[REVIEW] Gia Tộc Gucci (House of Gucci)

Đánh giá phim · Ivy_Trat ·

Đầu tiên là The Last Duel, và giờ là đến Gia Tộc Gucci (House of Gucci), năm 2022 không phải là năm tốt cho đạo diễn Ridley Scott.

Gia Tộc Gucci, dựa trên cuốn sách phi tiểu thuyết của Sarah Gay Forden, tái hiện những thâm cung bí sử của gia tộc khai sinh ra nhãn hiệu Gucci xa xỉ ở thời kỳ mà sự thịnh vượng của vương triều này đanh đi xuống. Người đứng đầu Gucci lúc bấy giờ Rodolfo Gucci (Jeremy Irons) đã chai sạn cảm xúc lẫn ý chí đấu tranh sau nhiều biến cố. Mong muốn phục hưng thời hoàng kim giờ đây nằm trong tay em trai ông là Aldo, người bấy giờ cũng đã quá già để mơ mộng. Hi vọng còn lại chỉ có cậu con trai Maurizio (Adam Driver) của Rodolfo. Nhưng cậu ta lại bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi tình yêu với Patrizia (Lady Gaga). Phải mất một thời gian, Maurizio mới quay lại chèo lái sản nghiệp của gia đình. Nhưng việc anh ta thay đổi, bỏ bê vợ con và liên tiếp khiến Gucci mất đi lợi nhuận khiến Patrizia, người phụ nữ đứng sau các quyết định mạnh mẽ của chồng, trở nên hằn học và quyết định thuê người ám sát chồng cũ của mình.

Các sự kiện trong Gia Tộc Gucci đều dựa trên những sự kiện có thật đã xảy đến với gia tộc Gucci. Cái chết của Maurizio cũng đánh dấu sự suy tàn của một vương triều từng là một trong những tiên phong của làng thời trang. Và nếu bạn nghĩ câu chuyện kể trên giật gân như phim, bạn đã đúng. Vụ ám sát Maurizio và phiên tòa diễn ra sau đó tốn không ít giấy mực của báo giới Ý. Vậy mà khi chúng trở thành một bộ phim thực sự, thì mọi sự thích thú bỗng biến đâu mất.

Gia Tộc Gucci đáng ra phải thêm vào và hiện thực hóa những góc khuất mà chỉ có trí tưởng tượng mới với tới được. Nhưng phim đã không làm vậy. Suốt hơn 2 giờ đồng hồ mòn mỏi, nhịp phim đều đều và những chất giọng người Mỹ nói tiếng Anh giả giọng Ý sau đó, phim chỉ để lại cảm giác hụt hẫng mà tính cường điệu trong phim cũng không thể cứu nổi Gia Tộc Gucci khỏi sự nhàm chán.

The New Yorker
The New Yorker

Tính cường điệu là yếu tố không thể tránh khỏi và không thể không có. Dù gì thì Gia Tộc Gucci vẫn là một phim chính kịch, chứ không phải phim tài liệu. Đó có thể là phản ứng của các nhân vật khi đứng trước rủi ro nào đó. Đó có thể là các tình tiết như lời đồn thổi quanh quẩn bên sự thật, có thể là âm mưu nào đó được thì thầm sau những bước tường dinh thự nhà Gucci. Một đạo diễn như Ridley Scott có thể dễ dàng kết hợp cường điệu và drama vào phim, hoặc làm hẳn một phim dựa vào nguyên tác phi tiểu thuyết của Forden. Gia Tộc Gucci đã có thể là một bộ phim tuyệt vời nếu Scott đã có thể quyết định được hướng đi của phim.

