Điểm danh những vị thần xuất hiện trong American Gods

TV Series · Tin điện ảnh · Gunn ·

Trong số rất nhiều TV series ra mắt vào dịp hè năm nay, ấn tượng nhất phải kể đến tác phẩm American Gods được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Neil Gaiman.

Trong số rất nhiều TV series ra mắt vào dịp hè năm nay, ấn tượng nhất phải kể đến tác phẩm American Gods được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Neil Gaiman. Ngoài phần nội dung lôi cuốn, phim còn là thành quả sau thời gian dài chờ đợi và được nhào nặn công phu từ ê-kíp từng sản xuất series Hannibal.

Với bộ sậu là hai đạo diễn tài năng Bryan Fuller (seriesHannibal của NBC) và Michael Green (series The River của ABC), bộ phim hứa hẹn sẽ mang những màu sắc độc đáo, khác lạ và đầy lôi cuốn. Bên cạnh đó, dàn diễn viên của phim là Ricky Whittle (vai nam chính Shadow Moon), cùng với một trong những “lão làng” của nền điện ảnh thế giới - Ian McShane (vai Mr.Wednesday) chắc chắn sẽ làm khán giả thích thú với các nhân vật trong phim.

Nội dung của American Gods khai thác cuộc chiến giữa các vị thần, một chủ đề không mấy xa lạ trong thế giới điện ảnh. Tuy nhiên, phim tạo nên sự mới mẻ khi kể câu chuyện hiện đại của các vị thần, đó vừa là những vị thần xưa cũ đã tồn tại hàng thế kỉ đến nay (Cựu Thần), vừa là những vị thần mới xuất hiện thời gian gần đây (Tân Thần).

Với phần nội dung dựa trên nguyên tác, American Gods đang được trông đợi là một bộ phim “fan-service” đúng nghĩa với những ai đã yêu thích tiểu thuyết của Neil Gaiman. Nhưng, để chuyển thể từ trang sách lên  màn ảnh nhỏ, sẽ luôn có những sự thay đổi, và bộ phim đang tự tạo nên sự sống động riêng biệt cho bản thân mình. American Gods sở hữu những nhân vật cũ nhưng được thêm vào các chi tiết mới, qua đó làm đa dạng và phong phú hơn cho mạch truyện chính của phim. Chính vì thế, hãy cùng điểm qua những nhân vật trong phim từ người, thần cho đến các sinh vật kì lạ để nắm rõ hơn câu chuyện và mối quan hệ giữa họ với nhau.

Lưu ý: Những chi tiết dưới đây có thể sẽ spoil nội dung phim, các bạn cần cân nhắc trước khi xem.

Shadow Moon (Ricky Whittle)

Shadow là một tù nhân, anh được thông báo mãn hạn tù sớm nhưng cùng lúc đó nhận hung tin: Laura, cô vợ của anh đã chết trong một vụ tai nạn. Trớ trêu thay, Laura lại chết trong tình trạng đang “ân ái” với bạn thân của anh trong xe hơi. Trong chuyến bay trở về dự tang lễ, Shadow gặp được một gã đàn ông bí ẩn, ông tự gọi mình là Mr. Wednesday. Gã đã cho Shadow một công việc với nhiệm vụ như một vệ sĩ, nhưng sau khi đồng ý, anh đã sớm nhận ra Mr. Wednesday và cả những người biết về ông ta đều không phải là người thường.

Trong nguyên tác, Shadow thuở nhỏ là cậu bé thường xuyên bị bắt nạt. Đến khi trưởng thành, anh dần trở thành con người cam chịu, kìm chế cảm xúc trong tất cả mọi chuyện, ngay cả khi nghe tin cô vợ qua đời. “Nhân vật Shadow đã không được chuyển thể đầy đủ khi lên phim (so với các nhân vật khác), khán giả thật sự không thích một nhân vật chỉ chăm chăm trốn chạy thực tại như vậy vào mỗi dịp cuối tuần” - diễn viên Ricky chia sẻ. “Vậy nên những gì Micheal và Bryan đã làm được là giới thiệu một nhân vật nhiều màu sắc hơn, thu hút hơn, một nhân vật để khán giả phải dõi theo xuyên suốt chuyến hành trình kì lạ của anh".

