The Little Mermaid - Một nàng tiên cá da màu và chúng ta đều thua cuộc trước Hollywood 2020

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Một nàng tiên cá da màu không phải là chuyện đáng để bạn quan tâm, chuyện bạn nên quan tâm to lớn hơn nhiều.

Không còn gì lạ lẫm khi Hollywood đem những vấn đề xã hội nóng hổi xung quanh nó vào phim. Ai cũng công nhận thông điệp về bình đẳng giới tính, sắc tộc rất quan trọng và phim ảnh là phương tiện thuận lợi nhất để truyền tải chúng, và đôi khi là những tiếng nói của những người bị áp bức bởi những sai lầm lịch sử. Song, đây nhiều khi cũng là con dao hai lưỡi. Nếu làm đúng tinh thần thì không sao, vung tay quá trán đến độ sai lệch cả thông điệp thì thật tai hại, như “fake woke” chẳng hạn. Nhưng những gì Hollywood cho thấy gần đây, với Disney, Amazon, WB, các kênh streaming cho thấy gần đây, đây không còn đơn giản là “fake woke” nữa, mà đúng hơn là “fan-baiting”.

Từ Disney và “fake woke”…

Với sức phủ bóng của nó, Disney là cái tên đầu tiên nghĩ đến khi nói đến “fake woke”. Sự chuyển dịch theo thời đại của hãng phim hoàn toàn nhìn thấy được theo sự phát triển của thương hiệu lớn mạnh nhất của nhà Chuột – MCU và những câu chuyện cổ tích mà Disney ôm mộng chuyển thể thành live action. Tại sao lại nói “fake woke”? Ở trường hợp của Disney, họ lấy danh nghĩa các phong trào xã hội làm điểm nhấn cho các phim của mình nhưng hoàn toàn không có ý định làm đúng với tinh thần của các phong trào đó.

MCU giai đoạn Woke cũng là giai đoạn tồi tệ của vũ trụ điện ảnh | The Direct
MCU giai đoạn Woke cũng là giai đoạn tồi tệ của vũ trụ điện ảnh | The Direct

Khi những vấn đề trên thường bị bỏ ngang, ít được đi đến cùng vì chúng quá nặng nề cho khán giả mà Marvel hướng tới, các nữ anh hùng lại là một chuyện khác. Marvel vô cùng thích thú với những nữ anh hùng kể từ thành công của Wonder Woman. Việc họ chọn một Captain Marvel không có gì để thích thay vì một Natasha Romanoff được yêu mến là một việc không thể tha thứ, nhưng đó không phải là vấn đề lớn nhất, điểm cốt lõi ở đây là Marvel sử dụng Captain Marvel như một tuyên bố vũ trụ điện ảnh này quan tâm đến bình đẳng giới và bộ phim cùng tên này là một bằng chứng. Vậy mà nội dung của Captain Marvel phải nói là truyền tải một cái nhìn méo mó về nữ quyền mà Disney đang rao giảng, chưa kể đến những lùm xùm cá nhân của diễn viên.

Từ thời điểm đó, sai lầm của Captain Marvel đã tiếp diễn sang những nhân vật nữ còn lại của MCU như một căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ. Đến nay, sau vài ba bộ phim lấy nhân vật nữ làm trung tâm, những series sắp ra mắt và đến thời điểm hiện tại là series She-Hulk, sự thật trần trụi là Marvel chỉ lấy danh nữ quyền để khiến những bộ phim của họ trở thành tiêu điểm chú ý. Thực tế đang cho thấy điều này. Bất chấp việc đưa nhân vật nữ lên màn ảnh và để họ làm nhân vật chính, Marvel lại không cho họ một tuyến truyện đúng nghĩa, không buồn xây dựng họ đàng hoàng và dùng họ để hạ thấp các nhân vật nam.

Thêm vào đó, các tiêu chuẩn kép, lối xây dựng nhân vật ngô nghê, mỏng đến đáng thương và những chiêu trò phá hoại những nhân vật nam đã được thiết lập sẵn chỉ để chứng minh phiên bản nữ tự động tốt hơn vì họ là…nữ. Đây là một quyết định tồi tệ để thúc đẩy nữ quyền và như tát vào mặt những người tin vào bình đẳng thực sự giữa 2 giới tính là cả nam và nữ đều được tôn trọng như nhau.

