Sau hơn 20 năm, khán giả sẽ được gặp lại "thằng An", "thằng Cò" qua Đất Phương Nam phiên bản điện ảnh

Tin điện ảnh · SarahTran ·

Sắp tới, khán giả sẽ có cơ hội gặp lại những con người này cùng nhiều nhân vật khác nữa qua Đất Phương Nam phiên bản điện ảnh.

Năm 1997, phim truyền hình Đất Phương Nam – chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi, được Hãng phim Truyền hình TP. HCM (TFS) công chiếu lần đầu và trở thành bộ phim gắn liền với vùng sông nước miền Tây, với tuổi thơ của nhiều khán giả và để lại ấn tượng sâu sắc qua nhiều thế hệ. Mỗi khi nhắc đến Đất Phương Nam, người ta lại nhớ đến thằng An, thằng Cò, ông Ba hào sảng, phóng khoáng, chú Võ Tòng có vẻ ngoài bặm trợn nhưng thật thà và tốt bụng, bác Ba Phi đậm chất Nam Bộ với sở trường nói dóc. Sắp tới, khán giả sẽ có cơ hội gặp lại những con người này cùng nhiều nhân vật khác nữa qua Đất Phương Nam phiên bản điện ảnh.

Dự án điện ảnh mang tên Đất Rừng Phương Nam sẽ được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cầm trịch. Theo lời của Nguyễn Quang Dũng, anh cho biết mình sẽ tham gia sản xuất bộ phim. Hiện tại, vẫn chưa có thông tin chi tiết gì về đạo diễn, diễn viên, thời gian bấm máy và công chiếu. Tuy vậy, chỉ có bấy nhiêu thông tin vẫn đủ để làm nhiều người cảm thấy háo hức và bàn tán xôn xao. Những người trong nghề như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và đạo diễn Cascadeur Nguyễn Tuấn Anh cũng không kiềm được sự háo hức và bày tỏ sự quan tâm khi đọc được thông tin về dự án này.

Đất Phương Nam là phim truyền hình thứ hai sau Người Đẹp Tây Đô do hãng TFS sản xuất, nhân dịp kỉ niệm 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Phim lấy bối cảnh Nam Bộ trong thời kỳ thực dân Pháp và bọn cường hào, địa chủ đang cai trị, kể về cuộc đời trôi dạt tha phương của cậu bé mồ côi tên An. Trên bước đường đi tìm cha, An bắt gặp những cảnh đời ngang trái và lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của cả thực dân và phong kiến. Cuối phim, cả An và người bạn đường là Cò đều đi theo con đường cách mạng.

Nội dung phim còn lồng ghép các nhân vật văn hóa, nhân vật lịch sử và một số sự kiện lịch sử có thật như Bác Ba Phi chuyên nói dóc; ông đạo Minh Hoàng – dựa trên ông đạo Tưởng, người phát động cuộc nổi dậy kháng Pháp ở Tân Châu, An Giang vào năm 1939; vụ án Đồng Nọc Nạn (tiếng Pháp: l’Affaire de Phong Thanh) – vụ tranh chấp đất đai lớn xảy ra vào năm 1928 tại Bạc Liêu… Bên cạnh đó, phim còn khắc họa những chi tiết rất nhỏ nhặt nhưng đặc sắc về mảnh đời và số phận của người dân bị áp bức lúc bấy giờ. Khán giả khó lòng nào quên được cảnh cô bé chờ mẹ vào từng đêm trăng rằm, cảnh cô đào hát vở Võ Đông Sơn – Bạch Thu Hà rồi tự tử, cảnh hạnh phúc ngắn ngủi của gia đình Mười Chức, cảnh ngọn lửa đôi đèn tân hôn tắt báo hiệu điềm không lành cho sự hy sinh sắp tới của cô dâu Út Trong…

Với những giá trị lịch sử và nhân văn đó, Đất Phương Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành phim truyền hình nổi tiếng nhất đối với khán giả miền Nam cuối thập niên 90 đầu thập niên 2000. Chính vì thế mà phim được chiếu đi chiếu lại trên truyền hình trong một thời gian dài. Cho đến tận bây giờ, Đất Phương Nam vẫn là một trong những phim dài tập kinh điển mà mỗi con người Việt Nam nên xem ít nhất một lần trong đời.