Mr. Wednesday (Ian McShane)

Ngay lần đầu xuất hiện tại sân bay, Mr.Wednesday đã cho thấy bản thân không phải là một kẻ đơn giản, chỉ bằng một mánh nhỏ, lão đã dễ dàng có được thứ mình muốn. Tiếp theo đó, Mr.Wednesday chễm chệ ăn mừng chiến công của mình và bắt đầu màn gạ gẫm một công việc vô cùng đặc biệt dành cho Shadow. Nhờ tên gọi kì lạ cùng những mánh khóe tinh ranh của mình, Mr.Wednesday đã nghiễm nhiên tạo nên một vẻ ngoài vô cùng bí ẩn nhưng kèm theo đó là sức mạnh ma thuật khó lường.

Trong nguyên tác, ban đầu, Mr.Wednesday được mô tả như “gã đàn ông trong bộ suit màu nhạt”, và hình tượng này rất giống với bản gốc. Tuy nhiên, Mr.Wednesday trong phim còn có khá nhiều điểm mới mẻ, đi kèm với đó là mối liên quan tới Shadow và cả vợ anh ta, Laura. Có rất nhiều bí ẩn xung quanh thân phận thật sự của nhân vật này, nhưng nếu xét về hình tượng thì Mr.Wednesday khá giống với thần Odin, vị thần tối cao của thần thoại Bắc Âu - thủ lĩnh của những Cựu Thần.

Bilquis (Yetide Badaki)

(Cựu Thần)

Thần Cơ Đốc Giáo

Được biết đến như vị thần của Tình Yêu và Dục Vọng, Bilquis giờ chỉ là kẻ khao khát được sùng bái thông qua những nạn nhân mà bà ta chiếm hữu. Bằng việc dẫn dụ những kẻ khờ khạo, bà ta tiến hành nghi lễ bằng cách “nuốt chửng” tất cả những kẻ ấy vào bên trong mình.

Trong nguyên tác, Bilquis còn có một tên gọi khác là nữ hoàng của Sheba, một hình tượng đã góp phần hình thành văn hóa cho các tộc người Ả rập, Ê-ti-ô-pi-a và Do Thái. Trong tiểu thuyết, Bilquis chỉ xuất hiện vỏn vẹn ở phần mở đầu và kết thúc, nhưng trên màn ảnh nhỏ “Bà là một nhân vật nắm vai trò chủ chốt”  - đạo diễn Bryan cho biết.

Czernobog (Peter Stormare)

(Cựu Thần)

Thần của người Slave

Trong phim, Czernobog được Shadow và Mr.Wednesday chiêu mộ vào cuộc chiến khi đang sống tại ngôi nhà chung tồi tàn của ba chị em tiên tri. Từng là vị thần của bóng tối và sự tàn ác, Czernobog giờ chỉ còn là một tên đồ tể chuyên giết thịt gia súc. Khi nhận được đề nghị của Shadow, ông đã từ chối nhưng rồi thay đổi ý định sau một màn thử thách thú vị.

Trong nguyên tác, tác giả Neil Gaiman miêu tả Czernobog như một vị thần với khuôn mặt xám xịt và hàm răng vàng đậm. Vào những năm 1940, Czernobog còn được xem như biểu trưng của bóng tối, một con quỷ đá trong tác phẩm Night on Bald Moutain.