Các bộ phim live action cũng không khá hơn. Kể từ Cinderella (2015), các bộ phim chuyển thể các câu chuyện cổ tích kinh điển của Disney đều có những chi tiết, nhân vật dùng để chứng tỏ Disney bây giờ đã biết đến “woke”. The Beauty and the Beast bỗng có một nhân vật LGBT nhưng phụ đến mức đáng thương, Mulan hoàn toàn bỏ đi tinh thần gốc của bộ hoạt hình năm 1998 để truyền tải “sức mạnh nữ quyền” theo kiểu nịnh bợ thị trường Trung Quốc không những hết sức nông cạn mà còn hời hợt, một thần đèn do một diễn viên da đen thủ vai để chứng tỏ sự đa dạng của Aladdin. Và tất nhiên chúng ta phải nhắc đến 2 dự án tương lai của nhà Chuột là Snow White The Little Mermaid khi cả 2 trường hợp gây tranh cãi với sự lựa chọn diễn viên chính.

Chê
Chê

Việc nàng tiên cá mới của Disney có thể làm nên thành công hay không là chuyện của tương lai, nhưng các bộ phim đã ra mắt trước đó đã nói lên rất nhiều về hướng đi của Disney. Họ đang nhân danh các phong trào xã hội để làm nên chuyện thay vì tập trung vào nội dung, vào những gì fan thực sự muốn và những ai phàn nàn về điều này rất dễ bị gán cái tên “phân biệt” hay “thù ghét phụ nữ”. Mặc dù 2 bộ phận này vẫn tồn tại, nhưng các mọt phim với mối quan tâm chính đáng đang phải hứng chịu những tiếng xấu của 2 bộ phận ít ỏi này, dẫn đến các mấu chốt của vấn đề bị lấn át – hãng phim đang sử dụng chiêu trò để truyền thông cho các dự án phim.

…đến “fan-baiting”

The Rings of Power | Variety
The Rings of Power | Variety

Disney không phải là người đầu tiên trong cách nó tận dụng chiêu trò. “fan baiting” vẫn là một khái niệm còn khá mới, được định nghĩa là những hành động quảng bá phim ảnh hướng đến những cộng đồng fan của những bộ phim nhất định hoặc những hiện tượng pop-culture có sức ảnh hưởng lớn, những hành động này có thể là gây thích thú hoặc gây tranh cãi đến mức kích động những người hâm mộ đối với một thương hiệu phim ảnh. Xét đến những bộ phim và những cuộc cãi vã gần đây giữa các mọt phim cho thấy, “fan baiting” đang hiện diện và lớn mạnh.

Nói đến đây, các mọt phim hẳn cũng hình dung được cái tên sắp được nói đến đây – The Lord of the Rings: The Rings of Power. Ngay từ buổi đầu, Amazon công bố ý định chuyển thể giai đoạn tiền trilogy The Lord of the Rings The Hobbit năm nào, fan đã đặt hi vọng Amazon sẽ sử dụng tiềm lực đáng nể của mình để diễn giải linh hồn Tolkien của thương hiệu, nhưng không ai ngờ được những thay đổi mà họ thực hiện lại gây sốc đến như vậy. Amazon có lẽ đã thấy trước sự sốc của những người hâm mộ.

Thay đổi về cốt truyện là những gì chúng ta có thể chấp nhận được vì Amazon nói rõ họ bị hạn chế về bản quyền, nhưng các thay đổi về tạo hình nhân vật không dễ để các fan cứng dung thứ. Lúc này, ngay khi chứng kiến một Tiên tộc da màu và một chiến binh Galadriel, fandom lẫn những ai yêu thích trilogy điện ảnh đã ngay lập tức sục sôi. Những cuộc cãi vả vô tình, hoặc đúng như Amazon dự liệu, đã mang đến cho series chưa ra mắt một hiệu ứng truyền thông sôi nổi, theo nghĩa tiêu cực, nhưng vẫn là hiệu ứng truyền thông khiến phim nổi bật. The Rings of Power là một điển hình của “fan baiting”.

