Cô Ba Sài Gòn vướng điều tối kỵ khi tham gia giải Cánh Diều Vàng 2018

Góc Nghệ Thuật · Chou186 ·

Loại bỏ các tác phẩm điện ảnh remake thì vẫn còn một số cái tên sáng giá được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện tại mùa giải năm nay như Cô Ba Sài Gòn, Em Chưa 18, Mẹ Chồng, Dạ Cổ Hoài Lang...

Được đánh giá là dự án phim thành công với giá trị và hiệu ứng khủng đối với khán giả, thế nhưng Cô Ba Sài Gòn lại gặp phải một điểm chí mạng gây bất lợi hơn so với những đối thủ khác trong trận chiến tranh cúp Cánh Diều Vàng 2017.

Sáng ngày 5/4/2018, buổi họp báo Cánh Diều Vàng 2017 được diễn ra tại Hà Nội với mục đích thông báo quy chế và ra mắt loạt phim đứng ra tranh cử tại mùa giải năm nay. Tổng số lượng tác phẩm đăng ký dự thi gồm 117 phim, trong đó có 13 phim điện ảnh đặc sắc, bên cạnh 16 phim truyền hình, 13 phim hoạt hình, 34 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 32 phim ngắn cùng 4 công trình nghiên cứu lý luận điện ảnh.

Trong đó phải kể đến 13 bộ phim điện ảnh nhận được rất nhiều sự chú ý từ khán giả và dư luận như Bạn Gái Tôi Là Sếp, Giấc Mơ Mỹ, Em Chưa 18, Mẹ Chồng, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, Ở Đây Có Nắng, Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa, Sắc Đẹp Ngàn Cân, Ngày Mai Mai Cưới, Đảo Của Dân Ngụ Cư, Cô Ba Sài Gòn, Yêu Đi Đừng Sợ và Dạ Cổ Hoài Lang. 

Tuy nhiên, khác với mọi năm, giải Cánh Diều Vàng 2018 sẽ được BTC và giám khảo giải thưởng chấm theo tiêu chí “đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”. Loại bỏ các tác phẩm điện ảnh remake thì vẫn còn một số cái tên sáng giá được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện tại mùa giải năm nay như Cô Ba Sài Gòn, Em Chưa 18, Mẹ Chồng, Dạ Cổ Hoài Lang...

Trong số 9 phim điện ảnh thuần Việt, Cô Ba Sài Gòn nổi bật nhất khi mang lại nhiều giá trị, ý nghĩa sâu sắc, nội dung hấp dẫn, giàu sáng tạo, đáp ứng thị hiếu của khán giả cũng như làm vừa lòng giới chuyên môn. Đây là bộ phim điện ảnh về đề tài thời trang mang yếu tố xuyên không kỳ ảo do Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn làm đạo diễn với sự tham gia của các diễn viên Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Hồng Vân, Diễm My, Diễm My 9X, Oanh Kiều và S.T.

Là người có tình cảm đặc biệt với áo dài, Ngô Thanh Vân đã nói về ước muốn làm bộ phim nói lên giá trị của người phụ nữ cũng như trang phục truyền thống Việt Nam này với nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn. Sau cùng, cô và Thủy Nguyễn đã quyết định đưa áo dài thời xưa lên màn ảnh để mọi người có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được sự đẹp đẽ, mộng mơ, dịu dàng, đằm thắm của một người phụ nữ trong tà áo dài. Đây cũng là ý tưởng đầu tiên cho sự ra đời bộ phim Cô Ba Sài Gòn. Sau nhiều giai đoạn viết và chỉnh sửa, Ngô Thanh Vân tâm sự rằng đã có lúc cô phải thay đổi hoàn toàn kịch bản so với ban đầu nhưng đến khi nhận được kịch bản từ nhà biên kịch Kay Nguyễn, cô mới cảm thấy nhẹ nhõm vì biết đây là cuốn phim thể hiện được đủ đầy những yếu tố mà cô mong muốn thực hiện như dự định ban đầu.

Tất cả những phục trang trong phim đều do nhà thiết kế Thủy Nguyễn lên ý tưởng. Cô cho biết những chiếc áo dài trong phim, đặc biệt là các thiết kế với hoạ tiết gạch bông quen thuộc là cảm hứng cô lấy từ nỗi nhớ dành cho chính thành phố Sài Gòn những năm 60 và ngôi nhà thân thương một thời của mình. Bên cạnh áo dài, phim còn đề cập đến những bộ trang phục phương Tây đang rất thịnh hành vào thập niên 1960 như như váy liền chữ A, váy bút chì, váy suông...

Lý giải tên phim Cô Ba Sài Gòn, Ngô Thanh Vân cho biết hai từ cô Ba thân thương được dùng để gợi nhớ đến hình ảnh người phụ nữ miền Nam thời xưa chứ không phải tên riêng và cũng khẳng định rằng tên gọi này đã đăng kí bản quyền để tránh nhầm lẫn với một số thương hiệu ẩm thực, mỹ phẩm.

Tuy nhiên, cũng tại buổi họp báo vừa diễn ra, BTC có đề cập đến một điểm “chí mạng” khiến tác phẩm gặp bất lợi so với các đối thủ còn lại. Cụ thể, ở thời điểm công chiếu, nhiều người nhận ra kịch bản Cô Ba Sài Gòn có nhiều nét tương đồng với tượng đài phim thời trang The Devil Wear Prada (tên tiếng Việt: Yêu Nữ Thích Đồ Hiệu). Không chỉ giống nhau về mặt tạo hình giữa nhân vật Helen (do Diễm My 9x đóng) và Miranda Priestly, Cô Ba Sài Gòn còn sử dụng một số trang phục, phân đoạn, cốt truyện khiến người xem liên tưởng đến siêu phẩm của đạo diễn David Frankel. Mặt khác, đây còn bị xem là điều tối kị, vi phạm tiêu chí sáng tạo được đặt ra trong quy chế chấm giải Cánh Diều Vàng.

Đại diện BTC cho biết: “Hội đồng ban giám khảo sẽ xem xét thật kỹ, tìm ra những cảnh sao chép giữa các bộ phim. Nếu điều này là thật thì phim đã vi phạm quy chế đề cao sự sáng tạo, ảnh hưởng đến kết quả chấm điểm cuối cùng của bộ phim”. Theo lời BTC, tất cả các bộ phim sẽ được xem xét, chấm điểm thật kỹ, đảm bảo sự công bằng bởi hội đồng giám khảo chuyên nghiệp.

Mặc dù có thể gặp bất lợi về mặt sáng tạo bởi những điểm nêu trên, Cô Ba Sài Gòn vẫn còn cơ hội tranh cúp lớn tại mùa giải năm nay nhờ đáp ứng nhiều tiêu chí khác như giá trị nhân văn, hiệu quả xã hội hay tính dân tộc thể hiện trong tác phẩm. Tóm lại, kết quả chung cuộc cho ngôi vị cao nhất Cánh Diều Vàng 2017 chỉ có thể được biết trong lễ công bố giải thưởng cuối cùng.