Điện ảnh Tây Ban Nha - Nơi sở hữu nhiều ngọc quý chưa được nhiều người chiêm ngưỡng

Tin điện ảnh · Maii ·

Bên cạnh những đấu trường bò tót rực lửa và bầu trời đầy nắng gió, Tây Ban Nha còn là nơi có nền điện ảnh phát triển, tuy nhiên lại hiếm người biết đến, nhất là đối với khán giả ở Châu Á.

Bên cạnh những đấu trường bò tót rực lửa và bầu trời đầy nắng gió, Tây Ban Nha còn là nơi có nền điện ảnh phát triển, tuy nhiên lại hiếm người biết đến, nhất là đối với khán giả ở Châu Á. Trước đây, Moveek đã từng có bài viết về các nền điện ảnh ít người biết đến như Ấn Độ, Ả Rập, Nigeria… Dưới đây, mời các bạn tiếp tục tìm hiểu về điện ảnh Tây Ban Nha, nơi sản sinh ra nhiều tác phẩm hay không kém Âu Mỹ.

Một cảnh trong phim Goya's Ghost - Phim Tây Ban Nha có sự tham gia của Natalie Portman và Javier Bardem
Một cảnh trong phim Goya's Ghost - Phim Tây Ban Nha có sự tham gia của Natalie Portman và Javier Bardem

Nền công nghiệp phim ảnh Tây Ban Nha có nhiều tác phẩm cổ điện đậm giá trị nghệ thuật, nhưng không vì thế mà thiếu đi các bộ phim bom tấn, không ngừng phát triển theo thời gian để có thể cạnh tranh trước Hollywood. Ra đời từ cuối thế kỷ 19 vào năm 1895, Barcelona là nơi đầu tiên tổ chức triển lãm phim ở Tây Ban Nha. Những bộ phim nổi bật lúc đó được trình chiếu là phim của anh em nhà Lumière, một trong những nhà làm phim nổi tiếng nhất nước Pháp lúc bấy giờ.

2 năm sau, Tây Ban Nha có bộ phim điện ảnh đầu tiên và một trong những đạo diễn đầu tiên của Tây Ban Nha được thế giới công nhận là Segundo de Chomón. Tương tự như quá trình phát triển của phim ảnh Thế giới, vào khoảng những năm 1914, Tây Ban Nha chứng kiến sự lên ngôi của phim câm, với Un Chien Andalou (An Andalusian Dog) (1929) là một trong những phim tiêu biểu của thời kỳ này. Sau khi âm thanh ra đời, phim ảnh Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng do không thể theo kịp công nghệ và thời đại do hàng loạt bộ phim nước ngoài có âm thanh liên tục đặt chân đến đây. Lúc này đây, sự ra đời của CIFESA (Compañía Industrial Film Española S.A – Tập đoàn Công nghiệp Phim ảnh Tây Ban Nha) - do Manuel Casanova thành lập đã cứu nguy cho các công ty sản xuất phim nhỏ lẻ khác.

Một cảnh trong phim Pan's Labyrinth, phim Tây Ban Nha được xem như Alice in Wonderland dành cho người lớn của đạo diễn Guillermo del Toro
Một cảnh trong phim Pan's Labyrinth, phim Tây Ban Nha được xem như Alice in Wonderland dành cho người lớn của đạo diễn Guillermo del Toro

Trong thời nội chiến Tây Ban Nha, phim ảnh, nền công nghiệp giải trí và truyền thông được sử dụng như một phương tiện để hai phe hạ bệ đối thủ, đánh bóng tên tuổi và che giấu thông tin. Ở thời kỳ này, phim Tây Ban Nha bắt đầu phát triển đa dạng các thể loại, tuy nhiên phải chịu sự kiểm duyệt gay gắt do các điều luật liên quan đến chính trị. Nhiều nhà làm phim, diễn viên… đã bị trục xuất, phải tị nạn hoặc chịu sự trù dập từ truyền thông mà không được tự do trong việc làm nghệ thuật. Những bộ phim tăm tối, nói lên thực tại tàn khốc của xã hội lúc đó liên tục ra đời.

Sau thời kỳ này, phim ảnh Tây Ban Nha bắt đầu được tự do hơn và từ khoảng những năm 50, 60 đến nay, phim Tây Ban Nha có sự hợp tác với nhiều nền điện ảnh khác như Ý, Pháp, Mỹ. Khoảng thời gian đó, những bộ phim mang tính sử thi, mang yếu tố tôn giáo kinh phí lớn rất được ưa chuộng, như Goliath and the Barbarians – bộ phim xoay quanh Goliath, dũng sĩ của dân tộc Philistines trong thời kỳ chiến tranh giữa người Israel và người Philistines ở vùng đất được xem là Miền Đất Hứa theo Kinh Thánh. Những bộ phim như thế được làm ra để cạnh tranh với các phim Hollywood khác như phim về người anh hùng Spartacus, Samson and Delilah (Samson và Nàng Delilah) hay The Ten Commandments (10 Điều Răn Của Chúa).

