Thuộc thể loại học đường, nhưng 5 bộ phim này sẽ khiến bạn nhớ cả đời

Góc Nghệ Thuật · shotaro ·

Ngày hôm nay chúng ta cùng điểm qua 5 trong số rất nhiều bộ phim lấy đề tài học đường xuất sắc, đại diện cho 5 nền điện ảnh lớn trong khu vực Châu Á.

Học đường không còn là một đề tài mới khi đã được khai thác rất nhiều lần với không ít bộ phim xuất sắc. Khác với Hollywood, vốn chỉ xoay quanh chuyện ăn chơi nhảy múa cùng khao khát trở nên nổi bật thì điện ảnh châu Á lại chứng tỏ được sự đa dạng trong đề tài, đồng thời đem đến những câu chuyện vô cùng ấn tượng. Không chỉ dừng lại ở tình yêu, tình bạn, những tác phẩm đến từ châu Á còn đề cập tới rất nhiều vấn đề như ước mơ, sự vô cảm, quyền con người hay phân biệt giai cấp. Ngày hôm nay chúng ta cùng điểm qua 5 trong số rất nhiều bộ phim lấy đề tài học đường xuất sắc, đại diện cho 5 nền điện ảnh lớn trong khu vực.

5. You Are the Apple of My Eye (2011) - Đài Loan

Dòng phim thanh xuân vườn trường được coi là một đặc trưng của điện ảnh Hoa ngữ, thường được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình dành cho giới trẻ. Chính vì vậy mà nội dung chủ yếu của những tác phẩm này thường xoay quanh tình yêu, tình bạn cùng những kỷ niệm ngô nghê thời học sinh, để mỗi khi nhớ về lại khiến người ta thổn thức. You Are the Apple of My Eye là một câu chuyện như vậy.

Lấy bối cảnh ở Đài Loan vào năm 1994, bộ phim là câu chuyện về nhóm bạn thân gồm Kha Cảnh Đằng, Lão Tào, Bột Khởi, Cai Biên, A Hòa trong những năm tháng cấp ba cùng thích cô bạn cùng lớp xinh xắn và học giỏi - Thẩm Giai Nghi. Trong nhóm, Kha Cảnh Đằng là học sinh cá biệt và bị xếp lên ngồi phía trước Thẩm Giai Nghi để cô kèm cặp. Một hôm, Cảnh Đằng chịu phạt thay cho Giai Nghi và từ đó, cô nữ sinh ưu tú bắt đầu giúp đỡ chàng nam sinh cá biệt học hành tử tế hơn. Từ những buổi học chung, những cảm xúc kỳ lạ giữa Giai Nghi và Cảnh Đằng bắt đầu nảy nở. Họ giữ mối quan hệ thân thiết, có phần mập mờ tới lúc lên đại học. Mặc dù Cảnh Đằng nhiều lần tỏ tình nhưng Giai Nghi vẫn chỉ im lặng. Những năm tháng ấy cứ thế trôi đi cho tới khi họ trưởng thành và có những lựa chọn riêng cho tương lai...

Tổng thể bộ phim không có những cao trào, kịch tính khiến người xem hồi hộp mà đơn giản chỉ là những phân cảnh bình thường giống với câu chuyện của rất nhiều thệ hệ học sinh, cùng với cách thể hiện tinh tế, chỉn chu. Tác phẩm đã thành công trong việc làm sống dậy những kỷ niệm thanh xuân tươi đẹp của đời học sinh, đó là những trò đùa có phần ngốc nghếch, nghịch ngợm cùng những tình cảm đầu đời giản dị, chân thành. Nhưng cũng giống như thanh xuân, bộ phim cũng là những nuối tiếc về một thời tươi đẹp đã qua, đó là lời tỏ tình chẳng bao giờ được xác nhận. Để rồi khi nhớ về, ta bất giác mỉm cười đầy nuối tiếc.

Câu thoại “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa” như nói thay nỗi lòng của biết bao con người đã từng là học sinh.

