10 bộ phim xuất sắc của thập niên 2000 nhưng không nhận được đề cử Oscar hay Quả Cầu Vàng nào

Góc Nghệ Thuật · SarahTran ·

Thật lòng mà nói, trong những năm qua, có rất nhiều phim xuất sắc nhưng không nhận được bất cứ đề cử Oscar hay Quả Cầu Vàng nào khiến cho khá nhiều khán giả thất vọng.

Lễ trao giải Oscar đã được tổ chức vào tối chủ nhật tuần này (sáng thứ hai theo giờ Việt Nam). Sau những háo hức chờ đợi xem những tác phẩm điện ảnh nào sẽ được vinh danh, và dĩ nhiên kết quả không thể nào làm hài lòng tất cả mọi người. Những phim đã đạt giải có thực sự là những phim hay nhất? Thật lòng mà nói, trong những năm qua, có rất nhiều phim xuất sắc nhưng không nhận được bất cứ đề cử Oscar hay Quả Cầu Vàng nào khiến cho khá nhiều khán giả thất vọng. Hãy cùng nhìn lại 10 bộ phim xuất sắc trong thập niên 2000 nhưng không nhận được bất cứ đề cử nào.

1. Take Shelter

Jeff Nichols đã đạo diễn cho 5 bộ phim, bao gồm bộ phim này, và tất cả những phim mà ông đạo diễn đều rất xuất sắc. Đặc biệt là trong Take Shelter có sự tham gia của Michael Shannon, và anh đã thể hiện vai diễn rất xuất sắc. Trong phim, anh vào vai Curtis - người đàn ông thấy được viễn cảnh tận thế của thế giới và rồi cuộc sống và hành vi của anh hoàn toàn thay đổi.

Jessica Chastain vào vai người vợ tên Samantha – người phải chứng kiến trong kinh hãi khi chồng mình bắt đầu có những hành vi bất thường. Cuộc hôn nhân của họ rơi vào khủng hoảng, các mối quan hệ xã hội bị ảnh hưởng và gia đình hạnh phúc đang trên bờ vực đổ vỡ. Curtis lấy hết tiền bạc để xây một nơi trú ẩn mà anh tin rằng nó sẽ bảo vệ anh và gia đình khỏi thảm họa sắp xảy ra.

Trong suốt bộ phim, người xem sẽ phải thắc mắc liệu rằng Curtis có đang hóa điên hay những gì anh thấy được thực sự sẽ xảy ra. Đạo diễn Nichols đã rất xuất sắc khi khiến khán giả không khỏi khó chịu và đứng ngồi không yên không biết chuyện gì đang xảy ra khi xem phim. Ngoài ra, diễn xuất của Michael Shannon cũng góp phần vào thành công của phim. Anh đã dẫn dắt khán giả vào tâm trí của Curtis và cho khán giả thấy được thế giới trong phim qua góc nhìn của Curtis. Bên cạnh đó, Chastain cũng đã hoàn thành rất tốt vai người vợ.

Đây là một trong những phim hay nhất trong năm 2011, được đánh giá tới 92% trên Rotten Tomatoes và 85 trên Metacritic.

2. Melancholia

Đạo diễn Lars Von Trier chưa từng làm ra bộ phim nào mà dễ xem đối với khán giả đại chúng, và Melancholia không phải là ngoại lệ. Melancholia là một trong những phim có hình ảnh đẹp nhất và sâu sắc nhất của thế kỷ 21. Tuy nhiên, hội đồng đánh giá của giải Oscar và Quả Cầu Vàng không hề để mắt tới tác phẩm tuyệt vời này, giống như phản ứng thường thấy của họ đối với các phim khác của Von Trier.

Trái ngược với người Mỹ, người Pháp lại cực kỳ ca ngợi các sản phẩm của Von Trier. Ông đã được đề cử và chiến thắng giải Cành Cọ Vàng tới 8 lần, bao gồm các giải thưởng cho Melancholia.

