7 phần tiếp theo tốt nhất khỏi làm vì fan không có hứng thú coi

Phim Siêu Anh Hùng · Tin điện ảnh · EmmyVuong ·

Có những trường hợp, phần đầu tiên vô cùng nổi bật, các hãng phim nỗ lực phát triển nhiều phần tiếp theo, nhưng đôi khi một đã là quá nhiều.

Hiện nay, dường như mọi bộ phim, thậm chí những tác phẩm thành công từ lâu, dần dần được đào lên khai thác thêm phần tiếp theo, và các hãng phim luôn tìm nhiều cách để mở rộng bộ phim thành thương hiệu bom tấn đa truyền thông. Chỉ cần khán giả vẫn còn háo hức phần tiếp theo, hoặc nhà làm phim có kế hoạch tạo ra cốt truyện xứng đáng đầu tư phần mới thì việc khởi động lại một thương hiệu bom tấn chính là quyết định thương mại khôn ngoan – đôi lúc chúng ta quên rằng làm phim cũng chỉ là sự kinh doanh.

Nếu mọi người nhìn lại khoảng một thập kỉ trước, họ sẽ nhận ra những bom tấn nổi tiếng nhất và những câu chuyện của ngành điện ảnh được bàn tán nhiều nhất (trừ giải Oscar) đều xoay quanh hoặc là loạt phim nhiều phần, hoặc là loạt phim siêu anh hùng. Trong nhiều trường hợp, đó là những tác phẩm của cả hai thể loại trên, chẳng hạn The Dark KnightThe Dark Knight Rises cũng như Avengers: Age of UltronCaptain America: Civil War. Điều đó không có nghĩa là những tác phẩm điện ảnh khác không được phép tỏa sáng, chúng chỉ được đánh giá là không thành công bằng.

Có những trường hợp, phần đầu tiên vô cùng nổi bật, các hãng phim nỗ lực phát triển nhiều phần tiếp theo, nhưng đôi khi một đã là quá nhiều. Một số trường hợp khác, hãng phim nhìn thấy tiềm năng của phần mới và vạch chiến lược phát triển nó thành chuỗi phim thậm chí là xây dựng thành cả thương hiệu điện ảnh. Không may, Hollywood có công thức thành công của riêng nó và những phần tiếp theo được chuẩn bị thường bị hủy bỏ trước giờ khai máy.

Sau đây là 7 phần tiếp theo khác dứt khoát bị nói không.

1. The A-Team 2

Stephen J. Cannell, người cùng với Frank Lupo đồng sáng tạo series truyền hình The A-team những năm 80, đã cố gắng đưa tác phẩm lên màn ảnh rộng thành công từ những năm 90. Lúc đó vẫn chưa có sự tham gia của Joe Carnahan vào cuối những năm 2000 cho đến khi bộ phim được tiếp tục bật đèn xanh. Trong phần phim của Carnahan, Liam Neeson thủ vai Hannibal, Bradley Cooper trong vai Face, Quinton Jackson trong vai B.A, Sharlto Copley thủ vai Howling Mad cùng diễn viên Jessica Biel và Patrick Wilson đóng vai trò những nhân vật gốc được tạo ra cho bộ phim.

Cùng với những nhận xét đa chiều từ giới phê bình, The A-team không đạt được thành công thương mại mà hãng 20th Century Fox mong muốn khi thu về $177 triệu trên phòng vé toàn cầu so với kinh phí dự tính là $100 triệu. Con số trên không đủ thuyết phục hãng tiếp tục chuẩn bị cho phần tiếp theo, mặc dù dàn diễn viên và đội ngũ có nhã ý làm thêm phần khác. Đó là quyết định tốt nhất.