4. Bad Genius (2017) - Thái Lan

Gian lận thi cử có lẽ là một điều quá phổ biến trong môi trường học tập. Gần như không một ai trong chúng ta có thể tự tin nói mình chưa từng giở sách hay hỏi bài bạn trong giờ kiểm tra. Tuy nhiên, biến gian lận từ một chuyện mang yếu tố cá nhân thành một hành động mang tầm cỡ quốc gia thì lại là chuyện khác.

Bộ phim kể về Lynn - nữ sinh với bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ. Nhà không quá khá giả, bố của Lynn vẫn cố gắng cho con học một trường tư nổi tiếng với mong muốn cô sẽ đi du học sau khi tốt nghiệp. Trong trường mới, Lynn kết thân với Grace và Pat - những đứa trẻ nhà giàu nhưng học kém.

Tận dụng trí thông minh của mình, Lynn bắt đầu kiếm tiền từ việc cho các bạn cùng lớp quay cóp trong giờ kiểm tra. Tuy nhiên, không dừng lại ở những thương vụ nhỏ lẻ, Lynn bắt tay với Bank - một học sinh xuất sắc khác sở hữu trí nhớ phi thường, để kiếm số tiền lên đến ba triệu baht (hơn hai tỷ đồng).

Dù đề tài không mới nhưng với cách kể chuyện chặt chẽ, cùng dàn diễn sở hữu diễn xuất ấn tượng, Bad Genius đã đem đến một câu chuyện vô cùng xuất sắc, không chỉ dừng lại ở vấn đề gian lận thi cử, mà trên hết tác phẩm còn phô bày hiện thực nghiệt ngã. Lynn, Bank đại diện cho tầng lớp người nghèo trong xã hội, cả hai sở hữu trí tuệ và nỗ lực vượt trội nhưng lại chẳng thể so sánh với những kẻ ngậm thìa vàng từ khi sinh ra như Grace và Pat. Để có thể đạt điểm số như mong muốn, Lynn đã phải trải qua những ngày tháng học hành vất vả, trong khi đó những người như Grace và Pat chỉ việc vung tiền là đạt được mục đích. Cho đến cuối dù phi vụ có bại lộ hay không thì Pat vẫn là kẻ hưởng lợi, trong khi cánh cửa tương lai của Lynn và Bank có thể khép lại mãi mãi. Tất cả đã tạo nên một bộ phim không chỉ giàu tính giải trí mà còn ẩn chứa nhiều thông điệp giá trị.

3. 3 Idiots (2009) - Ấn Độ

Khi lần đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, không ít người trong chúng ta đã có chung suy nghĩ liệu đây có phải con đường mình mong muốn hay chỉ là sự lựa chọn của gia đình, người thân. Để rồi khi học tập một thời gian thì thực sự gặp khủng hoảng, ngày qua ngày cắp sách tới trường nhưng lại không thể yêu nó, chỉ có thể cầm chừng để rồi một ngày cảm thấy bế tắc. Nếu bạn đang gặp phải trường hợp như vậy thì hãy tìm đến 3 Idiots, bộ phim sẽ cho bạn câu trả lời thích hợp: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”.

Bộ phim kể về ba người bạn thân thiết với nhau ngay từ những ngày đầu bước vào Học viện Cơ khí Hoàng gia ICE ở Delhi. Họ gồm Farhan - người đam mê nhiếp ảnh nhưng phải học nghề kỹ sư theo nguyện vọng của cha, Raju - người phải học với mong muốn giúp gia đình thoát nghèo và Rancho - anh chàng thông minh, tài năng và cũng vô tư nhất. Khác với hai người bạn của mình, thứ đưa Rancho tới với ICE chính là niềm đam mê máy móc và anh học hoàn toàn vì nhiệt huyết con tim. Tất cả đã cùng nhau trải qua rất nhiều tình huống hài hước nhưng đồng thời cũng rất cảm động. Khi thì cùng nhau chơi xỏ Chatur Ramalingam, một sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhưng đầu óc sáo rỗng, luôn chạy theo lối tư duy được vạch sẵn. Lúc lại giúp Raju chiếm lấy con tim của Pia, con gái của hiệu trưởng Viru. Và tất nhiên không thể bỏ qua thầy hiệu trưởng Viru Sahastrabuddhe, một con người bảo thủ luôn muốn giữ vững quan điểm lý thuyết là chính của trường... Tất cả đã cùng vẽ lên một bức tranh sống động về nền giáo dục Ấn Độ, nơi người ta chỉ chạy theo điểm số mà quên mất mục đích học như thế nào, học để làm gì. Đó cũng là nơi bóp chết ước mơ hay thậm chí sinh mạng của không ít sinh viên mà điển hình là Joy Lobo, người đã treo cổ tự tử vì bị đánh trượt tốt nghiệp khi sáng tạo không đúng cách của nhà trường. Không chỉ lý giải về cái gọi là thành công, bộ phim còn đem đến cho người xem hiểu thế nào là hạnh phúc thông qua cuộc nói chuyện của Farhan và bố. Anh đã nói với ông rằng:

