[REVIEW] Thang Máy

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · VLynd ·

Thang Máy để lại nhiều hoang mang cho người xem hơn là sự đáng sợ.

Kéo xuống để xem tiếp

Thang Máy (The Lift) là bộ phim kịch tính của đạo diễn Peter Mourougaya, với sự tham gia của dàn diễn viên gồm Yu Dương, Mai Bích Trâm, Nguyễn Xuân Hiệp, Tống Yến Nhi và Kiều Trinh. Phim được ra mắt vào dịp Halloween với mong muốn đem đến cho khán giả những trải nghiệm rùng rợn ngoài rạp. Tuy nhiên, có vẻ như Thang Máy để lại nhiều hoang mang cho người xem hơn là sự đáng sợ. 

Thang Máy là câu chuyện kỳ bí xảy ra với những cô gái trẻ cả gan chơi trò “Thang Máy”, nhằm mục đích khám phá thế giới bóng tối. Jina (Tống Yến Nhi) – cô bạn thân của Trang (Yu Dương) mất tích khi một mình đến bệnh viện bỏ hoang, chơi trò “Thang Máy”. Để giải cứu Jina, cha dượng (Nguyễn Xuân Hiệp) cùng Trang và Ngọc (Mai Bích Trâm) phải thực hiện lại trò chơi. Không may, họ đụng độ phải một sinh vật kỳ bí là người phụ nữ mặc áo dài đen và bị bà ta thao túng.

Ảnh: Zing
Ảnh: Zing

Theo giới thiệu từ ê-kíp, Thang Máy dựa trên trò chơi có thật tại Hàn Quốc, khi các bạn trẻ livestream trong thang máy nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận để được nổi tiếng. Trái với hướng đi này, phim tập trung vào thông điệp về sự hận thù và tha thứ, trò “Thang Máy” chỉ là một yếu tố nhằm cho thấy diễn biến tâm lý nhân vật. Đó là một ý tưởng khá hay nhưng cách triển khai của đạo diễn kiêm biên kịch chính, lại gây hoang mang, thậm chí còn mâu thuẫn trong chính mạch truyện. 

Ảnh: Youtube
Ảnh: Youtube

Sau khi chứng kiến bạn mình mất tích vì trò “Thang Máy”, Trang cảm thấy dằn vặt vì đã không ngăn cản được bạn, cô còn đau khổ hơn khi biết được kẻ khiến Jina chơi trò này là người cha dượng của cô. Chính vì thế, hành trình giải cứu người thân của Trang không chỉ đơn thuần vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, mà còn là tha thứ cho những lỗi lầm của họ. Thế nhưng, Thang Máy lại chọn cách giải quyết khá lãng xẹt và kết thúc khi nhiều vấn đề vẫn còn để ngỏ. Liệu Jina có thật sự mất tích? Liệu Trang sẵn sàng tha thứ cho kẻ ngoại tình sau lưng mẹ cô và vẫn thân thiết với cô bạn “Tuesday”? 

Thang Máy còn bỏ phí nhiều tình tiết tiềm năng khác. Rốt cuộc thì thế giới bóng tối và người đàn bà mặc áo dài đen đáng sợ ấy liệu có thật hay không? Rõ ràng chúng có kết nối với quá khứ của Trang, nhưng lại không được làm rõ, chưa đủ tác động đến cuộc đời của cô. Càng cố gắng hiểu phim, người viết càng nhìn thấy những hạt sạn khó chấp nhận. Chưa kể, phần giới thiệu nội dung lại tập trung vào việc livestream trong thang máy gặp tai nạn, nhưng khi lên phim, các nhân vật chỉ gọi video với nhau, livestream chỉ được thấy trong buổi tiệc sinh nhật của Trang. 

Ảnh: Koicine
Ảnh: Koicine

Sở hữu dàn diễn viên trẻ nhưng Thang Máy lại không cho thấy sự kết nối tự nhiên giữa các nhân vật. Giữ được vẻ trẻ trung sau nhiều năm là một điều tốt, nhưng Yu Dương lại không có sự phát triển ở phần diễn xuất, đọc thoại thiếu sự tự nhiên, nhiều cảnh nữ diễn viên phải nhờ lớp trang điểm nhợt nhạt cứu vãn. Vào vai nhân vật cá tính, Mai Bích Trâm có nhiều đất diễn hơn phần đầu phim, thoại của cô cũng được thêm thắt vài câu chửi cho hợp tính cách, nhưng từ sự cố trong thang máy, nhân vật của cô cũng nhạt nhòa dần. Các diễn viên còn lại cũng không có nhiều phần để thể hiện được nhân vật.

Nói về sự kịch tính, Thang Máy cũng chưa đủ thuyết phục. Nếu nửa đầu phim, đạo diễn tập trung khai thác nỗi sợ trong tâm lý thì phần còn lại, những đoạn hù dọa lại bị lạm dụng quá đà. Hơn nữa, phần hóa trang kinh dị trong phim có vẻ như làm hơi lố, lại chỉ thấy thoáng qua vài giây ít ỏi nên không khiến người xem bị ám ảnh. Phần màu sắc của phim dù có ý tưởng hay nhưng lại không được tận dụng một cách tối ưu, khiến nhiều phân cảnh trông giả tạo. Không những thế, việc lạm dụng các cảnh di chuyển của thang máy nhằm kéo dài thời lượng lại thành ra thừa thãi. Phần âm thanh rùng rợn, có sự tiết chế có lẽ là điều ổn nhất phim. 

Ảnh: Emagazine24
Ảnh: Emagazine24

Tóm lại thì Thang Máy không phải là một phim mà khán giả nên xem trong dịp Halloween, dù ngoài rạp đang vắng bóng các bom tấn.