Hai yếu tố khác khiến khán giả nhớ mãi về phim chính là dàn diễn viên và nhạc phim. Về diễn viên, chắc chắn không thể không nhắc đến Hùng Thuận – nam diễn viên đóng vai An. Khi nhận vai chính trong bộ phim, Hùng Thuận chỉ mới là một diễn viên nhí 12 tuổi. Thế nhưng, với gương mặt ngây thơ, trong sáng, đôi mắt biết nói và lối diễn xuất tự nhiên, Hùng Thuận đã nhận được sự yêu mến đặc biệt từ khán giả và trở thành một trong những vai diễn nhỏ tuổi ấn tượng nhất trên màn ảnh Việt. Tuy cái bóng của vai diễn này quá lớn và Hùng Thuận không có được vai diễn nào khác ấn tượng hơn, nhưng vai An đã là một vai diễn để đời trong sự nghiệp của anh, thậm chí nó còn trở thành một phần trong cuộc sống của anh. Có lẽ với sự yêu mến, quan tâm, ca ngợi đặc biệt từ khán giả, có được vai diễn để đời như vậy là xứng đáng và những vai khác có thành công hay không cũng không còn quan trọng nữa. Những nhân vật khác như thằng Cò (Phùng Ngọc), bác Ba Phi (Mạc Can), ông Ba bắt rắn (Mạnh Dung), chú Võ Tòng (Lê Quang), cô Út Trong (Thúy Loan), thầy giáo Bảy (Thanh Điền) cũng để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả.

Ca khúc chủ đề của phim – Bài Ca Đất Phương Nam, do nhạc sĩ dân ca, nhà sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian Nam bộ Lư Nhất Vũ viết nhạc, nhà thơ Lê Giang phổ lời và ca sĩ Tô Phương Thanh trình bày, đã góp phần đưa bộ phim vào hàng “huyền thoại” và gây xúc động cho đông đảo người xem. Ca khúc này đã thể hiện thành công hình ảnh ông cha ta vượt qua bao hiểm nguy, gian khổ đi mở đất từ 3 thế kỷ trước, mang đậm âm hưởng thiết tha, sâu lắng của dân ca Nam Bộ. Về sau, Bài Ca Đất Phương Nam không chỉ là ca khúc chủ đề của phim mà đã trở thành bài ca đặc trưng dành cho vùng đất trù phú này.

Với dàn diễn viên tuy mộc mạc, dân dã nhưng để lại ấn tượng sâu đậm, cùng với ca khúc chủ đề đi vào lòng hàng triệu con người Việt, Đất Phương Nam đã trở thành một tác phẩm có sức sống vượt qua cả thời gian. Đây sẽ là thử thách rất lớn đối với dự án điện ảnh Đất Rừng Phương Nam, bởi vượt qua được cái bóng của dàn diễn viên năm xưa và sáng tác được ca khúc có sức ảnh hưởng như Bài Ca Đất Phương Nam không phải là điều dễ dàng. Nhưng với sự cầm trịch của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng – con trai thứ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và đã có kinh nghiệm “chinh chiến” với nhiều tác phẩm như Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt; Những Nụ Hôn Rực Rỡ; Mỹ Nhân Kế… thì có thể dự án Đất Rừng Phương Nam sẽ được đầu tư chỉn chu và kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, bộ phim mới nhất của Nguyễn Quang Dũng là Tháng Năm Rực Rỡ cũng sắp được ra mắt vào ngày 09.03.2018. Hãy cùng chờ xem liệu Nguyễn Quang Dung có truyền tải được cái chất Nam Bộ, lòng yêu nước và giữ lại những trường đoạn cải lương như phiên bản truyền hình hay không? Hãy chờ xem tác phẩm Đất Rừng Phương Nam có vượt qua được cái bóng của “vị tiền bối” Đất Phương Nam hay không.