[CẢM NHẬN] My Hero Academia liệu có gì đặc biệt so với các bộ shounen khác?

TV Series · Candice183 ·

My Hero Academia nổi bật trong hàng trăm bộ anime shounen ra mắt hàng năm.

My Hero Academia (Học Viện Siêu Anh Hùng) là một trong những bộ manga/anime thể loại shounen nổi tiếng nhất ở thời điểm hiện tại. Bỏ qua việc tranh giành nhất nhì, vì người viết cảm thấy điều này rất vô chừng nhưng đương nhiên cá nhân bộ này phải có những điểm nổi bật, mới khiến dân tình u mê như vậy. 

Bộ truyện xoay quanh cậu bé Midoriya Izuku là một người vô cùng khác biệt với hầu hết dân số trên thế giới. Cậu không hề có một khả năng đặc biệt nào, thứ mà ở bối cảnh giả tưởng của câu chuyện được tạo nên được xem gần như hiển nhiên. Theo tầm ước tính thì 80% con người ngay từ khi sinh ra đã được ban cho vô vàn khả năng đa dạng được gọi là Kosei. Và từ đó những người với sức mạnh vượt trội trong số đó đã trở thành siêu anh hùng giúp đỡ mọi người và được ngưỡng mộ như những tấm gương để noi theo. Nhưng vì không có Kosei, nên Izuki thường bị coi thường và bắt nạt, mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi cậu luôn bày tỏ mong muốn của mình là trở thành một siêu anh hùng. Rồi mọi thứ bỗng thay đổi đến không ngờ, cậu gặp và được giải cứu bởi All Might - thần tượng của đời mình.

Đó là tóm tắt sơ lược về cốt truyện, bây giờ người viết sẽ quay lại với những điểm làm bộ shounen này trở nên ăn khách và được nhiều khán giả yêu mến nồng nhiệt.

1. Ý tưởng tuy cũ nhưng cũng mới

Nếu nói về ý tưởng khai thác và phát triển một thế giới siêu anh hùng thì đương nhiên các bộ comic và điện ảnh đến từ Âu Mỹ là tiên phong và làm rất tốt khó mà có thể so sánh được. Tuy nhiên, manga anime này vẫn có ưu điểm vượt trội ở một số khía cạnh khác. Nó có một cốt truyện dài xây dựng liên kết không quá phức tạp, trong khi ở phương Tây thường chú trọng phát triển riêng từng nhân vật và nối kết thành một tổng thể. Điều này giúp cho những ai chỉ muốn theo dõi một nội dung duy nhất để nắm kịp mọi thứ dễ dàng hơn là xây dựng một vũ trụ quá rộng lớn. 

Và trước đó, ý tưởng về bối cảnh đa số nhân loại sở hữu siêu năng lực áp đảo thiểu số đã từng được ra mắt trước đó, nhưng để nổi bật và được chú ý nhiều đến mức rộng rãi như My Hero Academia thì chắc rất hiếm. Ta thường thấy khán giả quan tâm nhiều vào những bối cảnh nơi những nhân vật chính được xây dựng có điểm nổi bật và đặc biệt khác người hơn. Bằng cách xây dựng tốt tiền đề ban đầu, tác giả đã tạo ra một thế giới siêu năng lực riêng, bù trừ cho khuyết điểm của những bộ tiền nhiệm đi trước để ra một sản phẩm chặt chẽ, thú hút nhưng không kém phần gay cấn. 

2. Nhân vật chính

Bên cạnh một ý tưởng tốt, nhân vật chính là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để quyết định tác phẩm có thể níu giữ và thu hút người xem đi theo diễn biến dài của các bộ manga, anime. Izuku là một người bị cho là khiếm khuyết và từ khi sinh ra thế giới này đã không công bằng với cậu. Nhưng dù bị xem thường, cười chê, thậm chí là bắt nạt và đặt cho biệt danh là Deku (cách đọc khác với tên cậu bé nhưng nghĩa miệt thị là vô năng). Dẫu thế, Izuku luôn lạc quan, nỗ lực không ngừng với hi vọng có thể thay đổi được số phận để khẳng định bản thân. Ngoài ra, cậu còn là một người đơn giản và vô cùng thân thiện, tốt bụng với mọi người.

Nhân vật này được xây dựng dựa trên những đặc điểm tính cách mà người Nhật vô cùng chú trọng như: cần cù, có trách nhiệm, biết nỗ lực cải thiện không ngừng dù trong nghịch cảnh. Hãy nhìn vào lịch sử xuyên suốt bao năm của đất nước này bạn sẽ thấy quan điểm của người viết không sai. Trái lại, họ vẫn bị đánh giá là một đất nước sống thờ ơ, chỉ chú trọng vào phát triển dẫn đến sự đi xuống về tình thần, đưa đến nhiều chuyện thương tâm (như vấn đề số người tự tử hàng năm hay tội phạm tăng cao...) Và Izuku đã bổ trợ cho ngay cả khuyết điểm này. Bởi thế, khi càng xem ta lại càng cảm thấy cậu thiếu niên này đem lại nhiều cảm xúc tốt đẹp, đáng học hỏi và noi theo.

