[REVIEW] Solo: A Star Wars Story – Dài, dai, dở

Đánh giá phim · Maii ·

Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim hành động phong cách viễn Tây hạng B, đủ để giải trí giết thời gian thì có lẽ Solo: A Star Wars Story cũng không đến nỗi nào.

Kéo xuống để xem tiếp

Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim hành động trung bình với phong cách viễn Tây hạng B, đủ để giải trí giết thời gian thì có lẽ Solo: A Star Wars Story cũng không đến nỗi nào.

Nhưng nếu bạn hi vọng một bom tấn xứng tầm thương hiệu Star Wars, với cốt truyện có chiều sâu, nhân vật có điểm nhấn và một chút bất ngờ thì đáng tiếc, bộ phim không có gì ngoài một nỗi thất vọng tràn trề.

Solo: A Star Wars Story do Ron Howard chỉ đạo chính, với sự tham gia của các diễn viên Alden Herenreich (Han Solo), Joonas Suotamo (Chewbacca), Woody Harrelson (Tobias Beckett), Emilia Clarke (Qi’ra), Donald Glover (Lando Calrissian)… xoay quanh hành trình trở thành vị anh hùng bất đắc dĩ của Han Solo, một tay phi công, buôn lậu của thế giới ngầm ở Corellia. Han Solo vô tình gặp Chewbacca và cả hai trở thành bạn đồng hành từ đó. Qua nhiều biến cố, Han Solo từ một gã trai kiêu ngạo trở thành một trong những người hùng được yêu mến nhất thế giới điện ảnh.

Quả thực nếu không có cái mác thương hiệu Star Wars thì chắc người ta sẽ lầm tưởng đây là một bộ phim hành động viễn tưởng tầm trung nào đó. Đáng buồn là Solo: A Star Wars Story đến từ Disney – Lucasfilm với bom tấn cùng thương hiệu vừa rồi rất thành công là The Last Jedi.

Điểm yếu lớn nhất và đáng chê trách nhất của phim là phần nội dung, với cách xây dựng cốt truyện, tình huống, nhân vật hết sức nghèo nàn, hành động thiếu mục đích sâu sắc và lộn xộn từ đầu đến cuối khiến người xem chả biết đâu mà lần. Chọn nhân vật chính là Han Solo – huyền thoại của Star Wars để khai thác, Disney và Lucasfilm có vẻ như “mất” nhiều hơn “được” bởi Solo: A Star Wars Story không đem lại góc nhìn nào mới mẻ về anh, cũng như khai thác nhân vật này quá hời hợt. Một nhân vật phải có sự phát triển trong tính cách, góc nhìn, niềm tin… sau khi trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống mới được xem là nhân vật hay.

Nhưng Han từ đầu đến cuối phim dường như không có bất cứ sự thay đổi hay trưởng thành nào, mặc dù cốt truyện được quảng cáo là “hành trình trở thành anh hùng của anh”. Treo đầu dê bán thịt chó, nhà làm phim chia sẻ một đằng, nhưng những gì chúng ta thấy trên phim lại một nẻo. Chiều sâu không có khiến nam chính trong phim quá đơn điệu, và nhân vật của Alden Herenreich có thể là bất cứ người hùng nào, trong bất cứ phim hành động hạng xoàng nào.

Thêm nữa là màn trình diễn chán òm của Herenreich. May mắn là phía các nhà làm phim đã mở lớp diễn xuất cho anh chàng, nếu không thì không biết anh còn diễn tệ đến mức nào. Mặc dù vừa đủ tròn vai nhưng một lần nữa, đây không phải Han Solo, đây chỉ là một nhân vật khác cố trở thành Han Solo mà thôi. Điểm chung của Solo trong phim này và Solo của Harrison Ford đơn giản là bản tính kiêu ngạo và ngoài ra, không còn gì khác.  

Không chỉ riêng nhân vật chính là cả các nhân vật phụ cũng chẳng có ai ấn tượng. Qi’ra những tưởng sẽ đóng vai trò nào bí ẩn khá quan trọng, hóa ra là người-yêu-trở-thành-kẻ-phản-bội.

Thế là bao nhiêu giả thuyết hoành tráng về cặp nam nữ chính tan thành mây khói. Việc để Qi’ra trở thành người yêu của Han khiến plot-twist của phim chẳng có tác dụng gì vì ai chẳng biết anh cuối cùng sẽ thành đôi với Leia? Diễn xuất của Emilia Clarke ngoài đẹp và tròn vai ra thì cũng không có gì để nói. Tobias Beckett cũng tương tự Qi’ra, được cho là sẽ có ảnh hưởng đến tính cách của nam chính sau này, nhưng cuối cùng, Han vẫn vậy. Dù Trái Đất có quay và có bao nhiêu sự kiện diễn ra đi chăng nữa, anh vẫn chỉ đơn thuần là một kẻ ngạo mạn. Chẳng ai cần những tình tiết nhạt nhẽo quá-hiển-nhiên-ai-cũng-biết-khỏi-mắc-công-đoán về người hùng mà chúng ta yêu mến như thế.

Nhạc phim nghèo nàn mà hình ảnh phim, màu phim cũng nghèo nàn nốt. Lỡ có nhắm mắt chọn phim này thì hi vọng bạn đừng chọn định dạng 3D vì phim tối mù. Hài đã nhạt lại còn vô duyên. Một bộ phim không-mục-đích, được làm ra chỉ để “vắt sữa” không thành công thương hiệu Star Wars.

Những cảnh hành động, cháy nổ và kỹ xảo vẫn khá tốt, nhưng đáng tiếc không đủ bù đắp cho phần nội dung nghèo nàn.

Nếu bạn là fan của Star Wars thì tốt nhất tránh xa cái phim này ra cũng được, hoặc nếu thích thì có thể đi xem để biết nó dở đến đâu. Còn nếu bạn chỉ là fan điện ảnh và đang tìm phim giết thời gian thì Solo: A Star Wars Story không đến độ quá rẻ tiền, giải trí cỡ Rampage hay Fast and Furious gần đây cũng ổn. Có điều kiên nhẫn một chút nhé, plot-twist dài-dòng-mệt-mỏi của phim có thể làm bạn phát cáu đấy.