[Review] Huyền Thoại Vua Arthur: Thanh Gươm Trong Đá - Có li kì như bạn tưởng?

Đánh giá phim · user-9788 ·

Ít nhất đối với tôi là không. Bộ phim có thể đã tái hiện được một nhân vật gây nhiều tranh luận trong lịch sử nước Anh, nhưng vẫn chưa đủ ấn tượng.

King Arthur: Legend of the Sword lấy cột mốc thời gian vào thời Trung Cổ của nước Anh. Nhân vật chính là vua Arthur (Charlie Hunnam) – người nắm giữ sứ mệnh của thanh gươm Excalibur – để chiến đấu giành lại vương triều từ tay kẻ bạo chúa Vortigern (Jude Law). Câu chuyện xảy ra khi vua Uther – cha của Arthur – bị chính hoàng đệ Vortigern giết chết để đoạt lấy ngai vàng. Sau đó, Arthur trải qua một tuổi thơ dữ dội ở nhà thổ và gần như mất đi những đặc điểm của giới quý tộc. Song, số mệnh chính là số mệnh. Arthur đã tự tay rút thanh gươm khỏi tảng đá và bước vào trận chiến sinh tử cùng Vortigern.

Dù bộ phim được dàn dựng với bàn tay của Guy Ritchie – người tạo thành công cho Sherlock Holmes hay sự có mặt của những diễn viên kì cựu như Michael McElhatton, Aidan Gillen, Jude Law thì vẫn chưa thật sự gây ấn tượng. Có lẽ khán giả trông đợi nhiều hơn từ King Arthur: Legend of the Sword vì những thành công rất lớn trước đó của Game of Thrones, The Hobbits hay Lord of the Rings.

 

Phong cách làm phim đậm chất Ritchie khi ông thu gọn cả quá trình trưởng thành gần 30 năm của vua Arthur chỉ trong vài phút với những cảnh quay cực nhanh, đoạn đối thoại chồng chéo nhau. Tôi nghĩ giới hạn về thời gian đã khiến những phân đoạn này trở nên khô cứng đối với người xem, thay vì cố gắng thể hiện cuộc sống cực khổ rất bụi đời của một vị vua.

Một điểm khá hay ở King Arthur: Legend of the Sword chính là sự đấu tranh tâm lý của vua Arthur sau khi chứng kiến những người gắn bó sâu sắc phải hy sinh vì thanh gươm. Bởi có quá nhiều bóng đen tâm lý đè nặng nên vua Arthur mới mâu thuẫn, khủng hoảng và dằn vặt. Diễn biến này khiến người xem vừa xúc động vừa nảy sinh sự phẫn nộ đối với Vortigern.

Ngoài ra, cách vua Arthur đối thoại cũng vui và mới mẻ. Khi nhân vật bắt đầu kể chuyện thì các phân cảnh tương ứng xuất hiện, làm ta tưởng để minh họa lời nói; nhưng rốt cuộc là một sự kiện có thật (ngay sau đó). Sự thay đổi này khiến người xem bất ngờ, đôi chỗ lại bật cười.

 

Có nhiều người cảm thấy thương cảm vì Vortigern phải hy sinh vợ và con gái để đạt được thỏa thuận với một sinh vật trông gớm ghiếc. Dù vậy tôi thấy việc này hợp lí như lời của sinh vật ấy: ngài biết cái giá của việc này là gì mà. Chuyện này bình thường ở cuộc sống phải không?

Mặc dù phim ở thời Trung Cổ nhưng cách ăn mặc của vua Arthur lại mang đến cảm giác như một anh chàng điển trai nhà hàng xóm bây giờ. Tóc cắt sát hai bên, vuốt lên, mặc áo khoác kiểu hiện đại. Thậm chí, phần lời thoại lâu lâu cũng chêm vào một số từ vựng mới. Việc nhầm lẫn này khiến người xem thỉnh thoảng lại quên mất thời điểm mà vị anh hùng đang chiến đấu.

Cả cách dựng phim cũng còn nhiều lỗi không nên có. Chẳng hạn, đoạn Arthur kết thúc lần đầu tiên dùng thanh gương để chiến đấu trước sự truy lùng của quân triều đình, lại thở hổn hển đến gần 10s? Các kĩ xảo cũng không quá nổi bật, dừng lại ở mức cần có của một bộ phim anh hùng.

 

Giữa một rừng những bộ phim về chiến tranh, anh hùng thì cách kể chuyện như King Arthur: Legend of the Sword vẫn chưa đủ gây cấn. Một vài chi tiết hay nhưng tổng quan thì chưa thật sự thỏa mãn.

Cuộc đời vua Arthur (vẫn chưa thể xác định có thật hay không) được đề cập lần đầu tiên trong cuốn History of the Kings of Britain của Geoffrey of Monmouth ở thế kỉ 12. Cuốn sách cũng miêu tả về thanh gương ma thuật Caliburn, sau này gọi là Excalibur. Còn câu chuyện về The Sword in the Stone thì được viết bởi nhà văn tên T.H.White dựa trên bản Le morte d’ Arthur của Thomas Malory ở thế kỉ 15. Sau đó, White đã xuất bản cuốn  The Once and Future King tập hợp nhiều tiểu thuyết của Malory, với câu đề từ “Here lies Arthur, king once and king to be.”