[REVIEW] Bad Genius – Thu hút người xem suốt hai tiếng đồng hồ không thể rời mắt

Đánh giá phim · Moveek ·

Cuộc đời thật sự không hề gian lận với chúng ta.

Cuộc đời thật sự không hề gian lận với chúng ta.

Điểm đâu quan trọng, bây giờ có thể mua được điểm cấp ba và Đại học mà.” – Linh Ka.

Rồi, bài cảm nhận sau đây nói về những trò “mua điểm” như thế.

Đầu tiên, đặt trường hợp bạn là con của một đại gia. Rất giàu. Cực kì giàu. Đến mức mà số tiền bố mẹ chu cấp hàng tuần không biết tiêu đi đâu cho hết. Ngặt nỗi lực học của bạn lại tỉ lệ nghịch với mức độ giàu có của bạn. Và may mắn thay, bạn tìm được một người đứng ra đảm bảo toàn bộ bài kiểm tra cho bạn sau này với một khoản chi phí chỉ bằng một đêm nhảy nhót của bạn ở vũ trường. Tất nhiên, khỏi phải nói, bạn lập tức lập ngay một thoả thuận với người ấy. Từ nay không còn phải lo lắng về điểm số nữa, không còn phải vất vả học bài đối phó nữa, bố mẹ bạn cũng rất vui lòng khi nhìn thấy lực học ngày càng lên của bạn. Đúng là tiện cả đôi, cả ba đường.

Trường hợp tiếp theo, bạn là một thiên tài với chỉ số IQ cao ngất, khả năng tính toán siêu phàm hoặc trí nhớ vượt trội. Bạn đang là một học sinh ngoan ngoãn, cần cù, mẫn cán, tham gia các cuộc thi học sinh giỏi mang thành tích về cho nhà trường với khoản tiền thưởng mà họ sẽ chỉ chia cho bạn 30%, sau đó cố gắng ôn thi chết đi sống lại để kiếm một vé đi du học, hay phần học bổng hiếm hoi lắm mới có một lần. Trầy trật năm này qua tháng nọ gia đình vẫn không thoát khỏi nghèo túng. Đùng một cái, đám nhà giàu trong lớp bỏ tiền ra xin bạn cho quay bài mỗi kì kiểm tra, mỗi đứa trả bạn 3000 Bath Thái cho một môn, 25 đứa cho 13 môn, và còn được bọn này tôn vinh như một đấng cứu thế. Tội gì từ chối?

Tất nhiên, đó chỉ là ví dụ của tôi cho bộ phim Bad Genius vừa xem thôi.

Chỉ gói gọn trong hai giờ đồng hồ, với khung cảnh xoay quanh trường thi và các cô cậu học trò, Bad Genius đã tái hiện lại gần như đầy đủ các vấn đề nhức nhối của xã hội, đặc biệt là hiện trạng chung ở các trường học Châu Á, không riêng gì Thái Lan. Những mánh khoé vô cùng tinh vi mà chúng ta được xem, thực chất có khả thi nếu ứng dụng ra đời thật không? Chẳng ai quan tâm cả. Bởi sự gây cấn, hồi hộp và tính chính xác trong từng cảnh phim đã đủ sức để đập tan mọi hoài nghi.

Tôi chưa bao giờ tưởng tượng sẽ xem một phim về chuyện quay cóp trong phòng thi, thường là chi tiết đùa vui thể loại phim học trò, lại có thể trở thành một chủ đề nặng kí, thu hút người xem suốt hai tiếng đồng hồ không thể rời mắt, thậm chí có đôi đoạn không thể thở được vì lo lắng và hồi hộp đến thế. Tôi có cảm giác bản thân mình một lần nữa được quay trở lại ngồi trong căn phòng thời cấp ba, nhét mảnh giấy ghi đáp án vào ruột bút bi rồi chuyền xuống cho cô bạn bên dưới. Chỉ là hành động hết sức đơn giản, vậy mà đã túa hết cả mồ hôi, vậy thì những người xem chuyện gian lận thi cử là một “phi vụ tầm cỡ” như Lynn, như Bank, sẽ còn căng thẳng đến mức độ nào nữa?

