[REVIEW] Tiệc Trăng Máu

Đánh giá phim · KNTT ·

Tiệc Trăng Máu hứa hẹn sẽ đem đến cho người xem một bữa tiệc đầy tiếng cười và sự kịch tính.

Được remake từ Perfect Strangers, bộ phim gốc của Ý mà đã được mua lại bởi các nền điện ảnh của 13 quốc gia trải dài từ Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Ấn Độ… Tiệc Trăng Máu được kì vọng là một bom tấn đúng nghĩa của điện ảnh Việt Nam với dàn diễn viên nổi tiếng gồm Thái Hoà, Đức Thịnh, Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, do Nguyễn Quang Dũng làm đạo diễn và có chi phí sản xuất lên đến tiền tỉ. Câu hỏi được đặt ra là liệu bộ phim có gây được ấn tượng giống như phiên bản gần nhất của Hàn Quốc hay bộ phim gốc của Ý hay không? Nếu chỉ xét riêng về mặt bối cảnh và văn hóa ở Việt Nam, Tiệc Trăng Máu có vẻ như đã làm được điều đó.

Nội dung của Tiệc Trăng Máu xoay quanh một buổi tiệc tân gia, nơi ban đầu là một cuộc gặp gỡ bạn bè ấm cúng nhưng về sau lại là nơi vạch trần những bí mật kinh hoàng. Qua trò chơi công khai tất cả bí mật trong điện thoại, những mối quan hệ tình bạn và tình thân tưởng như hoàn hảo giữa những người tham gia đã bị lột trần bởi những sự thật cay đắng đằng sau.

Điều đầu tiên mà bất cứ người xem nào có thể nhận ra là Tiệc Trăng Máu sở hữu một kịch bản khá tốt, được thừa hưởng từ kịch bản gốc của Perfect Strangers. Để được remake lại thành 13 phiên bản khác nhau trước đây, chắc hẳn Perfect Strangers phải có một kịch bản sở hữu những chủ đề mang tính đại chúng, toàn cầu, thế nhưng điều khiến mỗi phiên bản khác nhau là một bản thể của riêng nó chính là bối cảnh và yếu tố văn hóa của mỗi quốc gia.

Với nội dung xoay quanh cuộc gặp mặt của những người bạn cũ, những mâu thuẫn xoay quanh các mối quan hệ bạn bè và gia đình, những lời nối dối, những bí mật giấu kín và sự hiện diện cũng như chi phối của công nghệ, cụ thể ở đây là chiếc điện thoại, Tiệc Trăng Máu hoàn toàn đáp ứng những gì mà đa số khán giả Việt Nam mong muốn từ một bộ phim hài hước và kịch tính lấy đề tài xã hội. Tuy vậy, đây cũng chính lại là điểm yếu của bộ phim.

Sự hài hước và kịch tính được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cố gắng cân bằng, thế nhưng trong dòng chảy của bộ phim, vẫn có những thời điểm khi một trong hai yếu tố này được đẩy quá mức, khiến người xem cảm thấy phần nào đó khó chịu. Điển hình như việc bộ phim lại dựa dẫm quá nhiều vào các câu, trò đùa nhạy cảm của người lớn.

Dẫu biết rằng những câu thoại này một phần xuất phát từ tính cách của các nhân vật, thế nhưng nếu như chúng được tiết chế lại thì tổng thể bộ phim sẽ hay hơn. Điều tương tự cũng có thể được nói về yếu tố kịch tính. Sự kịch tính là tốt, khiến người xem cảm thấy thu hút bởi bộ phim, thế nhưng đôi lúc kịch tính quá lại kéo họ ra khỏi thế giới của bộ phim và tự ngẫm rằng liệu điều này có thực tế không, nhất là đối với một bộ phim được làm ra để nói về xã hội và con người chúng ta như Tiệc Trăng Máu.

Là một người chưa từng xem qua các phiên bản trước đây, người viết thấy rằng Tiệc Trăng Máu đã tận dụng và phát triển được những chi tiết mà bộ phim sắp đặt và xây dựng, mặc cho những chi tiết này có giống với các bộ phim đã đi trước hay không. Những điểm nút cứ được mở, thắt liên tục qua những tin nhắn và cuộc gọi khiến người xem tò mò và hồi hộp, phần lớn nhờ vào diễn xuất của dàn diễn viên chính. Một bộ phim với phần lớn thời lượng xoay quanh một cái bàn và phải dựa rất nhiều vào lời thoại đòi hỏi các diễn viên phải có sự tung hứng và phối hợp ăn ý với nhau, thế nên sẽ thật thất vọng nếu như những diễn viên được cho là nổi bật nhất của nền điện ảnh Việt Nam hiện tại lại không đáp ứng được điều này.

Từ những giây phút đầu, người viết có phần nào đó nghi ngờ về Thu Trang khi có vẻ như nhân vật của cô chỉ là một công cụ giúp người xem giải tỏa khỏi những giây phút căng thẳng. Thế nhưng càng về cuối, Thu Trang càng có nhiều đất để bộc lộ cảm xúc hơn, nói không ngoa rằng cô chính là điểm nhấn của bộ phim. Hồng Ánh cho thấy cô là người già dặn nhất trong dàn sao nữ, tuy không quá bùng nổ nhưng luôn có những khoảnh khắc khiến người xem phải chú ý và để tâm đến nhân vật của cô. Kaity Nguyễn thì thể hiện tròn vai một cô gái vừa dịu dàng nhưng cũng không hề yếu mềm.

Về dàn diễn viên nam, Hứa Vĩ Văn có lẽ là người ít gây ấn tượng nhất. Thái Hòa và Kiều Minh Tuấn với những màn đối chấp và độc thoại có lẽ sẽ khơi gợi được rất nhiều cảm xúc ở người xem, còn Đức Thịnh cho thấy anh cũng có thể làm rất tốt ở mảng kịch tính và không chỉ là một diễn viên hài kịch.

Bối cảnh căn hộ tiền tỷ của Tiệc Trăng Máu với những món đồ xa xỉ và những món ăn hảo hạng sẽ đáp ứng phần nhìn của người xem, tuy nhiên phải nói rằng có rất nhiều pha quảng cáo sản phẩm và thương hiệu trá hình trong bộ phim, phần nào đó sẽ khiến không ít người cảm thấy khó chịu. Thế nhưng đổi lại, nguồn sáng và không gian chính là trợ thủ đắc lực của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khi đạo diễn đã tận dụng rất tốt hai yếu tố này trong cách sắp đặt và xây dựng cảnh quay.

Tiệc Trăng Máu tổng thể là một bộ phim khá ổn so với mặt bằng nền điện ảnh nước nhà, với những điểm hạn chế mà người xem có thể nhận thấy trong các bộ phim khác của Việt Nam, điển hình như sự lấn lướt của yếu tố hài hước. Tuy nhiên, Tiệc Trăng Máu vẫn tìm được cho mình những khoảnh khắc thật sự chạm đến trái tim của người xem, đặt ra được những vấn đề khiến chúng ta phải tự chất vất bản thân. Đối với ai đã xem qua phiên bản Hàn Quốc trước đây, có thể Tiệc Trăng Máu sẽ không mang lại một cảm giác quá mới mẻ. Nhưng khi xét riêng bộ phim ở bối cảnh Việt Nam, Tiệc Trăng Máu đã tìm được tiếng nói riêng của mình, không phải là một thứ gì đó quá to lớn nhưng vẫn kết nối được người xem về mặt cảm xúc.