[REVIEW] Sám Hối

Đánh giá phim · VLynd ·

Sám Hối chưa hoàn toàn thỏa mãn được khán giả.

Phim Việt hợp tác với nước ngoài, cụ thể là Ấn Độ – một trong những nền điện ảnh phát triển của thế giới, nghe có vẻ thú vị. Thế nhưng, Sám Hối – bộ phim của đạo diễn hành động người Ấn gốc Việt – Peter Hiền đã khiến người xem hoang mang với nội dung cũ kỹ và phong cách làm phim nhàm chán. Phim có sự góp mặt của dàn diễn viên đình đám của điện ảnh Việt gồm: Bình Minh, Anh Thư, Thành Lộc, Khả Ngân và Việt Hương.

Sám Hối xoay quanh bi kịch gia đình của võ sĩ Minh Long (Bình Minh). Trên đỉnh cao sự nghiệp, anh coi thường ý kiến của tất cả mọi người và luôn tự cho mình là đúng. Trong một lần phản đối nhà đầu tư về việc dàn xếp tỉ số, anh khiến bản thân gặp rắc rối nơi đấu trường. Không may, lúc này cô con gái Diệu của anh cũng mắc phải căn bệnh ung thư máu và không thể hoàn thành ước mơ thi ba môn phối hợp. 

Để cứu cô con gái bé nhỏ, Long phải gạt bỏ cái tôi, chấp nhận từ bỏ danh dự để tham gia những trận đấu đường phố để kiếm tiền chữa chạy cho con. Theo lời chia sẻ của đạo diễn, Sám Hối được dựa trên câu chuyện có thật về tình phụ tử của một gia đình người Ấn có con gái rơi vào hoàn cảnh hiểm nghèo. 

Kịch bản của phim vốn dĩ không mới lạ, lại được dẫn dắt một cách nhàm chán khiến khán giả mong phim mau chóng kết thúc. Hồi một của Sám Hối là những diễn biến dồn dập nhằm giới thiệu gia đình và sự nghiệp của nam chính, tất cả đều lướt qua như một trailer dài. Việc chạy đua với thời gian như thế giúp hai hồi còn lại có những màn khóc lóc lê thê, đậm chất Bollywood vốn không hợp thị hiếu của đông đảo người xem phim rạp. 

Để lấy nước mắt người xem, Sám Hối cố gắng đẩy bi kịch lên đến đỉnh điểm, đưa nam chính rơi vào tình trạng đau khổ cùng cực. Tuy nhiên, các tình tiết xoay quanh đều hết sức vô lý khiến người viết cảm thấy nhân vật Minh Long vô cùng đáng thương khi bị nhồi nhét vào đó. Đáng thương hơn, sau biết bao cay đắng mà nhân vật này phải chịu đựng, biên kịch lại giải quyết một cách chưng hửng, khiến thông điệp trở sám hối và quả báo trở nên nực cười. 

Phần xây dựng nhân vật một cách trớt quớt trong Sám Hối đã làm cho nhà làm phim thất bại trong việc thuyết phục khán giả. Ngoài nam chính bị đẩy đường cùng, buộc phải từ bỏ cái tôi, thì các nhân vật còn lại hầu như không có sự chuyển biến tâm lý đáng kể. Hoặc quay ngoắt thái độ một cách khó hiểu mà không hề cho thấy sự liên kết. 

Hơn nữa, phim còn nhồi nhét vào đó các nhân vật hết sức thừa thãi. Ngoài việc giúp đội hình trở nên nhộn nhịp, các nhân vật như “bụt hiện ra và nói” của Thành Lộc, hai nữ thư ký/vệ sĩ, người quen… thì họ chẳng giúp tuyến truyện trở nên hấp dẫn hơn. Nhân vật thừa, cùng tình tiết thừa khiến Sám Hối trở thành một mớ hỗn độn, giải quyết theo kiểu nhớ tới đâu, làm tới đó, không hề có yếu tố điện ảnh trong phần biên tập phim.

Nói tới đây, người viết cảm thấy đau đầu với những góc quay, việc cắt cảnh, chuyển cảnh một cách tùy hứng, không hề thấy dụng ý của đạo diễn trong đó. Dẫu biết phim Ấn là không thể thiếu slow-motion nhưng thật sự, những pha quay chậm thiếu mục đích của Sám Hối chỉ cho thấy nhà làm phim dư tiền, không làm cho người xem hòa mình vào những trận đánh tay đôi căng thẳng. 

Cộng thêm đó là những pha kỹ xảo nửa mùa, đầy giả tạo trong Sám Hối khiến khán giả không khỏi bật cười. Những hiệu ứng lấp lánh cũ kỹ từ các phim fantasy bị lạm dụng đầy giải trí. Phần âm thanh và nhạc nền ồn ào một cách không cần thiết. Tất cả cùng tung hứng một cách đáng sợ. 

Diễn xuất của các diễn viên nhìn chung không để lại nhiều ấn tượng ngoài Bình Minh, ít ra anh cũng cho thấy những sắc thái cảm xúc, từ tự mãn đến đau khổ trong vai diễn. Người viết dành lời khen cho bé diễn viên đảm nhận vai Diệu lúc 6 tuổi, cô bé đã làm tốt những phân cảnh đau đớn vì bệnh tật. Một điểm trừ thường thấy trong phim Việt chính là cách thể hiện lời thoại thiếu tự nhiên, dẫn đến mối liên kết giữa các nhân vật trở nên lỏng lẻo. 

Sám Hối còn vô vàn hạt sạn khác khiến bộ phim mất nhiều điểm trong mắt khán giả. Phải chăng vì là công ty sản xuất nên Ánh Sao Group được quảng cáo một cách lộ liễu? Phải chăng vì là phim có ekip bên Ấn góp công, câu chuyện lấy cảm hứng từ gia đình của người Ấn nên cô con gái của hai vợ chồng Việt do một bé diễn viên người Ấn thể hiện?

Vì lý do gì mà khi gặp giang hồ, các cô bé lại chọn cách đứng im cho họ trấn lột, thay vì bỏ chạy? Tuy diễn biến thời gian cách nhau 12 năm nhưng tại sao các nhân vật lại không có sự thay đổi đáng kể ở ngoại hình? Tại sao chữa bệnh ung thư lại giúp thay đổi sắc tộc? Người viết hoang mang quá!

Từng xem Tội Ác Bẩm Sinh của đạo diễn Peter Hiền, Sám Hối như một bước lùi trong sự nghiệp của ông, huống chi là mong muốn giúp sức cho điện ảnh Việt Nam. Thôi thì một bộ phim thuần Bollywood, mời diễn viên người Việt có vẻ vẫn là lựa chọn an toàn hơn.