[REVIEW] Bình Ngô Đại Chiến - Hồi kết trọn vẹn của một chặng đường dài 3 năm

Đánh giá phim · Maii ·

Bình Ngô Đại Chiến đã mang đến một kết thúc trọn vẹn cho một chặng đường dài 3 năm của nhóm làm phim dã sử, diễn hoạ Việt Sử Kiêu Hùng.

Kể từ sau khi bắt đầu dự án với Tử Chiến Thành Đa Bang vào năm 2017, đến nay, Việt Sử Kiêu Hùng đã mang đến cho khán giả yêu lịch sử nhiều thước phim hấp dẫn như 3 tập phim về Lý Thường Kiệt, ngoại truyện Tử Chiến Thành Đa Bang - Huyết Mạch Trần Gia, không chỉ mang tính giải trí, mà còn truyền cảm hứng yêu sử đến cho người Việt trẻ.

Đinh Lễ và Nguyễn Xí trong Bình Ngô Đại Chiến.
Đinh Lễ và Nguyễn Xí trong Bình Ngô Đại Chiến.

Sau 3 năm tuy không dài, nhưng cũng không phải ngắn này, Việt Sử Kiêu Hùng quyết định thực hiện một tập phim gây quỹ cuối cùng là Bình Ngô Đại Chiến dài hơn 60 phút để tạm khép lại một chặng đường, mở ra hi vọng cho một chặng đường khác trong tương lai.

Tiếp nối sau Đại Chiến Thành Đa Bang, Bình Ngô Đại Chiến tái hiện trận chiến tại Tốt Động - Chúc Động của nghĩa quân Lam Sơn trước thế giặc Minh cường đại.

Năm 1407, Đa Bang thất thủ, họ Hồ tan vong, Đại Việt chìm trong tang thương dưới ách thống trị của giặc Minh. Nhưng thời thế tạo anh hùng, sự xuất hiện của Lê Lợi đã từng bước thay đổi cục diện giang sơn.

Bình Ngô Đại Chiến được thể hiện thông qua lối diễn hoạ.
Bình Ngô Đại Chiến được thể hiện thông qua lối diễn hoạ.

Năm 1426, ba tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí và Lý Triện đã phối hợp chỉ huy 6000 quân Thiết Đột đánh bại gần chục vạn quân Minh. Quân Minh hao tổn lực lượng nặng nề và lui về thế phòng thủ, giúp quân Lam Sơn giành được đại thế, tạo thành đòn bẩy để Lê Lợi thuận lợi Bắc tiến, từng bước giúp quân ta giành lại được độc lập, mở ra thời Hậu Lê kéo dài hơn 300 năm.

Vẫn là lối diễn hoạ quen thuộc với khán giả qua các tác phẩm trước đó như Tử Chiến Thành Đa Bang, Huyết Mạch Trần Gia... nhưng Bình Ngô Đại Chiến cho thấy sự chăm chút trong những khung hình. Việc xây dựng nội dung, nhân vật cũng kỹ lưỡng hơn, làm khán giả thực sự cảm nhận được các nhà làm phim trẻ đã dồn hết tâm huyết vào tác phẩm gây quỹ cuối cùng này.

Phim chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng.
Phim chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng.

Bình Ngô Đại Chiến thể hiện được một cốt truyện gọn ghẽ nhưng không đánh mất những điểm trọng yếu. Phim giới thiệu được bối cảnh, địa điểm, nhân vật rõ ràng để khán giả hiểu được tình thế cơ bản của 2 phe Đại Việt - quân Minh. Thông qua bộ phim, khán giả có thể hình dung được phần nào trước trận Tốt Động - Chúc Động, quân Minh đã bước đầu giành thắng lợi ra sao, bằng những kế hoạch gì, và quân ta đã dùng chiêu "gậy ông đập lưng ông" như thế nào để giành chiến thắng.