Phim Kingdom of Heaven - Vương Quốc Thiên Đường
Phim Kingdom of Heaven - Vương Quốc Thiên Đường

Hay nếu thích những phim hiện đại hơn một chút, có thể bạn sẽ hứng thú với Kingdom of Heaven – Vương Quốc Thiên Đường của đạo diễn/đồng sản xuất Ridley Scott – người đã quá quen thuộc với chúng ta thông qua các phim như Gladiator, Black Hawk Down, All The Money In The WorldKingdom of Heaven là một trong những phim nói tiếng Anh có kinh phí lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Tây Ban Nha. Phim có sự tham gia của nhiều ngôi sao như Orlando Bloom, Eva Green, Jeremy Irons, Liam Neeson…, lấy bối cảnh cuộc thập tự chinh vào thế kỷ thứ 12 ở vương quốc Jerusalem – Vùng Đất Thánh. Cốt truyện sử thi cùng hình ảnh ấn tượng đã giúp phim nhận được nhiều phản hồi tích cực. Kỹ thuật quay phim được đánh giá cực kỳ tốt, khung hình rộng và mang không khí sử thi rất đáng kinh ngạc. Những cảnh chiến đấu, màu sắc và hình ảnh đều tuyệt đẹp. Âm nhạc của phim cũng đã tai không kém khi mang âm hưởng của Trung Cổ, Trung Đông, vừa hiện đại lại vừa cổ điển.

Phim Sát Thủ Vô Hình
Phim Sát Thủ Vô Hình

Gây đây, phim Tây Ban Nha tiếp tục được chú ý và đánh giá cao khi có những tác phẩm hiện đại với cốt truyện kỳ lỳ như Contratiempo (The Invisible Guest – Sát Thủ Vô Hình), xoay quanh một vụ án mạng bí ẩn cùng những sự thật ghê rợn đang chờ đợi được phơi bày. Cách tiếp cận và dẫn dắt bộ phim thông qua nhiều góc nhìn khác nhau của các nhân vật đã đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, chỉ với vỏn vẹn 4 nhân vật chính. Tuy vậy, tình tiết phim vẫn được dẫn dắt logic, tinh tế và hấp dẫn. Diễn xuất, thoại phim, hình ảnh đều hoàn toàn không thừa thãi, mang đến một bộ phim không chỉ đơn giản là giải trí, mà còn là hồi hộp và cho thấy cách làm phim thông minh.

Xác Chết Trở Về - phiên bản Hàn Quốc của phim Tây Ban Nha The Body
Xác Chết Trở Về - phiên bản Hàn Quốc của phim Tây Ban Nha The Body

Hoặc một bộ phim trinh thám khác cũng kịch tính không kém là The Body – Xác Chết Bí Ẩn, ra mắt năm 2012, xoay quanh công cuộc tìm ra sự thật của một thanh tra khi xác chết của một người phụ nữ biến mất khỏi nhà xác một cách bí ẩn. Căng thẳng và nghẹt thở là những mỹ từ được dùng để miêu tả The Body. Cũng chính bởi vì mức độ hấp dẫn của nó mà mới đây, Hàn Quốc đã quyết định mua bản quyền bộ phim này và “Hàn hóa” nó, cho ra đời The Vanished – Xác Chết Trở Về. Những nhân vật được xây dựng có mục đích và hoàn toàn không hề thừa thãi, mang đến cho người xem rất nhiều câu hỏi, rất nhiều giả thuyết khiến khán giả luôn phải chăm chú theo dõi từng tình tiết phim để xem cuối cùng, ai mới thực sự là hung thủ.

Đây được xem như phiên bản thành công của The Body do truyền tải được đúng chất kịch tính của bộ phim gốc. Từng nhân vật, từng góc quay đều có thể kết nối chặt chẽ với nhau, không có kẽ hở. Tuy vẫn không thể xuất sắc bằng bản gốc, nhưng bản Hàn vẫn có những thành công riêng và quan trọng là đã mang đến cho khán giả một bộ phim đáng đồng tiền bát gạo.

Thế mới biết, không cần phải gắn mác Hollywood mới có thể khiến dân tình chú ý. Quan trọng là chất lượng trong nội dung, trong diễn xuất, trong hình ảnh, những yếu tố này lúc nào cũng quan trọng, dù bộ phim đó có là phim Ấn, phim Iran hay phim Tây Ban Nha. Nếu bạn đã từng xem một phim Tây Ban Nha nào đó cực kỳ hay nhưng chưa nhiều khán giả Việt biết đến, thì hãy để lại bình luận và gợi ý ngay phía dưới nhé.