Bệnh viện ma: Tất cả do “Tâm”

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

Nếu phải nhận định trong một từ, tôi muốn dành từ “Ổn” cho bộ phim Bệnh Viện Ma.

Cốt truyện tưởng chừng như đi vào lối mòn khi bác sĩ Thành (Trấn Thành) đến bệnh viện An Tâm làm việc. Tại đây anh đã gặp hộ lí Tuấn (Tiến Luật), tiếp tân Trang ( Thu Trang) và y tá Hằng (Hari Won) v.v. Họ cùng nhau trải qua cơn ác mộng có tên “con ma lúc 2 giờ sáng” đã ám ảnh bệnh viện suốt 4 năm. Thế nhưng, mọi việc chẳng hề đơn giản như thế, và dường như bên cạnh bóng ma trong bệnh viện, còn có những bóng ma khác đang lởn vởn trong tim mỗi người…

Những điểm “ổn” của bộ phim:

  1. Cốt truyện liền mạch, lời thoại có cảm giác chân thật, phim có lỗ hổng (plot hole) nhưng không lủng củng và ngô nghê như nhiều phim Việt khác.
  2. Kĩ xảo tốt, hiệu ứng âm thanh rất hợp. Âm nhạc được đầu tư có bản sắc riêng.
  3. Diễn xuất của dàn diễn viên tốt. Bộ tứ Trấn Thành, Thu Trang, Tiến Luật, Hari Won chứng minh việc họ “chiếm lĩnh” màn ảnh nhỏ những năm gần đây là hợp lí. Trấn Thành diễn tốt vai bác sĩ Thành với nhiều biểu cảm cũng như xung đột nội tâm.

Tuy nhiên, những điểm kể trên cũng chính là những điều làm bộ phim chưa thể vươn lên đến tầm “xuất sắc” được.

  1. Cốt truyện tốt hơn so với phần nhiều phim Việt. Nhưng so với những siêu phẩm “hack não” mà dân nghiền phim hay xem, thì cốt truyện của Bệnh Viện Ma chỉ dừng lại ở mức “nhập môn”.
  2. Dựng phim làm tốt ở phần kĩ xảo, nhưng tiếc thay chuyển cảnh chưa được mượt mà. Nó giống như việc bạn đang bàn về đồ ăn thức uống thì bỗng xoay quanh tình hình bầu cử Tổng thống Mĩ vậy.
  3. Dàn diễn viên xuất phát là diễn viên hài kịch và dường như họ “bê nguyên xi” cái phong cách của hài kịch vào bộ phim này. Điều này khiến cho bộ phim có không khí như một tiểu phẩm hài dài  hơn là một bộ phim. Đặc biệt là chất giọng lơ lớ của Hari Won. Nếu Hari Won đóng vai Việt kiều hay con lai thì chất giọng đó là tốt. Nhưng Hằng là một người Việt Nam 100%, nên chất giọng của Hari Won thật sự rất khó chịu.

Với những điểm trên, tôi cho Bệnh Viện Ma 6/10. Nhưng có một điểm nữa khiến bộ phim trở thành 7/10.

Đó là cái “Tâm” của người làm phim.

Hãy nói về 1 điểm nổi bật của phim: yếu tố hài hước. Có thể nói biên kịch đã làm rất tốt khi tạo tình huống hài trong phim. Họ đã vượt ra khỏi lối mòn của hài Việt Nam: hài tục (sex joke), hài bê đê (dùng diễn viên đóng vai đồng tính gây cười). Những tình huống hài trong Bệnh Viện Ma có thắt nút - mở nút để khán giả cười và đánh lạc hướng họ nhằm tăng hiệu quả khi “hù dọa” họ sau đó. Chọc cười khán giả là một điều cực khó. Chọc cười mà không dùng hài nhảm còn khó hơn. Vì điều đó đòi hỏi sự tôn trọng khán giả, tin tưởng rằng khán giả sẽ thích những trò cười (joke) từ đơn giản tới phức tạp, chứ không chỉ là một đám đông thích dung tục. Nếu không có cái “Tâm” của một người làm phim chân chính, Bệnh Viện Ma hẳn đã chìm vào trong đống thứ phẩm mang tên “phim Việt”.

Và cũng với cái “Tâm” đó, mà Bệnh Viện Ma không trở thành nơi khoe mẽ những thứ như xe xịn, chân dài, hay những cảnh quay đẹp mà vô nghĩa. Mọi thứ xuất hiện trong phim đều có mục đích nhất định là triển khai cốt truyện và truyền tải những thông điệp riêng của phim. Do đó, những cảnh quay đầy cảm xúc, những bài học luân lí được đưa vào tốt hơn, tạo sự đồng cảm hơn với khán giả.

Tóm lại, sau khi xem xong bộ phim về Bệnh Viện Ma tên An Tâm, tôi cảm thấy thực sự “an tâm” hơn về tương lai điện ảnh nước nhà. Nếu các nhà làm phim đều có thái độ này, tôi nghĩ sự chuyển đổi từ “lượng biến” sang “chất biến” sẽ không còn xa.

Phim do đạo diễn trẻ Võ Thanh Hòa thực hiện.