Hãy lưu ý rằng, những bộ phim công bố gần đây đều có khâu quảng bá đặt nặng cái gọi là “sự đa dạng” hoặc đánh vào cảm giác hoài niệm thay vì nội dung của các phim này. Sau The Rings of Power, Resident Evil của Netflix không tránh khỏi chỉ trích sau khi công bố ý định chuyển thể thương hiệu này thành một series, Netflix đã đẩy mạnh công bố dàn cast của series với sự thay đổi rõ rệt nhân vật Albert Wesker và chủng tộc gốc của anh ta. Nữ phản diện của seris lại là một thành viên của cộng đồng LGBT. Thậm chí 2 chị em song sinh – trung tâm chính của loạt phim, cũng thuộc 2 chủng tộc khác nhau hoàn toàn. Những thay đổi khó hiểu này có thể ngầm hiểu Netflix đang nỗ lực đem sự đa dạng đến cho phim của họ, bất chấp việc này vốn không cần thiết. Nhưng chúng đã kiến fandom của loạt phim gốc bực mình.

Tiếp đến, chúng ta lại phải quay lại những nỗ lực của Disney trong việc làm phim của họ. Nhà Chuột có lịch sử dài trong việc sử dụng con bài chủng tộc, nữ quyền, LGBT… trong cách họ quảng bá những dự án của mình. Cách họ nhấn mạnh tầm quan trọng của một siêu anh hùng gốc Phi trên màn ảnh thông qua Black Panther – trên thực tế, Blade mới là siêu anh hùng gốc Phi đầu tiên, tầm quan trọng của việc đại diện cho văn hoá gốc Á trong Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings, tầm quan trọng của nữ siêu anh hùng đầu tiên trong Captain Marvel, tầm quan trọng của một siêu anh hùng đồng tính trong Eternals, cho đến tận những series như Percy Jackson hay gần đây nhất là tạo hình của nàng tiên cá Ariel.

Đây không phải là chuyện lớn gì | Nation World News
Đây không phải là chuyện lớn gì | Nation World News

Đã từ lâu lắm rồi, sau Phase 1 của MCU, Disney đã không còn vận dụng những nội dung của các bộ phim để gây dấu ấn nữa, thay vào đó là các thông điệp mà phim muốn gửi gắm. Đáng nói, tinh thần của thông điệp thì lúc có lúc không.

Một nàng tiên cá da màu chắc chắn sẽ khiến những ai lớn lên với chuyện cổ tích Disney dậy sóng, như cách The Rings of Power đã làm vậy. Một tiên tộc da màu chưa từng được mô tả trong Tolkien và một công chúa người lùn không có râu chắc chắn sẽ khiến Fandom của Tolkien như ngồi trên đống lửa. Nhưng điều đến sau đó mới đáng nói – sự tò mò.

Sẽ không có viên thuốc đắng nào cho “fake woke” và “fan baiting”

Cnet
Cnet

Sẽ không có hậu quả nào để Disney, Amazon, hay bất kỳ những studio phim ảnh nào phải gánh chịu khi sử dụng các chiêu trò “fan baiting” để quảng bá và lấy “fake woke” để định hướng các dự án tương lai. Nếu bạn nghĩ sự thất bại phòng vé sẽ khiến họ nghĩ lại, thì bạn đã sai lầm.

Thực tế đã cho thấy, bất chấp những lời chỉ trích về tạo hình nhân vật, The Rings of Power vẫn có lượt xem ấn tượng. Người viết dám cá là The Little Mermaid sẽ có tuần mở màn khá khẩm khi nhà Chuột đang sử dụng sự cấp tiến để thuyết phục người xem đến rạp (Vâng, theo Disney thì những bất công sắc tộc của nước nhà có thể được hoá giải nếu người ta đến xem phim của họ). Vì tất cả sau những chiêu trò “fake woke” và “fan baiting”, kết cục đều là người ta kéo đến rạp để xem những bộ phim này ra ngô, ra khoai như thế nào. Sự tò mò, đó là thứ mà các chiêu trò này hướng tới. Sự tò mò, nghi hoặc về cách mà những thay đổi sẽ làm nên một bộ phim ra làm sao luôn thành công bén rễ trong chúng ta sau những lần bị kích động. Như vậy, theo một cách nào đó, những bộ phim được quảng bá như vậy luôn đem về cho studio một dạng thành công.

