Gạo Chợ Nước Sông - Đạo diễn Tuấn Anh mạo hiểm khi làm phim về đề tài Cải Lương

Tin điện ảnh · Moveek ·

Chuyện phim lấy mốc thời gian thập niên 60 đến 70 của thế kỷ trước, tái hiện lại không gian xưa và là một giai đoạn cực thịnh của nghề hát để rồi trầm luân rày đây mai đó.

Bằng lòng tự hào về lịch sử và những giá trị nghệ thuật Cải Lương truyền thống, The Ocean Company do diễn viên Phi Ngọc Ánh sáng lập và giữ quyền Giám đốc dự án điện ảnh Gạo Chợ Nước Sông với mong muốn tạo ra một tác phẩm điện ảnh nhằm “ôn cố tri tân”, nhằm kính tưởng công đức tiền nhân khai sáng nền nghệ thuật truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc Việt Nam nói chung, Văn hóa Nam Bộ nói riêng. The Ocean Company đã chọn đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh - người có thế mạnh với dòng phim cảm xúc và có khả năng khai thác rõ nét văn hoá dân tộc – làm “thuyền trưởng” cho dự án Gạo Chợ Nước Sông. 

Bên cạnh ý niệm đẹp đẽ của một người trẻ muốn thực hiện một tác phẩm để ca ngợi bộ môn nghệ thuật truyền thống, Gạo Chợ Nước Sông còn nhận đước ủng hộ lớn từ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi đồng ý cho The Ocean Company phóng tác từ truyện ngắn Cuối Mùa Nhan Sắc. Gạo Chợ Nước Sông sẽ do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc và đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chắp bút xây dựng kịch bản. Cũng là một vinh dự và may mắn cho e-kíp sản xuất là dự án Gạo Chợ Nước Sông đã nhận được sự quan tâm và đầu tư sản xuất của Hãng phim Thiên Ngân. 

Nghe đến cụm từ “Gạo Chợ Nước Sông”, người ta dễ dàng liên tưởng ngay đến đời sống thương hồ của những con người nặng nợ nghiệp duyên với sông nước, cụ thể lần này là những ghe hát cải lương xuôi dọc trên những nhánh sông chằng chịt của miền châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. 

Chuyện phim lấy mốc thời gian thập niên 60 đến 70 của thế kỷ trước, tái hiện lại không gian xưa và là một giai đoạn cực thịnh của nghề hát để rồi trầm luân rày đây mai đó. Đây là thời điểm sân khấu cải lương đã hoàn thiện từ ca diễn, cách dàn dựng và hình thành những gánh hát đại bang với đào kép ca hay diễn giỏi lẫy lừng khắp Nam Bộ. Thời điểm với những cô đào sáng giá như Thanh Nga, Bích Sơn, Ngọc Nuôi, Lan Chi, Ngọc Giàu, Lệ Thuỷ, Phương Liên, Mỹ Châu ..., những anh kép hào hoa vừa ca mùi vừa diễn hay như Út Trà Ôn, Việt Hùng, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Sang, Tấn Tài.... 

Lấy cốt truyện Cuối Mùa Nhan Sắc làm điểm tựa chuyện phim xoay quanh đời sống nghề sân khấu Cải Lương trong những mùa hát tỉnh dong ghe đi khắp miền Tây Nam Bộ của các gánh hát đại bang, khi đó đã sinh ra những mối tình đời thực và lung linh mộng ảo của sân khấu. Ở đó còn có những nỗi đau đớn, mất mát, hy sinh cháy bỏng cho nghiệp tằm để rồi về chiều khi thanh sắc phai tàn thì tất cả lại hiện lên một quá khứ huy hoàng lộng lẫy nhưng đầy đắng cay nghiệt ngã.

Phim sẽ khai thác sâu đời sống, sinh hoạt đặc trưng người nghệ sỹ sân khấu trong những đoàn hát xuôi ngược trên sông nước miền Tây Nam Bộ xưa. Khắc họa lại vài nét văn hoá đã mất, mơ hồ chỉ còn lại trong trí nhớ của những nghệ sỹ về chiều để cho ta thấy rằng sân khâu cải lương xưa đẹp long lanh bằng sự vàng son vang bóng qua từng câu chuyện của anh kép cô đào. Cũng thông qua đó, khán giả còn thấy giá trị của Cải Lương Nam Bộ xưa đậm tính nhân văn, thấy những giá trị cao quý luôn hướng đến chân-thiện-mỹ qua từng nội dung vở diễn, qua từng tiếng đàn, câu ca, cách đưa hơi nhả chữ đầy tính điệu nghệ của người nghệ sỹ xưa sống chết với nghề.

Đây cũng là đề tài đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh ấp ủ 4 năm qua từ khi đọc được tác phẩm  này. Vốn là đề tài giàu chất liệu nhưng khó khai thác khi đưa lên màn ảnh rộng, tuy nhiên đối với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thì lại là lợi thế vì anh đã từng hoạt động với tư cách là tác giả đạo diễn sân khấu từ 2008 đến 2015. Được biết, Huỳnh Tuấn Anh đã viết và dàn dựng tác phẩm cải lương ở liên hoan Sân Khấu Đạo Diễn Trẻ toàn quốc 2013. 

Một trong những điều khó cho đoàn làm phim và cũng là lí do dự án Gạo Chợ Nước Sông vẫn chưa công bố dàn diễn viên chính thức vì cần phải tính toán rất kỹ cho việc chọn lựa diễn viên phù hợp với hình tượng nghệ sỹ tài danh xưa, phải biết ca diễn và nhuần nhuyễn vũ đạo Cải Lương, phải am hiểu rõ giá trị không gian, thời gian và chủ thể văn hóa xưa.

Ngoài ra ekip thực hiện dự án Gạo Chợ Nước Sông còn kết hợp với ban Ái Hữu Tương Tế Nghệ Sỹ Sân Khấu (trực thuộc Hội Sân Khấu Thành Phố HCM) cùng các mạnh thường quân tổ chức chúc tết và tặng quà tết cho nghệ sỹ neo đơn đang sống tại Viện Dưỡng Lão nghệ sỹ và các nghệ sỹ có hoàn cảnh khó khăn ở ngoài viện. 

Theo sách Hồi ký 50 năm mê hát Cải Lương của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển (NXB Trẻ - trang 28-29), tính từ ngày 16.11.1918 tuồng cải lương đầu tiên do Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh) và Trương Duy Toản sáng tác vở “Gia Long Tẩu Quốc, Pháp- Việt nhứt gia” được công diễn tại nhà hát Tây Sài Gòn (tức Nhà Hát Thành Phố ngày nay) được xem là tác phẩm đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật Sân Khấu Cải Lương và đến 2018 vở tuồng tròn 100 tuổi. Trước đó, nghệ thuật Đờn ca tài tử cải lương (thành tố cốt lõi tạo ra sân khấu cải lương Nam Bộ sau này) là món ăn tinh thần của người dân từ thành thị đến nông thôn trong các tiệc tùng quan- hôn- tang- tế, khai bằng- khánh hạ, hoặc trong lúc lao động và cả khi vui chơi thư giản cũng có tài tử cải lương hiện diện. Đờn ca tài tử cải lương từng được đưa đi công diễn tại hội chợ thuộc địa Marseille (Pháp) vào năm 1906, khi đó phương Tây nồng nhiệt đón xem, tìm hiểu và lưu trữ nhiều tư liệu quý giá, và gần đây đã được Unesco công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại năm 2013.

Gạo Chợ Nước Sông dự kiến bấm máy vào tháng 06/2018 và phát hành trong năm 2018