Với sự góp mặt của các diễn viên quen thuộc trong phim của Von Trier như Charlotte Rampling, Charlotte Gainsbourg và Kirsten Dunst, Melancholia kể về hai chị em Justine (Kirsten Dunst) và Claire (Charlotte Gainsbourg). Sau khi lấy chồng, Justine bắt đầu thay đổi và trở nên sầu não. Khi Trái Đất có nguy cơ bị hủy diệt bởi sự va chạm với một hành tinh khác tên là Melancholia, Justine tỏ ra rất thản nhiên và chấp nhận số phận. Trong khi đó, Claire trở nên hoang mang, sợ hãi và không dám đối đầu với thảm họa sắp xảy đến.

Bộ phim này, giống như những phim khác của Von Trier, phản ánh cách nhìn cực kỳ bi quan của ông đối với thế giới, nhưng ông lại thể hiện cách nhìn này một cách nhẹ nhàng và thanh tao. Đây là bộ phim khiến cho bạn phải suy nghĩ rất nhiều sau và ám ảnh một thời gian dài sau khi xem phim.

3. Looper

Looper là một trong những phim khoa học viễn tưởng hay nhất trong những năm gần đây, có cốt truyện theo chủ đề du hành thời gian. Phim được Rian Johnson đạo diễn, người mà gần đây mới thực hiện phần mới nhất của Star Wars và trước đó là bộ phim bị đánh giá thấp một cách thảm hại – Brick. Với sự tham của Joseph Gordon-Levitt, Bruce Willis, Emily Blunt và Paul Dano, phim kể về những cỗ máy thời gian được con người tạo ra nhưng lại bị cấm sử dụng, mua bán và chỉ được trao đổi trên chợ đen. Khi bọn xã hội đen muốn trừ khử ai, chúng gửi người đó về quá khứ trước 30 năm, ở đó một sát thủ giết thuê có biệt hiệu là “Looper” (Joseph Gordon-Levitt) sẽ làm nốt phần việc còn lại. Tuy nhiên, những người chủ của Joe lại quyết định đóng lại “vòng lặp” của Joe bằng cách gửi phiên bản tương lai của Joe (Bruce Willis) về quá khứ để giết anh.

Với diễn xuất xuất sắc và nội dung hấp dẫn, phim đã thành công về mặt thương mại và được đánh giá rất cao (93% trên Rotten Tomatoes và 84 trên Metacritic). Thế nhưng, phim lại không nhận được bất cứ đề cử nào.

4. Spectacular Now

Spectacular Now nói về anh chàng tuổi teen Sutter (Miles Teller) chỉ biết ăn chơi, tiệc tùng điên loạn và những xung đột của anh đối với tình yêu và sự trưởng thành – hai thứ mà anh không hề thấy hứng thú. Khi Sutter say nắng “gái ngoan” Aimmee (Shailene Woodley), anh phải đối mặt với những vấn đề của người lớn và thực tại không mấy dễ chịu. Phim không hề có câu trả lời hay thông điệp rõ ràng, mà chỉ mang đến cho người xem những cảnh phim chân thật về sự nổi loạn, ngượng ngùng, xấu hổ, đam mê và cảm giác không chắc chắn mà những cô cậu tuổi teen phải trải qua.

Cả Teller và Woodley đều có màn biểu diễn xuất sắc, thậm chí Brie Larson cũng thể hiện rất tốt vai phụ. Dưới sự cầm trịch của James Ponsoldt, đạo diễn của Smashed và một phim khác một lát nữa sẽ được nhắc đến trong danh sách này, bộ phim đã biến những nhân vật này nổi bật hơn hẳn so với những nhân vật trong các phim có chủ đề tương tự.

Phim được đánh giá tới 92% trên Rotten Tomatoes và 82 trên Metacritic nhưng chưa bao giờ được các chuyên gia điện ảnh để mắt tới.

5. Snowpiercer

Tương tự như Looper, Snowpiercer là một trong những phim khoa học viễn tưởng hay nhất trong những năm gần đây. Lấy bối cảnh trên một chuyến tàu đi qua vùng đất lạnh giá, bộ phim khắc họa những tầng lớp và giai cấp khác nhau trong xã hội đang phát triển không ngừng. Chi tiết này rõ ràng là hình ảnh ẩn dụ cho sự phân chia gia cấp đang và sẽ luôn luôn tồn tại trong thế giới của loài người. Không thể chịu đựng được tình cảnh bị dồn ép ở cuối con tàu, những tầng lớp dưới đáy xã hội quyết định nổi dậy và dẫn đến kết cục thảm khốc.

