[PHÂN TÍCH] The Truman Show (1998) - Hiện thực và Giả tạo

Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

The Truman Show hội đủ 3 yếu tố: dễ hiểu và thú vị, nhân vật mang tính biểu tượng, cuối cùng là chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa nghệ thuật.

Năm 1998 là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của nam diễn viên Jim Carrey khi bộ phim The Truman Show được công chiếu rộng rãi. Hai mươi năm đã trôi qua nhưng sức hút của bộ phim vẫn còn rất lớn vì những lớp ý nghĩa và thông điệp bộ phim càng đào sâu càng phát hiện nhiều điều thú vị.

Theo nhiều nhà làm phim danh tiếng lẫn giới chuyên môn thì 3 đặc tính làm nên một bộ phim hay là: (1) Dễ tiếp cận, dễ hiểu và thú vị với đa số người xem; (2) phát triển được các nhân vật có sức mạnh, mang tính biểu tượng và kết nối tốt với cốt truyện phim; (3) chứa đựng nhiều lớp ý nghĩa nghệ thuật. Chúng ta hãy cùng phân tích bộ phim này quanh 3 khía cạnh trên để hiểu vì sao The Truman Show được khán giả đại chúng lẫn các nhà chuyên môn yêu thích như vậy.

Một nhà sản xuất chương trình tên Christof (Ed Harris) lên ý tưởng thực hiện một chương trình thực tế lớn nhất, dài nhất và chân thật nhất trong lịch sử truyền hình. Ông ta “nhận nuôi” một đứa bé sơ sinh ngay lúc chào đời và đặt tên nó là Truman Burbank.

Một phim trường khổng lồ to như một thị trấn cùng hàng ngàn diễn viên được thuê để đóng các vai nhằm biến cuộc đời của Truman Burkbank (Jim Carrey) thành một chương trình truyền hình thực tế mà thế giới chưa từng được chứng kiến. Hơn 5000 máy quay được đặt khắp nơi soi rõ từng ngóc ngách cuộc đời của Truman, dựng lên câu chuyện cuộc đời, định hướng cả nỗi sợ, ước mơ và gia đình mà một người phải trải qua từ khi mới sinh đến tuổi trưởng thành.

Cậu ta đôi khi cũng nghi ngờ với cuộc sống của bản thân (hệt như cách chúng ta nghi ngờ cuộc sống của mình) nhưng đạo diễn cùng các diễn viên trên phim trường đó tìm mọi cách để khỏa lấp và che đậy. Một ngày nọ, anh đem lòng yêu một cô gái và để tìm cô, anh vượt qua nỗi sợ nước mà lên đường đi đến hòn đảo Fiji. Cuối cùng, một kết cục anh chưa bao giờ tưởng tượng tới, đường chân trời anh chạm tới chỉ là một bức vách giả, cuộc đời anh sống chỉ là giả, mọi thứ đã được sắp đặt. Đau khổ đến cùng cực nhưng cũng vui sướng đến cùng cực, anh chọn bước ra bên ngoài để sống một cuộc đời đúng nghĩa.

Thượng đế và Tôn giáo

Nhân vật Christof biểu trưng cho Thượng đế
Nhân vật Christof biểu trưng cho Thượng đế

Không giấu giếm ý định đề cập đến vấn đề thần quyền, các nhà làm phim để cho nhân vật đạo diễn nắm quyền chỉ đạo chương trình thực tế tên Christof.

Christof  (chơi chữ Christ-off) điều khiển, lên kế hoạch và quyết định mọi thứ diễn ra trong phim trường khổng lồ mang tên Seahaven Island, ở đó ông ta là Thượng đế. Điểm hay nhất khi xây dựng nhân vật này là ông ta không hoàn toàn là một phản diện. Quả thật, có phần dễ dàng nếu để đạo diễn hướng Christof thành kẻ ác, tham lam nhưng may thay hình tượng nhân vật này vượt qua sự tầm thường đó.

Ông ta thực sự tin tưởng việc mình làm đã đem niềm vui và hy vọng truyền cảm hứng cho hàng triệu khán giả, ông ta yêu thương Truman, quan tâm và dõi theo từng bước đường cuộc đời như người cha của Truman. Đặc biệt, người xem ấn tượng ở phân cảnh cuối phim khi Christof thuyết phục Truman ở lại, hay cảnh hằng đêm ông vuốt lên màn hình ngắm nhìn Truman ngủ. Christof nói: “Ta đã ngắm con khi con được sinh ra đời. Ta trông chờ lúc con bước những bước đi đầu đời và vui mừng ngày đầu tiên con đến lớp… Trong đây có thể là giả nhưng con được an toàn, được vui vẻ và hạnh phúc, còn ngoài kia người ta sẽ lừa gạt, làm hại và tổn thương con.”. Ông ta là Thượng đế, là người cha yêu thương và muốn kiểm soát. Thông điệp hết sức rõ ràng: nếu có tồn tại một vị Thượng Đế sắp đặt mọi thứ thì cuộc đời của chúng ta đều là một màn kịch giả dối.

