Chuyện phim Việt - Từ Nghề Siêu Dễ thấy thêm cái khó của điện ảnh Việt

Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · PhanNguyenSangSang ·

“Chín người mười ý” nhưng vì sao phim Việt cứ mãi chỉ có nhiêu đó kiểu nhân vật?

Không phải là tất cả nhưng đa phần có thể thấy, thị trường điện ảnh Việt Nam tuy “mạnh yếu mỗi thời mỗi khác”, song đề tài và nội dung chủ yếu đều quay về với motif được đánh giá là dễ thở nhất: Hài – tâm lý tình cảm. Sức hút có, truyền thông có, thông điệp có nhưng quanh đi quẩn lại, khán giả ít nhiều cũng cảm thấy chán với những cảnh tình cảm sướt mướt, đôi khi pha một vài mảng miếng tấu hài tạo không khí và không làm mạch phim chùng xuống. 

(nguồn ảnh: Yeah1 News)
(nguồn ảnh: Yeah1 News)

Nhìn ra có thể thấy, thị hiếu khán giả Việt Nam có vẻ rất thích thú, nếu không muốn nói là cực kì trông đợi vào một màn bùng nổ của thị trường điện ảnh Việt mà motif không phải thể loại hài – tình cảm hay tâm lý gia đình. Mong ước đó được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết khi Nghề Siêu Dễ on air phòng vé. Mặc dù được remake lại từ nguyên bản Nghề Siêu Khó của Hàn Quốc nhưng đa phần được đánh giá là tạo hình nhân vật độc đáo, kích thích được trí tò mò của khán giả và họ cảm thấy thích thú với các hình tượng nhân vật trong phim. Có thể nói, cú ăn điểm của bộ phim này là hình tượng cảnh sát chìm. Thế nhưng, chính nó lại thành điểm yếu của phim khi Nghề Siêu Dễ lại nhát tay trong việc khai thác và điều chỉnh hình tượng này sao cho hợp với cửa kiểm duyệt. Và đây chính là vấn đề.

Đầu tiên, đi cùng hình tượng các nhân vật trong Nghề Siêu Dễ - công an chìm. Những đề tài phim khai thác nhân vật xoay quanh hình tượng này luôn nhận được sự chờ đợi rất lớn từ công chúng. Trong xuyên suốt dòng chảy lịch sử phim ảnh, từ thế giới nói chung cũng như trong nước nói riêng, phim có chứa yếu tố hình sự luôn khẳng định được vị thế là một trong những mảng phim hấp dẫn được khán giả xếp vào hàng yêu thích bậc nhất, chưa kể sự thật rằng công an Việt Nam mà nổi bật hơn cả là công an chìm luôn được đánh giá rất cao. Đây là nghề nghiệp mà bất kể một công dân nào cũng vô cùng kính trọng và mến mộ. 

Tuy nhiên, nếu mảng phim truyền hình đã có một vài những tác phẩm được lên sóng rất thành công về tạo hình nhân vật cảnh sát, công an như Cổ Cồn Trắng, Bí Mật Tam Giác Vàng, Bản Di Chúc Bí Ẩn,… thì ở mảng phim điện ảnh, hình tượng nhân vật này rất hiếm xuất hiện. Ngay cả Nghề Siêu Dễ vừa được ra mắt với những thành công khởi phát từ nguyên tác của Hàn Quốc cũng phải thay đổi hầu như toàn bộ tuyến nhân vật trong kịch bản gốc, biến một “biệt đội” thành những cá nhân dị biệt để có thể dễ dàng được “thông qua kiểm duyệt gắt gao”. Ở Nghề Siêu Dễ và các phim khai thác cùng hình tượng, cùng chủ đề, dường như “qua ải kiểm duyệt” mới là điều kiện trọng tâm, còn tính thực tế, tính sâu sắc, sự phức tạp, logic đều không quan trọng bằng. Điều này ở mức độ nào đó đúng là không sai, nhưng nó khiến bộ phim sống sượng hẳn.

