Avengers: Infinity War tái hiện “dự án Noah” ở phạm vi cực lớn

Phim Siêu Anh Hùng · Tin điện ảnh · Moveek ·

Năm 2014, Paramount ra mắt phim Noah có nội dung lấy từ Kinh Thánh về sự kiện Thiên Chúa cho một cơn đại hồng thủy để tiêu diệt loài người

Năm 2014, Paramount ra mắt phim Noah - Cơn Đại Hồng Thủy với sự đóng góp diễn xuất của “hoa hồng đẹp nhất nước Anh” Emma Watson. Phim có nội dung lấy từ Kinh Thánh về sự kiện Thiên Chúa cho một cơn đại hồng thủy để tiêu diệt loài người, ngài đã ra lệnh cho một người mang dòng máu của Adam dựng một chiếc thuyền và đem theo mỗi loài một cặp đực cái. Đây là câu chuyện rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến và cũng là ý tưởng sơ khai nhất về chuyện con người không nên tồn tại trên cõi đời này. Tôi thích sắp xếp những phim có ý tưởng tương đồng như vậy vào một nhóm và gọi nó là những phim về “dự án Noah”.

Một phim khác cũng liên quan đến tôn giáo và cũng nói về những trừng phạt của Chúa Trời vì những lỗi lầm của con người là Legion. Đây là một bộ phim hơi nhạt nhòa về nội dung. Có vẻ những phim về ý Chúa không được thành công lắm. Câu chuyện chỉ đơn giản là tới một ngày, Thiên Chúa không thể chịu nỗi những gì con người làm dưới trần gian, nên đã ra lệnh cho các thiên thần giáng một đòn trừng phạt, loài người sẽ phải đối diện với ngày tận thế đầy tàn khốc. Và rồi tổng lãnh thiên thần Michael đã từ bỏ đôi cánh cũng như vị thế của mình trên thiên đàng để xuống trần cứu giúp nhân loại. Ý tưởng mở đầu khá hay, nhưng phim lại đi vào motif rất thường thấy của phim Mỹ: một đám người bị dồn vào một chỗ, bị một đám quái vật tấn công, súng đạn, đánh đấm, và họ vượt qua không chút bất ngờ...


Điểm chung ở hai phim trên là chúng ta không có cơ hội đối thoại với người ra quyết định giáng đòn tận thế. Con người chỉ như cá nằm trên thớt, đợi chờ lòng nhân từ của người ra làm gỏi hoặc nhờ sự đỡ của một thế lực khác.

Phim tiếp theo chính là một khía cạnh khác của nhóm phim “dự án Noah”, bộ phim mang lại ý tưởng khởi nguồn cho tôi về nhóm phim này, Vương Quốc Trên Mây, một phim hoạt hình dựa trên một truyện trong series về chú mèo máy Doraemon. Câu chuyện xoay xung quanh nhóm bạn lớp 3E và chú mèo máy Doraemon, một ngày nọ cả nhóm nãy ra ý tưởng xây dựng vương quốc trên mây, nhưng họ không biết rằng, trên đó cũng có một vương quốc tương tự gọi là Thiên Đàng. Những người ở vương quốc Thiên Đàng có một sự tức giận ghê gớm với người mặt đất vì đã chịu đựng những hệ quả của việc biến đổi môi trường do con người mặt đất gây nên, và họ dự tính tạo ra một cơn đại hồng thủy để nhấn chìm con người dưới trần gian. Điểm khác biệt ở đây là con người có cơ hội đối thoại với người ra quyết định này.

The Day the Earth Stood Still - Khi Trái Đất Ngừng Quay cũng là một câu chuyện tương tự, rõ ràng “dự án Noah” có sức hấp dẫn riêng của nó. Bộ phim với sự góp mặt của nam tài tử Keanu Reeves có lẽ là bộ phim trả lời nhiều câu hỏi nhất về vấn đề này. Một trong những cảnh để lại tôi nhiều trăng trở nhất là đoạn đối thoại giữa bộ trưởng bộ quốc phòng và Klaatu (Keanu Reeves):

- Anh đến hành tinh của chúng tôi làm gì?
- Hành tinh của các vị?
- Đúng, hành tinh của chúng tôi.
- Không, không phải đâu.