Gia Tộc Gucci không thể trở thành chính kịch trọn vẹn. Những cuộc đấu đá trong đây cứ bình bình không cao trào. Cần một khoảng thời gian phim mới bước vào cuộc nội chiến giữa các Gucci. Nhưng những âm mưu họ dàn dựng chẳng mấy thông minh và khó hiểu. Trong khi đó, các nhân vật thì cứ nửa vời đến mức gây khó chịu nhiều hơn là tạo bất kỳ sự đồng cảm hay kết nối nào, với trường hợp ngoại lệ là Patrizia của Lady Gaga và Paolo Gucci của Jared Leto. Nhưng ngay cả khi như thế, họ không để lại ấn tượng gì nhiều.

CinemaBlend
CinemaBlend

Dàn nhân vật vốn là trái tim của Gia Tộc Gucci. Về cơ bản, họ là trung tâm, nguyên nhân và người kết thúc mớ drama chính trong đây. Vấn đề là họ không được chú trọng đúng cách đã đành do thời gian có hạn, các nhân vật cũng không tìm được tiếng nói chung. Lối diễn nhẹ nhàng của Adam Driver không thể làm Maurizio trở nên mạnh mẽ hay đe dọa vào những phân cảnh cần anh như thế, dù nó đã giúp anh cho thấy rất tốt sự bất đắc dĩ lẫn lạc lối của một Gucci chẳng có ước mơ gì và không biết phải mơ ước gì cho cái tên mình kết thừa. Ở phía bên kia, Aldo do Al Pacino thể hiện ban đầu khá “cáo” nhưng dần mất đi sự tinh ranh của kẻ lão thành – người viết đoán có lẽ đó là ý đồ của phim, khắc họa một người đàn ông đang già đi mà khát vọng vẫn còn dang dở. Nếu là thật, phim cũng không thể hiện tốt điều này.

Ngược lại, sự cường điệu đồng bóng Jared Leto mang đến cho nhân vật Paolo lại rất hợp, cho thấy rõ hình ảnh một kẻ thực sự không mấy tài trí nhưng hay mơ mộng đến mức huyễn hoặc bản thân. Còn sự nhấn nhá của Gaga đối với Patrizia của cô ánh lên sự tự tin và mạnh mẽ của “Lady Gucci” – một biệt danh người ta gọi Patrizia ngoài đời dựa theo Lady Macbeth, người đã trợ giúp chồng lên ngôi vua, mạnh mẽ, tàn nhẫn, dứt khoát và tham vọng. Quả thật, Patrizia trong đây là người thực sự lèo lái Gucci và thực sự tâm huyết với cái tên này, dù nó chỉ đến với cô qua hôn nhân.

Dan Tri
Dan Tri

Tuy nhiên, thời lượng của Paolo quá ít và Patrizia không được chú trọng đúng nghĩa, khiến nỗ lực của họ không thể cứu được Gia Tộc Gucci. Ngoài kế hoạch chiếm cổ phần và tinh mắt phát hiện rủi ro mà Gucci phải đối mặt, phim không đào sâu tầm ảnh hưởng của Patrizia với Gucci. Đó là một thiếu sót rất lớn. Thiếu sót thứ 2 chính là bỏ qua vụ xét xử Patrizia.

Gia Tộc Gucci vẫn có điểm sáng đáng kể. Bỏ qua các chi tiết khác, phim đã cô đọng một cuộc hôn nhân từ thơ ngây, hạnh phúc buổi đầu đến cay đắng và độc hại. Gucci là một nhãn hiệu thời trang, nên trang phục của nhân vật đúng là hợp mắt. Âm thanh và các giai điệu sống động và dao động theo tâm trạng các nhân vật. Bên cạnh đó, các cảnh quay cũng đẹp không kém. Nhưng những điểm cộng này vẫn không thể bù đắp cho kịch bản gây thất vọng của Gia Tộc Gucci.

Nhìn chung, bộ phim này đã truyền tải được sự suy vong của một “hoàng gia thời trang” một thời. Nhưng drama và cuộc chiến vương quyền ở đây quá dừ, quá hiền, chẳng thể làm thỏa mãn những mọt phim cứng, nếu không muốn nói thẳng là làm họ thất vọng.