Mr. Nancy (Orlando Jones)

(Cựu Thần)

Thần phía Tây Châu Phi

Là một trong những vị thần lừa đảo bậc nhất, Mr. Nancy (a.k.a Anansi) không phải là một kẻ có thể tin tưởng trong đội quân mà Mr. Wednesday chiêu mộ. Thường xuyên xuất hiện với bộ đồ màu vàng mang phong cách và âm hưởng thời trang từ Nam Châu Phi, hắn là kẻ gieo rắc những câu chuyện ma mị nhưng đầy lôi cuốn để lôi kéo nạn nhân vào “lưới nhện” mà bản thân đã giăng sẵn.

Trong nguyên tác, Mr. Nancy xuất hiện trên trang sách với hình ảnh một lão già nhỏ bé có đôi mắt màu gỗ, bộ ria lưa thưa, đội một chiếc mũ fedora màu xanh, đeo găng tay vàng và vận những bộ vest sọc caro. Mr. Nancy là nhân vật duy nhất có hẳn một phần ngoại truyện mang tên Anansi Boys, và diễn viên Orlando đã được bàn bạc, xem xét trong khâu tuyển diễn viên. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, trong thời gian sắp tới, nếu vũ trụ phim American Gods được mở rộng, sẽ có một bộ phim về Anansi và con trai ông ta.

Easter (Kristin Chenoweth)

(Cựu Thần)

Thần của người Đức

Easter của hiện tại đang chìm đắm trong sự tuyệt vọng của bản thân. Từng được biết đến với cái tên Ostara, vị thần của mùa xuân, bà giờ chỉ còn là kẻ mang danh Easter và chờ đợi dâng hiến lễ vật từ những món kẹo dẻo hay socola hình thỏ. Diễn viên Kristin cho biết: “Bà ta thật sự rất rất tức giận khi thánh Jesus đã lấy mất ngày lễ của mình”.  

Trong nguyên tác, Easter là nữ thần tròn trịa có mái tóc màu bạch kim. Lần đầu tiên xuất hiện của bà là tại một buổi picnic miễn phí trong công viên, nơi mà bất cứ ai cũng có thể tham dự. Shadow và Wednesday sau đó đã đến và đưa ra đề nghị với bà tại một quán cafe, nhắc cho Easter biết rằng bà chỉ đang cam chịu số phận thực tại của bản thân.

Low Key Lyesmith (Jonathan Tucker)

(Cựu Thần)

Thần của người Na-uy

Low Key là bạn trong tù của Shadow, người đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho anh trước khi trở lại với xã hội bên ngoài. Trong season 1, thời lượng xuất hiện của nhân vật này là không nhiều do diễn viên Jonathan đang bận rộn với dự án phim Kingdom. Tuy nhiên, khi trở lại trong season 2, Low Key chắc chắn sẽ là một nhân vật thú vị, góp phần thay đổi diễn biến cuộc chiến của các vị thần.

Trong nguyên tác, Low Key được miêu tả như “một sinh vật đáng sợ từ Minesota” với nụ cười trên khuôn mặt sẹo và mái tóc màu cam. Một điểm khác biệt lớn so với trong tiểu thuyết đó là nhân vật này trong phim bị mù. “Điều này không có trong kịch bản” - Tucker chia sẻ - “Đó chỉ là một phút ngẫu hứng của cả Bryan và tôi, anh ấy như kiểu 'Được đó, cứ làm như thế này đi'”. Có thể đoán rằng, Low Key thật sự là Loki, vị thần tinh ranh và là cội nguồn của những xung đột đến từ thần thoại Bắc Âu.

Mr. Ibis (Demore Barnes)

(Cựu Thần)

Thần Ai Cập

Mr. Ibis, người được biết đến với cái tên Thoth, là kẻ nắm giữ những câu chuyện và tri thức. Ông thường kể lại cho những người có lòng tin vào Cựu Thần, bằng một chuỗi những câu chuyện mang tên “Đến với nước Mỹ”. Tại miền đất mới, ông điều hành nhà tang lễ Ibis and Jacquel ở Cairo, Illinois với người bạn đồng hành và cũng là một vị thần mang tên Mr.Jacquel.

