Trước Shoplifters, Kore-eda đã có 5 bộ phim sâu sắc về bản chất của con người

Góc Nghệ Thuật · SarahTran ·

Bên cạnh Shoplifters, Kore-eda còn có 5 bộ phim hay khác mà bạn không nên bỏ qua.

Tháng 05.2018, tại LHP Cannes ở Pháp, những con người yêu điện ảnh, những nhà phê bình phim và giới truyền thông trên khắp thế giới đã cùng ngồi lại thuởng thức các bộ phim nghệ thuật và chờ đợi tác phẩm chiến thắng giải Cành Cọ Vàng danh giá. Khi cái tên Hirokazu Kore-eda với tác phẩm Shoplifters được xướng lên, khán giả đồng loạt vỗ tay và ai ai cũng phải công nhận rằng: Kore-eda, từ lâu, đã chiếm được trái tim của những con người đam mê điện ảnh bằng những bộ phim sâu sắc, đầy tính nhân văn và giải thưởng danh giá này trao cho ông là hoàn toàn xứng đáng.

Hirokazu Kore-eda đã chiến thắng giải Cành Cọ Vàng 2018 với bộ phim Shoplifters (Ảnh: Variety)
Hirokazu Kore-eda đã chiến thắng giải Cành Cọ Vàng 2018 với bộ phim Shoplifters (Ảnh: Variety)

Kore-eda được báo giới miêu tả là “Con người theo chủ nghĩa nhân văn phi thường của nền điện ảnh Nhật Bản” (Film Comment, US) và là “Bậc thầy làm phim Nhật Bản với những tác phẩm chưa bao giờ thiếu tình người” (AFP). Ngày nay, ông là một trong những nhà làm phim Nhật được đánh giá cao nhất trên thế giới. Hơn 20 năm qua, ông được xem như là một bậc thầy với những tác phẩm đưa khán giả đến với những gia đình nhỏ ở Nhật, với sự thân thuộc nhẹ nhàng và những khiếm khuyết của con người, đặc biệt là ở Nhật.

Yếu tố chính giúp Kore-eda có được sự nghiệp lừng lẫy như ngày nay chính là khả năng kể chuyện một cách tinh tế, về những con người thật trong những tình huống ở đời thật. Nhân vật chính trong các bộ phim của ông đều phải trải qua những gian khổ mà chúng ta, những khán giả, khó có thể tưởng tượng được những điều đó có thể xảy ra ở đời thực, đặc biệt là ở một đất nước nề nếp như Nhật Bản. Những câu chuyện của ông chủ yếu nói về việc phải chấp nhận nỗi đau khi phải thay đổi và mất mát. Qua những tác phẩm đó, Kore-eda đã cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của Nhật Bản – cái khía cạnh mà từ bao giờ đã bị lãng quên và dần trở nên vô hình, nhưng nó có thật và vẫn luôn tồn tại trong xã hội.

Trước Shoplifters, Kore-eda đã có những tác phẩm nhân văn và sâu sắc không kém. Hôm nay hãy cùng nhìn lại sự nghiệp của ông qua 5 tác phẩm này nhé.

1. After Life (1999)

(Ảnh: Shangols - Canalblog)
(Ảnh: Shangols - Canalblog)

Diễn viên chính: ARATA, Erika Oda

Thông điệp của bộ phim này khá đơn giản và rõ ràng: Cuộc sống sau khi chết là có tồn tại. Và nếu bạn có thể mang một kỷ niệm, chỉ một thôi, đến thế giới bên kia, thì kỷ niệm nào đối với bạn là quý giá nhất?

Trong phim, những người mới chết có thể chọn một kỷ niệm và sống mãi trong kỷ niệm đó ở thế giới bên kia. Mỗi người phải ngoại hiện kỷ niệm của họ để nó có thể được tái tạo và ghi hình lại. Và họ sẽ sống trong kỷ niệm đó trong vòng tuần hoàn vô tận.

(Ảnh: Kaist445)
(Ảnh: Kaist445)

Bộ phim này khiến người xem phải tự vấn làm thế nào để cân đo đong đếm giá trị của những kỷ niệm và cái cách mà chúng ta lưu giữ hay xoá bỏ chúng. Kore-eda đã xây dựng kịch bản của bộ phim này dựa trên những câu chuyện có thật từ những con người thật.

2. Nobody Knows (2004)

Nội dung của Nobody Knows dựa trên những sự kiện có thật (Ảnh: yukizuri.wordpress)
Nội dung của Nobody Knows dựa trên những sự kiện có thật (Ảnh: yukizuri.wordpress)

Diễn viên chính: Yuya Yagira, Ayu Kitaura, YOU

Nội dung phim được truyền cảm hứng từ những sự kiện có thật, kể về 4 đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi tại Tokyo. Chúng bị nhốt trong một căn hộ nhỏ, không được phép rời khỏi, trừ đứa trẻ lớn nhất là Akira phải thay thế cha mẹ chăm sóc cho chúng.

Nobody Knows giống như sự kết hợp giữa những thước phim tài liệu và chính kịch, ghi lại hình ảnh 4 đứa trẻ cố gắng sống qua ngày bằng những ly mì ăn liền, chơi những món đồ chơi cũ kĩ, và ước mong một ngày được ra ngoài để ngắm nhìn máy bay ở Haneda. Những đứa trẻ trong phim phải đối mặt với cái nghèo đói và những thử thách mà không có đứa trẻ nào có thể sẵn sàng đối mặt. Bộ phim của Kore-eda đã cho phép khán giả được khám phá khía cạnh khác của cuộc sống một cách chậm rãi và tinh tế.