3. Nét vẽ và cách tạo hình nhân vật khác biệt

Thật ra mà nói, ban đầu người viết không thích tạo hình cũng như nét vẽ của bộ này lắm. Nó được chia làm hai kiểu, một là quá trẻ con, còn lại thì quá dị, không đẹp như những bộ shounen khác. Đơn cử có thể so sánh với Jujutsu Kaisen, Demon Slayer... Vì về tổng thể nó không được đồng đều về tạo hình nhân vật. Nhưng càng xem, lại càng thấy đây là một nét riêng, đầy cá tính của tác giả. Ta vẫn cảm nhận được sự pha trộn mới lạ giữa kiểu vẽ manga đặc trưng và hơi hướng rắn rỏi của comic phương Tây. Chính vì ở điểm này, mà ngoại hình của các nhân vật khó mà bị hoà lẫn với nhau. Nó đáp ứng được một yêu cầu khó khăn khi xem anime của người viết là rất khó chịu khi nhìn ai cũng giống nhau, chỉ thay đổi kiểu, màu tóc và chiều cao.

4. Các nhân vật phụ được xây dựng tốt

Đã có thiết kế hình ảnh riêng biệt nên tính cách của các nhân vật cũng được xây dựng và phát triển rất tốt và riêng biệt. Mỗi người là một kiểu tính cách, hành xử và suy nghĩ khác nhau. Nó có thể là đối lập như Izuku với Bakugou hay bổ trợ cho nhau như Izuku và Uraraka... Nhưng nhìn chung nhân vật chính làm tốt vai trò của mình là nối kết và làm nổi bật những nhân vật khác và ngược lại. Điều này tạo ra một hệ thống nhân vật tốt, có gắn kết để phát triển lâu dài. Mối quan hệ và tương tác của họ cũng được chú trọng tỉ mỉ. Người xem có thể nhìn thấy rõ sự thay đổi của họ theo diễn biến chậm rãi nhưng rõ ràng. 

Khi chúng ta dõi theo nhịp độ phim, sẽ có lúc ức chế vì Bakugou, đồng cảm cùng Izuku, vui vẻ và phấn khích với All Might. Thế nhưng, sau đó họ từ từ đưa ta đến những cung bậc cảm cúc khác. Chỉ cần như vậy cũng đủ để khen rồi. 

5. Khéo léo lồng ghép nhiều vấn đề xã hội, thế giới một cách khách quan và tích cực

Từ những tập đầu, anime đã nhiều lần nhấn mạnh đến vấn đề "công bằng" và "bất công" của thế giới qua việc sở hữu Kosei. Điều này cũng phản ánh những vấn đến nhức nhối ở thực tế như phân cấp giàu nghèo, phân biệt chủng tộc, chú trọng vào thành tích... Nó biểu hiện rõ việc bất công có thể đã xảy ra với nhiều người ngay từ khi họ sinh ra và khiến họ bị hạn chế và xem thường bởi số lượng tập thể đông đúc, chiếm ưu thế hơn hay những quan điểm, phân cấp xã hội. 

Tuy nhiên, bộ shounen này lại không biến điều đó thành một cốt truyện quá nặng nề và u ám. Nó khai thác những chuyện đó bằng thông qua không khí khá nhẹ nhàng, vui tươi và tích cực. Ngoài ra, còn đưa cho ta nhiều cách nhìn mới thông qua các nhân vật và chứng tỏ đanh thép rằng: dù cho thế nào đi nữa thì nỗ lực, cố gắng hết mình sẽ luôn đưa ta đến những cơ hội mới, những hi vọng tươi sáng hơn.

5. Diễn biến chậm rãi nhưng vẫn nhấn nhá nhiều cao trào, bất ngờ

Như ai cũng biết, nội dung và diễn biến là yếu tố gần như quyết định một tác phẩm có đáng xem hay không. Nhưng tại sao người viết lại đặt nó ở cuối cùng? Vì nếu bạn mới bắt đầu xem bộ này như người viết thì sẽ cảm thấy nó khá chậm trong cách xây dựng câu chuyện của mình dù nhịp độ vẫn ổn định, không bị slow-motion hay flash back kiểu khó ưa như một số bộ khác. Tuy nhiên, vì nó vui tươi và khá nhẹ nhàng ở nhiều tập đầu sẽ khiến người xem ở lứa tầm 20 trở lên thấy có chút trẻ con, đôi khi là hơi thiếu chiều sâu. Tuy nhiên, càng xem thêm ta thấy sự phát triển nhanh của nhân vật đã bù trừ cho điểm này. 

Ngoài ra, tác giả cũng khéo léo nhấn nhá nhiều phân cảnh bất ngờ hay diễn biến cao trào nên không khiến ta quá nhàm chán. Bên cạnh đó, bộ này thiên về hài hước nên xem giải trí rất ổn. Nhưng bạn cần nhiều kiên nhẫn để theo dõi vì theo cá nhân mình, phần đầu tiên chỉ là giới thiệu khái quát về thế giới, các nhân vật và những điều quan trọng thôi! Nên theo dõi thêm để thấy được sự bùng nổ của anime chứ nó không ầm ầm gây hết hồn như một số bộ bạn đã từng xem trước đó. Đơn cử là bản thân người viết đến bây giờ mới chịu cày nên hơi hụt hẫng đôi chút nhưng không đến nỗi thất vọng.