Hẳn là họ đã chẳng hề thanh thản, phải không?

Tôi nghĩ rằng mình hiểu Lynn. Hiểu khoảnh khắc cô bị sự ấm ức và bất công biến từ một nữ sinh ngoan ngoãn thành một “cô giáo Lynn” nhiều mánh khoé khi khám phá ra các góc khuất của ngôi trường mình đang học. Hiểu sự liều lĩnh, bất chấp của cô khi nghĩ đến ước mơ được đi du học của bản thân, ước mơ tiến xa hơn, thoát khỏi sự nghèo khó. Vì ước mơ đó, Lynn đã đi một con đường mà mình biết là đầy rủi ro. Ấy thế mà từ đầu đến cuối chưa hề thiếu quyết đoán khi đứng trước những lựa chọn. Cô gái như vậy, khiến người ta ngưỡng mộ không chỉ bởi trí thông minh hay mưu lược, mà còn bởi sự kiên định và mạnh mẽ.

Tôi cũng nghĩ mình hiểu Bank. Ngay cả khi nhìn thấy sự vất vả, khổ cực của mẹ, khi trong lòng luôn canh cánh giấc mộng đổi đời, vẫn muốn giữ trong mình sự trong sạch, ngay thẳng, nỗ lực chiến đấu bằng chính khả năng của mình. Để rồi bao nhiêu cố gắng đều bị xã hội đầy bất công đạp đổ. Quá trình Bank chuyển từ một nam sinh chăm chỉ thật thà thành một thanh niên đầy toan tính, vụ lợi, thật sự khiến tôi xót xa hơn là ghét bỏ.

Tôi lại cũng nghĩ mình hiểu Pat và Grace, cùng những đứa trẻ sống trong nhung lụa, giàu sang, nhưng lại bất lựa và yếu đuối, không thể làm chủ vận mệnh chính mình. Đứng trước khó khăn cần phải linh hoạt, chẳng biết làm gì hơn ngoài vung tiền ra giải quyết. Ngu dốt cũng là một nỗi đau đớn và nhục nhã chẳng thua gì nghèo khó. Bước ra ngoài cánh cổng kia, không một chút bản lĩnh làm hành trang, tương lai bấp bênh đến mù mịt…

Hoá ra, ai cũng khốn khổ như ai…

Ra khỏi rạp, tôi vẫn ám ảnh về quan điểm của Lynn: “Nếu cậu không gian lận, thì cuộc đời cũng sẽ gian lận với cậu.”

Không. Cuộc đời thật sự, thật sự không gian lận với chúng ta. Có chăng chỉ là những thử thách, những vấp ngã để ta trở nên khôn ngoan và trưởng thành. Phim kết thúc mở. Chẳng khán giả nào đoán được liệu Lynn có nói ra sự thật hay không? Liệu Bank có tiếp tục “hành nghề gian lận” hay không? Liệu Pat và Grace có thể “sống sót” ở Boston không? Và liệu hàng trăm thí sinh thi STIC năm ấy có thể thành công khi tự đi trên con đường của chính mình? Tôi không biết. Nhưng có một điều tôi dám chắc rằng, không một kẻ nào có thể sống gian lận đến hết đời. Rồi đến một lúc nào đó, không sớm thì muộn, họ cũng sẽ phải đối mặt với sự thật. Khi ấy, tuỳ thuộc vào mức độ gian lận trong quá khứ mà hậu quả phải chịu sẽ nặng nhẹ thế nào. Đây không còn là vấn đề Nhân quả, mà là Hậu quả.

Bước ra cánh cổng trường là cuộc đời rồi, gian lận thì cũng ít thôi, sau này có ít điều phải dằn vặt ân hận hơn.

Thành viên: THI THI