Ghost in the Shell | IMDb
Ghost in the Shell | IMDb

Studio phim ảnh có rất nhiều những biện minh cho thay đổi mà họ thực hiện. Năm 2017, dự án Ghost in the Shell gây xôn xao khi để một diễn viên da trắng vào vai một nhân vật theo nguyên tác là người Nhật. Đối với trường hợp này, lý do được đưa không đời nào các hãng phim sẽ trông chờ vào những diễn viên vô danh có thể chèo chống bộ phim của họ chỉ vì họ có đúng màu da. Ngày nay, những phản đối tạo hình hay thay đổi mà các studio đưa ra rất dễ dính phải cái mác “phân biệt”, “thù ghét”, “không đủ woke”. Phải nói sự thật là chúng ta đều là những kẻ thua cuộc.

CBR
CBR

Những cuộc tranh luận phim ảnh chuyển thể nên phản ánh thế giới hiện thực hay trung thành với nguyên tác luôn đem đến cho những dự án phim ảnh những hiệu ứng sôi nổi và vòng tròn sẽ lặp lại. Phim đó đem về một lượng lợi nhuận đủ dùng và các studio sẽ không dừng lại. Những người không ưa gì những thay đổi sẽ khiếp sợ những tai tiếng không theo kịp thời đại, tệ hơn là bị gọi kẻ thù ghét. Điểm mấu chốt trở nên lạc lõng và cuối cùng là bị lu mờ trong những cuộc tranh luận nảy lửa giữa những mọt phim cấp tiến và fan trung thành.

Điểm mấu chốt ở đây là không phải bộ phim nào cũng cần những thông điệp và đem thông điệp vào phim không sai, trung thành với nguyên tác không có nghĩa là bạn phản đối sự đa dạng trong điện ảnh. Những gì mà “fake woke” và “fan baiting” đang làm là tổn hại phim, hơn nữa là tổn thương người xem, từ đó là những ý nghĩa đằng sau những phong trào mà nhiều người đã đấu tranh rất nhiều năm để bảo vệ.

Một lý do nữa thường được sử dụng là với những chất liệu thần thoại, viễn tưởng không có thật, tính chính xác hay bám sát nguyên tác đều lỏng lẻo. Ngoại hình của nàng tiên cá thuộc phạm trù này. Thực tế thì ngoại hình của Ariel không phải là chuyện lớn lao gì, nhưng nếu trong tương lai, Disney sử dụng điều này để nhấn mạnh ý nghĩa lớn đến thế nào khi có một nàng tiên cá da màu, hãng phim đang chạm đến lằn ranh đó. Khi “fake woke” và “fan baiting” sinh lời, những bộ phim lấy 2 thứ này làm kim chỉ nam sẽ càng nhiều lên, theo đó là những thương hiệu điện ảnh lâu năm phải hứng chịu những thay đổi không đóng góp gì cho phát triển cốt truyện mà chỉ vì “thông điệp bảo thế”.

Việc chúng ta có một nàng Ariel da màu không phải là việc lớn. Việc hệ trọng là Hollywood không buồn sáng tạo những nhân vật gốc cho những diễn viên da màu, rộng hơn nữa là các nhân vật mà họ lấy để tượng trưng cho các loại “quyền” đều “nhựa”, thiếu đi cảm giác đây là một con người thật sự. Vậy, ai mới là kẻ phân biệt ở đây đây?

Suy cho cùng, chúng ta càng tập trung cãi vã về màu da của nàng tiên cá, người thua cuộc trước một Hollywood trong thập niên 2020 không ai khác là chính mình. Vì đến cuối cùng, chúng ta đã tiếp thêm động lực cho những studio đứng đằng sau những thay đổi này tiếp tục hô hào những giá trị rỗng tuếch của họ để moi móc triệt để lợi nhuận mà không bỏ chút công sức để nhìn nhận những vấn đề thực tế.