(Ảnh: Soy Paper)
(Ảnh: Soy Paper)

3. Like Father, Like Son (2013)

Diễn viên chính: Masharu Fukuyama, Yoko Maki, Lily Franky

(Ảnh: IMDb)
(Ảnh: IMDb)

Phim kể về một cặp vợ chồng phát hiện đứa con trai 6 tuổi thực ra không phải con họ. Hai đứa trẻ bị hoán đổi ngay từ lúc mới sinh, và lớn lên trong hai gia đình hoàn toàn khác biệt. Doanh nhân Ryota – một người cha vô tình, hờ hững, phải đấu tranh chọn lựa giữa đứa con thật của ông và đứa con mà ông đã nuôi nấng bao nhiêu năm nay. Ryota bị giằng xé giữa người cha thúc giục ông chọn đứa con thật, bởi huyết thống quan trọng hơn bất cứ thứ gì, và người vợ khuyên ông nên nghĩ đến đứa con mà họ đã nuôi dưỡng.

(Ảnh: Asia Pacific Screen Awards)
(Ảnh: Asia Pacific Screen Awards)

Like Father, Like Son chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về cách mà chúng ta trân trọng những thứ mà chúng ta yêu thương, và nếu thiếu đi tình thương thì chúng ta sẽ trở nên như thế nào. Nhưng quan trọng hơn hết, điều sâu sắc nhất trong phim chính là cách làm cha mẹ và làm sao để trở thành một người cha, người mẹ tốt.

4. After the Storm (2016)

Diễn viên chính: Hiroshi Abe, Kiki Kirin, Yoko Maki

(Ảnh: South China Morning Post)
(Ảnh: South China Morning Post)

After the Storm là một câu chuyện nhẹ nhàng và ấm áp về Ryota – người đã từng là nhà văn nổi tiếng và giờ đây trở thành thám tử. Cuộc sống của anh xuống dốc sau khi dính vào cờ bạc, nhiều năm đã không viết được thứ gì hay ho và anh phải nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với gia đình mình. Vợ cũ của Ryota đã mệt mỏi với những thất bại và những lời hứa không bao giờ thực hiện của anh. Em gái anh thì nghi ngờ anh mượn tiền từ mẹ của họ, và anh cũng nghi ngờ cô làm điều tương tự. Nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với đứa con trai của Ryota giống như cái cách mà anh cố bước ra khỏi một cơn bão.

(Ảnh: Variety)
(Ảnh: Variety)

Các nhân vật trong bộ phim này mang đến cho người xem những giây phút hài hước và một hành trình đầy cảm xúc của một người đàn ông cố gắng sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ. Khi xem phim, khán giả sẽ không ngừng tự hỏi ý nghĩa của tên phim là gì, bởi tên phim gốc trong tiếng Nhật có nghĩa là “(Something) deeper even than the ocean” (Một thứ gì đó còn sâu thẳm hơn cả đại dương).

5. The Third Murder (2017)

Diễn viên chính: Masaharu Fukuyama, Suzu Hirose, Koji Yakusho

(Ảnh: Indie Wire)
(Ảnh: Indie Wire)

The Third Murder là bộ phim trinh thám tội phạm lấy cảm hứng từ niềm đam mê của Kore-eda trong việc khám phá những sự thật trong hệ thống luật pháp và đạo đức của những con người làm trong ngành này. Phim xoay quanh một người đàn ông tự thú nhận đã phạm tội bạo lực khi đang bị xét xử mặc dù biết chắc chắn mình sẽ bị kết án tử. Tuy nhiên, người đàn ông bị buộc tội này bắt đầu thay đổi câu chuyện khi anh nói chuyện với luật sư – Shigemori. Và Shigemori cũng bắt đầu nghi ngờ chứng cứ cũng như những sự việc xoay quanh vụ án. Người đàn ông này có thực sự phạm tội? Động cơ của anh là gì? Hình phạt nào là xứng đáng đối với một người phạm tội mưu sát, liệu mức án tử có thực sự công minh?

(Ảnh: Variety)
(Ảnh: Variety)

Sau những bộ phim về gia đình, The Third Murder là bộ phim khai thác một đề tài hoàn toàn mới của Kore-eda. Mặc dù vậy, phim vẫn chứa đựng những giá trị sâu sắc quen thuộc trong các phim của ông – khai thác những khiếm khuyết và những mặt xấu của con người.

Thi thoảng, phim của Kore-eda lại là đầy những khoảng trống – những nơi mà thứ gì đó cần được lấp đầy, hoặc cần được thay đổi. Một người mẹ vắng mặt, một người tự đi tìm chính mình, một thành viên gia đình không thể nào xác định rõ, một sự thật không thể nào chấp nhận nổi. Thưởng thức phim của Kore-eda như xem một bông hoa đang hé nở, và cuối cùng thì cánh hoa cũng rơi xuống đất, giống như một sự thật được hé lộ một cách nhẹ nhàng, nhưng đau đớn. Xem phim của Kore-eda, khán giả sẽ tự nhìn lại bản thân, vào sâu trong tâm trí và trái tim của mình.

Nguồn: Japanese Film Fest