Phim được thực hiện bởi đạo diễn người Hàn Quốc Joon-ho Bong, người trước đó làm đạo diễn cho phim The Host. Dàn diễn viên trong phim cũng rất xuất sắc, với Chris Evans trong vai chính – Curtis. John Hurt, Tilda Swinton và Ed Harris cũng hoàn thành rất tốt vai phụ. Riêng Swinton thì đã có màn trình diễn đột phá trong vai Mason.

Với con số 95% trên Rotten Tomatoes và số điểm 84 trên Metacritic, Snowpiercer là một trong những phim hay nhất trong năm 2014. Nhưng cũng như các phim khác trong danh sách này, nó lại không hề nhận được bất cứ đề cử hay giải thưởng lớn nào.

6. The End of the Tour

Với hai diễn viên chính là Jason Segel và Jesse Eisenberg, đây là bộ phim thứ hai của đạo diễn James Ponsoldt nằm trong danh sách này. Phim kể về cuộc phỏng vấn diễn ra trong năm ngày giữa David Lipsky – phóng viên của tờ Rolling Stone, và David Foster Wallace – người đang quảng bá cho cuốn sách Infinite Jest được xuất bản vào năm 1996 của anh. Mỗi ngày trôi qua, hai người đàn ông dần phát triển một mối quan hệ không tên, thậm chí cả hai còn không biết liệu nó có thực sự tồn tại. Nhưng mỉa mai thay, ngoài đời thực, cuộc phỏng vấn này lại chưa bao giờ được công khai.

Cả hai diễn viên chính đều đã diễn rất xuất sắc, thể hiện được những cảm xúc và tâm tư dành cho đối phương. Segel đã diễn rất tốt những đoạn châm biếm, thể hiện được tính tình kỳ lạ nhưng cũng vô cùng thông minh của Wallace.

Kịch bản phim được Donald Margulies viết – người chiến thắng giải Pulitzer. Mặc dù được đánh giá tới 91% trên Rotten Tomatoes và 82 điểm trên Metacritic nhưng phim lại thất bại ở phòng vé. Hơn thế nữa, The End of the Tour hoàn toàn bị hội đồng Oscar và Quả Cầu Vàng phớt lờ.

7. Paterson

Phim kể về người đàn ông tên Paterson, sống ở Paterson, anh là tài xế lái xe buýt và là một nhà thơ ấp ủ nhiều khát khao và mơ ước. Khi xem phim, khán giả sẽ được chứng kiến cuộc sống bình thường của anh chàng này trong 7 ngày được thể hiện một cách tinh tế với những chi tiết sâu sắc và phức tạp. Anh lái xe buýt với tuyến đường như thường ngày, quan sát thế giới xung quanh và lắng nghe những cuộc hội thoại trên xe. Tất cả những điều này đã tạo cảm hứng cho anh để làm thơ và ghi vào cuốn sổ tay của mình. Lịch trình mỗi ngày của Paterson đều như nhau. Trong khi người vợ Laura thì lại luôn luôn khám phá những giấc mơ và tham vọng mới. Paterson yêu vợ và ủng hộ cô theo đuổi đam mê, và cô cũng ủng hộ ước mơ làm nhà thơ của anh.

Phim đươc Jim Jarmusch đạo diễn. Bộ phim trước đó của ông là Only Lovers Left Alive cũng rất xuất sắc. Adam Driver là người đảm nhận vai Paterson, anh là một trong những diễn viên mới nổi gần đây. Điểm độc đáo của phim chính là khán giả không hề cảm thấy mình đang xem một bộ phim mà giống như đang tự mình chứng kiến cuộc sống của những nhân vật này. Phim cũng có khá nhiều cảnh thú vị, chẳng hạn như lúc Paterson ở quán bar địa phương, nơi anh dừng lại như một cái máy khi dẫn chú chó đi dạo.

Với số điểm 90 trên Metacritic và 96% trên Rotten Tomatoes, Paterson là một trong những phim đáng xem nhất trong năm 2016. Tuy nhiên, không hề có đề cử quan trọng nào dành cho tác phẩm điện ảnh này.

