Terminator: Dark Fate - Thất bại vì đâu?

Maii ·

Terminator: Dark Fate (Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối) thất thu ở quê nhà Bắc Mỹ, vậy lý do là gì?

Về mặt lý thuyết, Terminator: Dark Fate (Kẻ Hủy Diệt: Vận Mệnh Đen Tối) có khả năng thành công. Thương hiệu phim 35 năm tuổi này đã xuống dốc trong những năm gần đây, nhưng nhà sáng tạo nên series là James Cameron và Linda Hamilton đã hội ngộ sau nhiều thập kỷ để làm một phần phim cuối, vừa ra mắt chính thức vào thứ 6 tuần trước. Thế nhưng, phim trở thành bom xịt ở phòng vé và khiến các nhà đầu tư lỗ nặng. Chuyện gì đã xảy ra? Rất có thể, một phần của vấn đề nằm ở việc mối quan hệ giữa con người và công nghệ đã thay đổi rất nhiều kể từ lần đầu tiên, khi Cameron giới thiệu đến khán giả hình ảnh một cyborg sát thủ được một trí thông minh nhân tạo (Skynet) gửi về từ tương lai.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Chủ đề của thương hiệu Terminator đã luôn xoay quanh ý nghĩa của việc làm người cùng sự khác biệt giữa chúng ta và máy móc. Đây là một câu hỏi có thể truy ngược về thời kỳ đầu khi trong nhân loại vẫn còn lưu truyền phổ biến các câu chuyện thần thoại, giải thích sự khác biệt giữa con người và động vật. Về mặt tôn giáo, câu hỏi đó có thể được tóm gọn lại bằng mối liên hệ đặc quyền giữa con người với một sức mạnh tối cao, một vị thần hoặc nhiều vị thần khác. Ở mặt triết học thì nó phụ thuộc vào mặt nhận thức. Chúng ta biết suy nghĩ, vì thế mà chúng ta trở nên đặc biệt.

Thế rồi máy móc xuất hiện. Dark Fate và các phần phim Terminator trước xoay quanh trí thông minh nhân tạo đóng vai trò là mối nguy hại lớn đối với nhân loại. Các phim này không phải là những câu chuyện duy nhất nói về điều đó. Nhiều tác giả đã viết về những cỗ máy thông minh và nguy hiểm ít nhất là từ những năm 1870. Nhưng cho dù bạn bàn luận về tiểu thuyết Erewhon của Samuel Butler năm 1872, trong đó các cỗ máy phát triển có mục đích, hay Dark Fate, thì mối đe dọa đến từ trí thông minh nhân tạo không chỉ ở mặt vật lý mà còn ở mặt siêu hình. Ý tưởng về một chiếc máy tính có trí thông minh ngang ngửa hoặc vượt trội hơn chúng ta, đe dọa cảm giác về việc sở hữu một đặc điểm độc nhất, thông minh nhất mà chúng ta nắm giữ trong nhiều thế kỷ. Máy móc làm chúng ta đặt ra câu hỏi, một lần nữa, rằng “Điều gì làm con người trở nên đặc biệt?” Nhưng câu trả lời truyền thống không còn hiệu quả - ít nhất là không hiệu quả trong thời gian dài.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Thay vào đó, những câu chuyện như Dark Fate nhấn mạnh sự khác biệt về thể chất giữa con người và máy móc. Con người tồn tại độc nhất so với trí thông minh nhân tạo bởi chúng ta bị điều khiển bởi số mệnh, buộc phải chết đi và thối rữa theo cách mà máy móc không thể. Máy móc thể được nâng cấp, tái sử dụng, hư hỏng và sửa chữa như mới. Nhưng con người thì không. Chúng ta có những vết sẹo, chúng ta già đi, quên đi nhiều thứ. Và chúng ta không thể chống lại cái chết.