Con không thích kỹ thuật, vì thế con sẽ trở thành một kỹ sư tồi.

- 5 năm nữa, khi con thấy bạn mình mua nhà, mua ô tô, con sẽ nguyền rủa bản thân mình.

- Cuộc sống của một kỹ sư sẽ chỉ mang lại cho con sự thất vọng, lúc đó con sẽ nguyền rủa bố. Con thà nguyền rủa mình còn hơn.

- Bố, điều gì sẽ xảy ra nếu con trở thành một nhiếp ảnh gia? Con sẽ kiếm ít tiền hơn, mua một cái xe nhỏ hơn và có một ngôi nhà nhỏ hơn. Nhưng con sẽ hạnh phúc. Con sẽ rất hạnh phúc.

Hạnh phúc là khi con người ta được sống trong đam mê của chính mình. Khi có đam mê ta sẽ có thành công.

2. Don’t Cry, Mommy (2012) - Hàn Quốc

Đối với một số người, đời học sinh không phải là những năm tháng thanh xuân rực rỡ mà đó là những ký ức kinh hoàng, cùng nỗi đau không thể nguôi ngoai. Đó là khi ta nhận ra trong cái xã hội thu nhỏ ấy không chỉ có Kha Cảnh Đằng hay Giang Thần mà còn có những “con quỷ” tàn nhẫn, sẵn sàng chà đạp lên linh hồn và thể xác của người khác mà không mảy may hối hận và chúng còn được bao che bởi chính những con người được coi là đức cao vọng trọng trong xã hội.

Bộ phim kể về Yoo Lim, một người phụ nữ sống với con gái duy nhất của mình là Eun Ah. Ở trường mới, cô bé có tình cảm với cậu bạn cùng lớp là Jo Han. Vào một ngày nọ, cô bé đã nhận lời đến nơi mà Jo Han hẹn gặp. Thế nhưng Eun Ah không biết rằng, cuộc đời của cô đã trở thành bi kịch chỉ sau ngày hôm đó. Tại nơi hẹn, Eun Ah đã bị Jo Han và nhóm nam sinh trong trường thi nhau làm nhục. Không những thế, chúng còn quay lại cảnh cưỡng hiếp và đe dọa cô bé phải im lặng nếu không sẽ cho đoạn phim này lên mạng xã hội. 

Kể từ đó, tinh thần của Eun Ah bị khủng hoảng trầm trọng. Mặc dù gia đình đã đâm đơn kiện nhưng vì hung thủ chưa đủ tuổi vị thành niên nên tòa vẫn ra phán quyết trắng án. Quá uất ức, Eun Ah đã chọn cách tự sát vào đúng ngày sinh nhật của mình để chấm dứt nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Trước khi chết, cô bé đã làm một chiếc bánh kem có dòng chữ "Don't cry, Mommy" (Xin mẹ đừng khóc).