Nếu ở mảng phim truyền hình có thể có đến hàng trăm tập phim để khai thác chuyên sâu về hình tượng này thì ở mảng điện ảnh lại không có đủ thời gian làm điều đó. Thế giới tội phạm là một bức tranh vô cùng phức tạp và vì thế hình tượng người cảnh sát, công an cũng khó nhằn không kém. Không đủ thời lượng để làm rõ từng góc khuất, rất có thể sẽ làm biến chất ngành nghề danh giá này cùng những câu chuyện không hay sau đó, như bị ban kiểm duyệt hay thuần phong mỹ tục “sờ gáy” chẳng hạn. 

Một khi đã đụng chạm hình tượng này, thì Nghề Siêu Dễ sẽ bị kiểm duyệt gắt gao hơn. Mặc khác, một số biên kịch, đạo diễn không hiểu được tường tận, cặn kẽ về nghề công an nên xây dựng nhân vật chưa có sức thuyết phục. Cho nên, mọi góc khuất của nghề “nằm vùng” không được thể hiện gì là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, nếu đạo diễn không quen làm mảng phim hình sự, chưa hiểu hết những nguyên tắc, quy định của ngành công an cũng sẽ khiến phim trong rất hời hợt, ngây ngô và thiếu thuyết phục, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh ngành nghề cũng như hình tượng nhân vật trong mắt công chúng - một điều vô cùng cấm kị trong điện ảnh. Bên cạnh đó, kinh phí để theo đuổi thể loại này cũng vô cùng lớn và tạo áp lực đáng kể lên phía nhà làm phim. Áp lực về cả tài chính, cách xây dựng hình ảnh cùng các nguyên tắc về điều luật gắt gao, đây chính là một vài những lí do vì sao các đạo diễn và nhà làm phim khá e dè khi khai thác các hình tượng nhân vật công an chìm.

(nguồn ảnh: Báo giáo dục TP.HCM)
(nguồn ảnh: Báo giáo dục TP.HCM)

Tương tự, những ngành nghề khác như thẩm phán, luật sư… hay các vấn đề nhạy cảm về an sinh xã hội cũng rất khó được triển khai trên màn ảnh rộng. Vẫn những nguyên tắc cũ, những thách thức cũ nhưng không có cách giải quyết mới khiến các tạo hình vốn mang tầm ảnh hưởng trên lại không được phản chiếu tối đa trên màn ảnh. Sự phức tạp tốt xấu đằng sau chúng cũng bị chôn vùi. Mặc khác, phải nói các diễn viên có thể đảm nhận một cách tròn vai những tạo hình nhân vật trên của điện ảnh Việt chỉ được đếm trên đầu ngón tay, không phải vì diễn viên không có thực lực mà là do áp lực từ chính các ngành nghề gây nên.

Lột tả những con người mang trong mình trọng trách quốc gia và phản ánh những góc sâu nhất, khuất nhất, chân thực nhất của một xã hội đầy cám dỗ chưa bao giờ là điều dễ dàng, ngay từ những bước đầu tiên đi nhờ địa điểm quay phim cũng đã rất khó. Trong khi kinh phí cát-xê dành cho các diễn viên thường không đo bằng thể loại phim mà họ tham gia mà phụ thuộc vào tên tuổi và khả năng diễn xuất của họ. Thế nên, với những vai diễn dù rất vất vả nhưng cát sê cũng không hơn làm bao khiến diễn viên ít nhiều cũng sẽ có tâm lý ngần ngại.

(nguồn ảnh: Internet)
(nguồn ảnh: Internet)

Tóm lại, cái gì càng thực tế thì lại càng hút khán giả, song cũng càng khó khăn khi khai thác và thực hiện. Tuy nhiên, không thể thấy khó mà không làm, điện ảnh Việt Nam luôn rất cần những sự bứt phá đến từ các nhà làm phim có tâm, có tầm để có thể cân được hết tất tần tật cái khó, cái ngại, cái khắc nghiệt của những hình tượng này. 

Muốn đứng được trên đỉnh vinh quang và nhận được sự công nhận từ tất cả mọi người, trước tiên cần phải học tập, trau dồi và tìm hiểu thật kỹ những điều xoay quanh các dự định sắp làm. Thực sự mong cầu sắp tới trong tương lai, thị trường điện ảnh Việt Nam sẽ đón chào một tác phẩm điện ảnh với tạo hình nhân vật “khó nuốt” trên trên màn ảnh rộng một cách nghiêm túc nhất, chỉn chu và thỏa mãn được sự “khao khát” bấy lâu của người hâm mộ Việt.