[REVIEW] Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối

Phim Siêu Anh Hùng · Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối (Terminator: Dark Fate) có nhiệm vụ làm phát súng mở đầu cho đợt làm lại loạt ba phim Terminator mới. Sau những vấp váp từ các phần hậu truyện (sau 2 phim đầu tiên) thì James Cameron đã quay về cầm trịch sản xuất bộ trilogy với hy vọng vực dậy một trong những thương hiệu phim hành động giả tưởng nổi tiếng nhất Hollywood.

Phim lấy bối cảnh sau phần 2 (Kẻ hủy diệt: Ngày phán xét - Terminator 2: Judgment Day), Sarah, John và T-800 đã ngăn chặn thành công Skynet khiến tương lai thế giới thay đổi. Hơn 20 năm sau, một robot biến hình được Hệ thống AI Legion gửi từ tương lai về quá khứ để giết Dani Ramos (Natalia Reyes) và một chiến binh loài người tên Grace (Mackenzie Davis) cũng quay ngược thời gian về để bảo vệ Dani. Dani là hy vọng sống còn của nhân loại. Các nhân vật cũ gồm Sarah Connor (Linda Hamilton) và T-800 / Carl (Arnold Schwarzenegger) cũng tham gia vào trận chiến này.

Grace (Mackenzie Davis) được gửi đến bảo vệ Dani (Natalia Reyes)
Grace (Mackenzie Davis) được gửi đến bảo vệ Dani (Natalia Reyes)

Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối điểm cộng lớn nhất là các cảnh hành động được sắp xếp dày đặc, đan cài hợp lý khiến người xem bị cuốn vào cuộc hành trình trốn chạy tìm cách tiêu diệt chiến binh người máy biến hình. Kỹ xảo CGI được dụng công kỹ lưỡng, khá mượt mà và tạo được sự phối hợp thuần thục ở những cảnh phân thân của siêu người máy Rev-9 hay các pha cận chiến nảy lửa với Grace, Sarah và T-800.

Chất hành động và chiến đấu giữa các chiến binh và robot là điểm khiến thương hiệu Kẻ hủy diệt nổi tiếng đã trở lại và hy vọng nó sẽ được phát huy trong các phim tiếp theo. Màn tái xuất của Linda và Arnold dù không quá nhiều vẫn để lại dấu ấn. Linda thể hiện tốt khí chất một chiến binh quật cường nhưng vẫn giàu tình thương  hoài niệm con của Sarah, cái chết của John không làm Sarah ngã quỵ mà càng làm cho quyết tâm tiêu diệt những người máy từ tương lai thêm sắt đá. Arnold dù lớn tuổi vẫn gợi nhớ về người máy T-800 ở phần 2 dũng mãnh trong chiến đấu và thấu hiểu được cảm xúc con người.

Toàn đội trên đường trốn sự truy đuổi của người máy Rev-9
Toàn đội trên đường trốn sự truy đuổi của người máy Rev-9

Việc trẻ hóa dàn nhân vật trong loạt phim mới cũng là điều dễ hiểu, chọn nữ hay nam không quan trọng bằng việc tạo dựng được cá tính nhân vật và cho người xem cảm nhận được nét riêng đáng nhớ của nhân vật mới. Phim này giới thiệu nhân vật trung tâm mới là Dani Ramos, một cô gái trong gia đình lao động bình thường người Mehico. Những nhà làm phim muốn xây dựng kiểu nhân vật zero-to-hero, đây là dạng nhân vật thường gặp trong các phim giả tưởng, tuy nhiên việc cho Dani từ công nhân nhà máy chưa từng cầm vũ khí bỗng nổi máu chiến binh bắn súng lái xe chỉ qua vài phân cảnh, thậm chí không được rèn luyện chút nào thật sự gây khó chịu và phần nào phá hỏng cảm tình với nhân vật.

