[REVIEW] Mắt Biếc

Đánh giá phim · KNTT ·

Mắt Biếc hoàn toàn đáp ứng những gì khán giả mong muốn khi chuyển thể tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh rộng.

"Ngày cô ấy đi theo nơi phồn hoa, chàng trai bơ vơ từ xa trong tim hụt hẫng như mất một thứ gì."

Những giai điệu từ bài hát của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh vang lên khi khán giả dõi theo câu chuyện tình day dứt giữa chàng trai Ngạn si tình và cô gái Hà Lan có đôi mắt đẹp vô cùng, hay còn được gọi dưới biệt danh là Mắt Biếc. Mắt Biếc, một tác phẩm đã đi vào lòng biết bao người đọc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nay đã được đạo diễn Victor Vũ (người đã từng chuyển thể một tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh đó là Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh) thổi hồn lên màn ảnh rộng. Bộ phim kể về câu chuyện tình trải dài suốt hơn ba mươi năm kể từ khi Ngạn và Hà Lan còn là những đứa trẻ sinh sống ở làng Đo Đo, rồi lớn lên đi học ở thành phố Huế và cuối cùng là khi những con người trưởng thành quay trở lại chính ngôi làng thân thương ấy. Tuy Mắt Biếc không phải là một bộ phim hoàn hảo, thế nhưng không thể phủ nhận nỗ lực của đạo diễn Victor Vũ khi đã chuyển thể khá thành công tác phẩm này lên màn ảnh rộng.

Ảnh: Thanh Niên
Ảnh: Thanh Niên

Nhắc đến thành công của Mắt Biếc thì phải nhắc đến tầm nhìn của Victor Vũ và đoàn làm phim khi đã hiện thực hóa những hình ảnh đầy tính biểu tượng trong nguyên tác của Nguyễn Nhật Ánh. Bộ phim ngay lập tức thu hút người xem với phân cảnh Ngạn đang chạy xe đạp qua con phố cổ kính với đầy các bảng hiệu của thành phố Huế vào những năm 70 của thế kỉ trước, tiếp sau đó là hình ảnh của trường Quốc Học Huế với những cô nữ sinh trong tà áo dài xưa và cuối cùng là ngôi làng Đo Đo đầy thân thương với những khu chợ và rừng sim nơi Ngạn và Hà Lan hay dành thời gian với nhau. Những bối cảnh trên không chỉ đem lại sự ấn tượng về phần nhìn mà còn có một sự tác động nhất định đến các nhân vật trong bộ phim. Ngoài ra, tài năng của Victor Vũ còn được thể hiện ở việc xây dựng các phân đoạn tình cảm và hài hước, với rất nhiều những pha "thả thính" và các tình huống dở khóc dở cười. Thế nhưng, ấn tượng nhất vẫn là cái cảm giác buồn bã và day dứt mà Mắt Biếc mang lại cho người xem, một phần nhờ vào diễn xuất thực sự tốt của hai diễn viên chính, đặc biệt là Trần Nghĩa trong vai Ngạn.

Ảnh: quangnamhangngay
Ảnh: quangnamhangngay

Bộ phim vẫn được kể theo góc nhìn và lời dẫn truyện của Ngạn và phần nào đó là góc nhìn của Hà Lan qua những câu thoại bộc bạch về mối quan hệ giữa cô và Ngạn. Trúc Anh và Trần Nghĩa tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã có thể mang đến cho người xem một màn trình diễn với rất nhiều cảm xúc và thật sự là phần hồn không thể tách rời của bộ phim này. Những mâu thuẫn trong nội tâm của hai nhân vật Ngạn và Hà Lan đều được cả hai nắm bắt rất tốt. Đối với Hà Lan thì là sự cám dỗ ở chốn phồn hoa đô thị, và khi sự cám dỗ ấy đã đẩy số phận của Hà Lan vào một góc tối tâm, người xem thực sự cảm thấy thương cho cô qua diễn xuất đầy khắc khổ của Trúc Anh. Nhưng nếu như Trúc Anh có đôi mắt to và đẹp như Mắt Biếc thì Trần Nghĩa lại sở hữu một cặp mắt thực sự biết nói. Sự yêu thương, vui vẻ, ngại ngùng, giận dữ và đau khổ của nhân vật Ngạn đều được Trần Nghĩa thể hiện rất tốt, và tuy đôi lúc người viết cảm thấy giọng nói của chàng diễn viên trẻ cần nhiều sắc thái biểu cảm hơn nữa, sự đồng cảm mà anh đã tạo ra được giữa khán giả và nhân vật Ngạn thật sự đáng khen ngợi.

Ảnh: quangnamhangngay
Ảnh: quangnamhangngay

Về phần kịch bản thì bộ phim lại có một chút sự thay đổi trong các tình tiết so với tác phẩm gốc, ngoài ra còn có sự xuất hiện của một nhân vật mới cũng có sức ảnh hưởng đến Ngạn. Mặc cho những sự thay đổi đó thì phần hồn trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh vẫn được giữ nguyên, là mối tình day dứt và đau khổ giữa Ngạn và Hà Lan. Tuy cái kết của Mắt Biếc chưa thực sự khiến người viết hài lòng về mặt cảm xúc khi nó được xây dựng khá "kịch" (cảnh slow-motion/quay chậm của một nhân vật nào đó), thế nhưng có một phân cảnh đối thoại giữa Ngạn và Hà Lan ở khoảng hơn nửa bộ phim mà từ màu sắc, cách sắp đặt bối cảnh và diễn viên cho đến diễn xuất tuyệt vời của Trần Nghĩa và Trúc Anh với những câu thoại thổ lộ bản chất và những tâm tư thầm kín nhất của hai nhân vật, bên cạnh đó là những khoảng lặng bất chợt được tạo ra để rồi cảm xúc bùng nổ thật sự là điểm nhấn của bộ phim này.

Ảnh: VNReview
Ảnh: VNReview

Các diễn viên thủ vai các nhân vật khác như Dũng, Trà Long hay nhân vật mới đều có khoảnh khắc bộc lộ cảm xúc của riêng họ. Ngoài ra, phần nhạc phim cũng là một điểm cộng lớn. Những bài hát được Phan Mạnh Quỳnh sáng tác riêng cho các giai đoạn trong cuộc đời nhân vật Ngạn được thể hiện rất tốt, thế nhưng ấn tượng nhất vẫn là những giai điệu trong bài Có Chàng Trai Viết Lên Cây, được sử dụng như một nét chủ đạo xuất hiện mỗi khi Ngạn và Hà Lan dành thời gian bên nhau, cho dù khi họ còn là hai đứa trẻ hay đã lớn lên, là đại diện cho chủ đề chính của bộ phim: sự day dứt và đau khổ trong câu chuyện tình giữa Ngạn và Hà Lan.

Ảnh: VNReview
Ảnh: VNReview

Xuyên suốt quãng thời gian của bộ phim cho đến cái kết, Mắt Biếc thật sự đặt ra câu hỏi rằng: "Liệu chúng ta có nên từ bỏ tình yêu hay không nếu như tiếp tục thì vẫn chỉ là những nỗi đau?" Người viết thì vẫn nghĩ là Ngạn là một người quá si tình, thế nhưng không thể nào phủ nhận những điều tốt mà Ngạn đã mang lại cho cuộc đời của Hà Lan và có lẽ, đó chính là điều đáng quý nhất mà chúng ta nhìn thấy trong câu chuyện tình day dứt này.