Cá mập trên phim - Từ Hàm Cá Mập cho đến Cá Mập Siêu Bạo Chúa, rốt cuộc thì sinh vật này đã làm gì nên tội?

Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Maii ·

Cá Mập Siêu Bạo Chúa tiếp tục là phim "bôi xấu" cá mập mới nhất.

Thân hình to lớn, bơi lội tốc độ và đặc biệt là được trang bị một bộ răng cực kỳ sắc nhọn, cá mập là nỗi khiếp sợ đối với nhiều sinh vật dưới nước nói chung và con người nói riêng.

Lưu ý: Bài viết mang tính chất đùa nhạt là chính. Chống chỉ định các thanh niên nghiêm túc.

Mặc dù được mệnh danh là hung thần đại dương, nhưng có một sự thật rất buồn cười là số lượng cá mập bị con người giết lại nhiều hơn số lượng con người bị cá mập cắn mỗi năm. Từ những năm 1975 đến nay, khi bộ phim về đầu tiên về cá mập khổng lồ được ra mắt, cứ vài năm một lần, người ta lại làm phim về sinh vật “tội nghiệp” này, khắc họa hình ảnh hung dữ của nó, mặc dù cá mập chẳng làm gì nên tội nên tình.

Người “đáng trách” nhất trong chuyện này hẳn phải là Steven Spielberg khi khơi mào làn sóng “diss” cá mập trên phim ảnh bằng bộ phim Jaws (Hàm Cá Mập) – ra mắt năm 1975. Mặc dù có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh Hollywood, giúp các phim hạng B được nâng tầm nhưng cũng vì phim này mà hình ảnh cá mập bị “bôi xấu” nặng nề.

Bôi xấu cá mập là không hay đâu nhé! (Jaws 1975).
Bôi xấu cá mập là không hay đâu nhé! (Jaws 1975).

Phim xoay quanh các đợt tấn công của một cá mập trắng vào một bãi biển thương mại ở New England (Mỹ), cắn chết rất nhiều du khách ở đó. Khổ thân cá mập, bị chiếm dụng chỗ ở rồi bây giờ vùng lên đòi lại thì ngay lập tức bị quay phim đem lên màn ảnh “bêu rếu”. Trong phim, người ta còn thuê hẳn một thợ săn cá mập để đi tìm giết sinh vật biển “đáng thương” này. Bộ phim khiến khán giả xem phim chết khiếp khi thể hiện những khoảnh khắc đáng sợ của cá mập cùng hàm răng sắc bén, chỉ chực chờ nuốt chửng nạn nhân. Cuối phim, cá mập bị người ta cắn phải bình ga và nổ tung, thân xác chẳng được toàn thây.

"Tại sóng thần nên vô tình trôi dạt vào đây thôi mà", cá mập phân trần. (Bait 2012)
"Tại sóng thần nên vô tình trôi dạt vào đây thôi mà", cá mập phân trần. (Bait 2012)

Đáng tiếc là bộ phim lại thành công vang dội, nằm ở vị trí thứ 2 trong số 100 phim rùng rợn và ly kỳ nhất của Viện Phim Mỹ, có kinh phí thực hiện $9 triệu nhưng thu về tới $100 triệu. Chả trách người ta cứ đua nhau ăn theo phim này. Nhưng mà, một phim bêu rếu là đủ lắm rồi nhé! Làm quá rồi hèn gì bị chê lên chê xuống. Cá mập nhờ đó được an ủi phần nào.

Dân tình đua nhau làm phim về cá mập, tình tiết càng lúc càng khủng khiếp và máu me hơn. Nghe thiên hạ đồn vi cá mập, sụn cá mập, vây cá mập rất tốt cho sức khỏe. Trong Deep Blue See (Biển Xanh Sâu Thẳm) ra mắt năm 1999, người ta còn lấy chất lỏng từ mô não cá mập nhằm chữa chứng suy giảm trí nhớ (Alzheimer). Đây cũng là phim thử nghiệm cho đạo diễn Renny Harlin, người trước đó chưa có phim nào thành công kể từ Cliffhanger năm 1993.