8. The Diary of a Teenage Girl

Phim xoay quanh Minnie (Bel Powley), mẹ của Minnie (Kristen Wiig) và bạn trai của mẹ cô (Alexander Skarsgard). Minnie, giống như những cô cậu tuổi teen khác, đang tràn đầy hormone nổi loạn và đang tìm kiếm một nơi dành riêng cho mình, tìm kiếm mục đích của mình trên thế giới này. Để đạt được những điều này, Minnie dấn thân vào mối tình vụng trộm với bạn trai của mẹ cô.

Phim được đạo diễn bởi Marielle Heller, và đây là tác phẩm đầu tay của cô. Phim có nhiều đoạn hài hước, khêu gợi và đôi lúc khá khó chịu, nhưng phim không hề được làm ra với mục đích phê phán hay đánh giá lối sống hay hành vi của các nhân vật.

Bel Powley đã đảm nhận rất tốt vai diễn mang tính thử thách và đòi hỏi phải có sự gan dạ. Nhân vật của cô trưởng thành và thay đổi xuyên suốt bộ phim, đòi hỏi Powley phải thể hiện được tính cách phức tạp và những sắc thái khác nhau của nhân vật.

Phim không hề được đề cử bất cứ giải thưởng lớn nào mặc cho được đánh giá cao, với 94% trên Rotten Tomatoes và 87 trên Metacritic.

9. Krisha

Krisha là một trong những phim được đánh giá cao nhất trong năm 2016, với con số 97% trên Rotten Tomatoes và 86 trên Metacritic. Mặc dù phim đã nhận được hai đề cử tại Liên hoan phim Cannes nhưng hội đồng Academy và Quả Cầu Vàng vẫn không hề chú ý đến nó.

Đạo diễn của phim là Trey Edward Shults – người mà gần đây đã thực hiện bộ phim kinh dị xuất sắc It Comes at Night. Phim kể về người phụ nữ tên Krisha (Krisha Fairchild) đến nhà của người em gái ở Texas vào buổi sáng Lễ Tạ Ơn. Với sự hiện diện đầy đủ và đông đảo các thành viên trong gia đình, Krisha được chào đón với sự niềm nở lẫn nghi ngờ. Krisha cố gắng hòa giải với các thành viên trong gia đình, nhưng lại bị chối bỏ một cách thẳng thừng. Sau đó, những bí mật của gia đình dần được tiết lộ.

Tác phẩm đầu tay này của Trey Edward Shults đã rất thành công trong việc tạo ra cảm giác mất thăng bằng nơi khán giả. Dàn diễn viên cũng xuất sắc không kém, đặc biệt là Krisha Fairchild với vai chính. Đây chắc chắn là một trong những phim hay nhất trong năm 2016.

10. A Ghost Story

Ghost Story có sự tham gia của nam diễn viên chiến thắng giải Oscar – Casey Affleck và nữ diễn viên từng được đề cử giải Oscar – Rooney Mara. David Lowery làm đạo diễn cho phim, trước đó ông đã làm đạo diễn cho Ain’t Them Bodies Saints vào năm 2013. Trong A Ghost Story, khán giả sẽ được trải nghiệm những thước phim về sự suy ngẫm về ý nghĩa của thời gian, sự mất mát và mối liên kết của con người với những thế lực bí ẩn khác. Rooney Mara vào vai M – người phụ nữ đang đau buồn vì cái chết của người chồng tên C (Affleck). C cố gắng trở về nhà ở hình dạng một bóng ma để cố gắng an ủi M. Tuy nhiên, anh bị mắc kẹt lại giữa các chiều thời gian và không thể nào quay lại để gặp người phụ nữ anh yêu.

A Ghost Story là bộ phim vừa bí ẩn vừa sâu sắc. Phim theo phong cách siêu thực và khác hẳn với bất cứ bộ phim nào trong năm 2017. Cả hai diễn viên chính đều có màn diễn xuất mạnh mẽ và tuyệt vời, nhưng thứ khiến bộ phim hấp dẫn chính là cảm xúc, những bí ẩn và sự suy ngẫm về thời gian.

Phim được đánh giá tới 91% trên Rotten Tomatoes và 84 trên Metacritic. Dĩ nhiên, giống như tất cả những phim khác trong danh sách này, A Ghost Story không hề nhận được bất cử đề cử Oscar hay Quả Cầu Vàng nào.

Nguồn: Taste of Cinema