Trong nguyên tác, Ibis là một vị thần “cao kều” với vầng hào quang bao xung quanh. Đa số những chi tiết về vị thần này đều được chuyển thể đầy đủ lên phim, nhưng những câu chuyện như “Đến với nước Mỹ” hay “Đâu đó trên đất Mỹ” của ông đều chỉ được dùng trong phần mở đầu tập phim hoặc giới thiệu nhân vật.

Mr. Jacquel (Chris Obi)

(Cựu Thần)

Thần Ai Cập

Mr. Jacquel có tên thật là Anubis, còn Jacquel chỉ như kiểu tên gọi mà ông muốn “chơi chữ” (jackal - loài chó rừng của Ai Cập được lấy làm hình ảnh tượng trưng cho Anubis). Là vị thần của cái chết, ông nhận trách nhiệm đưa tiễn những linh hồn về bên kia thế giới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, do tín ngưỡng đã giảm đi nhiều, ông giờ chỉ điều hành nhà tang lễ cùng với người bạn Ibis.

Trong nguyên tác, Mr.Jacquel xuất hiện lần đầu tiên trước mặt Shadow trong hình dạng một chú cho biết nói. Như rất nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết, câu chuyện của ông được mở rộng ra thêm bằng cuộc chạm trán với Laura Moon, một trong những nhân tố phiền toái của American Gods.

Jesus (Jeremy Davies)

(Cựu Thần)

Thần Cơ Đốc Giáo

Có rất nhiều Chúa Jesus trong thế giới thần thánh American Gods: một là người Tây Ban Nha, một là người da màu và một là người đã “chia sẻ” ngày lễ của nữ thần Easter.

Trong nguyên tác, Chúa Jesus không được xuất hiện nhiều, đôi khi sự xuất hiện của ngài chỉ là vài dòng được nhắc tới bởi các nhân vật. Là người chăm lo cho vạn vật, chắc chắn các vị Chúa Jesus sẽ có cơ hội được xuất hiện nhiều hơn khi chuyển thể màn ảnh nhỏ.

Ba chị em Zorya (Cloris Leachman, Martha Kelly, Erika Kaar)

(Cựu Thần)

Thần của người Slave

Vào thời kì huy hoàng, ba chị em Zorya được biết đến như những người bảo hộ của thiên đàng, họ canh giữ tất cả những mối đe dọa có thể làm nguy hại đến con người. Tuy nhiên, người chị cả, Vechernyaya (Leachman), giờ chỉ là một tiên tri cho biết vận may của con người, và bà thật sự rất giỏi trong việc này, vì đơn giản những gì bà tiết lộ chỉ là điều mà khách hàng muốn nghe. Ultrennyaya (Kelly) người chị thứ hai, chán ngán thực tại và chọn cách thu mình lại với thế giới, bà chỉ đơn giản là quan sát mọi thứ diễn ra một cách thầm lặng. Trong ba chị em, người có quyền năng nắm giữ vận mệnh thế giới chỉ có người em út Polunochnaya (Kaar), ban ngày bà thường ngủ, nhưng khi đêm đến là lúc bà nghiên cứu chuyển động những chòm sao.

Trong nguyên tác, không có nhiều điểm khác biệt của ba chị em tiên tri so với trên phim. Khác biệt nho nhỏ chỉ nằm ở nhân vật Vechernyaya, bà được thể hiện nhiều khía cạnh hơn so với bản gốc của mình.