Truyền hình thực tế hay Cuộc đời giả tạo?

Cuộc đời của Truman là một chương trình thực tế nhưng liệu cuộc đời của chúng ta có 'thật' hơn không?
Cuộc đời của Truman là một chương trình thực tế nhưng liệu cuộc đời của chúng ta có 'thật' hơn không?

Kịch bản của The Truman Show đặc biệt sâu sắc khi chuyển tải thông điệp: thế giới mà ta sống không hoàn toàn như ta mong muốn, không vận hành thuần túy hiện tế như bản thân ta tưởng. Có bao giờ bạn thấy ngột ngạt trong cuộc sống, công việc hay đơn giản bức bối trong chính gia đình của mình hay không? Có bao giờ tự hỏi tại sao mình lại phải tuân thủ các quy tắc mà người khác hay xã hội quy định? Đơn giản là chúng ta phải hy sinh tự do – cả với nghĩa tự do trong xã hội và tự do tâm lý – để đổi lấy một vị trí trong xã hội loài người. Con người là một sinh vật kỳ lạ, chúng ta đoán ý của người khác, tuân thủ những khuynh hướng mà xã hội hay đám đông kỳ vọng hơn là giỏi việc thấu hiểu bản thân mình.

Khi một chiếc đèn trong phim trường rơi xuống ngôi nhà Truman sống, anh được mọi người giải thích là do một chiếc máy bay ngang qua làm rớt bộ phận hay Seahaven Island nằm trong một thế giới lớn hơn. Không phải dễ dàng kiểm soát Truman hơn nếu nói dối rằng không có cái gọi là “máy bay” hay thế giới chỉ gồm nơi anh sống hay sao? Nhưng người xem truyền hình muốn xem một chương trình thực tế giống như thực tế nên Christof cùng đội ngũ cung cấp cho Truman tất cả kiến thức về thế giới thật chỉ là giấu anh về sự thật cuộc đời của chính anh ta mà thôi.

Truman cũng là cách chơi chữ của True và Man (= con người thật), một ẩn dụ về chính cuộc đời của mỗi chúng ta. Cách con người sống, bị thao túng từ xã hội, người khác hay chiều theo những luật lệ chẳng phải cũng giống cách Truman bị thao túng trong chương trình đó sao, có khác là quy mô của “phim trường” chúng ta đang sống lớn hơn thôi. Cảnh cuối khi Truman bước ra khỏi phim trường như một tiếng thét được giải thoát không chỉ khỏi sự giả dối mà còn khỏi những ràng buộc vô hình bủa vây xung quanh.

Ngụ ngôn về cái hang

Truman chọn bước ra khỏi 'cái hang
Truman chọn bước ra khỏi 'cái hang

Bộ phim cũng gợi nhớ đến một ngụ ngôn triết học nổi tiếng của Plato: ngụ ngôn cái hang. Một nhóm người bị mắc kẹt trong hang cả đời, chỉ nhìn thấy bóng của cuộc sống thực được chiếu trên tường trước mặt họ. Nếu những người đó ra khỏi hang và nhìn thế giới thực, điều đó sẽ quá sức chịu đựng và họ muốn quay lại với những gì họ đã quen.

Truman chọn bước ra ngoài đối diện với thế giới thật, thế giới mà anh không biết đến, nơi đầy bất trất hiểm nguy hơn là phải sống trong phim trường và bị sắp đặt cả đời. Hẳn ai khi xem cũng đồng tình với chọn lựa của anh ta nhưng liệu mọi người có nhận ra cuộc sống của chính mình cũng có thể là một cái hang khác và đáng tiếc là cả đời cũng không có thể tìm được cửa ra. Truman có một người vợ đẹp, cha mẹ tốt bụng, công việc ổn định, hàng xóm thân thiện, cuộc sống an bình – đây là những thứ người bình thường hằng khát khao. Truman dám vứt bỏ đi thứ chắc chắn để tìm đến sự thật bấp bênh nhưng liệu ta có dám đánh liều mọi thứ hiện hữu để phấn đấu cho ước mơ thật sự của mình?

