Đặt lên bàn cân The Hobbit: An Unexpected Journey vs Fantastic Beasts and Where to Find Them

Tin điện ảnh · VLynd ·

Điểm chung của hai bộ phim này là cả hai đều là phần tiền truyện được chuyển thể từ sách của 2 loạt phim đình đám là Lord of the Rings và Harry Potter, cũng như là phần mở đường cho những diễn biến tiếp theo xảy ra trước đó.

Vừa qua, Fantastic Beasts and Where to Find Them có phần mở đầu khá thành công về mặt doanh thu, tạo bước đệm cho các phần phim tiếp theo; tuy nhiên, về mặt nội dung, có vẻ bộ phim chưa thật sự làm thoả mãn phần lớn người hâm mộ của Harry Potter, điều mà The Hobbit: An Unexpected Journey đã làm khá tốt. Đó chỉ là nhận định chung, thử đặt lên bàn cân từng chi tiết, hẳn là Fantastic Beasts cần phải học hỏi The Hobbit nhiều, dù ra mắt sau đó vài năm.

Điểm chung của hai bộ phim này là cả hai đều là phần tiền truyện được chuyển thể từ sách của 2 loạt phim đình đám là Lord of the Rings và Harry Potter, cũng như là phần mở đường cho những diễn biến tiếp theo xảy ra trước đó. Bên cạnh đó, cả The Hobbit lẫn Fantastic Beasts đều có những yếu tố huyền bí như: phù thuỷ, sinh vật lạ kỳ, phép thuật, hắc ám, v.v. Tuy cách kể chuyện lẫn bối cảnh có phần khác nhau nhưng đều thu hút được một lượng người hâm mộ khá lớn.

1. Nội dung

Nếu The Hobbit: An Unexpected Journey được đánh giá là khá kỳ thú với nhiều yếu tố xoay quanh như câu chuyện phiêu lưu tìm về vương quốc đang bị đánh cắp, quá trình kết bạn của anh chàng Hobbit, Bilbo Baggins và mối quan hệ giữa các tuyến nhân vật Dawrfs, Gandalf và Elves; thông qua chuyến đi bất ngờ ấy, nhiều thông điệp về tính nhân văn, bản ngã của con người được truyền tải.

Ngược lại với The Hobbit, nội dung của Fantastic Beasts có phần rập khuông với việc nhân vật chính bất ngờ rơi vào tình huống giải cứu thế giới (loài người lẫn phù thuỷ) khỏi sự tấn công của một ác nhân siêu mạnh. Điểm sáng duy nhất của bộ phim có lẽ khéo léo lồng vào đó bài học về sự kỳ thị đối với những gì mà con người chưa hiểu rõ nên muốn tiêu diệt, sự nép mình của một chàng trai phải sống sai với bản chất, nghe khá giống với các tình huống bạo lực học đường, kỳ thị LGBT, phân biệt giới tính của thời nay phải không?

2. Diễn biến

Tuy lồng ghép nhiều tuyến truyện nhưng nội dung của The Hobbit không bị thừa thải mà trái lại được lột tả rất tốt. Mạch phim khá dồn dập, gây hồi hộp với nhiều tình huống không thể nào đoán trước được, đúng như tên gọi hành trình vô định.

Một cuộc hành trình với khởi đầu khá thơ mộng

Ngược lại đó, Fantastic Beasts thì có phần liền mạch hơn, không đan xen nhiều giữa hiện tại và quá khứ khi nhân vật chính Newt Scamander chủ yếu tìm kiếm những sinh vật đã cố tình trốn khỏi va-li của anh với một người bạn đồng hành No-Maj một cách bất ngờ, cuộc tìm kiếm ấy vô tình kéo anh vào một tình huống oái ăm và liên quan đến vận mệnh của thế giới.

 Bên trong cái va-li ẩn chứa nhiều điều huyền bí

3. Khoảng lặng

Phải công nhận đây là một trong những yếu tố xuất sắc của The Hobbit, nhịp phim nhanh là thế, dồn dập là thế nhưng những khoảng lặng khi Thorin nhớ lại một thời hào quang của dân tộc ông lại chính là điểm nhấn của bộ phim, nhắc nhở cho khán giả biết lý do của cuộc hành trình tưởng chừng như vô định lại có một hồi kết.

Giây phút trầm ngâm của Thorin Oakenshield

Với Fantastic Beasts, các khoảng lặng tuy cần thiết nhưng không đủ gây xúc động mà trái lại có phần buồn ngủ, cái giây phút mà nàng phù thuỷ Queenie buộc phải chia tay và xoá ký ức của anh chàng No-Maj có phần dài dòng khiến cảm xúc có phần loãng ra và mất đi sự xúc động. Thật ra nếu so với The Hobbit thì Fantastic Beasts hoàn toàn không có khoảng lặng nếu xét về mặt nội dung, các biên kịch nên tập trung khai thác về mối quan hệ giữa các nhân vật nhiều hơn nữa, đặc biệt là sự gắn bó giữa Newt và các sinh vật của anh.

