[REVIEW] Yêu Em Bất Chấp - Bản remake "kém sang" của My Sassy Girl

Đánh giá phim · Maii ·

Sản phẩm cuối cùng là một rổ sạn đầy những tình tiết phi lý, không liên kết, chi tiết sáo rỗng, thoại nhạt nhẽo, phân biệt giới tính và đặc biệt, như đang tra tấn khán giả.

Kéo xuống để xem tiếp

Dù hòa vào làn sóng remake của điện ảnh Việt hiện nay, nhưng đáng tiếc Yêu Em Bất Chấp đã không thể tiếp nối thành công của Tháng Năm Rực Rỡ và trở thành phiên bản lỗi khác của một bộ phim Hàn nổi tiếng.

Làm lại từ bộ phim My Sassy Girl, có sự tham gia của các gương mặt tên tuổi như Đàm Vĩnh Hưng, Trang Trần, Hoài Lâm..., sở hữu bối cảnh tại một trong những thành phố đẹp nhất Việt Nam – Đà Nẵng, nhưng sản phẩm cuối cùng của Yêu Em Bất Chấp lại là một rổ sạn đầy những tình tiết phi lý, không liên kết, chi tiết sáo rỗng, thoại nhạt nhẽo, phân biệt giới tính và đặc biệt, hai diễn viên chính đóng phim mà như đang tra tấn khán giả.

So với My Sassy Girl, Yêu Em Bất Chấp tệ ở chỗ những gì tinh hoa thì không giữ lại, những gì không nhất thiết giữ lại hoặc có thể thay đổi để tạo điểm mới lạ thì phim giữ lại hoàn toàn. Bản remake so với bản gốc được thêm mắm dặm muối quá nhiều và khiến các nhân vật trở nên… rất không bình thường.

Phim xoay quanh Khôi (Hoài Lâm), một anh chàng sinh viên có ngoại hình xuề xòa, lông bông, nhưng tốt tính, tình cờ trong hoàn cảnh trớ trêu “làm ơn mắc oán” khi cứu cô nàng Diệu Hiền (Ngọc Thanh Tâm) (bản gốc thì nữ chính chỉ được gọi là “the Girl” – cô gái ấy, chứ không có tên). Cô gái ấy có ngoại hình đúng như trong mơ mà Khôi luôn ao ước, nhưng tính tình của cô thì… kỳ lạ và ngổ ngáo đến… kỳ cục.

Tôi thề là nếu tất cả nữ giới trên Trái Đất đều như Diệu Hiền thì nữ giới xứng đáng bị loại bỏ và tuyệt chủng để bớt nặng Địa Cầu vì quá vô duyên (tôi viết câu này dưới tư cách một người phụ nữ). Phim có một cái sai cố hữu là hay xây dựng nhân vật theo kiểu quá “cùng cực” như nhiều phim tình cảm thời kỳ trước, kiểu xây dựng nhân vật nếu tốt thì tốt đến độ như “thánh nam, thánh nữ” chứ chẳng giống người thường, không thì “cá tính” đến độ vô duyên như Diệu Hiền.

Đây là hình mẫu nhân vật được mô tả ngổ ngáo và kỳ lạ trong bản gốc, nhưng trong bản remake lại được xây dựng rất buồn cười. Cá tính không có nghĩa là lúc nào cũng chực chờ sai bảo người khác trong khi hai người chưa có gì rõ ràng, không phải yêu, cũng chưa hẳn là bạn, vậy mà ép người ta tặng hoa, tặng quà, lúc nào cũng mang vẻ mặt đe dọa như muốn ăn tươi nuốt sống nam chính. Nguyên do của điểm tệ này là do Yêu Em Bất Chấp đã thay đổi thứ tự các tình tiết trong bản gốc, có điều lại không dẫn dắt hoặc thêm thắt sao cho hợp lý. Điều này khiến cho cách cư xử của nhân vật Diệu Hiền rất có vấn đề.

Trong bản Hàn, nữ chính đúng là có tính cách mạnh, hơi bạo lực, nhưng tất cả đều được dừng lại ở một mức độ hợp lý và đủ độ chân thật, đủ khiến người ta tin rằng trên đời có kiểu con gái như thế. Nhân vật có đủ thời gian để thể hiện nhiều mặt trong tính cách, lúc thì nũng nịu, lúc thì vòi vĩnh, vòi không được thì bày trò, dịu dàng có, hổ báo có… nhưng không làm người ta cảm thấy khó chịu. Còn nhân vật Khôi thì từ anh chàng Gyeon-woo có cá tính riêng, có bản sắc riêng, cũng biết vui buồn, hờn giận, đã bị biến thành nhân vật Khôi nhu nhược, ăn không được, nói cũng không xong, bi lụy và bị áp chế trong mối quan hệ, nhân vật này chẳng có chút tiếng nói nào, khiến người xem rất khó chịu.

