[REVIEW] Thoát Khỏi Mogadishu (Escape from Mogadishu)

Đánh giá phim · bluemoon28 ·

Thoát Khỏi Mogadishu thực sự là bộ phim đáng xem mùa hè này không chỉ vì cốt truyện thú vị mà còn bởi dàn diễn viên quá đỗi xuất sắc. Lấy chất liệu lịch sử làm gốc nhưng lại vô cùng cuốn hút

Kéo xuống để xem tiếp

Thoát Khỏi Mogadishu (Escape from Mogadishu) là bộ phim quy tụ nhiều ngôi sao nổi tiếng xứ Hàn, có thể kể đến như Jo In Sung, Kim Yun Seok và Heo Joon Ho, lấy chất liệu câu chuyện lịch sử để làm nên tác phẩm điện ảnh. Phim kể về những sự kiện có thật, được rút ra từ hồi ký của Kang Shin Sung, cựu đại sứ Seoul tại Somalia. Phim được đạo diễn Ryu Seung Wan - người có biệt danh quái kiệt hành động cầm trịch nên Thoát Khỏi Mogadishu dù dài đến 2 tiếng 1 phút nhưng vẫn có cảm giác rất nhanh nhờ mạch phim liên tiếp, dồn dập.

Thoát Khỏi Mogadishu xuất sắc đến giật 6 giải Buil, 5 giải Rồng Xanh cùng 3 giải BaekSang danh giá (đều bao gồm cả hạng mục Phim Xuất Sắc Nhất). Phim lấy bối cảnh đến nước Somalia ở vùng sừng Châu Phi hồi đầu thập niên 90, khi cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên đều ra sức vận động hành lang để gia nhập Liên Hợp Quốc, hỗ trợ cho chính quyền nước này để Somali bỏ phiếu ủng hộ.

Ban đầu, Triều Tiên và Hàn Quốc chẳng xem nhau ra gì, Triều Tiên thậm chí còn chơi xấu để đối thủ không thể gặp được tổng thống Somali. Thế nhưng cuộc nội chiến bất ngờ nổ ra và vượt ngoài tầm kiểm soát, biến Mogadishu thành bãi chiến trường la liệt xác chết, phiến quân nổi dậy khắp mọi nơi. Nhóm Triều Tiên bị đột nhập, không còn gì trong tay kể cả thức ăn, nước uống và thuốc men đàn cầu cứu Hàn Quốc. Đại sứ Hàn Quốc Han Shin Sung (Kim Yoon Seok) từ ghét bỏ đã chuyển sang đưa tay giúp đỡ đại sứ Triều Tiên Rim Yong Soo (Heo Jun Ho). Cả hai quyết định gạt đi mâu thuẫn để tìm cách đưa gia đình mình, cũng như các nhân viên rời khỏi đây an toàn.

Có lập trường chính trị đối ngược, dù ở chung nhưng 2 phe vẫn còn nghi kị nhau rất nhiều. Cộng thêm việc lục địa đen đang rơi vào loạn lạc, hành trình tẩu thoát của nhóm người này vô cùng gay cấn khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình. Vì Thoát Khỏi Mogadishu là phim do Hàn Quốc sản xuất nên góc nhìn cũng đa số từ đất nước này, biến nhóm Seoul xuất hiện một cách hài hước còn đội Bình Nhưỡng thật bí ẩn và không đáng tin cậy, như vợ Han Shin Sung nói: "Cậu có biết trẻ con của Triều Tiên được huấn luyện quân sự từ nhỏ không?". Có một số điều hài hước bất ngờ tại đại sứ quán Hàn Quốc, chẳng hạn như sự im lặng khó chịu xung quanh bàn ăn tối khi người Triều Tiên cầm đũa. Dù giang tay che chở nhưng người Hàn vẫn sợ bị đối thủ đầu độc. 

Đạo diễn Ryu Seung Wan thực sự vô cùng mát tay khi liên tiếp đặt những khoảnh khắc diễn ra với cường độ cao gần nhau tạo mạch phim dồn dập, như hai tác phẩm làm nên tên tuổi của ông là Veteran (2015) và bộ phim vượt ngục trong thế chiến II The Battleship Island (2017). Thoát Khỏi Mogadishu bao gồm ba hồi và hồi một khá tẻ nhạt khi xoay quanh cuộc đấu đá chính trị nhưng sang hồi 2, 3 thì khác hẳn. Ryu Seung Wan chứng minh bản thân nhà làm phim có kinh nghiệm hành động nhưng vẫn đan xen được câu chuyện có yếu tố Hàn Quốc cốt lõi.

Một bộ phim hay chắc chắn phải có sự đóng góp của diễn viên và Thoát Khỏi Mogadishu cũng vậy. Dàn diễn viên toàn những tên tuổi thực lực xứ Hàn đã hoàn thành tốt vai trò của mình. Jo In Sung hóa thân thành Kang Dae Jin - nhân viên tình báo điển trai nhưng rất ngông, nhanh nhạy và dũng cảm trong mọi tình huống. Đối lập với anh là Koo Kyo Hwan trong vai Tae Joon Ki - cố vấn cho Triều Tiên. Hai chàng trai này không thích đối phương ngay từ đầu và sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay nhưng cuối phim, khán giả có thể thấy được sự thương cảm của Kang Dae Jin dành cho Joon Ki.

Heo Jun Ho - tài tử gạo cội xứ Hàn thực sự sinh ra để đảm nhận những nhân vật chính trị gia. Ông thể hiện được sự cứng nhắc, cực đoan của đại sứ Triều Tiên nhưng sau đó lại e dè, rụt rè vì được người Hàn Quốc giúp. Bên cạnh đó là Kim Yoon Seok vai đại sứ Hàn Quốc với trái tim nồng hậu luôn muốn cứu người. Chuyển biến tâm lý của 2 nhân vật này được 2 diễn viên truyền tải vô cùng tốt, giúp cốt truyện của Thoát Khỏi Mogadishu tỏa sáng mà không bị gượng gạo. 

Tuy nhiên, vẫn có một số điểm "phải chê" Thoát Khỏi Mogadishu khi miêu tả của Ryu Seung Wan về người Somalia có phần thiếu sót, xung đột chính trị chỉ được giải thích sơ sài, miêu tả về lính trẻ em được sử dụng như một chiến thuật hù dọa thuần túy và xác người trên đường phố là những trở ngại đáng tiếc cho cuộc chạy trốn thay vì gợi lên cho người xem cảm giác tiếc thương người dân Somali.

Nhìn chung, để làm một bộ phim có chất liệu lịch sử trở nên thú vị, cuốn hút từng phút giây không phải ai cũng làm được. Ấy thế mà đạo diễn Ryu Seung Wan và dàn diễn viên đã thành công với Thoát Khỏi Mogadishu, càn quét phòng vé xứ Hàn mùa đại dịch. Có thể thấy rằng tác phẩm đã được Ryu Seung Wan hạn chế tối đa kỹ xảo CGI và dàn dựng kỹ lưỡng từng phân cảnh mang lại sự chân thực nhất. Nếu bạn đã chán những thể loại thông thường, đừng bỏ qua Thoát Khỏi Mogadishu nhé!