Vulcan (Corbin Bernsen)

(Cựu Thần)

Thần La Mã

Vulcan, thần của núi lửa và luyện kim, là một trong số ít những vị thần đạt được thành công trong thế giới hiện đại. Mặc dù đã mất đi những tín đồ sùng bái mình, nhưng thay vào đó, ông lại có thêm những tôi tớ góp phần biến của cải của ông thành vũ khí, đặc biệt là trong xã hội mà kẻ có vũ khí luôn là kẻ được tôn trọng. Đạo diễn Bryan đã rất khéo léo khi lần đầu “nhá hàng” vị thần Vulcan, ông cố ý tạo hình nhân vật này có những điểm tương tự như Mr. Wednesday, để rồi hai lão già “gân” hợp tác với nhau và tạo nên những rắc rối thú vị.

Trong nguyên tác, Vulcan là một nhân vật hoàn toàn mới của thế giới American Gods, đây là vị thần được sáng tạo khi tác giả Gaiman thích thú một bức tượng trong chuyến thăm vùng Alabama. Trong chuyến đi này, tác giả còn chứng kiến cả những công nhân bị giết ngay tại nơi mình làm việc. Ông chủ của họ, kẻ sở hữu vũ khí cũng như quyền lực cho rằng đền bù cho gia đình công nhân thiệt mạng vẫn rẻ hơn là việc chi trả toàn bộ chi phí hoạt động của nhà máy. “Chúng ta đang nói đến nước Mỹ, những khẩu súng và quyền lực trong tay khi sở hữu những khẩu súng ấy. Nếu trong tay bạn một khẩu súng, nó chẳng khác gì việc có một ngọn núi lửa mini trong tay cả” - đạo diễn Bryan nhận xét. Có lẽ, thông qua nhân vật Vulcan, câu chuyện quyền lực sẽ được thể hiện bằng một cách nào đó.

Mr. World (Crispin Glover)

(Tân Thần)

Mr. World được xem như thủ lĩnh của những Tân Thần. Mặc dù vậy, sức mạnh và mục đích tham gia vào cuộc chiến của ông vẫn là một ẩn số. Sau khi để mắt đến Mr. Wednesday và nhận ra âm mưu đe dọa đến sự tồn tại của mình, ông đã bắt đầu hành động.

Trong nguyên tác, người Mỹ luôn có một nỗi sợ mơ hồ với những người thực hiện công việc xóa dấu vết của các hiện tượng siêu nhiên, những “người đàn ông vận đồ đen” trong các giả thuyết chính là cội nguồn sức mạnh Mr. World. Dưới trướng ông ta, còn có một Tân Thần khác sở hữu quyền năng mạnh mẽ với tên gọi Technical Boy.

Technical Boy (Bruce Langley)

(Tân Thần)

Thành viên trẻ tuổi nhất trong các Tân Thần, nhưng lại sở hữu quyền năng cực kì to lớn, Technical Boy biến tất cả các kiểu công nghệ và giao tiếp kĩ thuật số thành sức mạnh của mình. Vì ở hai chiến tuyến khác nhau, nên lần đầu tiên gặp gỡ giữa Shadow và Technical Boy đã không có kết cục tốt đẹp.

Trong nguyên tác, Technical Boy là một nhân vật khá thụ động với bề ngoài là một cậu bé mập, thấp người cùng với gương mặt nhiều mụn. Điều này trái ngược hoàn toàn với hình ảnh tên nhóc ngổ ngáo, xấc xược và là một tay chơi vape thứ thiệt trong phim. Dĩ nhiên, những điều như vậy phải xảy ra vì đây là một xuất phẩm của đạo diễn từng tham gia bộ phim Hannibal. Đó cũng là lí do mà ngay từ những tập đầu tiên, cảnh tượng xuất hiện của Technical Boys đã tràn ngập những cảnh máu me.

Media (Gillian Anderson)

(Tân Thần)

Media có lẽ là một trong những vị thần hài hước nhất của American Gods. Mỗi khi bà xuất hiện đều mang phong thái của cả Lucille Ball và Marilyn Monroe, và có khi còn vào hẳn chiếc tivi đang phát chỉ để thuyết phục Shadow chuyển sang phe Tân Thần. Sức mạnh của bà phần nhiều nằm ở khả năng thuyết phục hơn là quyền năng phép thuật.