Dark Fate phơi bày sự mong manh này. Bộ phim bắt đầu bằng hình ảnh John Connor khi trẻ bị một Terminator tấn công vài năm trước sự kiện T2 trong sự tuyệt vọng của mẹ anh, người xuất hiện ở đó nhưng không thể làm gì để cứu con mình. Như lời của Sarah Connor (Hamilton) đã nói, mặc dù bà dành cả cuộc đời giết Terminator để tưởng nhớ John, nhưng bà đã bắt đầu quên đi gương mặt cậu vì chưa từng chụp một tấm hình nào trước đó. Khi chi tiết này được hé lộ, nó cho thấy sự thiếu sót của con người khi đối mặt với những cỗ máy hoàn hảo.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Nếu so với những phần phim Terminator trước đó, bộ phim mới nhất do Tim Miller đạo diễn tạo ra một lằn ranh rõ ràng giữa người-máy. Ở phía hoàn toàn người là Sarah Connor và Dani Ramos (Natalia Reyes), còn phía hoàn toàn máy là Terminator không tên mẫu Rev-9 (Gabriel Luna), kẻ chỉ bắt chước được con người ở một mức độ nào đó nhằm tìm mọi cách giết chết được mục tiêu. Giữa hai phe này là một siêu chiến binh Grace (Mackenzie Davis), con người được cường hóa bằng các vi mạch và chất hóa học, cùng Carl (Arnold Schwarzenegger), Terminator T-800 già cỗi đã dành vài thập kỷ qua để học hỏi và sống như con người. Mặc dù, cố gắng làm mờ đi ranh giới giữa người và máy, bộ phim đã dần phân chia hai phe rất rõ, nếu ở một trong hai phe này thì bạn hoặc thực sự là người, hoặc chỉ đơn giản là một cỗ máy.

Carl đã dành đủ thời gian bên con người để lấy vợ và nuôi con riêng của vợ mình như con mình, Sarah Connor hỏi ông ta rằng liệu ông ta có yêu gia đình mình hay không. Carl trả lời ông không có khả năng cảm nhận nhiều đến thế, “không giống như con người”. Ông trân trọng nhân tính và luôn luôn muốn trở thành người, tuy vậy, chưa bao giờ thực sự đạt được điều đó.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Ở mặt khác, sau giới thiệu Grace rất hoành tráng, Dark Fate liên tục đặt cô về phe con người trên bàn cân bởi cô sanh ra là người. Chúng ta nhìn thấy Grace khi còn là một đứa trẻ trong các cảnh hồi tưởng, một đặc tính chỉ riêng con người mới có, còn Terminator “sinh ra” trong hình dạng người lớn. Grace mặc dù có sức mạnh siêu nhiên, nhưng cô vẫn cho thấy nhiều điểm yếu. Chỉ khi chúng ta nhìn thấy điểm yếu của cô, khi cô bị thương, chảy máu và cần trị thương do hệ trao đổi chất của cô có vấn đề vì cơ thể được cường hóa bằng chất hóa học – Sarah và Dani có vẻ như hoàn toàn chấp nhận việc Grace là một con người hoàn toàn chứ không phải một cỗ máy. Trong thế giới này, bạn hoặc là một con người được tăng cường bằng máy móc, hoặc một cỗ máy được thiết kế càng lúc càng giống con người, nhưng cuối cùng thì luôn luôn hoặc là người, hoặc là máy móc.

Dark Fate không phải là câu chuyện đầu tiên đưa tranh cãi về tính đặc biệt của nhân loại lên màn ảnh, và đương nhiên sẽ không phải là câu chuyện cuối cùng. Nhưng sự thật là mặc dù cuộc tranh cãi này rất phổ biến, không có nghĩa là chúng ta dễ dàng bị nó thuyết phục. Niềm tin vào sự thượng đẳng của con người trước máy móc, đặc biệt là trong những năm gần đây, không còn in đậm nét trong nền văn hóa của chúng ta như cách mà nó đã làm một thời. Nhìn lại doanh thu phòng vé thảm hại của Dark Fate, cũng phải khi người ta tự hỏi một trong những lý do khiến bộ phim không kết nối tốt với khán giả có phải là vì bộ phim cứ quyết ngăn đôi con người – máy móc và tôn sùng nhân tính chỉ có ở con người hay không.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Mặc dù tin tức trên truyền thông đầy những câu chuyện đặt ra câu hỏi về tính an toàn của trí thông minh nhân tạo, con người ta nhìn chung không mắc hội chứng sợ công nghệ hiện đại như trước đây nữa. Với các bộ phim như Ex Machina, Blade Runner 2049 và Alita: Battle Angel, đưa cyborg trở thành nhân vật chính, có lẽ không ngạc nhiên lắm khi thế hệ lớn lên và trưởng thành cùng Wall-E, xem robot là một phần bình thường của nhân loại. Dark Fate có thể là phần phim reboot Terminator hay nhất trong vài năm trở lại đây, nhưng có lẽ bản thân của cuộc đối đầu giữa con người vs. robot đã lỗi thời đến nhàm chán.

Nguồn: The Hollywood Reporter