Mối quan hệ của hai nhân vật chính trong bản Hàn rất có tiến triển, cho thấy sự nảy nở rõ ràng về mặt tình cảm, cả hai đi chơi cùng nhau, dành thời gian cho nhau, cùng nhau bày trò quậy phá… Nhưng sang bản Việt thì người xem không thấy được phản ứng hóa học giữa nam nữ chính, không rõ Khôi và Diệu Hiền yêu nhau lúc nào, quen nhau lúc nào bởi trước sau cả hai đều như một. Những phân đoạn thể hiện tình cảm hoặc nỗi niềm đau khổ hay suy nghĩ trong mối quan hệ của 2 nhân vật đều được lược bỏ hoặc thể hiện rất hời hợt, trong khi đây lại là những tình tiết quan trọng.

Đấy là về nhân vật, còn đá sang diễn xuất thì… Thiết nghĩ Hoài Lâm hãy chỉ hát thôi, còn diễn thì thật là tra tấn khán giả. Giọng nói anh lúc nào cũng đều đều, thều thào không có tí cảm xúc. Biểu cảm thì nghèo nàn, thể hiện cảm xúc rất kém, hoàn toàn không biết diễn. Bạn diễn Ngọc Thanh Tâm cũng chẳng khá hơn. Gương mặt cô trông lúc nào cũng đơ đơ, lúc vui, buồn, giận hờn đều chỉ có cùng một kết cấu cơ mặt, không có chút thay đổi. Các diễn viên phụ thì chẳng mấy ai nổi bật, từ Trang Trần, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Uyên, Hữu Châu… ai cũng nhạt như nhau, nếu không nhạt thì cũng vô duyên và lên hình rất thừa thãi, như vai anh bạn thân của Khôi hay cô em họ của Diệu Hiền do Công Dương và Ngọc Thảo thủ vai, thêm vào chỉ để cho có và chẳng có ấn tượng gì. Nhưng dù gì cũng đỡ hơn nam nữ chính, thoại như cầm giấy đọc.

Đã thế thoại phim còn vô duyên và phân biệt giới tính. Bạn thân của Khôi bắt anh chơi tàu lượn siêu tốc mặc dù anh sợ độ cao, vì như thế thì mới chứng tỏ được mình có “súng”?! Nhân vật Khôi thích uống trà đào, Diệu Hiền buông một câu “Đàn ông con trai đi uống trà đào, có phải đàn ông không?”?! Trong bản Hàn thì do Gyeon-woo lựa món quá lâu, lại còn đổi món liên tục nên nữ chính chỉ nói một câu “Muốn chết hả, uống cà phê!”. Yêu Em Bất Chấp có nhiều thay đổi bất hợp lý và khá kỳ cục. Ví dụ như một chi tiết là tiếp tân trong một khách sạn hạng sang vừa tiếp khách vừa… ngậm kẹo. Nếu đổi lại là một nhà nghỉ bình thường thì sẽ hợp lý hơn. Phim còn không có sự đồng bộ giữa trang phục, bối cảnh… giữa cảnh đầu với cảnh sau rất nhiều.

Thời kỳ trước thì phim Hàn thường chỉ quan tâm đến mặt giải trí, không chú trọng mấy về mặt ý thức hoặc tính hợp lý trong cách hành xử của nhân vật. Nhưng thời này thì kiểu làm phim đó đã không còn nữa, hoặc nếu còn thì cũng vừa phải. Yêu Em Bất Chấp lại mắc phải lỗi dở này rất nhiều trong phim, đối với khán giả khó tính thì chắc chắn không chấp nhận được. Các tình tiết hài hước trong bản Hàn rất tự nhiên và dễ thương và rải rác chứ không dày như bản Việt. Bản Việt hài nhiều, nhưng khổ nỗi lại quá… thiếu muối! Thiết nghĩ người xem nên chung tay góp sức vận chuyển cho đạo diễn hay biên kịch một xe muối để thêm vị cho phim bớt nhạt.

Bối cảnh phim mặc dù được quay ở toàn địa điểm đẹp, nhưng trông rất nhàm chán, hào nhoáng và chẳng mang một ý nghĩa nào. Tại sao lại là Đà Nẵng mà không phải là Sài Gòn hay một nơi nào khác? Các nhân vật là người Đà Nẵng (trừ mẹ của Khôi là người Bắc) nhưng lại không có tí giọng địa phương, tất cả đều nói tiếng Nam. Âm nhạc của phim tạm được, nhưng không mấy ấn tượng, mang âm hưởng nhạc V-Pop thường thôi. Cảnh quay không đặc sắc, màu phim trông như MV ca nhạc.  

Tóm lại thì đây là một phiên bản remake thất bại hoàn toàn, nếu muốn thưởng thức một bộ phim chất lượng thì Yêu Em Bất Chấp có lẽ không dành cho bạn, đặc biệt đối với các fan của bản gốc My Sassy Girl. Những gì tinh hoa nhất của bản gốc đều không giữ được mà thay vào đó thêm vào những điểm rất dư thừa. Kể cả nếu không có bản gốc và đây không phải là một phim remake thì Yêu Em Bất Chấp vẫn rất tệ.