patrick Bateman, một kẻ ái kỷ, một kẻ lấy sự đau khổ trong cái chết của những người yếu thế hơn mình làm thú vui tiêu khiển. Vậy những nạn nhân của Hannibal và Patrick phạm phải tội gì? Một trọng tội nào đó mà chỉ có họ mới định lượng được.

Bên cạnh đó, những “chiến lợi phẩm” mà những kẻ sát nhân để dành lại có lẽ là một trong những thứ ghê rợn và ám ảnh nhất đối với người xem. Nếu Hannibal chẳng cần chiến lợi phẩm, “có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu” thì những kẻ sát nhân còn lại đều để lại những “ấn phẩm: cho mình. Ngay chính tên sát nhân Buffalo Bill – kẻ mà FBI phải nhờ đến Hannibal để có thể bắt được cũng để lại cho mình chiến lợi phẩm là những bộ da người để làm thành bộ quần áo “cơ thể phụ nữ”.

Hay John Doe, chiến lợi phẩm của hắn là những xác chết để lại tại hiện trường mà hắn cố tình làm “bằng chứng” cho việc mình đã thay Chúa Trời trừng phạt. Và tất nhiên, còn rất nhiều những chiến lợi phẩm đến từ các sát nhân khác, và điểm chung ở tất cả chính là việc nhìn con mồi của mình chỉ còn lại một phần nào đó không trọn vẹn sẽ làm kích thích sự bệnh hoạn trong con người những “kẻ điên”, làm bọn hắn cảm thấy phấn khích và ngày càng cuồng dại trong thú vui tàn ác của mình.

Tóm lại, dù không phải là tất cả song, những kẻ sát nhân thường mang khá nhiều những điểm chung từ trong tâm lý đến cả cách hành xử. Những kẻ sát nhân trên màn ảnh đang ngày càng “đa nhân cách” hơn, thể loại phim kinh dị giật giân, tâm lý – tội phạm đang ngày càng khiến người xem phải khiếp hãi bởi sự khủng khiếp mà những đối tượng cầm đầu mang lại. Bạn còn nhìn thấy những điểm chung nào từ những kẻ sát nhân máu lạnh trên màn ảnh? Hãy cùng Moveek bàn luận nhé!