Trong nguyên tác, bà có hàng tá nhân dạng, lúc thì là David Bowie, lúc khác lại hóa thân thành Judy Garland, một nhân vật rất khó xác định hình dáng thật sự.

The Buffalo

(Sinh vật thần thánh)

Trước khi Shadow trở về quê nhà để dự tang lễ của cô vợ, anh đã mơ thấy một con trâu với đôi mắt rực lửa cùng lời khuyên hãy tin vào những điều không thể. Vẫn chưa có nhiều chi tiết nhằm hé lộ thân phận của sinh vật này trong các tập đầu tiên của phim.

Trong nguyên tác: Shadow gọi sinh vật kì lạ này là Buffalo Man vì có hình dáng tương tự như Nhân Ngưu. Với thân hình của một người đàn ông có làn da bóng nhẫy, trơn tuột, sinh vật này lại có phần đầu của một con trâu, kèm theo đó là đôi mắt to ướt đẫm.

Mad Sweeney (Pablo Schreiber)

(Sinh vật thần thánh)

Ở thời hiện đại, Mad Sweeney đang dần đánh mất sự may mắn của mình, và với một yêu tinh, điều này báo hiệu sự nguy hiểm. Vốn mang bản tính phá phách nên ngay lần đầu gặp gỡ, hắn đã cố ý gây sự với Shadow nhằm thỏa mãn khát khao chiến đấu của bản thân.

Trong nguyên tác, Mad Sweeney được miêu tả với vẻ ngoài bụi bặm. Gã thường xuyên khoác một chiếc áo jean có những mảnh vá lỗ chỗ, đội một chiếc mũ với dòng chữ “Người đàn bà duy nhất mà tao yêu trên thế giới này là vợ thằng đàn ông khác… hay còn gọi là má tao”. Ngoài ra, gã còn mặc cả áo thun có dòng chữ “Nếu mày không ăn được nó, không uống được nó, không hút hay không hớp được nó, vậy thì đập ** nó luôn đi”. Không có gì ngạc nhiên khi cái khí chất “bất cần đời” này đã được đạo diễn mang đầy đủ lên phim.

Laura Moon (Emily Browning)

(Xác Sống)

Từng là con người, nhưng Laura giờ đã thay đổi thành một sinh vật mới, một thực thể tồn tại giữa sự sống và cái chết. Cùng lúc vừa săn đuổi vừa bảo vệ Shadow, cô phải vật lộn giữa hàng tá những rắc rối về sự phản bội với chồng mình, ý thức tồn tại của bản thân, cùng với đó là sức mạnh mới không còn thuộc về một người bình thường.

Trong nguyên tác, Laura có ít vai trò hơn phiên bản phim ảnh. Trong bản chuyển thể, ngoài câu chuyện thực tại, sẽ còn có cả những phân cảnh về câu chuyện bí ẩn của cô ta.

The Jinn Mouse Kraish)

(Sinh vật kì lạ)

The Jinn là một sinh vật kì lạ bắt nguồn từ ngọn lửa, kẻ có thể thấu hiểu những ước muốn sâu thẳm nhất của con người. Ẩn mình dưới vỏ bọc là một tài xế, câu chuyện của The Jinn chỉ thật sự thú vị khi hắn bắt đầu chạm trán với một người đàn ông tên Salim.

Trong nguyên tác, là một trong những câu chuyện từ chuỗi truyện kể “Đâu đó trên đất Mỹ”, The Jinn đưa người đọc đến những cảnh tượng đầy cảm xúc của bộ tiểu thuyết. Nếu bạn đang trông đợi một vị thần uy lực và cuồng nhiệt như Ifrit, chắc chắn bạn sẽ không phải thất vọng với những gì mà The Jinn đem lại.

Nguồn: Collider