[REVIEW] Cậu Vàng

Đánh giá phim · miduynph ·

Cậu Vàng là bộ phim lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển Lão Hạc, nhưng không truyền tải được linh hồn trong câu chữ của nhà văn Nam Cao.

Một trong những tác phẩm điện ảnh Việt mở màn năm 2021 chính là cái tên Cậu Vàng. Vốn theo xu hướng cho ra mắt những bộ phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng trong những năm gần đây, bộ phim lại gây thất vọng khi xây dựng câu chuyện lan man và đánh mất cái hồn của truyện ngắn Lão Hạc.

Phim chọn nhân vật chính là cậu Vàng – một chú chó sống hạnh phúc ở vùng nông thôn nghèo làng Vũ Đại cùng với hai cha con lão Hạc (Viết Liên) và Cò (Doãn Hoàng). Cho đến một ngày Cò bị lí Cường (Will) chèn ép phải bỏ xứ đi làm ăn xa.

Những tháng ngày còn bình yên của cha con nhà lão Hạc
Những tháng ngày còn bình yên của cha con nhà lão Hạc

Lão Hạc cùng Cậu Vàng lây lắt sống qua ngày trước cái túng thiếu và sự hạch sách của gia đình bá Kiến (NSƯT Hữu Châu) và bọn quan lại trong làng. Trước sự tàn độc, tham lam của bá Kiến, ông lão đành đứt ruột bán đi chú chó và gắng gượng giữ lại mảnh đất cho đứa con trai đi xa chưa kịp về. Bên cạnh đó phim còn khai thác những góc khuất, xung đột trong chính gia đình nhà bá Kiến để thêm phần kịch tính cho câu chuyện.

Chọn tiêu đề là Cậu Vàng, đạo diễn Trần Vũ Thủy mượn hình ảnh chú chó nhỏ trung thành, thông minh để làm cầu nối liên kết giữa các nhân vật và tượng trưng cho sự vùng vẫy, phản kháng của những con người phải đối mặt với nghèo đói, vơ vét lúc bấy giờ.

Dù có cố gắng nhưng cậu Vàng lại xuất hiện mờ nhạt và có vai trò chính là mua vui cho khán giả vì sự núc ních, hiện đại của nó. Do đó việc lựa chọn hướng đi này dường như khá gượng ép và khó mà đạt hiệu quả như mong đợi.

Mạch phim rời rạc và loãng dần khi nhồi nhét nhiều tuyến nhân vật và câu chuyện đan xen nhau. Cậu Vàng ngày càng trở nên thừa thãi khi bộ phim có những nhánh rẽ mới nhằm khai thác thêm về cuộc sống của các nhân vật khác trong làng. Từ đó mối quan hệ giữa các nhân vật cũng chuyển sang mỗi người một ngã gây ra lỗ hổng trong việc kết nối họ lại với nhau.

Nhiều tình huống phim được xây dựng rất thiếu logic và lộ rõ sự sắp đặt để tạo “điểm chung” cho các nhân vật không bị bơ vơ, lạc lõng trong bộ phim. Thậm chí có những chi tiết bên lề được thêm thắt vào gần như không cần thiết và còn bị bỏ ngỏ giữa chừng. Sự biến chuyển tâm lý của các nhân vật cứ qua mỗi lần chuyển cảnh là lại thay đổi một cách vội vã, thiếu thuyết phục và thể hiện cái nông của bộ phim này.

Bộ phim khá hứng thú với những chi tiết xoay quanh gia đình bá Kiến
Bộ phim khá hứng thú với những chi tiết xoay quanh gia đình bá Kiến

Sóng gió nhà bá Kiến từ chuyện đấu đá giữa các bà vợ, con cái ngỗ ngược cho đến chuyện tình cũ vấn vương cũng được bê hết vào phim mà lại còn chi tiết hơn cả việc khắc họa số phận đau thương, cùng cực của người nông dân trong xã hội cũ – vốn là giá trị cốt lõi của truyện ngắn Lão Hạc.

Cậu Vàng và lão Hạc cứ lúc ẩn lúc hiện “điểm xuyết” cho gia đình bá Kiến để rồi cả bộ phim chỉ là những mảnh chắp vá lung tung thiếu trọng tâm lẫn ý nghĩa. Người xem càng hoang mang hơn khi tự hỏi liệu rằng đâu mới là nhân vật chính: một chú chó, một người nông dân nghèo khổ… hay gia đình cụ bá ông lí.

Bất chấp sáng tạo những tình tiết nhằm tách mình ra khỏi nguyên tác, Cậu Vàng vẫn lẩn quẩn sa lầy vào việc liệt kê từng câu chuyện một rồi cắt ghép chúng lại thành một bộ phim. Cao trào cũng được đầu tư sơ sài, thiếu điểm nhấn cộng với tiết tấu chậm của phim từ đầu đến cuối khiến khán giả không khỏi nhàm chán.

Bên cạnh đó với phần xử lý hậu kỳ kém tinh tế và đầy sạn, các thước phim hiện lên thiếu chân thực, có phần nhân tạo và không toát được nét cổ xưa, chất phác của khung cảnh những năm 40. Màu sắc của phim quá tươi sáng, không đồng nhất giữa các cảnh quay. Đôi lúc ánh sáng quá đà khiến vật thể bị nhòe đi tách biệt ra khỏi cảnh chính của phim.

Một số cảnh phim chói mắt và mờ ảo
Một số cảnh phim chói mắt và mờ ảo

Chú chó shiba là một diễn viên nhận không ít ý kiến phản đối từ khán giả ngay từ những ngày đầu casting. Thế nhưng nhà sản xuất vẫn bỏ ngoài tai để chọn vì họ đánh giá cao khả năng hợp tác và thể hiện trên màn ảnh của chú. Dẫu vậy, những gì mà chú chó này mang lại không tạo được cảm xúc gần gũi, đáng thương khi nó quấn quít với người chủ khắc khổ của mình. Một vài cảnh quay còn phải sử dụng đến kỹ xảo thô sơ càng khiến cho cậu Vàng xa rời với bộ phim hơn bao giờ hết.

Sở hữu dàn diễn viên gạo cội như NSƯT Hữu Châu, Viết Liên, NSƯT Chiều Xuân, Khánh Huyền, bộ phim lại chẳng tận dụng được tài năng của họ khi đất diễn bị chia nhỏ cho những nhân vật không liên quan. Trái ngược, 2 diễn viên trẻ tiềm năng là Will và Băng Di lại được ưu ái thời lượng lên hình nhiều hơn cả dù lối diễn nhạt nhòa và cực kỳ một màu.

Will luôn giữ nét diễn cau có, cố gồng đến mức gượng
Will luôn giữ nét diễn cau có, cố gồng đến mức gượng
 

Cậu Vàng có lẽ sẽ không “đem vàng” về cho nhà sản xuất khi bộ phim chỉ như một chiếc bình rỗng khoác trên mình cái danh bóng bẩy của một tác phẩm văn học kinh điển. Điều này chắc hẳn ít nhiều cũng sẽ làm khán giả e dè hơn với những tác phẩm sắp tới của điện ảnh nước nhà.