"Này thì lấy bố làm thí nghiệm." - Cá mập giận dữ nghĩ. (Deep Blue Sea 1999)
"Này thì lấy bố làm thí nghiệm." - Cá mập giận dữ nghĩ. (Deep Blue Sea 1999)

Tội cho loài cá ấy, sau khi bị bóc lột cơ thể thậm tệ, loài sinh vật đáng thương này quyết định khiến những kẻ vô nhân tính này biết thế nào là “lễ độ”. Phim nhận được nhiều ý kiến trái chiều, người khen phim rất rùng rợn, kinh hãi và hồi hộp, nhưng mà nếu loài cá mập có cảm thấy đỡ tủi thì phim cũng nhận được kha khá lời phê bình tiêu cực. Đại loại như phim không có gì mới mẻ, và cũng chỉ là dạng sao chép và chút đạo nhái từ Jaws của Steven Spielberg. Phần 1 có vẻ chưa đủ nên người ta còn có dự định làm phần 2 mang tên Deep Blue Sea 2, phát hành dưới dạng DVD Blu-ray.

Hình ảnh dễ thương của cá mập bị người ta bôi xấu trên phim rất nhiều. (Bait 2012)
Hình ảnh dễ thương của cá mập bị người ta bôi xấu trên phim rất nhiều. (Bait 2012)

Bạn cảm thấy thế nào nếu ngày kia, bạn bị một kẻ tham lam nào đấy quay phim lén trục lợi? Nếu thấy ghét điều đó thì hãy hiểu rằng cá mập cũng không thích chuyện này lắm đâu! Trong Shark Night (Đêm Cá Mập) 2011, cá mập chính xác là đã bị xâm phạm quyền riêng tư như thế đất! Một đám bạn “trẻ trâu” tụ tập bên một ngôi biệt thự bên hồ để nghỉ mát (sao cá mập sống trong hồ được nhỉ?!), vui chơi và “quẩy”. Nhưng rồi một trong số họ nảy ra ý định lợi dụng con cá mập trong hồ để bày trò quay phim giật gân “kiếm fame”.

Đã bị nhốt rồi còn bị bày trò lợi dụng. (Shark Night 3D)
Đã bị nhốt rồi còn bị bày trò lợi dụng. (Shark Night 3D)

Tội con cá mập, đã bị nhốt rồi còn bị dân tình chửi không ngớt trên Youtube. Cái tội vu khống như thế nên phim flop là phải! Ngoài các phim này thì còn một số phim về cá mập khác cũng khiến người ta đổ xô đi xem, khiến làn sóng làm phim bôi xấu cá mập không biết bao giờ mới dứt, chẳng hạn như Bait – Bẫy Cá Mập (2012) hay The Shallows – Vùng Nước Tử Thần (2016).

Bây giờ thì quay phim về cá mập còn chưa đủ, bây giờ người ta còn bày trò bảo “cụ tổ” của cá mập từ thời tiền sử - Megalodon vẫn còn sống trong phim The Meg – Cá Mập Siêu Bạo Chúa! (Khổ thân cụ tổ, chết rồi cũng không được yên thân). Ngẫm đi ngẫm lại thì người “đáng tội” nhất vẫn là Steven Spielberg bởi Cá Mập Siêu Bạo Chúa người ta bảo là sự kết hợp giữa JawsJurassic Park, 2 trong số nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất của vị đạo diễn này.

Tội cho cụ tổ cá mập, chết rồi cũng không được yên thân. (The Meg 2018)
Tội cho cụ tổ cá mập, chết rồi cũng không được yên thân. (The Meg 2018)

Phim được làm dựa trên cuốn sách Meg: A Novel of Deep Terror của Steve Alten. Chưa rõ lý do con cá mập tiền sử này sống lại để làm gì, tại sao sống lại, nhưng có một điều mà chúng ta đều biết là cá mập lại tiếp tục bị “gọi hồn” trên màn ảnh. Tham gia vào công cuộc “diss” cá mập này của bộ phim có sự tham gia của các gương mặt nổi tiếng như Jason Statham, Lý Băng Băng… Trước đó thì cuốn sách mà bộ phim này dựa trên vốn do Disney mua, nhưng có vẻ như phong cách Nhà Chuột không phù hợp với một bộ phim “nói xấu” hung thần biển cả như thế nên đã nhượng lại cho Warner Bros.

The Meg – Cá Mập Siêu Bạo Chúa sẽ ra rạp vào ngày 10 tháng 8 năm 2018. Để xem khi ra mắt thì hình tượng cá mập còn xấu cỡ nào nữa, lỡ đóng vai ác rồi thì ác luôn, bà con nhỉ!