Một khoảng lặng dư thừa và bị lập lại

4. Nhân vật

Cái hay của The Hobbit là cùng một lúc giới thiệu khá đông nhân vật thuộc các chủng tộc khác nhau nhưng không đem lại cảm giác choáng ngợp cho người xem, mỗi nhân vật đều có đất diễn phù hợp và nguyên tác gần như được miêu tả khá giống trong truyện. Các nhân vật đều được khắc hoạ tâm lý một cách rõ rệt, một Bilbo Baggin hài hước và lanh trí, một Thorin lạnh lùng và quyết đoán trong tâm thế của người lãnh đạo, một Gollum đầy gian xảo, một Gladriel xinh đẹp và ma mị, một Thranduil xuất hiện được vài giây nhưng lộ rõ vẻ kiêu ngạo.

Một Gandalf thông thái và uy quyền

Fantastic Beasts cũng đông nhân vật và đúng như tên gọi của nó là tìm kiếm các sinh vật huyền bí, khá nhiều sinh vật thú vị được giới thiệu nhưng bị đánh giá là không được mô tả chi tiết như trong tiểu thuyết của J.K. Rowling. Mang tiếng là bộ phim về các sinh vật huyền bí nhưng có vẻ khá ít chi tiết liên quan tới chúng nhỉ? Bên cạnh đó, nhân vật nữ chính Tina lại bị đánh giá có phần “bánh bèo” và phiền phức. Thay vì chỉa máy quay tới những nhân vật phụ thì đạo diễn nên mô tả các sinh vật nhiều hơn, dù sao đây cũng là phần phim khởi đầu nên sẽ không ai trách hơn là khai thác một cách hời hợt. Điểm sáng về nhân vật của Fantastic Beasts có lẽ là vẻ đẹp trai của anh chàng Eddie Redmayne trong vai Newt và sự hài hước của anh cùng người bạn đồng hành No-Maj và các sinh vật dễ thương lẫn thú vị.

Dễ thương thế này mà ít được lên hình ghê

5. Vai phản diện

Với một bộ phim về cuộc phiêu lưu thì The Hobbit không ít vai phản diện, bỏ qua một vài vai phụ thì nhân vật Azorg và Smaug thật sự khá là đáng gờm, chưa kể trùm cuối Necromancer xuất hiện vài giây cũng đủ khiến khán giả thót tim. Với nhân vật Pale Orc, trở lại và đối diện với Thorin cùng những người bạn đồng hành, hắn chứng tỏ hắn không dễ bị tiêu diệt dù chỉ với một tay cũng đủ cho nhân vật Thorin lên bờ xuống ruộng; còn với rồng Smaug, hết gieo rắc nỗi kinh hoàng ở đầu phim, cuối phim thức tỉnh, mở một con mắt nhưng đem lại điêm báo chẳng lành cho cuộc hành trình vốn dĩ đã đầy gian truân.

Chỉ cần mở mắt...

Trái ngược đó, Fantastic Beasts có hai vai phản diện, nhân vật Credence thì nhút nhát, sợ sệt gần hết bộ phim, tới lúc bùng nổ thì lại bị tiêu diệt một cách dễ dàng; nhân vật phản diện ngầm thứ hai là Graves aka Grindelward thì chưa đủ mưu mẹo, chưa đủ khiếp sợ dù được cho là ghê gớm hơn kẻ-mà-ai-cũng-biết-đó-là-ai.

Trông có vẻ đáng sợ...

6. Bối cảnh

Trải dài theo chuyến phiêu lưu, The Hobbit đưa khán giả khởi đầu với vùng Shire đầy thơ mộng, hay vùng Rivendell đậm chất tiên song song đó là sự đáng sợ của Misty Moutain.

Một trong những cảnh quay đẹp nhất trong The Hobbit

Bối cảnh của Fantastic Beasts có sự chuyển giao giữa hiện đại và cổ kính của thế kỷ 20, tuy nhiên, sảnh MACUSA lại tạo cho khán giả có cảm giác lạm dụng hiệu ứng phông xanh quá nhiều. Điểm sáng của kỹ xảo trong Fantastic Beasts chỉ là các cảnh quay từng nơi ở của các sinh vật trong va-li của Newt.

Khung cảnh diệu kỳ bên trong va-li của Newt

7. Âm nhạc

Trái với The Hobbit, âm nhạc trong Fantastic Beasts hầu như chả để lại ấn tượng gì nhiều cho khán giả ngoài phần nhạc mở đầu gợi nhớ lại Harry Potter.

Còn với The Hobbit, âm nhạc chính là linh hồn của bộ phim, không thể nào thiếu đi những bài ca tươi vui lẫn trầm lắng của tộc Dawrfs, hay chất thơ trong không gian của tộc Elves. Hơn nữa, phần nhạc đệm cũng là một yếu tố giúp cho cảm xúc của khán giả thăng hoa khi thưởng thức The Hobbit.

Nói tóm lại, tuy được sản xuất trước nhưng The Hobbit có vẻ áp đảo Fantastic Beasts. Tạm bỏ qua các yếu tố nêu trên, The Hobbit đem lại cho người hâm mộ một ký ức về Lord of the Rings đình đám ngày nào, khi Fantastic Beasts có phần nghiêng về thương mại hơn là một phần phim tri ân với khán giả Harry Potter.