Sự tha hóa của ngành công nghiệp giải trí hay Ước mơ muốn nổi tiếng

Để có danh vọng tiền tài con người liệu sẽ bất chấp tất cả?
Để có danh vọng tiền tài con người liệu sẽ bất chấp tất cả?

Hai vấn đề có tính thời đại hiện nay đã được bộ phim tiên tri từ 20 năm trước: ước mơ muốn nổi tiếng bất chấp mọi thứ và sự kiểm soát của truyền thông. Gần đây, chúng ta hay nghe về những trào lưu quái đản trên mạng xã hội như: ăn bột giặt, tạt nước sôi vào bạn bè, bài hát dao… Con người sẵn sàng làm mọi điều để mong được nổi tiếng dẫu cho đó là thứ điên rồ đến cỡ nào.

Hàng trăm, hàng ngàn diễn viên chấp nhận tham gia vào một chương trình truyền hình kéo dài nhiều chục năm hay thậm chí diễn viên đóng vai vợ của Truman ( Laura Linney) chấp nhận việc sống đời vợ chồng như thật trước hàng ngàn máy quay. Hàng triệu con người ngồi trước truyền hình sau mỗi ngày sẽ quyết định mình muốn xem điều gì trong cuộc đời của Truman vào ngày tiếp theo, họ không cần quan tâm đến cảm nhận hay có cảm giác tội lỗi gì về việc đó. Cuộc đời Truman là sự phản chiếu ước mơ không thể có ngoài đời thật của khán giả, họ đánh đổi mọi thứ để vào chương trình chơi đùa với cuộc đời của Truman đáng thương.

Sức mạnh của truyền thông/ mạng xã hội

Cuộc sống hiện đại làm con người mất đi tự do đích thực. Ta có dám như Truman đi tìm sự thật?
Cuộc sống hiện đại làm con người mất đi tự do đích thực. Ta có dám như Truman đi tìm sự thật?

Tràn ngập trong The Truman Show là các quảng cáo được dàn diễn viên nhét vào các diễn biến của chương trình. Nhằm ngăn Truman rời khỏi hòn đảo, Christof còn thay đổi kịch bản buộc diễn viên đóng vai cha Truman chết đuối khiến anh ta ám ảnh nước suốt một thời gian dài. Mọi mùi hương, lựa chọn nghề nghiệp, bạn đời, thức ăn, kiểu tóc, phong cách sống của Truman đều được lên kế hoạch bài bản nhằm hướng anh ta đến. Những thứ ta tưởng mình được tự do lựa chọn có chắc là do bản thân ta chọn hay đã bị ảnh hưởng từ truyền thông, mạng xã hội, xu hướng thế giới? Cuộc đời của ta có hơn cuộc đời của Truman không?

Lời kết

Điều đáng sợ nhất là chúng ta không biết mình đang ở trong hang
Điều đáng sợ nhất là chúng ta không biết mình đang ở trong hang

Đây không chỉ là bộ phim về một xã hội tưởng tượng, nó nói về chúng ta: cách chúng ta bị “Thượng đế” kiểm soát, làm thế nào chúng ta đánh mất tự do ý chí hay sự thật về cuộc sống đang bị ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Chúng ta luôn muốn rời khỏi hang động, muốn sống cuộc đời thật nhưng thậm chí chúng ta không nhận ra mình đang ở trong hang.

Chúng ta bị theo dõi, bị nghe lén, bị thao túng và kiểm soát, mọi thông tin cá nhân bị rao bán vì chúng ta muốn sử dụng các mạng xã hội miễn phí. Chúng ta ảo tưởng về tự do ý chí và hiện thực trong khi mỗi hành xử, cảm nhận hay suy nghĩ đều là từ một thứ gì đó tác động hướng chúng ta phải làm như vậy.

Bộ phim thật sự bi quan và mang nhiều tính chỉ trích hơn là chúng ta tưởng dù ban đầu nó giống như dạng phim tình cảm hài. Có quá nhiều thứ có thể nói, phân tích và học hỏi từ phim, chính điều này khiến The Truman Show khác biệt và được nhắc nhở. Kết phim tưởng rất thỏa mãn khi Truman bước ra thế giới thật nhưng lại là một nhát đâm đau đớn khác. Hàng triệu khán giả vỗ tay chúc mừng khi thấy anh ra khỏi phim trường nhưng nhanh chóng sau đó lại tìm kiếm một chương trình tương tự, một đứa trẻ nào đó sắp ra đời có thể lại bắt đầu cuộc đời mà Truman vừa rời khỏi.