Bình Ngô Đại Chiến mở đầu bằng trường đoạn đối đầu giữa quân Thiết Đột do Lý Triện, Nguyễn Xí và Đinh Lễ chỉ huy với quân Minh do Lý Lượng đứng đầu. Trước tin tức quân Minh thua trận, Vua Minh nổi giận, lệnh cho Vương Thông nhậm chức Tổng binh và lên kế hoạch phản công. Ông ta mang 5 vạn quân Nam Hạ đến Đại Việt, hợp với Trần Hiệp, thế quân Minh lúc này đã lên đến 10 vạn và quyết chặn đường Bắc tiến của Lê Lợi.

Vương Thông nhận mệnh sang Đại Việt để tiến hành kế hoạch phản công.
Vương Thông nhận mệnh sang Đại Việt để tiến hành kế hoạch phản công.

Nghĩa quân Lam Sơn lúc này gặp khó khăn và tạm thời phải rút về cố thủ ở Cao Bộ. Địa hình bùn lầy và thời tiết mù sương ở đây đã giúp chặn đường tiến của địch, giúp Lý Triện, Đinh Lễ và Nguyễn Xí có thời gian quyết định sách lược. Lý Triện dự định rút về Thanh Hoá, hợp quân với Lê Lợi, nhưng Nguyễn Xí phản đối. Cuối cùng, bộ 3 vị tướng quyết chiến quân Minh với 2 trận chiến lớn ở Tốt Động, Chúc Động. Cuối cùng, quân Lam Sơn đã thành công trong đánh tan kế hoạch của Vương Thông, Trần Hiệp, mở đường cho Lê Lợi tiến công và giành lại độc lập.

Điểm nổi bật nhất của phim có thể nói chính là phần âm thanh do Đạt Phi Media đảm nhiệm, thêm vào đó là sự tham gia lồng tiếng của NSƯT Thành Lộc. Giọng kể chuyện cuốn hút và âm thanh, nhạc nền khi hùng hồn, khi da diết càng tăng thêm trải nghiệm xem phim thú vị dành cho khán giả.

Nhân vật Lý Triện trong phim.
Nhân vật Lý Triện trong phim.

Phim có sáng tạo thêm một số tình tiết hư cấu và xây dựng thêm một nhân vật gián điệp là Tiểu Nguyệt để tạo kịch tính, nhưng không làm thay đổi kết quả các sự kiện hay ý nghĩa lịch sử, ngược lại tạo cho bộ phim một chút nét mềm mại và nữ tính, khác với những phần phim trước.

Nếu so với các tác phẩm trước đó thì Bình Ngô Đại Chiến có sự chỉn chu hơn về mặt hình ảnh. Mặc dù đa phần là màu trắng đen, nhưng tạo hình của các nhân vật chính tạo được nét ấn tượng nhất định, thêm vào đó là một số màu sắc xanh đỏ đơn giản được điểm tô để dễ dàng nhận dạng 2 phe, giúp người xem không bị rối mắt.

Sức lan toả của Bình Ngô Đại Chiến sẽ không dừng lại.
Sức lan toả của Bình Ngô Đại Chiến sẽ không dừng lại.

Cách đi màu nước ở một số cảnh cũng đẹp, độ tương phản cao, sắc nét, mang đến cho khán giả những thước phim đáng xem theo lối diễn hoạ. Bình Ngô Đại Chiến không nghi ngờ gì, sẽ tiếp tục là một tác phẩm đầy tính cảm hứng khác của Việt Sử Kiêu Hùng, góp phần thắp lên ngọn lửa yêu sử Việt đến khán giả, và tất nhiên sức lan toả của những thước phim này sẽ không dừng lại. 

Ngoài sự xúc động mà nó mang lại thì Bình Ngô Đại Chiến cũng khiến khán giả cảm thấy một chút tiếc nuối, vì nếu được thực hiện thành một bộ phim điện ảnh thì độ hoành tráng hẳn cũng sẽ không thua kém bom tấn nước ngoài. Đáng tiếc, tài lực của nền công nghiệp phim ảnh ở Việt Nam vẫn chưa thể chạm đến ngưỡng đó. Dù vậy, chúng ta vẫn có quyền hi vọng vào một tương lai khi lịch sử cha ông sẽ không chỉ gói gọn trong những thước phim diễn hoạ trắng đen, mà còn là một bộ phim điện ảnh thực sự.