Nhân vật người viết thấy hài lòng nhất là Grace. Một cô bé mồ côi tham gia quân kháng chiến, tự nguyện cấy ghép các máy móc vào người nhằm tăng sức mạnh để trở về bảo vệ Dani. Mackenzie thể hiện tròn vai, nhiều đoạn khá cảm động nhưng không rơi vào ủy mị vẫn giữ được vẻ kiên định, xứng đáng là chiến binh bảo vệ Dani. Màn kết hợp với Sarah nhịp nhàng ăn ý, hai nữ cường hơi trái tính nhưng dần ăn ý phối hợp tốt để hoàn thành nhiệm vụ nguy hiểm. Tuy nhiên mô-típ anh hùng hy sinh quá cũ kỹ khiến khúc cuối hơi hụt hẫng. Thật sự đáng tiếc nếu Grace kết thúc tại đây, hy vọng rằng ở những phần tiếp theo ta sẽ gặp lại nhân vật thú vị này.

(Từ trái sang phải) Linda Hamilton (Sarah Conner), Arnold Schwarzenegger (T-800) và Mackenzie Davis (Grace)
(Từ trái sang phải) Linda Hamilton (Sarah Conner), Arnold Schwarzenegger (T-800) và Mackenzie Davis (Grace)

Điểm trừ lớn nhất của bộ phim lại đến từ kịch bản. Một bức tranh sao chép dù đẹp đến đâu, có cải tiến trong chất giấy, màu vẽ nhưng không có sự phát triển thì chỉ mãi là bức tranh sao chép rẻ tiền. Nghệ thuật vốn là sự bắt chước, sao chép nhưng chỉ khi nó "đứng trên vai người khổng lồ", học tập những điều vĩ đại sẵn có và thay đổi, biến hóa những chất liệu cũ thành sản phẩm mới thì nghệ thuật mới phát triển.

Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối sao chép gần như 99% công thức cốt truyện của phần 1 và 2 chỉ đơn giản là thay đổi giới tính nhân vật trung tâm và đổi tên cho hệ thống AI thống trị tương lai. Có thể đây là bước đi an toàn nhưng chính sự an toàn đến mức hèn nhát này tạo ra sự lặp lại thiếu sáng tạo thậm chí có thể nói là thiếu tôn trọng hai phần đầu tiên. CGI là điểm tốt, các cảnh hành động mãn nhãn nhưng những thứ đó chỉ là hoa lá cành chúng không thể thay thế cho kịch bản, cá tính và sự tương tác cảm xúc của các nhân vật. Đáng tiếc là bộ phim này quá dư thừa CGI, hành động nhằm thỏa mãn thị hiếu nhất thời mà quên mất sứ mạng của nghệ thuật thứ 7.

Gabriel Luna trong vai robot Rev-9
Gabriel Luna trong vai robot Rev-9

Thành thực nhận xét thì Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối không phải là phim dở, nó đầy tính giải trí và có thể xem là phim tốt nhất từ sau 2 phim đầu tiên (1984 và 1991). Người viết kỳ vọng các bộ phim của thương hiệu Terminator vẫn giữ được chất riêng với các màn rượt đuổi, chiến đấu giữa quân đoàn siêu người máy hùng mạnh với các chiến binh con người nhưng vẫn có sự bất ngờ thú vị mới lạ trong câu chuyện.

Có thể phim này đánh dấu thời điểm nam diễn viên hành động kỳ cựu Arnold Schwarzenegger chia tay loạt phim làm nên tên tuổi của ông (do tuổi tác) nhưng việc thiếu đi T-800 thì như mất đi thứ gì đó khó lòng bù đắp được. Nhân vật người máy biến hình Rev 9 (Gabriel Luna) đời mới với sức mạnh khủng khiếp nhưng ngoại hình thì cùng thần thái của diễn viên này chưa làm người xem cảm thấy thỏa mãn lắm. Đạo diễn Tim Miller cùng nhà sản xuất James Cameron còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn thương hiệu này lấy lại niềm tin của khán giả và đặt nền móng cho những câu chuyện phát triển trong tương lai.