2. Batman 5

Tác phẩm của Tim Burton năm 1989, Batman, với sự tham gia của Michael Keaton hóa thân thành The Caped Crusader, đã chuyển thể bộ truyện tranh theo phong cách riêng; và dù tiếp tục phụ trách phần 2, Batman Returns, cuối cùng Warner Bros. lại chọn Joel Schumacher cho phần 3 và 4 của loạt phim về Người dơi. Phần phim Batman Forever của Schumacher đã chứng tỏ với hãng phim rằng khán giả vẫn còn hứng thú xem nhân vật này trên màn ảnh rộng, và vì vậy, họ đẩy nhanh quá trình sản xuất chương 4, Batman & Robin, với sự có mặt của George Clooney trong vai Hiệp sĩ bóng đêm.

Tuy nhiên, bộ phim lại giống mẩu quảng cáo đồ chơi hơn là bộ phim Batman truyền thống. Điều này đã buộc hãng phim phải hoãn lại kế hoạch quay bộ phim thứ ba của Schumacher, Batman: Unchained, dựa trên kịch bản viết bởi Mark Protosevich, từ đó đóng băng vô thời hạn thương hiệu này. Nhà làm phim đã nhiều lần nói rằng ông muốn cứu vãn loạt phim bằng Unchained, nhưng giờ đây, khán giả đã thưởng thức bộ ba Dark Knight kinh điển của Christopher Nolan và phiên bản Batman của Ben Affleck, việc quay lại ý tưởng xưa của Schumacher không còn hợp với thị hiếu của khán giả nữa.

3. Green Lantern 2

Ngày nay, Ryan Reynolds luôn được nhớ đến với vai diễn Deadpool dù trước đây anh từng có khoảng thời gian ngắn tham gia vào Vũ trụ DC với nhân vật Hal Jordan trong bộ phim Green Lantern của Martin Campbell (2011). Tuy nhiên, nó không hẳn là bộ phim đáp ứng được kì vọng của fan truyện tranh bấy lâu. Doanh thu chỉ $220 triệu so với ngân sách ước tính lên đến $200 triệu – chưa kể đến những nhận xét nghèo nàn – Warner Bros. đã hủy bỏ mọi kế hoạch sản xuất trilogy của Lantern.

Thay vì theo đuổi những phần khác theo kế hoạch, Warners quyết định tin dùng Man of Steel cũng như Batman V Superman: Dawn of Justice của Zack Snyder để làm bệ phóng khởi động dự án Vũ trụ truyện tranh DC. Nhận thấy không có kế hoạch nào thêm nhân vật của Reynold vào DCEU (họ sẽ reboot series về Green Lantern Corps vào năm 2020), hãng không cần cân nhắc việc phát triển phần mới cho tác phẩm của Campell.

4. Scream 5

Bậc thầy dòng phim kinh dị Wes Craven hợp tác cùng Kevin Williamson vào giữa thập niên 90 tạo nên phần phim Scream đầu tiên, đã có công hồi sinh và thổi làm gió mới vào thể loại kinh dị. Sau tất cả, nó vẫn được xếp vào tác phẩm ăn khách nhất nội địa của dòng phim ác nhân giết người, cùng với Scream 23. Tuy nhiên, Scream 4 chỉ vừa đủ để xoay xở lọt top 20 – và đó là lí do chủ yếu khiến Dimension Films quyết định không khai máy phần khác sau khi phần 4 ra mắt vào năm 2011.

Có lẽ fan mong muốn một phần khác từ lâu để khép lại series, nhưng bây giờ Craven đã qua đời, nó gần như khó có thể, thậm chí là trong suy nghĩ, làm tiếp phần 5. Hơn thế nữa, Dimension đã bắt tay với MTV làm series truyền hình về thương hiệu kinh dị này, series đang trong quá trình sản xuất mùa 3. Xem xét tất cả những điều trên, thực sự không có lí do gì để làm tiếp phần mới cho Scream.

5. Terminator: Genisys 2

Năm 1984, James Cameron và Gale Anne Hurd sáng tạo nên một trong những tác phẩm khoa học viễn tưởng được yêu thích trong lịch sử điện ảnh với The Terminator. Sau khi dành thời gian chỉ đạo Aliens, Cameron quay lại cho phần 2, Terminator 2: Judgment Day, và thú thật, series lẽ ra nên kết thúc sau đó. Không may, làm phần tiếp theo là xu hướng của Hollywood hiện nay, và thương hiệu Terminator tụt dốc không phanh kể từ Terminator 3: Rise of the Machines của Jonathan Mostow công chiếu năm 2003.

