[PHÂN TÍCH] Thiên Tài Bất Hảo (2017) - Nghệ thuật sử dụng âm thanh làm nên một bộ phim xuất sắc

Góc Nghệ Thuật · PhanNguyenSangSang ·

Nói đến thành công của Thiên Tài Bất Hảo (Bad Genius) là phải nhắc đến âm thanh.

Kéo xuống để xem tiếp

Âm thanh là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến độ thành công của một tác phẩm điện ảnh. Đôi lúc các bộ phim gây được ấn tượng mạnh mẽ với người xem chỉ đơn giản đến từ một tiếng động tương thích trên màn ảnh. Âm thanh thay đổi linh hoạt và có biên độ rộng rãi sẽ giúp cho tác phẩm điện ảnh trở nên sinh động và tạo được những xúc cảm mạnh mẽ với người xem. Một trong những bộ phim sử dụng kỹ thuật âm thanh để làm nổi bật cấu trúc phim có thể kể đến là BAD GENIUS - Thiên Tài Bất Hảo (2017) một bộ phim đã làm mưa làm gió làng điện ảnh xứ sở chùa vàng trong suốt những năm vừa qua.

Thiên tài bất hảo luôn bắt trọn âm thanh từ những cử chỉ nhỏ nhất (Photo credit: WordPress.com)
Thiên tài bất hảo luôn bắt trọn âm thanh từ những cử chỉ nhỏ nhất (Photo credit: WordPress.com)

Thiên Tài Bất Hảo nói về câu chuyện của thiên tài học thuật Lynn cùng những cuộc gian lận thi cử với quy mô toàn cầu của cô cùng một nhóm bạn. Những bài kiểm tra mang tầm ảnh hưởng quốc tế, những con số thù lao tiền thưởng dần tăng từ mức độ tầm thường cho đến những giá trị khủng. Đến cuối cùng, khi bản thân cô tự thức tỉnh được bản ngã của mình, cô quyết định quay đầu và tự mình đầu thú hết tất cả mọi việc, những kế hoạch gian lận mang tầm vĩ mô trước giờ. Lynn quyết định không tiếp tục làm những trò gian lận thi cử nữa, mặc cho số tiền kiếm được tại thời điểm đó, con số đã lên đến mười triệu bath.

Nhìn chung, đây là một tác phẩm điện ảnh khá ấn tượng của Thái Lan. Từ các cảnh quay, nghệ thuật điều khiển máy quay cho đến việc kết hợp âm thanh trong bộ phim đều vô cùng linh hoạt và sinh động. Âm thanh xuất phát trong lời thoại nhân vật, âm thanh nền xung quanh, âm thanh từ các đồ vật trong phim, tất cả mọi thứ đều vô cùng chân thực, chỉn chu và hợp đến từng khung hình. Âm thanh của bối cảnh nền trong phim luôn được thay đổi linh hoạt tùy theo mạch tâm lý nhân vật, tuy rằng chúng không được xem là quan trọng như lời thoại song vẫn rất cần thiết để truyền tải và tạo cảm xúc cho khán giả từ không gian hoặc nơi chốn đang diễn ra trên màn ảnh.

Đoạn clip này sẽ khiến bạn xem lại bộ phim

Trong phim, có lúc âm thanh nền chỉ đơn thuần là những đoạn nhạc đệm cho một vài phân cảnh khi các nhân vật đang di chuyển, lúc các nhân vật đang làm việc, tắt âm từ lời thoại của nhân vật và chèn thêm nhạc đệm. Có lúc nhạc đệm lại chính là những tiếng đàn phát ra từ cây piano mà Lynn dùng để ra hiệu đáp án đề thi, khi thì là những tác phẩm Opera vô cùng nổi tiếng của Mozart, tiêu biểu có thể kể đến như The Magic FluteQueen of the Night aria (Mozart; Diana Damrau, The Royal Opera) hay Allegro Budapest Scoring Symphonic Orchestra cho những trường đoạn lúc các nhân vật cần tập trung toàn bộ khối óc…