Có lẽ không một ai trong chúng ta có thể quên được gương mặt đau khổ tột cùng của Eun Ah khi bị cưỡng bức. Đó không chỉ là nỗi đau thể xác mà trên hết là những vết thương không bao giờ lành về mặt tinh thần. Từ  một Eun Ah luôn tươi tắn, rạng ngời, có năng khiếu thiên bẩm về chơi đàn cello bỗng chốc biến mất, thay vào đó là một cô gái trầm uất, sợ hãi. Nhưng cuối cùng những kẻ đã đang tâm cướp đi cuộc đời của một cô gái trẻ lại không phải chịu bất cứ một sự trừng phạt nào. Phải chăng pháp luật đã quá lỏng lẻo khi nó không những không bảo vệ được con người mà còn vô tình tiếp tay cho cái ác tồn tại? Đồng thời, bộ phim khiến chúng ta tự hỏi từ trước đến nay vai trò của gia đình và nhà trường là gì. Liệu trường học có quên mất nhiệm vụ của mình không, khi chỉ tập trung giáo dục về mặt tri thức mà quên đi bồi đắp nhân cách cho học sinh. Tại sao trong một môi trường vốn rất yên bình như trường học lại có thể xảy ra một vụ việc nghiêm trọng đến như vậy.

1. Confession (2010) - Nhật Bản

Có lẽ cho tới thời điểm này, không một bộ phim lấy đề tài học đường nào có thể ám ảnh và đáng sợ hơn Confession của Nhật Bản.

Tác phẩm được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cũng tên của nhà văn Minato Kanae, kể về sự trả thù đầy tàn nhẫn của cô giáo Moriguchi Yuko dành cho hai học sinh đã sát hại con gái cô, cũng chính từ giây phút ấy, hàng loạt những bi kịch đầy máu và nước mắt bắt đầu, kéo theo cái chết của những con người đáng thương.

Bộ phim bắt đầu khi cô giáo Moriguchi nghỉ dạy, trong buổi học cuối cùng trước khi rời đi, cô đã kẻ với cả lớp về cái chết của đứa con gái 4 tuổi đồng thời tiết lộ hung thủ chính là 2 trong số 37 thành viên của lớp. Cô nói: “Cô đã pha một chút đồ vào hai bịch sữa mà hai người này uống. Đó là mẫu máu nhiễm HIV của Masayoshi Sakuramiya… Thời gian ủ bệnh sẽ là từ 5 tới 10 năm. Thời gian đó đủ để các em suy nghĩ về những việc các em gây ra và nhận ra giá trị của cuộc sống”.

Không quá khó khăn để cả lớp đoán ra hung thủ sát hại con cô giáo chính là hai học sinh Naoki Shimomura và Shuya Watanabe. Cũng chính từ giây phút ấy, hai con người vốn chưa từng hạnh phúc lại càng trở lên khốn khổ, mọi người trong lớp bắt đầu quay ra đổ tội và bắt nạt hai cậu học sinh khốn khổ này. Không thể chịu được, Naoki nghỉ học, đồng thời bị trầm cảm nghiêm trọng, cậu đã chính tay giết chết mẹ mình. Còn Shuya, bất chấp những hình phát dã man của đám bạn, vẫn đến trường và kết thân với Mizuki Kitahara. Cô bé thần tượng hung thủ trong vụ đầu độc khiến cả gia đình mình tử vong, tuy nhiên cũng chính Mizuki là người nhìn thấy sự lương thiện trong Shuya và khao khát được cứu rỗi con người đáng thương ấy. Nhưng sức lực nhỏ bé của Mizuki đã không thể khống chế được phần tâm hồn đã bị tha hóa của Shuya, để rồi chính cô đã chết dưới những lưỡi búa oan nghiệt của cậu. Và cậu chưa vẫn chưa dừng lại ở đó.

Toàn cảnh câu chuyện là một bức tranh xám bẩn, đó cũng chính là hình ảnh bầu trời trước cơn bão, thứ màu sắc u ám và lạnh lẽo. Thứ màu sắc bám theo cả đời của cô giáo Morugichi, mẹ con Naoki, Shuya hay Mizuki. Tất cả đều phải chịu đựng sự dày vò khủng khiếp của tội lỗi. Bộ phim như lời cảnh tỉnh cho xã hội về vai trò của nhà trường, gia đình trong việc giáo dục con cái đồng thời thể hiện quan điểm về kẽ hở của luật pháp trong việc xét xử trẻ vị thành niên và thói vô cảm của con người. Bởi dù Naoki và Shuya may mắn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật nhưng đã không thể tránh khỏi cơn thịnh nộ của đám đông đang nổi giận được khơi dậy bởi sự trả thù của cô giáo Morugichi.