Sau khi nỗ lực hồi sinh loạt phim với Terminator Salvation 2009 thất bại, Skydance và Paramount dốc toàn lực tái khởi động series với Terminator: Genisys của Alan Taylor năm 2015. Mặc dù bộ phim khắc họa được cốt truyện hấp dẫn, màn thể hiện của nó vẫn thiếu sót nghiêm trọng (một phần vì twist chính của nó đã bị tiết lộ trong trailer). Genisys được kì vọng sẽ là phần mở đầu cho trilogy mới, và dù những phần tiếp theo không được thực hiện nữa, nó cũng không có nghĩa là thương hiệu này đã bị khai tử hoàn toàn. Cameron hiện nay đang làm việc cùng Tim Miller để reboot loạt phim một lần nữa với sự trở lại của nhân vật T-800 kinh điển do Arnold Schwarzenegger đảm nhận. Kế hoạch cho trilogy mới đang dần được định hình.

6. Fantastic Four 2

Josh Trank ra mắt giới điện ảnh như một đạo diễn có những ý tưởng độc đáo đầy triển vọng vào năm 2012 sau tác phẩm Chronicle. Không lâu sau đó, anh được mời về dẫn dắt quá trình reboot Fantastic Four của hãng 20th Century Fox cũng như phần ba loạt phim Star Wars (anh không còn gắn bó nữa). Những vấn đề trục trặc trong thời gian sản xuất dẫn đến hãng phim ra lệnh quay lại khá nhiều (điều này quá rõ ràng bởi bộ tóc giả dễ dàng nhìn thấy của Kate Mara trong bộ phim). Cuối cùng, Fantastic Four trở thành bộ phim siêu anh hùng thất bại thảm hại về mặt chuyên môn cũng như thương mại, và nó đã nhấn chìm sự nghiệp phim bom tấn của Trank – mặc cho những lời tuyên bố rằng có một phiên bản khác đâu đó đã bị thay đổi trong phòng biên tập.

Không có gì ngạc nhiên khi Fox loại bỏ Fantastic Four 2 khỏi lịch trình làm phim của mình và hủy mọi kế hoạch theo đuổi phần khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thương hiệu Fantastic Four hoàn toàn biến mất. Người biên kịch bộ phim và nhà sản xuất Simon Kinberg bày tỏ sự hứng thú làm phần khác cho Fantastic Four trong tương lai, dù anh biết rằng họ không thể phá hoại nhân vật và câu chuyện này thêm lần nào nữa; hay nói cách khác, họ có lẽ không bao giờ có cơ hội khác nếu thất bại.

7.  The Lone Ranger 2

Nhiều năm qua, hãng Walt Disney nỗ lực tái dựng nhiều tác phẩm live-action cùng những bộ phim hoạt hình truyền thống cho đến khi họ chi hàng tỷ $ mua về Lucas và Marvel Entertainment. Không may, những bộ phim live-action – có thể kể đến Tron: LegacyJohn Carter – không đủ thành công để họ bào chữa cho những tác phẩm cùng thể loại, và The Longer Ranger của Gore Verbinski là đỉnh điểm thất bại.

Johnny Depp không thể có được hào quang năm nào và thậm chí anh không thể cứu The Lone Ranger khỏi thảm họa doanh thu. Chi phí sản xuất quá cao (con số chính thức trong khoảng $250 triệu), con số quá lớn khiến Disney phải nỗ lực hoãn lại bộ phim hai năm trước khi phát hành. Armie Hammer, thủ vai nhân vật chính trong phim, đã kí hợp đồng nhiều tập dù rất khó để Disney lên kế hoạch cho phần tiếp theo. Và khán giả dường như cũng không hề mất mát gì từ chuyện này.

Người viết: Mansoor Mithaiwala
Người dịch: Emmy

Nguồn: Screen Rant

Bài viết liên quan