Chưa hết, do bộ Thiên Tài Bất Hảo đặt biệt chú trong đến cả tiểu tiết, kỹ thuật máy quay cũng focus vào từng chi tiết nhỏ rất nhiều lần và rõ ràng như cây bút chì, cục tẩy, trang giấy, bước chân… Thế nên, những âm thanh tưởng chừng như vô cùng nhỏ này lại được tái hiện lại rất rõ ràng và chân thực trên phim, từ tiếng ma sát giữa ngòi bút với trang giấy, tiếng ngón tay gõ trên bàn của Lynn ra hiệu đáp án, hợp âm nghịch tiếng va đập của đồ đạc với tường khi thầy giám thị ném đồ xuống cuối lớp, tiếng bước chân… Tất cả đều được khai thác hết sức chân thực, làm cho người xem có thể cảm nhận được rõ nét cái yên lặng tuyệt đối trong phòng thi lúc đó, tạo cảm giác hồi hộp và dường như nhân vật trong phim và khán giả hòa làm một, đều trong nỗi lo sợ mà nhân vật đang trải qua.

Ân thanh thay đổi linh hoạt theo từng phân cảnh trong phim (Photo credit: WordPress.com)
Ân thanh thay đổi linh hoạt theo từng phân cảnh trong phim (Photo credit: WordPress.com)

Bên cạnh đó, một vài âm thanh tiếng ồn từ môi trường xung quanh cũng được đưa vào rất hay và thật, tiếng vang khi trò truyện trong căn phòng, tiếng va chạm mạnh với nước khi Pat nhảy từ thành hồ bơi xuống, tiếng khui rượu, tiếng máy bay xé gió, tiếng chuông điện thoại… cũng được thu bắt rất sống động, tạo cho người xem bầu không khí gần gũi, đời thường nhất.

Tóm lại, âm thanh là một phần quan trong không thể thiếu trong mỗi một tác phẩm điện ảnh, song song với việc khai thác nội dung kịch bản, chất lượng hình ảnh, kỹ thuật quay… Một tác phẩm điện ảnh không thể nào thành công rực rỡ nếu thiếu đi yếu tố âm thanh, yếu tố quan trọng bậc nhất cho việc truyền tải cảm xúc từ nhân vật đến người xem, là yếu tố trực tiếp tác động vào sự nhạy bén của bộ não. Chưa hết, âm thanh cũng chính là vũ khí tối thượng khai thác triệt để niềm vui, nỗi buồn, tính bất ngờ, giật mình, sợ hãi trong tâm lý xem phim của khán giả.

Khai thác âm thanh từ rất nhỏ đến rất lớn trong môi trường xung quanh (Photo credit: Mtvwe.com)
Khai thác âm thanh từ rất nhỏ đến rất lớn trong môi trường xung quanh (Photo credit: Mtvwe.com)

Âm thanh trong phim nói cho chúng ta biết được thời gian, địa điểm và hành động đang diễn ra ngay tại thời điểm đó, âm thanh không chỉ thể hiện những chuyển biến trong nội tâm nhân vật mà còn có chức năng dẫn dắt người xem bám vào mạch cảm xúc của bộ phim. Do vậy, bất kỳ một yếu tố nào trong quá trình tạo nên một bộ phim cũng đều cần phải có sự đầu tư công sức, tâm huyết, trí lực nghiêm túc, phải chọn lọc kỹ càng, phù hợp với từng mạch diễn biến cũng như có thể truyền tải nội dung thông điệp mà bộ phim muốn thể hiện đến khán giả một cách hiệu quả thì các nhà làm phim mới có thể khai thác được triệt để giá trị mà âm thanh mang lại cho một tác phẩm điện ảnh. Và Thiên Tài Bất Hảo đã thành công trên phương diện ấy, góp phần tạo nên một bộ phim có thể nói là cột mốc đáng nể trong điện ảnh Thái.