Rõ ràng một đoạn đối thoại ngắn đã làm sáng tỏ một điều rất là trọng tâm: “Hành tinh này không phải của chúng ta”. Chúng ta chỉ là một giống loài sống ở trên trái đất thôi. Chúng ta bị ngộ nhận rằng chúng ta là chủ nhân của trái đất. Chúng ta làm những điều mà khi cả rõ cả hậu quả của nó chúng ta vẫn làm, như là chiến tranh, ô nhiễm, xả thải, khai thác tài nguyên vô tội vạ và hàng trăm vấn đề môi trường khác. Những tiến bộ về y tế, cũng như những tiến bộ về khoa học đã giúp con người sinh sôi nhanh hơn, rủi ro dẫn đến cái chết ít hơn, và như thế chúng ta lại sử dụng tài nguyên nhiều hơn.

Khác với câu chuyện của Noah và Legion, ở cả Doraemon và Khi Trái Đất Ngừng Quay, chúng ta đều có cơ hội đối thoại với bên tạo ra thảm họa, và ở cả 2 trường hợp, bản thân tôi không hề thấy “họ” là kẻ ác. Nhưng rõ ràng tiêu diệt cả một giống nòi là một hành động vô cùng cực đoan, nhưng ở cả hai tôi đều cảm nhận con người là kẻ có lỗi, người ra quyết định không hề ác, và đúng là có lý do để họ làm vậy, và việc của chúng ta là cầu xin để họ ngừng lại.

Nhưng cùng với tư tưởng đó, Inferno - Hỏa Ngục lại mang cho ta cảm giác khác. Rõ ràng với quan điểm con người đang sử dụng vượt quá tài nguyên của trái đất, thì hạn chế con người là con đường duy nhất, nhưng Hỏa Ngục lại cho ta cảm giác người dám thực hiện điều đó là kẻ ác. Hỏa Ngục theo tôi không phải là một phim chuyển thể thành công lắm, nhưng nội dung của nó cũng bớt cực đoan hơn 2 câu chuyện ở trên, mà có vẻ chuyện con người làm một chuyện của thần, sẽ dễ dàng được hiểu là một kẻ cực đoan và khủng bố.

Avengers: Infinity War, “dự án Noah” dường như được tái hiện một lần nữa nhưng ở phạm vi to lớn hơn: cả vũ trụ. Nhưng sự khác biệt của phim này là chỉ tiêu diệt ½ sinh mạng của tất cả hành tinh trên vũ trụ. Bộ phim mang lại một sự thật rất là khó chịu là Thanos không hề sai, nhưng không ai dám nói Thanos đúng. Khi Thanos nhìn sự sụp đổ của hành tinh mình trong tuyệt vọng, thì những hành động tiếp theo được mô tả trong phim thì có thể coi là cách Thanos tự cứu lại linh hồn mình. Ông đã thất bại trong việc cứu hành tinh mình vì không đủ quyết đoán và tàn nhẫn, thì việc Thanos tiêu diệt ½ sinh mệnh ở các hành tính khác chính là sự bù đắp cho nỗi ăn năn của mình, cảnh cuối phim khi Thanos mỉm cười ngắm bình minh có thể minh chứng cho điều đó.

Tôi không tin có Đấng sáng tạo, nhưng nếu không may là tôi sai, và một ngày đó ngài đồng ý trả lời một câu hỏi của tôi, chắc chắn câu hỏi của tôi sẽ là: “Ngài có bao giờ hối hận khi tạo ra con người không?”. Bây giờ tôi gần như chắc chắn câu trả lời của ngài sẽ là: “Yes, I am”.

Thành viên: News83